Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ðức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi và nhắn nhủ các nữ tu dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu giữ cho đời sống thiêng liêng nhiệt thành và tăng cường đời sống huynh đệ cộng đoàn.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 2 tháng 10 năm 2017 dành cho 53 thành viên Tổng tu nghị thứ 11 của dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu.
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến nguồn gốc của dòng, phát xuất từ cảm nghiệm của Chị Sáng Lập Madeleine Chúa Giêsu về sự dịu dàng của Thiên Chúa.
Ngài nói: “Theo gương chân phước Charles de Foucault, chị đã trực giác Thiên Chúa Toàn Năng, Ðấng Tạo Hóa và là Chúa Tể Vũ Trụ, đã không sợ trở nên hài nhi bé nhỏ, đầy tín thác trong vòng tay của Mẹ Maria, vì yêu thương chúng ta, và ngày nay Chúa còn tiếp tục hiến mình cho mỗi người chúng ta, một cách khiêm tốn, vì yêu thương. Hiện nay hơn 1 ngàn Tiểu Muội, rải rác trên thế giới, sống trong những hoàn cảnh khó khăn, với những người bé nhỏ và nghèo nhất. Các chị ở những nơi ấy chủ yếu không phải để chữa trị, giáo dục, dạy giáo lý, dù các chị làm những điều đó rất tốt, nhưng các chị ở đó để yêu mến, để gần gũi những người bé nhỏ nhất như Chúa Giêsu đã làm, để loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống đơn sơ, lao động, hiện diện, thân hữu, đón tiếp vô điều kiện”.
Ðức Thánh Cha mời gọi các Tiểu Muội liên tục trở lại kinh nghiệm nguyên thủy ấy về sự gần gũi Thiên Chúa, Ðấng hiền từ và khiêm nhường hiến mình cho chúng ta để cứu vớt và làm cho chúng ta tràn đầy tình thương của Ngài.
Ðức Thánh Cha nói: “Chị em thân mến, nhất là chị em hãy làm sao để giữ cho đời sống thiêng liêng của chị em được nồng nhiệt, vì chính từ tình yêu ấy, được nhận lãnh từ Thiên Chúa một cách liên lỷ và luôn mới mẻ, mà tình thương của chị em đối với anh chị em khác được trào dâng.. Và người trẻ ngày nay khao khát đời sống thiêng liêng như thế, nhờ đó họ được giúp đỡ đáp lại tiếng gọi của Chúa. Chính từ đời sống thiêng liêng ấy nảy sinh chứng tá Tin Mừng mà người nghèo đang mong đợi”.
Ngày 27 tháng 9 năm 2017, Tổng tu nghị họp tại Trefontane, Roma, đã bầu chị Dolors-Francesca làm Bề trên Tổng quyền của dòng Tiểu Muội với nhiệm kỳ 6 năm. Chị năm nay 61 tuổi, gốc miền Catalugna bên Tây Ban Nha, và sống phần lớn đời tiểu muội tại Brazil. Chị là người điều hợp các huynh đoàn của dòng ở Mỹ châu (Nam và Bắc), và không thuộc số các thành viên của Tổng tu nghị hiện nay khi được bầu. Vì thế, ngày 29 tháng 9 năm 2017, chị mới từ Brazil tới và chính thức gia nhập Tổng tu nghị.
Chị Dolors-Francesca kế nhiệm chỉ Maria Chiara người Ý, cai quan dòng từ năm 2011.
Tổng tu nghị cũng bầu 5 thành viên của Hội đồng Tổng Cố vấn. Ðứng đầu là chị Anitha, người Ấn độ, điều hợp viên các huynh đoàn của dòng Tiểu Muội ở Á châu. 4 chị còn lại người Liban-Pháp, Ruanda, Áo và Iraq.
2. Tu sĩ dòng Tên tại Philippines kêu gọi đoàn kết chống ma túy.
“Chúng ta không thể xây dựng một quốc gia trên xác chết của dân tộc Philippines. Không thể chiến đấu chống lại sự ác bằng súng đạn.” Các tu sĩ dòng Tên tại Philippines đã khẳng định điều này trong lời kêu gọi được phổ biến ở tất cả các giáo phận, nhà thờ, trường học và đại học, nơi các tu sĩ dòng Tên hiện diện.
