Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Ý nghĩa của mùa Vọng
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3-12, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa Mùa Vọng và ngài cám ơn mọi người đã đồng hành với ngài qua kinh nguyện trong cuộc viếng thăm vừa qua tại Myanmar và Bangladesh.
Đức Thánh Cha đã về Roma bằng an đêm thứ bẩy, 2-12 sau 6 ngày viếng thăm mục vụ tại Myanmar và Bangladesh. Sáng hôm qua, theo thói quen, ngài đã đến Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để dâng hoa trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma và cảm tạ Mẹ Thiên Chúa vì đã phù hộ trong cuộc viếng thăm ngài mới thực hiện.
Đúng 12 giờ trưa Chúa Nhật 3-12-2017, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ căn hộ Giáo Hoàng ở dinh tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với 30 ngàn tín hữu và khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã quảng diễn về ý nghĩa mùa vọng mới bắt đầu, mùa chuẩn bị đón Chúa đến gặp gỡ chúng ta, đồng thời mời gọi các tín hữu hãy chú ý và tỉnh thức, để không còn vị lạc hướng trong những tội lỗi và những bất trung của chúng ta và để Chúa tràn vào cuộc sống chúng ta. Đức Thánh Cha nói:
“Hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Vọng, với đích điểm là lễ Giáng Sinh. Mùa vọng là mùa được ban cho chúng ta để đón Chúa đến gặp chúng ta, và cũng để kiểm chứng ước muốn của chúng ta đối với Thiên Chúa, để nhìn về đằng trước và chuẩn bị đón Chúa Kitô trở lại. Chúa sẽ trở lại với chúng ta trong lễ Giáng Sinh, khi chúng ta tưởng niệm việc Chúa đến trong sự khiêm hạ của thân phận loài người; nhưng Ngài cũng đến trong chúng ta mỗi khi chúng ta sẵn sàng đón tiếp Chúa, và Ngài sẽ trở lại vào thời tận thế để “phán xét kẻ sống và người chết”. Vì thế chúng ta phải luôn tỉnh thức và chờ đợi Chúa với hy vọng được gặp Ngài. Phụng vụ hôm nay dẫn chúng ta vào đề tài đầy xúc tích về sự tỉnh thức và chờ đợi.
“Trong Tin Mừng (Xc Mc 13,33-37), Chúa Giêsu khuyên nhủ chúng ta hãy chú ý và tỉnh thức, để sẵn sàng đón tiếp Chúa khi Ngài trở lại. Chúa nói với chúng ta: “Các con hãy chú ý, hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào [...]; Hãy làm sao để khi đến bất chợt, Chúa không thấy các con đang ngủ” (vv.33-36).
Người nào biết chú ý là người, giữa những ồn ào huyên náo của thế giới, không để cho mình bị đảo lộn vì sự chia trí và hời hợt, nhưng sống trọn vẹn và ý thức, quan tâm đặc biệt tới tha nhân. Với thái độ này, chúng ta ý thức những nước mắt và những nhu cầu của tha nhân và chúng ta cũng có thể đón nhận những khả năng và năng khiếu nhân bản và thiêng liêng của họ. Người chăm chú cũng hướng về thế giới, tìm cách chống lại thái độ dửng dưng và sự tàn bạo trong đó, và vui mừng vì những kho tàng đẹp đẽ cũng hiện diện trong thế giới và cần bảo tồn chúng. Vấn đề ở đây là có cái nhìn cảm thông để nhận ra những lầm than và nghèo đói của cá nhân và xã hôi, cũng như những sự phong phú tiềm ẩn trong những sự việc bé nhỏ thường nhật, chính tại nơi Chúa đặt để chúng ta”.
“Người tỉnh thức là người đón nhận lời mời gọi tỉnh thức, nghĩa là không để cho mình bị ngộp vì giấc ngủ của sự nản chí, thiếu hy vọng, thất vọng; và đồng thời đẩy lui những quyến rũ của bao nhiêu điều phù vân từ thế giới trào lên và nhiều khi người ta hy sinh thời giờ và sự thanh thản của bản thân và gia đình vì chúng. Đó là kinh nghiệm đau thương của dân Israel, được ngôn sứ Isaia kể lại: Thiên Chúa dường như để cho dân Ngài lang thang xa lìa những con đường của Ngài (Xc 63,17), nhưng đó là hậu quả của sự bất trung của chính dân Chúa (Xc 64,4b). Cả chúng ta cũng thường ở trong tình trạng bất trung đối với tiếng gọi của Chúa: Chúa chỉ cho chúng ta con đường tốt, con đường đức tin, con đường tình thương, nhưng chúng ta lại tìm kiếm hạnh phúc cho mình ở nơi khác”.
