Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 21 tháng 8, Ðức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tòa Thánh, đã gặp gỡ và thảo luận với Ðức Tổng Giám Mục Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.
Thông cáo của tòa Thượng Phụ cho biết hai vị đã trao đổi về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay và tình trạng bi thảm của các tín hữu Kitô tại Trung Ðông. Nhận xét về việc có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, hai vị đã đồng ý về sự kiện trước tiên cần loại trừ nạn khủng bố ra khỏi lãnh thổ Syria, và chỉ sau khi đạt được hòa bình tại nước này, người ta mới có thể xác định tương lai chính trị của đất nước.
Về vấn đề Syria và tình trạng các tín hữu Kitô Trung Ðông có sự đồng ý hoàn toàn với nhau giữa các tín hữu Công Giáo và Chính Thống, nhưng không có sự đồng ý như vậy về vấn đề Ukraine.
Thứ ba 22 tháng 8 năm 2017, Ðức Hồng Y Parolin đã gặp gỡ và làm việc với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, và ban chiều, Ðức Hồng Y viếng thăm Ðức Thượng Phụ Chính Thống Kirill ở Mascơva.
Thứ tư 23 tháng 8 năm 2017, Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh đã đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin.
2. Chính Thống Giáo Nga phàn nàn Ukraine
Một trong những đề tài nóng bỏng được đề cập trong các cuộc thảo luận giữa Đức Hồng Y Pietro Parolin và các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga là vấn đề Ukraine và tự do tôn giáo tại nước này. Quốc hội Ukraine đang chuẩn bị một số đạo luật trong thực tế kỳ thị vị thế của Giáo Hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga.
Ngoài Giáo Hội Chính Thống thuộc tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, còn có Chính Thống Ukraine tự ý tách rời khỏi Chính Thống Nga do Ðức Thượng Phụ Filaret cai quản, và không được Chính Thống thế giới công nhận. Sau cùng là một Giáo Hội Chính Thống gốc hải ngoại, trở về Ukraine sau khi nước này tìm lại tự do sau khi nhà nước Liên Xô sụp đổ.
Ðức Tổng Giám Mục Hilarion bày tỏ sự bất mãn về những lời tuyên bố có tính cách chính trị của các đại diện Công Giáo Ukraine nghi lễ đông phương, nhưng đồng thời Ðức Tổng Giám Mục cũng nhìn nhận sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các tín hữu Chính Thống.
Thông cáo của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga cho biết hai vị lãnh đạo Tòa Thánh và Chính Thống Nga đều xác tín rằng chính trị không được xen mình vào đời sống Giáo Hội, và các Giáo Hội Kitô tại Ukraine được kêu gọi giữ một vai trò kiến tạo hòa bình, cộng tác với nhau để tái lập sự hòa hợp dân sự tại Ukraine.
3. Sứ điệp Ngày thế giới người di dân và tị nạn lần thứ 104.
Hôm thứ Hai 21 tháng Tám năm 2017, Toà thánh đã công bố Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô cho “Ngày thế giới người di dân và người tị nạn” lần thứ 104, sẽ được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng năm 2018 với chủ đề “Ðón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và người tị nạn”. Sứ điệp được Ðức Thánh Cha ký ngày 15 tháng Tám năm 2017, ngày Lễ trọng mừng kính Ðức Mẹ Lên Trời.
Ðức Thánh Cha viết: “Trong suốt những năm đầu thi hành sứ vụ giáo hoàng, tôi đã nhiều lần bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về tình trạng đáng buồn của nhiều người di dân và người tị nạn trốn chạy chiến tranh, khủng bố, thiên tai và đói nghèo. Tình trạng này chắc chắn là một 'dấu chỉ của thời đại', mà tôi cố gắng giải thích, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, kể từ chuyến viếng thăm Lampedusa vào ngày 8 tháng Bảy 2013. Khi thành lập bộ mới, Bộ Thăng tiến sự phát triển con người toàn diện, tôi muốn có một phân bộ đặc biệt -hiện nay do chính tôi đứng đầu- để nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với người nhập cư, người tị nạn và các nạn nhân của nạn buôn người”.
Ðức Thánh Cha nói rằng đáp ứng nhu cầu của người tị nạn là một dịp để Phúc âm hoá: “Mỗi người khách lạ gõ cửa nhà chúng ta là một cơ hội để chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đồng hoá mình với những người khách lạ được tiếp đón hay bị từ chối trong mọi thời ... Ðây là một trách nhiệm lớn lao mà Giáo Hội muốn chia sẻ với tất cả các tín hữu và mọi người thiện chí, những người được kêu gọi đáp ứng những thách đố của thời đại di dân hiện nay với lòng quảng đại, sự nhanh nhẹn, khôn ngoan và nhìn xa trông rộng, tuỳ theo khả năng của mỗi người.
Trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến hành động của Liên hiệp quốc:
“Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc tổ chức ở New York vào ngày 29 tháng Chín năm 2016, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ mong muốn có hành động dứt khoát trong việc trợ giúp người di dân và người tị nạn để cứu mạng và bảo vệ quyền lợi của họ, bằng cách chia sẻ trách nhiệm này trên toàn cầu. Ðể đạt được mục tiêu này, các quốc gia đã cam kết soạn thảo và thông qua, trước cuối năm 2018, hai Hiệp ước Toàn cầu, một cho người tị nạn và một cho người di dân”.
4. Bốn yếu tố của một chính sách chung đối với nhu cầu của người nhập cư,
Trong Sứ điệp Ngày thế giới người di dân và tị nạn lần thứ 104, người ta đặc biệt chú ý đến bốn yếu tố đối với nhu cầu của người nhập cư, mà Đức Thánh Cha đã từng nêu ra trong Diễn văn tại Diễn đàn Quốc tế về Di cư và Hoà bình, ngày 21 tháng 02 năm 2017; và được lặp lại trong sứ điệp này.
Ðức Thánh Cha mô tả các yếu tố này bằng bốn động từ:
Ðón tiếp: ... “trên hết, phải cung cấp nhiều lựa chọn hơn để người di dân và người tị nạn đến được các quốc gia tiếp nhận một cách an toàn và hợp pháp. Ðiều này đòi hỏi một dấn thân cụ thể để gia tăng và đơn giản hoá tiến trình cấp thị thực nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Ðồng thời, tôi hy vọng rằng nhiều quốc gia sẽ thông qua các chương trình tài trợ tư nhân và cộng đồng, và mở các hành lang nhân đạo cho những người tị nạn đặc biệt yếu thế. Hơn nữa, cũng nên cấp thị thực tạm thời đặc biệt cho những người trốn chạy các cuộc xung đột ở những nước láng giềng. Việc tuỳ tiện trục xuất tập thể những người nhập cư và người tị nạn không phải là giải pháp thích hợp, đặc biệt là khi người dân được đưa trở lại các quốc gia không có sự bảo đảm tôn trọng nhân phẩm và những quyền cơ bản của con người”. Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại rằng “nguyên tắc trung tâm của nhân vị”, mà vị tiền nhiệm của ngài là Ðức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI vẫn nhấn mạnh, “buộc chúng ta phải luôn đặt ưu tiên cho sự an toàn của cá nhân trước an ninh quốc gia”.
Bảo vệ: ... “có thể được hiểu là một loạt các bước nhằm bảo vệ quyền và phẩm giá của người di dân và người tị nạn, bất chấp tình trạng pháp lý của họ. Sự bảo vệ ấy bắt đầu ở quốc gia xuất phát và bao gồm việc cung cấp thông tin đáng tin cậy và được xác minh trước khi người ấy ra đi và việc cung cấp sự an toàn để tránh các hoạt động tuyển dụng bất hợp pháp. Ðiều này phải được tiến hành ở mức tối đa có thể tại quốc gia tiếp nhận, bảo đảm cho họ có đủ trợ giúp về mặt lãnh sự, có quyền luôn giữ lại các giấy tờ cá nhân, được mở một tài khoản ngân hàng cá nhân và một mức tối thiểu để sống”.
Thăng tiến: ... “đó là một nỗ lực kiên quyết để bảo đảm rằng tất cả những người di dân và người tị nạn - cũng như các cộng đồng đón tiếp họ - đều có quyền thể hiện tiềm năng của mình như những con người, trong mọi chiều kích làm thành nhân loại mà Ðấng Sáng Tạo đã dự định. Trong những chiều kích ấy, chúng ta phải nhìn nhận giá trị đích thực của chiều kích tôn giáo, bảo đảm cho tất cả các ngoại kiều ở bất cứ quốc gia nào có quyền tự do tín ngưỡng và thực hành tôn giáo. Nhiều người di dân và người tị nạn có những khả năng phải được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp”.
Hội nhập: ... liên quan đến các cơ hội phong phú hoá qua việc giao thoa văn hóa nhờ sự hiện diện của người di dân và người tị nạn. Hội nhập không phải là “đồng hóa”, đẩy người nhập cư đến chỗ xoá bỏ hay quên đi bản sắc văn hoá của họ. Nhưng, việc giao tiếp với người khác phải dẫn tới chỗ khám phá được 'bí quyết' của họ, cởi mở với họ để đón nhận các mặt đúng đắn của họ và như thế góp phần vào việc hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Ðây là một tiến trình lâu dài nhằm định hình xã hội và văn hoá, làm cho chúng ngày càng trở nên phản ánh những ơn huệ đa dạng mà Thiên Chúa ban tặng cho con người”.
5. Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Chilê của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
“Mi paz les doy” - Tôi ban bình an của tôi cho họ - là khẩu hiệu tiếng Tây ban nha của chuyến viếng thăm Chilê của Ðức Thánh Cha Phanxicô từ ngày 15 đến 18 tháng 01 năm 2018. Khẩu hiệu này lấy ý từ Lời Chúa trong Tin mừng thánh Gioan 14,27: “Thầy để lại bình an cho anh em”.
Ủy ban quốc gia chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này cho biết, câu này vừa quen thuộc với các tín hữu Công Giáo và cả người ngoài Công Giáo. Nó diễn tả rằng với cuộc viếng thăm của mình, Ðức Thánh Cha Phanxicô mang lời của Chúa Giêsu như món quà đến cho Chilê. Trong thông cáo, Ủy ban cũng nhấn mạnh rằng: “Với chuyến viếng thăm này, Ðức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một nền văn hóa gặp gỡ, thúc đẩy một bầu khí hiệp nhất cho dân tộc Chilê.”
Logo của chuyến viếng thăm rất đơn giản nhưng chứa đựng 3 yếu tố chính của cuộc viếng thăm: Thánh giá và khẩu hiệu là hai điều nhắc đến Chúa Kitô; chữ ký và lá cờ nói đến Ðức Thánh Cha; và bản đồ nước Chilê với hàng chữ “Chilê 2018” được viết bằng màu đỏ và xanh dương, hai màu cờ của Chilê, nói đến quốc gia này.
Ðược biết logo này không phải là một tác phẩm của một tác giả, nhưng là kết quả làm việc của một nhóm các nhà vẽ mẫu, các nhà truyền thông, các linh mục và giáo dân.
6. Khẩu hiệu và logo chuyến viếng thăm Pêru của Ðức Thánh Cha Phanxicô.
Hội đồng Giám mục Pêru đã công bố khẩu hiệu và chuyến viếng thăm quốc gia này, từ ngày 18 đến 21 tháng 01 năm 2018, của Ðức Thánh Cha Phanxicô. Ðây là lần thứ 3 Pêru được người kế vị thánh Phêrô viếng thăm.
“Unidos por la speranza” - Hiệp nhất bởi hy vọng - là lời mời gọi hoạt động cho sự hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của hy vọng, điều Ðức Thánh Cha đã ngỏ lời với người dân Pêru trong sứ điệp video gửi đến họ hồi đầu tháng 8 năm 2017.
Các yếu tố được trình bày trong logo là: sự gần gũi, cầu nguyện và hiệp nhất. Ðôi bàn tay: màu đỏ và vàng, màu cờ Pêru và Vatican, như hình đôi cánh đang cầu nguyện, ngợi khen và vui mừng với việc Ðức Thánh Cha đến Pêru. Bản đồ Pêru thể hiện sự gần gũi của Ðức Thánh Cha với Pêru qua sự hiện diện của ngài. Hình ảnh tươi cười của Ðức Thánh Cha trong bản đồ nước Pêru diễn tả sự liên kết của các miền đất nước để đón tiếp Ðức Thánh Cha.
Theo các Giám mục Pêru, logo muốn diễn tả sự gần gũi của Ðức Thánh Cha với nhân dân Pêru và sự đồng hành của ngài trên hành trình đức tin, đồng thời muốn xác định rằng ngày lễ hội trong hy vọng sẽ đoàn kết mọi người
7. Tổ chức ân xá quốc tế lên án cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte.
Chỉ trong một ngày 15 tháng 8 năm 2017, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 32 người Phi Luật Tân đã bị cảnh sát giết chết. Có lẽ đây là con số nạn nhân cao nhất trong một ngày từ khi tổng thống Duterte tuyên bố cuộc chiến chống ma túy.
Ông James Gomez, giám đốc tổ chức Ân xá quốc tế khu vực Ðông nam á Thái bình dương nhận định rằng cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Duterte đã tiến tới mức độ man rợ mới: giết những kẻ bị tình nghi, vi pham quyền sống của họ và phớt lờ các quy luật của một tiến trình đúng đắn cho đến nay vẫn được thực hiện. Cũng theo ông Gomez, những người bị ảnh hưởng bởi mức độ bạo tàn thường là các cộng đồng nghèo.
