40 ngày chay tịnh



Giống bên Hồi Giáo có tháng Ramada, thì bên Công Giáo có 6 tuần chuẩn bị ‘đại lễ hàng đầu’ kỷ niệm Chúa Ky Tô phục sinh từ cõi chết. Bắt đầu bằng lễ xức tro trên trán các tín hữu, biểu tượng sự yếu hèn chóng qua của thân phận con người. “Hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro”. Suốt thời gian này, giáo dân được nhắc nhở mình phải sửa đổi các khuyết điểm của tâm hồn, sửa sang lại đời sống thiêng liêng cho hợp với giáo huấn của ‘phúc âm’ Chúa. Trong các thánh đường, màu tím ‘thống hối’ được nổi bật. Hoa được chưng rất giới hạn. Chuyện ca hát vui tươi cũng chuyển thành lời kêu gọi ‘ăn năn cải tà quy chính’.

Mùa Chay là mùa trở về, sám hối, tha thứ, cầu nguyện và làm phúc bố thí. Con người mang thân phận mỏng dòn, yếu đuối và tội lỗi, cho nên sự trở về với nguồn Yêu Thương, nguồn Sức Mạnh và nguồn Ánh Sáng của Thiên Chúa thật là cần thiết. Trở về để được Chúa yêu thương; trở về để được Ngài tha thứ; trở về để được Chúa đổi mới và chữa lành và trở về để thấy rằng mình luôn yếu đuối và nhận ra mình luôn cần đến Chúa.

Lời Chúa qua tiên tri Giô-en trong sách thánh Cựu Ước : "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng". Cần trở về với tâm hồn than khóc, sám hối ăn năn với cả trái tim. Thiên Chúa luôn nhìn những gì bên trong con người; ngược lại con người thì thường nhìn những gì ở bên ngoài. Hãy trao chiếc áo tâm hồn rách nát, sầu khổ, tội lỗi cho Chúa để Ngài thanh tẩy, chữa lành, và ban tràn đầy ơn cứu độ cho chúng ta.

Những lời khuyên nhủ cụ thể :



“Là một người tốt trong xã hội thì sẽ tránh không phạm những điều xấu mà xã hội nghiêm cấm. Ví dụ, như không xúc phạm đến ai, không làm hại ai, không ăn gian nói dối, không gian ác, không khinh thường người khác, không vu khống, không lường gạt, không hối lộ... Nếu tôi chỉ có thế, tức là “không” phạm điều xấu xa bị ngăn cấm, thiết tưởng tôi chỉ là một công dân tốt về mặt xã hội.

Nhưng nếu tôi đi thêm một bước bằng cách “không” làm điều xấu xa mà lại cố gắng “có” làm nhiều điều tốt như tham gia các công tác thiện nguyện, quyên góp, giúp đỡ và chia sẻ với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ bần cùng trong xã hội, thì tôi trở thành một người quảng đại có lòng nhân ái biết thương người. Như vậy từ một người không phiền hà đến ai, tôi đã trở thành một người có lòng nhân ái. Tôi tưởng tôi đã làm tròn bổn phận và sống đạo đầy đủ. Nhưng tôi đã lầm vì vẫn còn thiếu sót một cái gì rất quan trọng đến độ có giá trị cứu độ tôi và người khác. Ðó chính là bong dáng Ðức Kitô. Tôi phải là người Công Giáo “không” làm điều xấu, “có” làm điều tốt nhờ Ðức Kitô, với Ðức Kitô, và trong Ðức Kitô. Như thế mới thực sự là đức ái Kitô Giáo. Ðối với Thánh Phaolô thì dù tôi chia gia tài cho người khác, hoặc ngay cả đến hiến mạng sống mình vì người khác mà không có đức ái thì tôi vẫn chẳng là gì cả. Ðiều đó có nghĩa là chia sẻ, cho đi, mà nếu không làm vì Chúa, thì vẫn chưa là Ðức ái Kitô Giáo.

Mùa Chay, Giáo Hội dạy chúng ta ăn chay, hãm mình để tập sống “không” ăn uống say sưa, “không” hưởng thụ, “không” dùng thời giờ, tiền bạc, sức khỏe cho mình nhiều. Nhưng chúng ta nên dành phần “có” dư ra cho việc bác ái, chia sẻ với tha nhân theo gương và lời dạy của Ðức Kitô, nhất là theo tinh thần của Thánh Lễ, mà cao điểm chính là khi linh mục giơ cao Thánh Thể (Mình và Máu Chúa), miệng đọc lời tung hô: “Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô..”. Nói một cách cụ thể cho dễ hiểu thì một người Công Giáo tốt lành phải “có” tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, phải “có” nghe Lời Chúa và rước Thánh Thể. Phải tránh “không” làm điều lỗi giới răn Chúa và Giáo Hội. Ðặc biệt là phải “có” những hành động bác ái theo tinh thần Kitô Giáo, nhờ Lời Chúa hướng dẫn và ơn Thánh Thần thúc đẩy. Ngày phán xét Chúa chỉ hỏi về những việc tốt lành chúng ta đã “có” thực hiện cho anh em mà thôi ”.

