Giấc mơ ‘cõi phúc’ :



Ngày chạy tỵ nạn và đặt chân được tới Mỹ, chúng ta thầm nghĩ và thiên hạ cũng bảo chúng ta được may mắn vào chốn thiên đàng. Nhưng rồi qua thời gian, bà con ta mới nhận ra đây chỉ là ‘thiên đàng giả’. Nhiều gia đình thiếu may mắn còn ví nơi đây đang trở thành ‘hỏa ngục’ nữa !

Kinh thánh đạo Chúa kể về chốn ‘địa đàng’ của 2 ông bà nguyên tổ Adam và Eva : Một cõi sung sướng tuyệt vời, không khổ đau, không lo lắng, không bệnh tật và không cả phải chết. Chỉ tiếc cõi ấy đã không kéo dài, do tội bất tuân lệnh Chúa, nên ông bà bị đuổi ra khỏi ‘khu vườn’ hạnh phúc ấy, và rồi cũng để lại bao hệ lụy phiền toái cho đàn con lũ cháu dài lâu…

Dĩ nhiên đây chỉ là hình ảnh ‘tượng trưng và hữu hình’ mong diễn tả chốn thiên đàng ‘thứ thiệt’ : Thánh kinh còn nói xa gần rằng ‘thiên đàng thật’ còn hơn cả một ‘nơi chốn’, nghĩa là một trạng thái ‘phi vật chất’ mà trí óc ta ngày nay chỉ ‘phỏng đoán’ ra phần nào cái hạnh phúc khi được bước vào. Dĩ nhiên hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên cạnh Chúa.

Còn nhà Phật thì nói về cõi niết bàn ta mong được vào thế này : người nào may mắn được sanh vào một trong các cõi phước, là nhờ vào thiện nghiệp của họ (được tích lũy trong những kiếp làm người trước đây). Chuyện tái sanh xảy ra trong những hình thức hiện hữu khác nhau, và tùy vào nghiệp lực của chính họ, mà không do sự ảnh hưởng của bất kỳ đấng siêu nhiên nào. Nhưng không ai có thể ở mãi trong những cảnh giới này, bởi vì năng lực thiện nghiệp của họ thì có hạn, và khi nó cạn kiệt họ phải xoay chuyển theo nghiệp tích lũy trước đó. Do đó Phật giáo nói rằng thiên giới và địa ngục không phải là những nơi chốn vĩnh hằng, mà chúng sanh có thể thọ hưởng hay gánh chịu mãi mãi.

Vào thời cổ, người ta nhắc tới chuyện ‘Utopia’ : cõi hạnh phúc lý tưởng của một xã hội tuyệt đối hạnh phúc. Nơi đó, tôn giáo cởi mở, mọi người đều hăng say lao động, của cải là thuộc về cộng đồng, những thói xấu và các ác không hề tồn tại…Cái địa đàng không tưởng Utopia cho tới hôm nay vẫn luôn vẫy gọi bao tâm hồn đi tới, không ngừng nỗ lực vì một xã hội ngày mai tốt đẹp hơn, công bằng hơn cho tất cả. Chi tiết được tác giả là chính thánh Thomas More ráng viết lên (thành một truyện giả tưởng) để kêu gọi con người cùng nhau tiến về mục tiêu cao đẹp này. Tập sách thiết kế một chế độ chính trị và xã hội có khả năng giúp cho con người được no ấm và hạnh phúc. Nó khẳng định rằng con người chính là rào cản của chính mình, bắt nguồn từ lòng ngạo mạn, ý thích được hơn người, được coi là quan trọng, vốn bắt rễ rất sâu trong mỗi cá nhân. Những giải pháp cho mọi vấn nạn nhân gian trong Utopia đưa ra những ước mơ và nền tảng tư tưởng, đã thật sự làm kinh ngạc và xúc động lòng người. Chữ “UTOPIA” đã trở thành một danh từ trong ngôn ngữ của nhiều nước, đứng tên cho cái mơ ước triền miên của nhân loại, trên con đường tự hoàn thiện mình để tạo hạnh phúc thật.

