"Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án." (Mt 12:35-37)

Biến cố quan trọng đối với giới truyền thông trong tuần lễ qua là việc công bố một Thông Điệp quan trọng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II với tựa đề Những Phát Triển Nhanh Chóng. Tông thư này đã được đưa ra nhân kỷ niệm 40 năm công bố Sắc Lệnh của Công Đồng Chung Vatican II “Inter Mirifica” (Giữa Những Điều Kỳ Diệu), do Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, công bố ngày 4/12/1963.

Thông Điệp của Đức Thánh Cha tái bày tỏ thái độ tích cực của Giáo Hội đối với truyền thông. "Giáo Hội tìm thấy nơi các phương tiện truyền thông một sự trợ giúp quý báu cho việc truyền bá Tin Mừng và các giá trị tôn giáo, cho việc cổ võ đối thoại, sự hợp tác đại kết và liên tôn, và cho cả sự bảo vệ những nguyên tắc cứng rắn thiết yếu cho việc kiến tạo một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú ý đến thiện ích chung". Đặc biệt, vai trò của truyền thông càng quan trọng hơn "trong một thời đại như thời đại chúng ta hiện nay, trong đó tồn tại xác tín cho rằng thời của những điều chắc chắn đã chìm sâu trong quá khứ. Thật vậy, nhiều người tin rằng nhân loại phải học cách sống trong bầu khí thống trị bởi sự vô nghĩa, bởi sự tạm bợ và chóng qua."

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng "các phương tiện truyền thông có thể được dùng 'để công bố Tin Mừng hay bắt Tin Mừng phải câm nín trong lòng người'. Vì vậy, "Thông hiểu về các phương tiện truyền thông không chỉ giới hạn trong phạm vi những người có khiếu về lãnh vực này, nhưng phải bao gồm toàn thể cộng đoàn Giáo Hội." Cụ thể, "Giáo Hội phải thực hiện một sự tái duyệt mục vụ và văn hóa, để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhiễm vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận thông điệp của Tin Mừng."

Một trong những vấn đề quan yếu Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh đến trong thông điệp Những Phát Triển Nhanh Chóng là lời hiệu triệu toàn Giáo Hội tham gia vào truyền thông: "Các phương tiện truyền thông quan trọng đến độ mười lăm năm trước đây tôi đã nhận định thật là không may khi phó thác hoàn toàn việc sử dụng chúng cho những sáng kiến của các cá nhân hay những nhóm nhỏ, và đề nghị rằng các phương tiện truyền thông phải được dứt khoát đưa vào các chương trình mục vụ. Cách riêng, các kỹ thuật mới đang tạo ra nhiều cơ hội cho truyền thông cần phải phục vụ cho việc quản trị mục vụ và tổ chức các hoạt động khác nhau của cộng đoàn Kitô Giáo. Một thí dụ điển hình ngày nay là Internet không chỉ đưa ra các tài nguyên để thông tin phong phú hơn nhưng còn thay đổi cách thế con người tương tác với truyền thông. Nhiều Kitô hữu đang sử dụng khí cụ này cách sáng tạo, tìm hiểu các tiềm năng của nó để trợ giúp các nghiã vụ truyền giáo và giáo dục, cũng như truyền thông nội bộ, quản trị và chăn dắt. Tuy nhiên, bên cạnh Internet, các phương tiện truyền thông mới khác, cũng như các phương tiện truyền thông truyền thống, cần phải được dùng đến. Các nhật báo và tuần báo, các ấn phẩm đủ loại, và các chương trình truyền hình và truyền thanh Công Giáo vẫn còn là những phương tiện hữu dụng trong nhãn giới hoàn chỉnh về truyền thông Giáo Hội.”

Với những anh chị em tín hữu đang tham gia trong ngành truyền thông, Đức Thánh Cha ghi nhận thách đố là “làm sao duy trì được sự truyền thông trung thực và tự do để giúp củng cố tiến bộ toàn diện trên thế giới”, không dùng truyền thông để lèo lái dư luận phục vụ cho “các chủ nghĩa, lòng tham muốn lợi lộc và quyền lực, và những đố kỵ và mâu thuẫn giữa các cá nhân và các tập thể, cũng như sự yếu đuối của nhân loại và những rắc rối trong xã hội.”

Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Thánh tông đồ Phaolô có một thông điệp rõ ràng cho những ai dự phần trong truyền thông (các chính trị gia, những nhà truyền thông chuyên nghiệp, những khán giả), ‘Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau…Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.’ (Ep 4:25,29)”.

Ngài không ngần ngại lên tiếng cảnh cáo: “Đức Giêsu dạy rằng truyền thông là một hành vi luân lý, ‘Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.’ (Mt 12:35-37)”

Để duy trì được sự truyền thông trung thực và tự do phục vụ cho thiện ích chung của Giáo Hội và xã hội, Đức Thánh Cha đề nghị anh chị em tham gia ngành truyền thông hãy đặt mình dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần Chúa và có một một quan hệ đối thoại và cởi mở với các nhà lãnh đạo tinh thần của mình, “Giáo Hội trông chờ nhiều điều lớn lao kỳ diệu nảy sinh từ cuộc đối thoại quen thuộc này giữa giáo dân và nhà lãnh đạo tinh thần của họ: mong đợi nơi giáo dân một ý tưởng được củng cố về trách nhiệm cá nhân; một lòng nhiệt thành được canh tân; một sự sẵn sàng áp dụng tài năng của họ vào các đề án của các vị lãnh đạo tinh thần. Mặt khác, Giáo Hội chờ mong nơi các nhà lãnh đạo tinh thần, với sự trợ giúp kinh nghiệm của giáo dân, có thể đi đến những quyết định rõ ràng hơn và khôn ngoan hơn liên quan đến cả các vấn đề thiêng liêng lẫn thế tục. Bằng cách này, toàn thể Giáo Hội, được củng cố bởi mỗi một thành viên của mình, có thể hoàn thành hiệu quả hơn sứ vụ của mình cho cuộc sống của thế giới”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ “những ai hoạt động trong ngành truyền thông, đặc biệt với những tín hữu đang dự phần trong lãnh vực quan trọng này của xã hội, tôi gởi đến anh chị em lời mời gọi, mà từ đầu sứ vụ Mục Tử Giáo Hội Hoàn Vũ, tôi đã muốn gởi đến toàn thế giới ‘Đừng sợ!’”.

”Đừng sợ những kỹ thuật mới! Chúng nằm ‘trong số những điều kỳ diệu’ -- "inter mirifica" -- mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để khám phá, sử dụng và công bố sự thật, cũng là sự thật về phẩm giá của chúng ta về vận mệnh của chúng ta như là con cái của Ngài, những người thừa tự Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài.”

“Đừng sợ bị thế gian chống đối! Đức Giêsu đã bảo đảm với chúng ta, ‘Thầy đã chiến thắng thế gian!’ (Ga 16:33).”

”Đừng sợ ngay cả với sự yếu đuối và bất toàn của chúng ta! Thầy Chí Thánh đã nói: ‘Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế’. (Mt 18:20). “

”Hãy truyền thông sứ điệp của Đức Kitô về hy vọng, ơn sủng và tình yêu, trong khi giữ cho sống động, trong thế giới đang qua đi này, triển vọng vĩnh cửu của thiên đàng, một triển vọng mà không phương tiện truyền thông đại chúng nào có thể trực tiếp truyền thông, ‘Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.’ (1 Cr 2:9).”