“Chú ý và tỉnh thức, đó là những điều kiện cần có để khỏi tiếp tục lang thang xa rời những con đường của Chúa”, lạc hướng trong những tội lỗi và bất trung của chúng ta; đó là những điều kiện để Chúa tràn vào cuộc sống của chúng ta, hầu trả lại cho nó ý nghĩa và giá trị nhờ sự hiện diện đầy lòng từ nhân và dịu dàng của Chúa. Xin Mẹ Maria rất thánh, mẫu gương về sự chờ đợi Thiên Chúa và là hình ảnh sự tỉnh thức, hướng dẫn chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Con của Mẹ, bằng cách làm cho tình yêu của chúng ta đối với Chúa được sinh động”.
2. Câu chuyện Rạn Nứt Trong Tâm Hồn
Một ông vua giàu có nọ rất keo kiệt và hà khắc đối với thần dân. Thành ra, tất cả mọi người đều oán ghét ông.
Một hôm ông ra lệnh cho quan tể tướng tiến hành việc thu thuế hằng năm. Nhưng quan tể tướng cho biết: “Năm nay mùa màng hư hại, dân chúng đang chết đói, họ không thể nào nộp thuế được”.
Nhưng nhà vua vẫn một mực cho tiến hành việc thu thuế và yêu cầu quan tể tướng dùng tất cả tiền thuế để sửa sang cung điện và nội thành. Quan tể tướng đi một vòng xung quanh cung điện, nơi nào cũng có sự rạn nứt, nhưng sự rạn nứt sâu xa hơn vẫn là sự bất mãn và ta thán của người dân.
Thế là, năm đó, thay vì tiến hành lệnh của vua, quan tể tướng đã cho người đi khắp nơi và loan báo như sau: “Năm nay, nhà vua miễn thuế cho tất cả mọi người”. Nghe thế, ai cũng vui mừng vỡ lở. Khắp nơi, tuy đói kém, ai ai cũng làm tiệc ăn mừng.
Trở lại triều đình, quan tể tướng thông cáo với nhà vua rằng với số tiền thu thuế được, ông đã cho làm những tu sửa cần thiết nhất.
Ngày hôm sau, quan tể tướng mời nhà vua và đoàn tùy tùng đi tham quan một vòng xung quanh những nơi mà ông báo cáo đã được tu sửa. Vừa ra khỏi cung điện, nhà vua đã được dân chúng tung hô vạn tuế không dứt lời. Nhìn đám đông vui mừng phấn khởi, nhà vua mới quay sang quan tể tướng để hỏi lý do của ngày hội này. Quan tể tướng mới giải thích như sau: “Tâu bệ hạ, ngày lễ hôm nay được tổ chức là để đánh dấu những tu sửa quan trọng trong cung điện. Trước khi tiến hành việc thu thuế, hạ thần đã đi tham quan một vòng, hạ thần nhận thấy rằng những rạn nứt đáng kể nhất không phải là những rạn nứt trên tường thành của cung điện mà chính là trong lòng người dân. Người dân không thể vui mừng được vì từ bao lâu nay, họ không còn thấy được lòng tốt nữa. Ðó là lý do đã khiến hạ thần tuyên bố miễn thuế cho họ trong năm nay”.
Nghe thế, nhà vua mới sực tỉnh lại và nhận ra thái độ keo kiệt hà khắc của ông. Ông nhìn xuống đám đông dân chúng đang hân hoan vẫy chào, lòng ông cảm thấy xúc động. Lần đầu tiên, người ta thấy nụ cười của vui tươi và yêu thương nở trên môi ông.
3. Hiểu biết giáo lý của Chúa Kitô có nghĩa là nhận ra sự hiền từ của Thiên Chúa
Ai không nhận ra sự hiền từ của Thiên Chúa thì không biết đạo lý của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta trong đó ngài tập trung những phân tích về ông Giuđa trong Tin Mừng.
Trong bài Tin Mừng, Thiên Chúa vui khôn tả khi tìm thấy con chiên lạc, và Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm mỗi người chúng ta. Thiên Chúa là một thẩm phán, một quan tòa, nhưng là vị thẩm phán đầy lòng từ nhân, vì Ngài tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngài không kết tội nhưng là cứu vớt, vì Ngài kiếm tìm và yêu mến từng người chúng ta. Ngài không yêu thương theo kiểu chung chung, kiểu yêu mến một đám người. Ngài yêu mến từng người và gọi tên từng người. Ngài yêu mến trong cái hiện tại của người ấy, như chính người ấy là.