Lịch sử Mùa Chay :



Trong thế kỷ II các tân tòng ăn chay hai ngày trước khi được Rửa Tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Từ từ thời gian chuẩn bị và ăn chay kéo dài 2, 3 và 4 tuần. Trong thế kỷ V Giáo Hội thêm lễ Tro là một nghi thức dành cho tội nhân[1] đang hoán cải và sẽ được hòa giải ngày thứ Năm Tuần Thánh. Như vậy các tân tòng và tội nhân là các ‘nhân vật quan trọng’ trong Mùa Chay đầu tiên. Lời nguyện và bài đọc của Mùa Chay thường nhắc đến tân tòng đang chuẩn bị chịu phép Rửa Tội và tội nhân đang xin được hòa giải. Rồi sau thì Mùa Chay được áp dụng cho mọi tín hữu. Thực sự mọi Ki-tô hữu đã từng là ‘tân tòng’, nên cần đi lại và đào sâu con đường đã dẫn đến phép Rửa Tội trước đây; cũng vẫn là ‘tội nhân’ nên được mời xức tro và tích cực tham gia vào Mùa Chay để ăn năn sám hối, và chuẩn bị lập lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội.

Công Đồng Vat II muốn đem lại đặc tính đích thực cho Mùa Chay: “Hai đặc tính của mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó:

a) Những yếu tố về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được sử dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập.

b) Còn các yếu tố về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các tín hữu, không những các hậu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò của Giáo Hội trong tác động sám hối và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội nhân”.

“Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như tùy hoàn cảnh các tín hữu.”

Cùng Chúa Ky Tô sống lại :



Trước hết chúng ta cử hành tuần thánh, bắt đầu sự kiện Chúa vào thành Giê ru sa lem . Dân chúng đón rước Chúa, nhưng Người không vui vì biết trước lòng dạ của họ đổi thay mau chóng. Người tiên báo thành sẽ bị phá hủy, bởi dân không nhận ra ‘thời ân sủng’ với họ. Thế rồi chuyện Chúa ăn lễ Vượt qua cùng các môn đệ, rửa chân cho họ và dạy dỗ những điều cao cả nhất. Giu Đa phản bội đi bán Chúa. Cảnh Chúa sầu não trong Vườn Dầu, trước khi bị bắt và chịu nhục hình. Phi La Tô xử án khiến Chúa bị đóng đinh vào thập giá, giữa 2 tên cướp.

Trước khi tắt thở, Chúa phán 7 lời trên thánh giá, xin Chúa Cha tha cho kẻ giết Ngài. Kế đó là việc tang xác Chúa trong mồ đá. Họ đặt quân lính La Mã canh mồ. Nhưng phép lạ đã xảy ra vô tiền khoáng hậu : Ngày thứ 3 Chúa đã sống lại vinh hiển. Ngôi mộ thành trống hoàn toàn. Có sứ thần hiện ra xác nhận. Có nhiều nhân chứng hiện diện. Có nhiều biến cố lạ thường nối tiếp nhau. Ngài hiện ra nhiều lần an ủi và dạy dỗ các môn đệ. Ngài cũng lập Giáo hội và đặt tông đồ Phê-Rô làm đầu. Sau 40 ngày, Ngài thăng thiên về Trời long trọng, sau khi sai các môn đệ đi rao giảng tin mừng Phúc Âm cho khắp thế giới. Ngài hẹn sẽ trở lại phán xét trần gian trong dịp ‘tận thế’.

Sứ điệp chính của đại lễ Phục Sinh là tâm tình biết ơn Chúa ‘đã dùng cái chết để cứu chuộc nhân loại’, và kế đó là dâng lên Ngài một niềm tin son sắt, kèm theo lòng mến thiết tha. Sau 6 tuần thống hối sửa mình của mùa chay, bây giờ chúng ta phải sống cuộc sống mới trong ân sủng của Chúa, phải dứt khoát xa lánh tội lỗi cũng như học cách tập tành nhân đức hàng ngày. Nói theo kiểu ‘tu đức’ là học chết cho tội lỗi và phục sinh với Chúa trong tâm hồn.

Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.

Chúng ta đã được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh. Nhờ phép Rửa, chúng ta đã được tham dự vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, được mang mầm sống mới trong mình (thành ra người Tây Âu lấy hình ảnh con thỏ và trái trứng để nói lên đây là mùa của ‘mầm sống dồi dào sung mãn). Mầm sống ấy phải lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày, và sẽ đưa chúng ta vượt qua chính cái chết tự nhiên của con người, để vào cuộc sống vinh quang với Chúa Kitô. Sự sống của chúng ta, vinh quang của chúng ta được dấu ẩn trong Chúa Kitô. Hiện giờ chúng ta chưa thấy vinh quang ấy như thế nào, nhưng khi Chúa Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ thấy. Vì Ngài thế nào thì chúng ta cũng sẽ giống như vậy.

Linh mục Giuse Nguyễn văn Thư