Trong thông cáo có tựa đề “Hiệp nhất trong quyền năng của Chúa Thánh Thần” do cha giám tỉnh Antonio Moreno ký, các tu sĩ dòng Tên chia sẻ lời kêu gọi của Ðức Hồng Y Luis Antonio Tagle, “kêu gọi lương tâm của những người sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp” và “kêu gọi lương tâm của những kẻ giết cả người vô tội”. Các tu sĩ yêu cầu chấm dứt các hoạt động tội phạm và việc giết hại bừa bãi sự sống con người.
Thông cáo khẳng định sự đe dọa và tàn phá của buôn bán ma túy bất hợp pháp, và nói rằng nhiệm vụ chống lại sự ác này không chỉ thuộc về tổng thống, hay cảnh sát và chính quyền, nhưng mọi người đều có trách nhiệm. Các tu sĩ xác định rằng sự ác tấn công con người bằng quyền lực của ma quỷ, do đó chúng ta phải đoàn kết, không được chia rẽ. Các tu sĩ kêu gọi đoàn kết, cộng tác và để cho sự thiện liên kết với sự thiện.
Các tu sĩ dòng Tên lưu ý rằng sự đe dọa của ma túy không chỉ là vấn đề chính trị và tội phạm, mà là sự ác tấn công nhân loại, nó biến con người thành xác chết, cảnh sát thành kẻ giết người, phạm nhân thành ông chủ và người nghèo thành nạn nhân. Các vị khẳng định: “Chúng ta không thể chống lại sự dữ bằng súng đạn. Sự ác này phải được chiến đấu với trực giác, sự hợp tác, khéo léo, sử dụng minh bạch quyền lực chính trị và kinh tế, hy sinh, cầu nguyện, và ân sủng của Thiên Chúa.”
Trong tinh thần này các tu sĩ dòng Tên đón nhận và mời gọi bắt đầu cuộc đối thoại giữa các nhóm, trong đó đón nhận các sức mạnh tích cực trong việc điều hành của chính phủ, của các lực lượng an ninh, của xã hội dân sự, của các giáo hội “để hiểu sâu sắc tình cảnh” và hiểu rằng “kẻ thì của cuộc chiến này không phải là nhân quyền, nhưng là sự thiếu dấn thân cho nhân quyền.” Các tu sĩ giải thích: “Chúng ta không thể chiến đấu cho con người mà lại phớt lờ quyền lợi của họ.”
Các tu sĩ cũng lưu ý đến việc cần dạy cho người trẻ trong các gia đình, trường học và cộng đồng về sự ác do ma túy gây nên. Cần quan tâm đến ngừoi trẻ để họ vượt qua những thói quen xấu và dấn thân cho điều thiện. Các tu sĩ cũng muốn có sự tham gia nhiều hơn vào việc phục hồi để giúp người nghiện ma túy thoát khỏi ma túy và đào tạo lực lượng an ninh về việc bảo vệ quyền của người dân.
Thông cáo kết luận: “Cần hoạt động với nhau, giáo hội, chính quyền và xã hội dân sự, để đánh bại thật sự ác của ma túy ở Philippines.
Theo các đánh giá mới đây của các tổ chức phi chính phủ, cuộc chiến chống ma túy từ một năm nay của tổng thống Rodrigo Duterte đã giết chết ít nhất 14 ngàn người, trong đó 3,800 do cảnh sát, với hàng ngàn vụ xử tử không qua xét xử.
3. Giáo Hội đau buồn trước biến cố thảm sát ở Las Vegas.
Phủ giáo hoàng vừa gửi lời chia buồn và an ủi các nạn nhân ở Las Vegas, sau khi một tay súng đã giết chết ít nhất là 50 người và gây thương tích cho trên 400 người khác trong sự hỗn loạn sau đó.
“Rất đau buồn khi được biết về việc nổ súng ở Las Vegas, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô xin đươc thông phần và cảm thông với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch vô tri này,” là nội dung bức điện gửi ngày 2 tháng 10 năm 2017 với chữ ký của quốc vụ khanh Hồng Y Pietro Parolin.
Gửi cho Ðức Giám Mục Joseph Anthony Pepe cuả Las Vegas, bức điện tín ca ngợi những nỗ lực của cảnh sát và nhân viên cứu hộ khẩn cấp. Ðức Giáo Hoàng cũng cho biết Ngài đã dâng lời cầu nguyện “cho những người bị thương và cho tất cả những người đã chết, uỷ thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa toàn năng.”
Là một trong những biến cố đẫm máu nhất cuả lịch sử Hoa Kỳ, đã có ít nhất là 50 người thiệt mạng và 400 người bị thương khi một tay súng xả súng máy vào đám đông trong những phút cuối cùng của một đại nhạc hội kéo dài ba ngày trên đường Route 91 ở Las Vegas, Nev, tức là khoảng 10g đêm Chúa Nhật mùng 1 tháng 10 năm 2017.