Con chiên bị lạc, không phải vì không biết đường. Con chiên ấy biết đường, nhưng anh ta lạc mất vì tâm hồn anh đen tối mù quáng bởi những xâu xé. Anh ta rời xa Thiên Chúa, đi vào bóng tối và sống lối sống hai mặt. Anh ta chạy khỏi ràn chiên để đi vào đêm tối. Chúa biết tất cả những điều ấy và Ngài kiếm tìm chiên lạc. Để giúp chúng ta hiểu được thái độ của Chúa đối với con chiên lạc, chúng ta hãy nhìn cách Chúa đối xử với ông Giuđa.
Giuđa luôn có cái gì đó cay đắng trong tâm hồn, luôn có cái gì đó để trách móc người khác. Ông không cảm nhận được sự dịu ngọt của lòng biết ơn khi sống với mọi người. Ông luôn không thỏa mãn và ông không hạnh phúc, không vui vẻ! Ông trốn chạy vì ông như kẻ trộm cắp… Ông muốn chạy trốn vì bóng tối bao trùm trái tim ông và tách ông ra khỏi đàn chiên. Ngay cả các Kitô hữu ngày nay, cũng có nhiều người sống kiểu hai mặt, và thật đau lòng để nói rằng, cũng có những linh mục, giám mục sống như thế. Ông Giuđa cũng là một giám mục, là giám mục đầu tiên sống kiểu ấy? Con chiên lạc. Cha Mazzolari có một bài giảng rất hay khi Cha gọi ông Giuđa là người anh em: “Này người anh em Giuđa, chuyện gì đang xảy ra trong tâm hồn của anh đó?” Chúng ta cần hiểu về con chiên lạc. Trong bản thân chúng ta, cũng luôn có một chút gì đó, một chút gì đó là chiên lạc.
Điều gì làm cho con chiên trở thành chiên lạc? Đó là sự yếu đuối của tâm hồn và ma quỷ lợi dụng điều ấy. Giuđa bị xâu xé trong nội tâm, trở thành chiên lạc, và vị mục tử vẫn kiếm tìm. Nhưng Giuđa không hiểu điều ấy và đã kết thúc cuộc đời của mình, khi ông nhìn về lối sống nước đôi của mình trong cộng đoàn, về những gì mà thần dữ gieo rắc trong nội tâm đen tối. Điều ấy làm cho ông chạy trốn, chạy mãi. Ông đi tìm ánh sáng, nhưng không phải là ánh sáng của Chúa mà là ánh sáng trang trí theo kiểu đèn Giáng Sinh, tức là thứ ánh sáng nhân tạo. Nhìn như thế, chúng ta sẽ tuyệt vọng.
Trong Kinh Thánh có nói: Thiên Chúa là Đấng tốt lành và Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm từng con chiên. Cũng trong Kinh Thánh có nói: Giuđa treo cổ tự vẫn và “hối hận”. Tôi không biết, có thể những lời ấy làm cho chúng ta bối rối. Lời ấy có nghĩa gì? Cho đến tận cùng, tình yêu mến của Thiên Chúa vẫn hoạt động nơi tâm hồn con người, ngay cả trong lúc thất vọng. Đây là thái độ của Chúa Giêsu. Đây là sứ điệp, là tin vui mở đường cho chúng ta đón Giáng Sinh và cũng gọi hỏi chúng ta về niềm vui chân thành để biến đổi tâm hồn. Điều ấy dẫn chúng ta tới niềm vui trong Chúa, chứ không phải kiểu an ủi của việc chạy trốn thực tại hoặc chạy trốn khỏi một tâm hồn bị dày vò.
Khi đi tìm chiên lạc, Chúa Giêsu không xúc phạm con chiên ấy cho dù những gì con chiên ấy đã làm là xấu xa. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu gọi ông Giuđa là “người bạn”. Đó là sự quan tâm của Thiên Chúa.
Ai không nhận biết sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa, thì không biết giáo lý của Chúa Kitô. Ai từ chối sự quan tâm của Thiên Chúa, thì là con chiên lạc! Đây là tin mừng, là niềm vui đích thực mà chúng ta ngày nay ước muốn. Đây là niềm vui, niềm an ủi mà chúng ta kiếm tìm: Thiên Chúa đến trong quyền năng của Ngài, Đấng quan tâm chăm sóc chúng ta, viếng thăm chúng ta, cứu chữa chúng ta, đi tìm chúng ta là chiên lạc, và đưa chúng ta trở về đàn chiên trong Hội Thánh của Người.
Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài với lời nguyện sau:
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta mong chờ Giáng Sinh với tất cả những thương tích và tội lỗi của chúng ta, và chân thành nhìn nhận điều ấy, để chờ mong quyền năng của Chúa, Đấng sẽ đến để ủi an chúng ta. Ngài đến trong quyền năng của Ngài, nhưng quyền năng ấy chính là lòng từ nhân, là sự quan tâm phát xuất từ chính cõi lòng, từ trái tim nhân lành vô cùng của Ngài, đến nỗi Ngài trao tặng chính sự sống của Ngài cho chúng ta.