Cõi vĩnh hằng thật mai sau :



Giáo huấn Công Giáo về thiên đàng được trình bày trong Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo: "Những ai chết trong ân điển và tình bằng hữu của Thiên Chúa sẽ được thanh tẩy hoàn toàn và sống đời đời... Sự sống trọn vẹn này với Thiên Chúa được gọi là thiên đàng. Đó là mục tiêu tối hậu và là sự ứng nghiệm đầy trọn những khao khát sâu xa nhất của con người, là tình trạng phước hạnh tuyệt đối và vĩnh hằng."

Sau khi chết, mỗi linh hồn phải đối diện với "sự phán xét riêng tư", để hoặc được vào Thiên đàng ngay, hoặc tạm phải thanh luyện nơi Luyện ngục (Purgatory), hoặc vô phước chịu phạt vào Hỏa ngục. Ý niệm này khác với "sự phán xét chung" hoặc "sự phán xét sau cùng" khi Chúa Giê Su trở lại để phán xét mọi kẻ sống và kẻ chết.

Thiên đàng là nơi chốn dành cho những ai đã được thanh tẩy, nên người chết trong tội lỗi không được phép vào. ”Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống đời đời với Chúa Kitô. Họ đời đời giống Thiên Chúa, vì họ sẽ nhìn thấy Ngài mặt đối mặt”.

Thiên đàng chính là trạng thái hoàn toàn viên mãn tuyệt đối. Thuộc sở hữu của Thiên Chúa trong thị kiến vinh phúc, mà các Thánh được trải nghiệm những gì không thể diễn tả bằng lời; một sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, trổi vượt hơn bất cứ điều gì ta có thể hình dung. Chính vì sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa trong Đức Kitô, các Thánh cũng sẽ trải nghiệm sự hiệp thông với các chi thể khác thuộc Nhiệm Thể Đức Kitô.. Dựa vào hình dung của Thánh Phaolô, sự hiệp thông các chi thể thuộc Đức Kitô trọn vẹn hơn sự hiệp nhất giữa ngón tay với bàn tay, vì Đức Kitô, Đấng làm cho mọi chi thể của Ngài nên một.

Thánh tiến sĩ Tôma Aquinô cũng giúp chúng ta có được ý niệm sự vinh quang Thiên Đàng : trí năng của chúng ta sẽ được Thiên Chúa soi sáng, để chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng thị kiến vinh phúc, có khả năng hiểu được nhiều mầu nhiệm cao siêu khác.

Thiên đàng ở giữa chúng ta :



Thiên Đường là nơi không có sự xấu xa, không có sự bất công và ghét ghen, Thiên Đường là nơi tốt đẹp của những linh hồn đã được thanh tẩy bằng máu Chúa Giê-su : nơi có tràn đầy tiếng cười , niềm vui , bình an và hạnh phúc, nơi đó mọi người là anh chị em với nhau, nơi không còn tội lỗi, nơi tràn đầy tình yêu thương. Đó chính là mục đích phấn đấu của những ai có lòng thương yêu người xung quanh, và luôn Tin , Cậy và Mến Chúa.

Thế nghĩa là gì ? Ta có thể dựng xây Thiên đàng ngay khi còn ở trần gian. Điểm cốt cán là có sự diện diện của Chúa trong đời mình. Chính Chúa Giê-su từng nói “Nước Trời ở giữa các con”. Tập sách ‘Utopia của thánh Thomas More muốn nhắc chúng ta về cái khả năng tạo một thứ ‘thiên đàng hạ giới’ ngay bây giờ. Nếu như thiên đàng là nơi có Chúa, thì chung quanh ta với những va chạm hằng ngày, trong những sự kiện xảy đền, đâu đâu cũng lộ ra hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương hiện diện. Ngay cả trong những lúc con người thất vọng não nề, hay khổ đau cùng cực, thì lời Chúa, tức là sự hiện diện của Chúa cũng kề bên: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai đang mang ách nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”. Tình yêu đó không giới hạn trong một không gian nhỏ bé, sự hiện diện đó không ràng buộc trong một yếu tố vật lý, nhưng chan hòa trong từng ngóc ngách của kiếp nhân sinh, bởi Thiên Chúa vui thích ở giữa con cái loài người.