Theo sở cảnh sát Las Vegas, có khoảng 406 người đã nhập viện ngay sau khi xảy ra sự việc.
Số tử vong sơ bộ đã vượt qua vụ thảm sát năm 2016 tại một hộp đêm ở Orlando, làm cho 49 người chết. Nó cũng gợi lại sự kinh hoàng của vụ thảm sát ở Paris vào tháng 11 năm 2015 làm cho 89 người thiệt mạng, vụ bắn giết ở Paris là một trong nhiều đoạn cuả cuộc tấn công phối hợp do nhà nước Hồi giáo phát động mà kết cuộc là một tổng số tới 130 người chết.
Những buổi đại nhạc hội đã diễn ra dọc theo dải Las Vegas Strip, vé đã bán hết và đã lôi cuốn hàng nghìn người tham gia để thưởng thức các nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn như Eric Church, Sam Hunt và Jason Aldean.
Hung thủ được xác định là Stephen Paddock, 64 tuổi, đã nổ súng từ tầng thứ 32 của hotel Mandalay Bay, tiả súng máy xuống khu khán giả ngoài trời ở phiá dưới. Mặc dù chưa có số thưong vong chính xác, sở cảnh sát cũng cho biết là ít nhất có 2 nhân viên công vụ bị thiệt mạng trong số 50 người thương vong nói trên.
The Associated Press báo cáo rằng tên Paddock đã tự sát khi cảnh sát phá cửa vào phòng của hắn. Người ta tin rằng hắn đã hành động một mình, nhưng không rõ vì động cơ nào. Người ta cũng đang truy lùng người bạn đồng hành cuả hắn, là một người “đáng quan tâm” trong vụ việc, một phụ nữ châu Á, bạn cùng phòng của tên Paddock.
Trong một tweet, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chia sẻ “lời chia buồn nồng ấm nhất” cho nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi “cuộc bắn giết khủng khiếp ở Las Vegas.”
Các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng lên tiếng hỗ trợ và gửi lời chia buồn, bao gồm các đại diện từ Vương Quốc Anh, Úc và Thuỵ Ðiển.
Ðức Hồng Y Sean O'Malley Boston viết trên một tweets rằng “Xin Thiên Chúa ban sức mạnh và niềm tin cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong đêm vừa qua; Xin Chúa chào đón những người đã chết vào vòng tay thương yêu của Ngài.”
Ðức Hồng Y cũng cầu xin Chúa ban phước lành cho tất cả các nhân viên cứu hộ “trong việc chăm sóc cho các nạn nhân bạo lực.”
Ðức Giám Mục Edward Burns của Dallas, Texas, cũng tweet những lời hỗ trợ “chúng tôi cầu nguyện và quan tâm với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc bắn giết khủng khiếp vào đám đông ở Las Vegas. Xin Thiên Chúa, đấng ban sự sống, bảo bọc cho chúng ta.”
4. Ðức Thánh Cha kêu gọi đón tiếp và hội nhập di dân và tị nạn.
Ðức Thánh Cha Phanxicô cổ võ các thành thị và làng xã Italia trong việc tiếp đón và hội nhập những người di dân.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 30 tháng 9 năm 2017 dành cho 300 thành viên Hiệp hội toàn quốc các thành thị và làng xã Italia.
Ðức Thánh Cha nói:
“Tôi hiểu sự khó chịu của nhiều người dân tại các đơn vị của quí vị đứng trước làn sóng nhập cư ồ ạt của những người di dân và tị nạn. Sự khó chịu này có thể được giải thích là do sự sợ hãi bẩm sinh đối với “người lạ”, sự sợ hãi ấy càng gia tăng do những vết thương vì khủng hoảng kinh tế, vì sự thiếu chuẩn bị của các cộng đoàn địa phương, vì sự không thích hợp của nhiều biện pháp được đưa ra trong bầu không khí khẩn cấp”
Theo Ðức Thánh Cha, “sự khó chịu đó có thể được khắc phục nhờ sự cống hiến những những không gian gặp gỡ và hiểu biết lẫn nhau. Cần chào đón tất cả những sáng kiến thăng tiến văn hóa gặp gỡ, trao đổi cho nhau những phong phú về nghệ thuật và văn hóa, sự hiểu biết những nơi chốn và các cộng đoàn nguyên quán của những người mới đến”.
