Theo tin của Andrea Gagliarducci thuộc CNA/EWNT News, Giáo Sư Gilfredo Marengo nói rằng “Chúng ta được kêu gọi chào đón Thông Điệp Sự Sống Con Người như nó hiện là và áp dụng nó bằng một kế hoạch mục vụ thông minh”.



Vị giáo sư trên vốn đứng đầu một nhóm nghiên cứu của Tòa Thánh về thông điệp “Sự Sống Con Người” của Chân Phúc Phaolô VI. Ông nhấn mạnh rằng thông điệp này “không cần bất cứ cập nhật nào”.

Giáo Sư Gilfredo Marengo, thuộc Giáo Hoàng Thần Học Viện Nghiên Cứu Hôn Nhân và Gia Đình, nói với CNA tại buổi ra mắt cuốn sách mới nhất của ông tựa là Chiesa Senza Storia, Storia Senza Chiesa (Giáo Hội Không Có Lịch Sử, Lịch Sử Không Có Giáo Hội), một cuốn sách nhằm thăm dò các hệ quả và hậu quả của Gaudium et Spes, tức hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay của Công Đồng Vatican II.

Ông nói với CNA rằng theo các nghiên cứu của ông, “một trong các nút thắt lớn lao nhất trong việc soạn thảo thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) thực sự là nút thắt vượt quá sự phân cực giữa các vấn đề tín lý và mục vụ”.

Giáo Sư Marengo nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI “chú trọng tới sự hiểu biết này và đã cố gắng rất nhiều để lái thông điệp ra khỏi sự phân cực ấy”.

Theo ông, điều chẳng may là sự phân cực trên đã gia tăng trong mấy năm qua, nhưng ông nói thêm rằng “Không thể giải quyết vấn đề bằng cách tưởng tượng ra một tín lý mới hay một hoạt động mục vụ mới, nhưng là vượt quá sự phân cực”.

Giáo Sư Marengo nhấn mạnh rằng “Humanae Vitae là một văn kiện có thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo, và là một thành phần của Thánh Truyền. Chúng ta được kêu gọi chào đón nó như nó hiện là và áp dụng nó bằng một kế hoạch mục vụ thông minh”.

Dù là “thông điệp được thảo luận nhiều nhất trong 50 năm qua”, nhưng theo Giáo Sư Marengo, nó “không hề cần được cập nhật”.
Cuối cùng, theo Giáo Sư, mọi cuộc thảo luận có thể được lồng vào cuộc tranh luận tổng quát diễn ra sau Công Đồng Vatican II.

Giáo Sư Marengo đứng đầu một nhóm nghiên cứu nhằm điều tra theo phương pháp phê phán sử học việc soạn thảo thông điệp này. Mục đích để tái dựng, bao nhiêu có thể, toàn bộ diễn trình soạn thảo văn kiện.

Như đã được nhiều người biết đến, việc soạn thảo Humanae Vitae chịu nhiều áp lực trước khi được công bố, thậm chí cả sau đó nữa.

Ngoài Giáo Sư Marengo ra, nhóm nghiên cứu này còn bao gồm Đức Ông Pierangelo Sequeri, Viện Trưởng Học Viên Gioan Phaolô II, Philippe Chenaux, Giáo Sư Giáo Sử tại Giáo Hoàng Đại Học Lateran University, và Đức Ông Angelo Maffeis, đứng đầu Học Viện Phaolô VI ở Brescia.

Năm 2017, Giáo Sư Marengo nói với các phóng viên rằng Nhóm được phép sử dụng các Văn Khố Mật của Tòa Thánh giữa thập niên 1960, tức thời gian đang soạn thảo Humanae Vitae.

Giáo Sư cho CNA hay: “Công Đồng Vatican II đã làm dễ việc giải quyết sự phân cực hóa giữa các vấn đề tín lý và mục vụ”.

Ông cho biết thêm: Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đầu tư khá nhiều vào việc giải quyết này”; ông nói rằng “một trong các khía cạnh có ý nghĩa nhất trong tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài là vị giáo hoàng hậu công đồng đầu tiên: mọi vị giáo hoàng gần đây đều tham dự Công Đồng, nhưng vị giáo hoàng này thì không, nên ngài có thể nhìn Công Đồng bằng một quan điểm ít xúc cảm hơn”.