Từ khi lên nắm chính quyền vào năm 2016, ông Duterte và chính phủ của mình đã vi phạm nhân quyền dưới danh nghĩa cuộc chiến chống ma túy. Họ đe dọa và giam tù những người phê bình đường lối của ông và tạo nên một bầu khí không có luật pháp. Trong vai trò người lãnh đạo tối cao của đất nước, Duterte đã phê chuẩn và cổ võ những vụ hành quyết không xét xử.
Trong một báo cáo hồi đầu năm 2017, có tựa đề “Nếu anh là người nghèo, anh bị giết”, tổ chức Ân xá quốc tế đã tố cáo cảnh sát Philippines đã giết hại hoặc đã trả tiền để giết hàng ngàn người bị cáo buộc phạm tội buôn bán ma túy trong làn sóng của các vụ giết người không xét xử, có thể so sánh với tội ác chống lại nhân loại.
8. Người Hồi giáo Pakistan thương nhớ sơ Ruth Pfau
Hồi trung tuần tháng 8 năm 2017, thế giới thương tiếc sự ra đi vĩnh viễn của nữ tu Ruth Pfau, một bác sĩ y khoa người Ðức. Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, quốc gia có đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho sơ Ruth.
Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví sơ Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Ðức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Tổng thống Mamnoon Hussein ca ngợi sự dấn thân của sơ Ruth Pfau trong việc phục vụ các bệnh nhân và góp phần chấm dứt bệnh phong ở Pakistan. Ông ca ngợi sự hy sinh dấn thân của sơ trong việc chon Pakistan là nhà của mình để phục vụ nhân loại. Ông và đất nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với sơ Ruth hy vọng rằng tinh thần phục vụ nhân loại tuyệt vời của sơ sẽ được tiếp tục.
Kakkazai Aamir, một nhà văn và nhà nghiên cứu Hồi giáo nói rằng dân Pakistan sẽ nhớ về sơ Ruth như biểu tượng của sự cống hiến và ngọn hải đăng hy vọng cho người bị bệnh phong và sẽ không bao giờ quên sự phục vụ của sơ. Ông nhắc lại lời của sơ Ruth: “Chúng tôi không phục vụ nhân loại để được phần thưởng hay thiên đường, nhưng chúng tôi làm việc để giảm bớt những vấn đề của dân tộc chúng ta. Chúng tôi làm việc để chữa lành các bệnh tật của nhân loại'. Ông tin rằng sơ Ruth không cần những lời cầu nguyện của dân Pakistan để xin sự tha thứ của Thiên Chúa nhưng chính họ phải cầu nguyện để có được một chỗ cạnh sơ trên thiên đàng.
Ðối với ông Hamza Arshad, một nhà giáo dục Hồi giáo, sơ Ruth là một thiên thần của lòng thương xót đối với dân Pakistan, nơi mà chính quyền làm ngơ trước các chương trình sức khỏe cộng đồng. Sơ Ruth đã chăm sóc các bệnh nhân phong cùi, những người bị xua đuổi và xa lánh. Sơ đã chiến đấu thực sự chống lại căn bệnh này và hầu như đã chiến thắng nó. Năm 1996, Pakistan là nước đầu tiên trong vùng đã kiểm soát được bệnh phong. Sơ Ruth không hề nghĩ đến việc cần phổ biến trên truyền thông để được biết đến hay được trợ giúp kinh tế. Trên hết sơ có sự trợ giúp ủng hộ của dân chúng... Ông tin rằng sơ Ruth sẽ tiếp tục nghĩ đến các người bệnh và các bệnh nhân của sơ đang thiếu vắng người mẹ thánh thiện.
Giáo trưởng Rana, một luật sư và giám đốc trang mạng nhật báo Mukaalma (đối thoại) khẳng định: “Những con người như bác sĩ Pfau hy sinh hiện tại của họ cho tương lai của người khác. Sơ Ruth còn được tôn trọng hơn nữa vì không chỉ hy sinh cho đất nước của sơ nhưng cho một quốc gia khác. Sơ là một trong những tia sáng cuối cùng của hệ thống truyền giáo Kitô giáo, đã sản sinh ra các nhân vật vĩ đại yêu mến Thiên Chúa qua các thụ tạo của Ngài và phục vụ Thiên Chúa bằng cách phục vụ nhân loại, không phân biệt tôn giáo. Sơ Ruth đã và sẽ vẫn là một biểu tượng của tình yêu, của nhân loại và của sự hy sinh. Tình yêu và sự chăm sóc sơ dành cho các bệnh nhân phong cùi không chỉ là rất quan trọng và cần thiết, nhưng cũng mang tính cách mạng. Ðặc biệt là trong một xã hội như Pakistan, nơi mà những người phong cùi được coi là phải chịu số phận và định mệnh phải chết một mình. Sơ Pfau đã cho thấy rằng 'lời nguyền của Thiên Chúa' có thể được chiến thắng