Mai-sen lên núi gặp Đức Gia-vê ít ngày, mà khi xuống thì khuôn mặt toả ra hào quang. Phêrô được thấy tí vinh quang Thabor đã xin làm lều ở lại…Còn Đấng sang trọng vô đối ấy lại từ bỏ cái nơi cao ‘chín tầng’, mà ‘đi xuống’ với con người, và vui sướng được ở với con cái loài người. Đấng ở thiên đàng đã mang cả thiên đàng đến trần gian, và tặng không cả thiên đàng ấy cho con người.

Thiên đàng đã ở trong ta, Thiên Chúa ở cùng ta. Cảm nghiệm được điều đó thì hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại biết bao. Ta sẽ sống như Chúa sống, ta sẽ cư xử với nhau như với Chúa, ta sẽ làm việc cùng với Chúa, ta đón nhận buồn phiền đau khổ cùng với Chúa, ta thờ phượng và tin yêu cùng các thánh nhân, và ta biết mình không lạc lõng, khi gắn bó đời mình với một thiên đàng ngay tại trần thế.

Nói gọn nhẹ thế, nhưng đường vào thiên đàng chắc không phải đường cao tốc luôn êm ái dễ dàng. Đấng có kinh nghiệm nhiều nhất về ‘thiên đàng hạ giới’ đã tâm sự rằng phải đi qua cửa hẹp, phải vác thập giá, phải từ bỏ mình…nhưng rồi người ấy cũng bật mí rằng ai sắm cho mình cái căn cước có đóng dấu ‘Tình Yêu’ đỏ chót, kèm theo túi hành trang càng nhỏ càng tốt, trong có đựng đầy lòng tin, sự phó thác và tâm hồn thanh khiết…Lúc đó chẳng phải là mình phải tự đi vào thiên đàng, mà sẽ có đấng ‘cõng trên lưng’ hoặc chở vào trên cánh phượng hoàng.

Chúa muốn ở với chúng ta, nhưng chúng ta có chấp nhận để cho Chúa ở cùng, hay cứ tìm cách loại trừ Ngài, để bám víu vào một ‘thiên đàng không có Chúa’? Chúng ta đều nhớ lời Chúa dạy rõ ràng rằng cần phải tìm kiếm nước Đức Chúa Trời ngay bây giờ, trong đời trên đất này. Ngài ban lời hứa cho chúng ta, để khi tìm kiếm nước Trời, thì sẽ nếm trải được ơn phúc kỳ diệu, sự chu cấp ơn siêu nhiên từ Chúa. Điều này sinh ra những kết quả cao quý rất thực tế trong cuộc sống đời thường.

Nước Trời là vườn hạnh phúc đang ở ngay đây, nơi có Chúa hiện diện. Nước Trời là bến bờ hạnh phúc không ở đâu xa, mà nằm trong chính bản thân ta, khi ta đón nhận Con Thiên Chúa làm người. Đón nhận Ngài là đón nhận niềm vui của sám hối, của canh tân, của sự đổi đời cho mỗi ngày mỗi tốt hơn.

Hãy bắt đầu rủ nhau tìm kiếm nước Chúa và sự công chính Ngài ngay trong lòng mình và ngay bây giờ. Hãy quyết tâm tuân phục và làm theo ý chỉ của Chúa, thay đổi tâm tư mình cho hợp ý Ngài, từ những việc nhỏ bé nhất. Dần dần, chúng ta sẽ lớn lên trong nhận thức về Chúa và đường lối Ngài, khi đó ơn thiêng sẽ giúp biến đổi con người bên trong, để rồi ‘nước thiên đàng’ sẽ càng mở rộng trong lòng, và đời sống chúng ta sẽ đem lại kết quả thật bất ngờ. Một chi tiết cốt yếu : Hãy biết gặp Chúa qua việc cầu nguyện : Gặp Chúa qua hình thức cầu-nguyện, nhất là cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, sẽ giúp ta có thể hình dung ra Thiên-đàng là thế nào. Cái chân-lý ‘Có Chúa là có Thiên-đàng’ phải được thể-hiện thực tế nhất ở việc ta liên kết mật thiết với Ngài qua lời kinh-nguyện.

Muốn được hưởng phúc thiên đàng mai sau, chúng ta phải liên tục chuẩn bị thiên đàng ngay từ trần gian này.

LM Giuse Nguyễn Văn Thư