Vào đề :

Chúng ta bảo là truyện dài vì năm tháng đã dài từ ngày ngài lìa trần. Danh sách những người lên tiếng làm nhân chứng về ngài cũng dài lắm. Mà khi đọc báo chí ta thấy những trang mang bảng tạ ơn ngài cũng thật dài. Và hiện nay, trong tiến trình xin phong thánh, hàng trăm hàng ngàn người đang ngóng chờ tin vui.

Đôi hàng tiểu sử : Ngài sinh đúng ngày tết dương lịch ngày 1 tháng 1 năm 1897, tại Cồn Phước, Chợ Mới, An Giang. Cha mẹ lấy tên Thánh Phan xi cô Xavier đặt cho con. Mẹ ngài mất lúc ngài mới lên 7, sau đó theo cha lên xứ Campuchia làm ăn sinh sống, rồi cha ngài tục huyền ngay năm sau.

Lúc nhỏ đã tỏ ra hiền lành, nên cha ngài trao con cho cha Phê rô Tiền đưa vào chủng viện Cù lao Giêng chuẩn bị tu học làm Linh mục. Sau đó lên Nam Vang theo đại chủng viện, rồi chịu chức năm 1924. Công tác đầu tiên là phục vụ với tư cách cha phó tại họ đạo Hố Trư (cũng ở Campuchia). Năm 1927 ngài về Việt Nam dạy chủng viện, rồi ra coi họ đạo Tắc Sậy từ năm 1930. Ngài hăng say truyền giáo, lập thêm khá nhiều họ đạo nhánh.

Vào năm 1945 và 1946, chiến tranh loạn lạc khắp nơi, nên bề trên và bạn bè khuyên ngài tạm lánh về chỗ an toàn, nhưng ngài nhất định ở lại sống chết với đoàn chiên. Ở hải ngoại, nhiều người làm chứng rằng vào ngày 12 tháng 3 năm 1946, Việt Minh lùa cha Diệp và 70 giáo dân nhốt vào một lẫm lúa, rồi toan châm lửa thiêu sống tất cả. Cha Diệp tha thiết xin tha cho mọi người, riêng mình chịu hy sinh…Thế là ngài bị đem đi giết ngay đêm đó (theo nhân chứng Ngô minh Quang, lúc đó đang ở Khúc Tréo và lên 21 tuổi, cha bị chém 2 nhát : 1 nhát phía trên sọ đầu, 1 nhát phía sau ót nhưng đầu chưa đứt lìa). Tuy nhiên ở trong nước bây giờ thì lại có những luận cứ khác, cho rằng ngài bị giết vì chuyện tranh chấp giữa các giáo phái [ đưa thêm chi tiết là 2 người Nhật (lúc đó đã bị giải giới sau khi thất trận, và đang nhập vào mặt trận Cao Đài, tố cáo cha thân Pháp ) trực tiếp can dự việc sát hại cha !]

Chuyện tìm ra xác cha cũng được tả lại khá ly kỳ lạ lùng, như được ơn trên soi sáng hướng dẫn để giáo dân vớt được xác ngài từ dưới ao, rồi đem về chôn tạm tại nhà thờ họ đạo ‘Khúc Tréo’. 22 năm làm Linh mục. 16 năm coi giáo xứ Tắc Sậy.

Hãy nghe một đoạn sách tả lại như sau :

Mộ cha ngày nay sau khi được cải táng lần 3
“Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ngài về ‘báo mộng’ cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chỗ họ ném xác ngài, trong cái ao nhà ông giáo Sự. Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ngài đã bị chém vào đầu, kèm với một vết chém ngang cổ chỗ gần mang tai. Thân xác ngài thì bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện, và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi. Các vị chức sắc lén đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo, và ông nghĩ làm thế kín đáo hơn đưa ngay về Tắc Sậy). Hăm ba năm sau, tức năm 1969, hài cốt ngài được cải táng, dời về Nhà thờ Tắc Sậy nay”.

Sự lạ đếm không xuể.

