Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cuộc chiến nhằm cứu mạng cháu bé Charlie Gard đã kết thúc một cách bi thảm. Những giằng co pháp lý dai dẳng tại tòa án đã khiến cho cơ hội cứu mạng cháu bé trôi qua. Tiến sĩ Michio Hirano, một nhà thần kinh học của Mỹ, cho biết đã quá muộn để có thể điều trị cho em bé.
Trước kết cục đáng buồn này, Ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã ra một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng “đang cầu nguyện cho bé Charlie Gard và cha mẹ của em và cảm thấy đặc biệt gần gũi với họ vào thời điểm đau khổ bất tận này.”
Ông Greg Burke nói thêm:
“Đức Thánh Cha cũng xin chúng ta tham gia trong lời cầu nguyện để họ có thể tìm thấy ơn an ủi và tình yêu của Thiên Chúa”.
Charlie Gard đã là trung tâm của một cuộc tranh cãi trên thế giới với một bên là cha mẹ của cháu bé, và những người ủng hộ họ trong đó có Đức Giáo Hoàng, tổng thống Donald Trump, nhiều vị nguyên thủ quốc gia khác và nhiều người khác nữa; và bên kia là các bác sĩ ở bệnh viện Great Ormond Street và các quan toà ở London. Những điểm chính trong cuộc tranh cãi này là đạo đức y khoa, lời thề Hippocrates của các lương y, ai là người có quyền quyết định sự sống chết của một người khác, và xa hơn thế nào là ‘đáng sống’, thế nào là ‘gánh nặng của xã hội’.
2. Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales về trường hợp của cháu bé Charlie Gard
Hôm thứ Ba 25 tháng 7, Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales đã ra một tuyên bố về trường hợp của cháu bé Charlie Gard sau khi cha mẹ của Charlie Gard quyết định chấm dứt cuộc chiến pháp lý nhằm cứu mạng con họ.
Các Giám Mục “bày tỏ sự thông cảm và lòng trắc ẩn sâu xa nhất” của các ngài đối với kết cục bi thảm này. Các ngài cho biết:
“Nhiều tuần nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã theo dõi với tình cảm và sự xúc động của ngài đối với trường hợp của cháu bé Charlie Gard và bày tỏ sự gần gũi của ngài với cha mẹ cháu. Ngài cầu nguyện cho họ, hy vọng rằng mong muốn của họ được tháp tùng và chăm sóc cho con mình cuối cùng không bị vùi dập”.
“Trên thực tế, chúng ta cũng cầu nguyện cho Charlie, cha mẹ và gia đình của bé, hy vọng rằng, như một gia đình, họ có thể nhận được sự ủng hộ và không gian để tìm lại sự bình an trong những ngày sắp tới. Sự chia tay của họ với cháu bé mà họ trân quý làm xúc động trái tim của tất cả những ai, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã theo dõi câu chuyện buồn và phức tạp này.”
Trường hợp của cháu bé Charlie Gard đã gây ra một làn sóng phản đối rất mạnh tại Luân Đôn. Họ tin rằng các bác sĩ tại bệnh viện Great Ormond Street vì muốn giữ thể diện nên đã quyết liệt không cho cháu bé được đưa sang Mỹ điều trị. Hàng ngày, dân chúng tụ tập tại cửa bệnh viện Great Ormond Street la ó chửi bới các bác sĩ và y tá; và email hăm dọa bệnh viện. Điều này có thể gây những ảnh hưởng bất lợi cho việc điều trị các trẻ em khác. Vì thế, các Giám Mục đã kết luận như sau:
“Chúng tôi tin rằng tất cả những ai tham gia vào các quyết định đau đớn này đã tìm cách hành động trong sự liêm chính vì lợi ích của Charlie. Tính chuyên nghiệp, tình yêu và sự chăm sóc cho trẻ em bị bệnh nặng liên tục được thể hiện ở bệnh viện Great Ormond Street trong những năm qua cũng đáng được công nhận và hoan nghênh.”
3. 15 tượng Đức Mẹ Lộ Đức được đưa sang Trung Đông thay thế cho những tượng đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS đập phá
Một tổ chức bác ái Công Giáo Pháp đã gửi 15 bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria tới Trung Đông để thay thế những tượng đã bị phá hủy bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Tổ chức Oeuvre d'Orient, một hiệp hội bác ái Công Giáo Pháp chuyên giúp các Kitô hữu bị bách hại, đã gửi những bức tượng từ Lộ Đức để Ankawa, một vùng ngoại ô của thành phố Erbil thuộc khu tự trị Iraq Kurdistan, nơi đa số dân là người Công Giáo. Thông tấn xã Aleteia đã cho biết như trên.