Ðức Thánh Cha cũng bày tỏ vui mừng vì tại nhiều đơn vị hành chánh có sự vị thị trưởng, xã trưởng hiện diện trong buổi tiếp kiến, có những đường lối tốt để tiếp đón và hội nhập những người di dân, với những kết quả đáng khích lệ và phổ biến rộng rãi sang các nơi khác”.
5. Ðức Tổng Giám Mục Hàn Ðại Huy, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Ðức Tổng Giám Mục Savio Hàn Ðại Huy (Hon Tai-Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.
Ðức Tổng Giám Mục Hàn Ðại Huy dòng Don Bosco, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1950 tại Hong Kong, thụ phong linh mục năm 1982 và năm 2010, ngài được Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức 16 bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo.
Sự kiện một vị không xuất thân từ trường ngoại giao Tòa Thánh được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh, là điều khá họa hiếm.
Cùng ngày 28 tháng 9 năm 2017, Ðức Thánh Cha bổ nhiệm Cha Ryszart Szmydki, OMI, làm tân Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo.
Cha Szmydki người Ba Lan, năm nay 66 tuổi (1951), gia nhập dòng Hiến Sinh Thừa Sai Ðức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) năm 1970. Cha từng làm giáo sư tại Ðại Học Công Giáo Lublino ở Ba Lan, và làm thừa sai tại Camerun 2 năm. Năm 2010, Cha được bầu làm Giám tỉnh dòng OMI ở Ba Lan và tái cử năm 2013. Nhưng năm sau đó thì được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội truyền bá đức tin, một trong 4 Hội Giáo hoàng truyền giáo. Ngoài tiếng Ba Lan, Cha Szmydki biết tiếng Ý, Pháp và Anh.
Hai bổ nhiệm trên đây cũng có liên hệ tới Giáo Hội tại Việt Nam vì nhiều hồ sơ, hoặc vấn đề, qua tay vị Phó Tổng thư ký và Tổng thư ký trước khi lên tới cấp cao hơn.
6. Giáo hội Bangladesh trợ giúp người tị nạn Rohingya.
Ðức Hồng Y Patrick D'Rozario, Tổng giám mục Dhaka (thủ đô của Bangladesh) vừa đến thăm một số trại tị nạn của người Rohingya ở Cox's Bazar, không xa biên giới với Myanmar.
Ðức Hồng Y D'Rozario nói với Cơ quan Truyền thông Công Giáo Crux về chuyến viếng thăm này: “Tôi muốn hiện diện với họ, chia sẻ nỗi đau của họ theo cách của tôi, và nhất là chuẩn bị cho Caritas đến giúp đỡ họ”.
Cox's Bazar là một cảng cá lớn ở cực Ðông Nam của Bangladesh, gần biên giới với Myanmar, tại đây có hơn 600,000 người tị nạn Rohingya do những cuộc đàn áp liên tiếp ở Myanmar. Ðức Hồng Y D'Rozario nói: “Ðó là một trại tị nạn cũ, nhưng gần đây có những người khác mới đến”.
Các cuộc đàn áp lớn nhất là vào những năm 1978, 1991, 2012. Nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay, bắt đầu từ tháng 11 năm 2016 và trở nên tồi tệ hơn vào ngày 25 tháng 08 năm 2017, đã đẩy gần 450,000 người Hồi giáo Rohingya chạy sang Bangladesh để thoát khỏi sự đàn áp của quân đội Myanmar tại bang Rakhine (ở bờ biển phía Tây của Myanmar).
Ðức Hồng Y D'Rozario ca ngợi thái độ của chính phủ Bangladesh đối với cuộc khủng hoảng Rohingya. Tuy nhiên, Bangladesh, một trong những nước nghèo nhất thế giới, lại lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi phải đón tiếp và nuôi những người tị nạn trắng tay này.
Cộng đồng Công Giáo nhỏ bé ở Bangladesh (350,000 người, khoảng 0.2% trong tổng dân số 162 triệu) đang làm tất cả để giúp những người tị nạn. Ngay cả mặc dù cho đến nay - theo lời Ðức Hồng Y - “Giáo hội hoàn toàn không có mặt ở đây; người dân ở đây chưa bao giờ nhìn thấy một nhà thờ hay một linh mục”.