Người viết chỉ dám dùng chữ ‘sự lạ’, chứ chưa viết là ‘phép lạ’ theo như truyền thống phải được giáo hội công nhận. Dĩ nhiên vì khắp nơi rộ lên long sùng kính cha, xuyên qua những tin đồn trăm ngàn sự lạ lớn nhỏ, ngài được Chúa thực hiện khi có người chạy đến xin ngài bầu cử cho. Người ta đồn thổi nhau về một ‘sự cố’ xảy ra từ năm 1977, một bà già ngoại giáo rất nghèo sống ở Bảo Lộc (Lâm Đông) đang nằm chờ chết vì ung thư bao tử. Bỗng dưng có một Linh mục Công Giáo tình cờ ghé qua nhà, trao cho mấy viên thuốc rồi vội ra đi, sau khi nói rằng mình đang coi xứ Tắc Sậy, Bặc Liêu. Bất ngờ hết bệnh, bà nhờ con cháu thuê xe xuống tạ ơn cha sở đã chữa mình. Vừa xuống xe, tạt qua mộ cha (cải táng lần 2) thấy hình trên bia mộ giống hệt vị Linh mục cho thuốc mình hôm trước. Bà liền la lớn tiếng cho mọi người nghe, rồi kể rành mạch về ‘sự lạ’ được khỏi bệnh.

Trong nước, rồi hải ngoại, bà con ùn ùn kéo xuống nhà thờ Tắc Sậy hàng ngày. Hình như ai có lòng tin cũng được phần nào như ý toại nguyện. Thiên hạ gọi nhà thờ này là ‘Chốn du lịch tâm linh’.

Dĩ nhiên tóa Giám mục Cần Thơ không thể cứ yên lặng mãi. Các viên chức bắt đầu thu thập những câu truyện từ các nhân chứng và chuẩn bị báo cáo về tóa thánh. Tới năm 2014 thì hồ sơ được xét là xứng đáng tiến hành, và cha Diệp được gọi là ‘Đầy tớ Chúa’, bước sơ khởi cho chuyện phong thánh tương lai.


Nhà thờ Tắc Sậy bây giờ
Sau một dịp từ Mỹ về hành hương nhà thờ Tắc Sậy và tạ ơn cha Diệp, có người đã viết lên mấy câu thơ này :

“Tắc Sậy xứ đạo của cha,

Miền nam nước Việt tuy xa mà gần,

Mộ cha linh hiển vô ngần,

Giáo lương đều muốn một lần viếng thăm.

Nào ai đau khổ tháng năm,

Niềm vui sẽ đến gấp trăm gấp ngàn,

Những người gặp bước gian nan,

Cha đều chăm sóc lo toan mọi bề”.

Ta học gì và xin gì với cha Diệp ?

Tích truyện rõ ràng và rất thật về cha Phan-xi-cô Trương bửu Diệp nhất định đòi chúng ta phải hết lòng bái phục một con người thánh thiện can đảm phi thường. Một chủ chiên liều mạng sống vì đoàn chiên, theo đúng mẫu mực Chúa Ky tô. Một mục tử thực hành chức vụ lãnh đạo chỉ để phục vụ những con người nghèo hèn thấp kém trong xã hội.

Lúc còn sống, cha Diệp dành nhiều thì giờ đi thăm và giúp đỡ lương dân, cho nên ngày này số người ngoài Công Giáo được cha cầu Chúa cho nhiều ơn lạ, hơn cả với người trong đạo. Dó là một bài học lớn cho tất cả chúng ta. Cần hướng về bao linh hồn còn chưa được ơn đón nhận đức tin.

Cha Diệp còn nêu tấm gương sống khó nghèo cho bản thân mình, nhưng luôn tìm chăm sóc lo lắng cho tha nhân. Ngài luôn là hiện thân của người bạn chất phác, dễ dãi, rộng lượng và rất chân thành gần gũi không trừ một ai.

Có người cũng nêu lên ý kiến về ‘Tình người’ nơi cha Diệp thế này :

“Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã hy sinh tính mạng của mình để cứu đoàn chiên. Sau khi qua đời, ngài hiển linh ban ơn cho người này người kia, “ai xin thì cũng đều được”. Rồi bây giờ mọi người dâng lễ tạ ơn ngài, biến ngôi nhà thờ nhỏ xíu cũ xưa của ngài thành nơi khang trang, hiện đại hàng đầu. Tất cả những việc đó đều là do tình người. Đối với tôi, bất cứ cái gì thuộc về tình người đều đáng ca ngợi”.

Thế là chúng ta cùng tạ ơn Chúa về cha Diệp. Cùng chắp tay xin Chúa, nhờ công nghiệp và gương sáng của cha, ban cho Giáo hội Mẹ Việt Nam được an bình, được mau đón nhận nhiều chiên lạc về cùng gia đình con Chúa. Cho mọi tầng lớp giáo dân hăng say làm việc tông đồ, nhất là yêu mến kẻ nghèo hèn đơn độc, như cha Diệp đã làm gương xưa.

Bản thân và gia đình chúng ta phải thề hứa dứt khoát sẽ nhìn vào hình ảnh cha Diệp mà giữ đạo và sống đạo cho tới cùng.