Các bức tượng đã được người Công Giáo nghi lễ Chanđê và người Công Giáo Syria cung nghinh trong các cuộc rước trên đường phố, trước khi được làm phép và được gửi đến các giáo xứ tại Trung Đông.
Tổ chức Oeuvre d'Orient nói các cuộc rước này là một minh chứng cho những điều đã được chép trong sách tiên tri Giêrêmia 31:17: “Như thế, tương lai ngươi sẽ tràn trề hy vọng: vì Chúa đã phán rằng con cái ngươi sẽ trở về bờ cõi mình.”
Biến cố này đã xảy ra sau một báo cáo của một nhân viên cứu trợ cao cấp của Công Giáo Chanđê mô tả dân số Công Giáo ở miền bắc Iraq là đang “trên bờ vực tuyệt chủng”; và cần sự trợ giúp của các Giáo Hội khác để sống còn.
Kể từ năm 2003, dân số Kitô giáo Iraq đã giảm nhanh chóng từ 1.4 triệu chỉ còn 275,000. Đa số đang tị nạn tại thành phố Erbil chờ ngày trở về Mosul, là thủ phủ của Kitô Giáo Iraq.
4. Giám Mục Phi Luật Tân yêu cầu chính phủ duyệt lại cuộc chiến chống buôn bán ma túy
Một giám mục Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cần phải “tái cấu trúc” cuộc chiến chống buôn bán ma túy, tập trung vào việc loại bỏ nhu cầu sử dụng ma túy chứ không phải là tận diệt những kẻ buôn bán ma túy và những người nghiện ma túy.
Theo tổ chức Human Rights Watch, cho đến nay ít nhất 7,000 người đã bị giết trong đó chủ yếu là các con nghiện. Ít nhất 2,555 trường hợp là do cảnh sát chống ma túy của Phi Luật Tân giết chết ngay tại hiện trường.
Đức Cha Pablo Virgilio David Giám Mục Kalookan đề nghị rằng chính phủ cần phải tham khảo ý kiến các chuyên gia để thực hiện “một nghiên cứu có chiều sâu các nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn ma túy bất hợp pháp tại nước này.”
Ngài nhận xét rằng ưu tiên của quốc gia phải là giảm bớt tình trạng nghèo đói, và tạo cho người dân có công ăn việc làm chính đáng để giúp họ đừng rơi vào vòng mua bán ma túy.
Cuộc chiến tranh chống ma túy của Duterte, bị cáo buộc là được xây trên cơ sở hỗ trợ ngầm cho bạo lực của cảnh sát trong việc giết người phi pháp.
5. Giám mục Marawi phản đối việc kéo dài tình trạng thiết quân luật trên đảo Mindanao
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 18 tháng 7, Đức Cha Edwin de la Peña, là Giám Mục giáo phận Marawi, nói ngài quyết liệt phản đối việc kéo dài tình trạng thiết quân luật trên đảo Mindanao.
Đức Cha Peña, đang tị nạn tại thành phố Iligan vì Toà Giám Mục của ngài đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng từ hôm 23 tháng 5 vừa qua, đã nhận xét rằng tình trạng thiết quân luật trong thời gian 60 ngày vừa qua có thể là cần thiết để đáp ứng tình trạng khẩn cấp, nhưng bây giờ việc mở rộng tình trạng này hoàn toàn không còn cần thiết và còn có thể gây hại.
Đức Cha Peña nói:
“Tôi chống lại việc kéo dài tình trạng thiết quân luật. Không có thiết quân luật chính phủ cũng đã hoàn toàn có khả năng giải quyết tình hình.”
Các quan sát viên cho rằng Rodrigo Duterte cố tình nuôi dưỡng cuộc chiến tại Marawi để thủ đắc các lợi thế về chính trị. Trái với các tuyên bố mị dân được tung ra trong thời kỳ tranh cử, Rodrigo Duterte không có khả năng lãnh đạo quốc gia. Nền kinh tế Phi Luật Tân suy sụp nhanh chóng. Mở ra cuộc chiến chống ma túy là một cách đổ lỗi cho tình trạng bi đát về kinh tế của Phi Luật Tân. Kéo dài tình trạng chiến tranh tại trên đảo Mindanao cũng là một thủ đoạn nằm trong chiều hướng đó. Chưa kể là tình trạng thiết quân luật ban cho Rodrigo Duterte nhiều khả năng đàn áp đối lập.