4. Trung gian cho tình yêu Thiên Chúa
Các linh mục là những người làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, chứ không làm trung gian cho những bận tâm của riêng mình. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta trong đó, ngài tập trung vào những cám dỗ gây nguy hiểm cho đời phục vụ của các linh mục.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về những người luôn bất mãn. Ngày nay có những Kitô hữu cũng thế, họ không bao giờ thỏa mãn, không hiểu được những gì Chúa dạy, không hiểu được mặc khải của Tin Mừng. Cũng thế, có nhiều linh mục không bao giờ thỏa mãn, mà luôn đi tìm những dự án mới, vì lòng các vị ấy ở xa đường lối của Chúa Giêsu. Do đó, các vị than phiền và sống cách khổ sở.
Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta phải đi theo con đường của Đấng trung gian là Chúa Giêsu. Trong đời thường, có những người làm trung gian, đó là họ làm một nghề và nhận lại thù lao cho nghề ấy. Nhưng ở đây, người trung gian có nghĩa hoàn toàn khác.
Vị trung gian cần hy sinh chính bản thân mình để có thể nối kết con người với Đấng ban sự sống. Cái giá phải trả chính là toàn cuộc sống, là cả mạng sống, với tất cả sự cực nhọc, với công việc phục vụ và rất nhiều thứ khác. Đây chính là trường hợp của các linh mục coi xứ. Các vị sống như thế, để có thể kết nối với đoàn chiên, kết nối với người dân, và để dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu. Khi làm Đấng trung gian, Chúa Giêsu hoàn toàn trút bỏ chính mình, hoàn toàn khiêm nhường đến độ trở ra như không. Thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê (2:7-8) nói rất rõ về điều này: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Đây chính là con đường của Chúa, con đường của hy sinh và khiêm nhường đến tận cùng, của việc tự vét cạn chính mình, tự làm rỗng chính mình, tự hóa ra không.
Một linh mục đích thực, là người trung gian và rất gần gũi với dân chúng. Vị linh mục ấy không làm việc để rồi được nhận lại cái gì đó theo kiểu một quan chức.
Thế nhưng, có những vị trung gian thích đi dạo quanh để được người ta nhìn thấy và tán thưởng. Để làm cho mình trở thành quan trọng, vị linh mục ấy đi theo con đường của cứng nhắc và xa lánh người dân. Vị ấy không biết đến nỗi khổ của con người. Vị ấy đánh mất những gì đã được hấp thụ nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi ông bà và anh chị em… Khi cứng nhắc như thế, các vị ấy chất gánh nặng lên người dân mà trong khi mình chẳng làm gì. Các vị nói với dân Chúa rằng: không thể thế này, không thể thế kia… Có nhiều người dân muốn tìm một chút an ủi, một chút hiểu biết, thế mà bị gạt đi.
Khi xét mình, người linh mục có thể tự hỏi: Hôm nay tôi là một người trung gian của Chúa hay tôi chỉ là một quan chức? Tôi có sống phục vụ tha nhân không? Một vị linh mục tốt, thì có khả năng quan tâm, có khả năng vui chơi và mỉm cười với trẻ thơ… Vị ấy biết cách để gần gũi những gì là bé nhỏ, với những con người bé nhỏ. Có những vị luôn buồn rầu với vẻ mặt nghiêm trọng và sa sầm nét mặt, nhưng nếu là người trung gian của Chúa, vị linh mục tốt sẽ có những nụ cười, có sự thân thiện, sự thấu hiểu và lòng cảm thông.
Có ba vị thánh là mẫu gương cho đời linh mục. Thứ nhất, thánh Policarpo giữ vững ơn gọi và đi lên giàn để chịu thiêu sống. Khi lửa cháy lên, các tín hữu xung quanh ngửi thấy mùi bánh mì. Ngài đã kết thúc cuộc đời của người trung gian của Chúa và trở thành “bánh cho các tín hữu”. Thứ hai, thánh Phanxicô Xaviê chết đang khi tuổi còn trẻ. Ngài chết trên bãi biển trong khi vẫn hướng về Trung Hoa, nơi ngài ao ước đi tới. Thứ ba, thánh Phaolô Tre Fontane bị lính bắt và giải đi ngay từ sáng sớm. Ngài biết rằng có một số người trong cộng đoàn Kitô hữu đã phản bội. Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Đó là ba mẫu gương mà chúng ta tìm thấy về cuộc đời của một linh mục. Đó là cái kết của người linh mục, của vị trung gian của Thiên Chúa, cái kết trên thập giá.