“Tôi ngưỡng mộ sự bình yên nơi đây. Dù họ rất khốn khổ, ở đây không có bạo lực và người tị nạn đoàn kết, thông cảm, và hợp tác với nhau trong cảnh nghèo đói của họ”; Ðức Hồng Y ghi nhận điều ấy và nói ngài “rất cảm động”. Ðức Hồng Y D'Rozario tâm sự: “Tôi đã chạm vào vết thương của Chúa Giêsu trong các trại tị nạn. Ðó là nỗi thống khổ của con người, chúng tôi cũng đau nỗi đau của họ, trái tim tôi khóc thương cho dân tộc chúng tôi, vì biết bao đau khổ”.
7. Các biến chuyển gần đây tại Miến Điện
Trong hơn tháng qua, tình cảnh người Rohingya trở nên tồi tệ hơn nhiều với nhà cửa bị đốt cháy, phụ nữ bị hiếp dâm, khiến hàng trăm ngàn người Rohingya phải trốn khỏi Miến Điện, chạy tới vùng biên giới với Bangladesh, sống bờ sống bụi, bất cứ chỗ nào có thể ngả lưng.
Quân đội Miến Điện, do chính phủ của Bà Suu Kyi phái tới, bị tố cáo là thi hành nhiều vụ sát hại tại vùng Rakkhine của người Rohingya, không cần thủ tục pháp lý, họ bắn bừa bãi vào thường dân, thậm chí cả bé thơ.
Các cơ quan nhân đạo quốc tế cũng như của Liên Hiệp Quốc liên tục gặp khó khăn lớn về an ninh trong việc giúp đỡ người Rohingya ở Miến Điện cũng như ở Bangladesh. Thậm chí cả Bà Aung San Suu Kyi có lúc cũng đã tỏ ra bất bình với các cố gắng quốc tế trợ giúp người Rohingya. Văn Phòng của bà từng lên tiếng tố cáo các nhân viên cứu trợ là giúp đỡ các tên khủng bố.
Và cũng chính vì vậy, các viên chức nhân quyền cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng tố cáo Miến Điện cho thi hành một điển hình “thanh trừng sắc tộc (ethnic cleansing) y như trong sách giáo khoa” đối với người Rohingya. Đó là nhận định của Ông Zeid Ra’ad al-Hussein, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền.
8. Nhận xét của Đức Hồng Y Charles Bo về tình hình tại Miến Điện
Trong một văn thư gửi hãng thông tấn Fides, Đức Hồng Y cho biết thêm: vấn đề người Rohingya rất tế nhị. Bất cứ nhận định nào của Đức Giáo Hoàng về người Rohingya cũng có thể gây phẫn nộ cho những người duy quốc gia: đối với họ người Rohingya không phải là người Miến mà là người Bengal, không có quyền sống trên đất nước Miến Điện.
Riêng về Bà Suu Kyi, ngài cho rằng bà “ở trong một vị thế khá lúng túng về chính trị” vì quân đội vẫn kiểm soát phần lớn guồng máy chính phủ và hiện không có ý chí chính trị nào trong nước hỗ trợ số phận của người Rohingya.
Theo ngài, người Phật Giáo và chính phủ Miến có hai quan tâm chính: việc xuất hiện các nhóm nổi loạn xuyên quốc gia và thế quân bình dân số ở Tiểu Bang Rakhine.
Theo ngài, chính phủ lo sợ dân số Rakhine sẽ bùng nổ nếu người Rohingya được cấp quyền công dân. Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, có 1 triệu người Rohingya tại tiểu bang này, nhưng còn hơn 1 triệu người Rohingya nữa ở bên ngoài Miến Điện (Ấn Độ và cả Bangladesh đều không cấp quyền công dân cho họ), số người này có thể tìm cách trở lại Miến.
Chính vì vậy phải thông cảm với Bà Suu Kyi. Ngài hy vọng nếu còn tiếp tục cai trị, Bà có thể từ từ đẩy quân đội qua bên lề. Và do đó, các khách qúy nên nhìn nhận các áp lực nội bộ khác nhau của Bà khi tới thăm Bà tại Miến Điện.
Đức Hồng Y Bo giải thích thêm về việc sử dụng ngôn từ ở Miến Điện: “Ở Miến Điện, cái tên hết sức quan trọng. Chính đất nước cũng chưa nhất định về cái tên của mình. Myanmar/Burma là tên quốc tế. Myanmar là tên của Hội Đồng Quân Sự. Các nhà tranh đấu dân chủ, trong đó có Aung San Suu Kyi, từ khước không chấp nhận tên này và tiếp tục dùng tên Burma cho tới năm 2010. Nhiều nước Tây Phương tiếp tục dùng tên Burma”.