Tuy bọn khủng bố Hồi Giáo IS và Rodrigo Duterte ở hai bên chiến tuyến đối nghịch nhau nhưng cả hai cùng khai thác kỹ lưỡng các hình ảnh đập phá và đốt cháy các nhà thờ Công Giáo tại giáo phận Marawi. Các Giám Mục Phi Luật Tân nhận định rằng cả hai phía đều cố ý khai thác các tình cảm hận thù tôn giáo để tranh thủ nhân tâm. Nhưng đó là một điều hết sức nguy hiểm cho sự sống chung hòa bình giữa người Hồi Giáo và người Công Giáo; đặc biệt tại những vùng người Hồi Giáo chiếm đa số như ở các quần đảo phía Nam Phi Luật Tân.
Hơn 465,000 người, tức là khoảng 102,000 gia đình đã phải tị nạn, dẫn đến một tình trạng khủng hoảng nhân đạo rất lớn.
Đức Cha Peña cho biết chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, Caritas Phi Luật Tân đã phân bổ 30 triệu peso (gần 600,000 Mỹ Kim) để đáp ứng nhu cầu của những người tị nạn. Đây là một gánh rất nặng cho một Giáo Hội nghèo như Giáo Hội tại Phi Luật Tân.
Rodrigo Duterte dự định kéo dài tình trạng thiết quân luật cho đến ngày 31 tháng 12 năm nay.
6. Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ thăm Mạc Tư Khoa
Đức Hồng Y Pietro Parolin nói rằng: “Tôi sẽ đến Nga với tư cách là người cộng sự viên của Đức Thánh Cha, ngài muốn xây dựng cầu nối để tăng cường khả năng thấu hiểu và đối thoại với nhau”.
Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã cho biết như trên về chuyến đi sắp tới của ngài tại Nga, dự kiến diễn ra vào tháng 8.
Ngày giờ cụ thể của chuyến đi vẫn chưa được công bố, nhưng có lẽ sẽ có một cuộc hội kiến giữa Đức Hồng Y và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tòa Thánh và Liên bang Nga thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào tháng 12 năm 2009, ở cấp độ Tòa Sứ Thần và Đại Sứ Quán.
Tổng thống Vladimir Putin đã hội kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào ngày 10 tháng 6 năm 2015. Trước đó, ông cũng từng hội kiến với Thánh Gioan Phaolô II tại Vatican vào ngày 5 tháng 6 năm 2000 và Đức Bênêđictô XVI năm 2003 và 2007.
Chuyến thăm Nga gần đây nhất mà một viên chức cấp cao của Vatican thực hiện là vào năm 1988, khi Đức Hồng Y Agostino Casaroli đến Mạc Tư Khoa tham dự lễ kỷ niệm một nghìn năm nước Nga đón nhận phép rửa. Ngài đại diện cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và được Tổng thống Nga Mikhail Gorbachev tiếp đón.
7. Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch “Trung Hoa hóa” Giáo Hội Công Giáo
Lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách về tôn giáo đã nói không úp mở rằng Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát thật chặt Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này.
Du Chính Thanh, một thành viên trong nhóm bảy người trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, và đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, yêu cầu các thành viên của cộng đồng Giáo Hội công khai “phải bảo đảm rằng sự lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc phải được nắm chặt trong tay của những ‘người kính Chúa yêu nước’”. Ucanews cho biết như trên trong bản tin hôm 21 tháng 7.
Du Chính Thanh đã nói chuyện với khoảng 100 giám mục, linh mục, nữ tu và các lãnh đạo giáo dân tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19 tháng Bảy nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát.
Bình luận của Du Chính Thanh đã được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Vatican đang tiếp tục các cuộc hội đàm về việc bình thường hóa việc bổ nhiệm giám mục, như là bước đầu tiên trên con đường dẫn đến việc thành lập quan hệ ngoại giao.
Những cuộc đàm phán như thế đã chậm lại trong những tháng gần đây sau vụ bắt giữ một số Giám Mục Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của mình, Du Chính Thanh yêu cầu các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải không ngừng “nâng cao tự nhận thức về ‘3 tự cường’ và ‘3 tự quản’ và phải luôn luôn nhấn mạnh đến sự chỉ đạo Trung Hoa Hóa tôn giáo của chính phủ”.
Hiệp hội Yêu nước được thành lập ngày 2 tháng 8 năm 1957. Trung Quốc luôn khẳng định rằng Hiệp hội Yêu nước là một “cầu nối” giữa Giáo Hội và chính phủ. Tuy nhiên, trong thực tế Hiệp hội Yêu nước hành xử như một sự thay thế cho Vatican và chủ tịch của hội này là Lưu Bách Niên thường được coi là giáo hoàng đen của Trung Quốc.
8. Ðức TGM Georg Gänswein nói Đức Bênêđictô XVI không có ý phê phán tình trạng Giáo Hội dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Hồng Y Joachim Meisner đã qua đời trong đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng Bẩy. Buổi chiều ngày mùng 4, ngài còn nói chuyện qua điện thoại với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và với Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, bị bãi nhiệm vài ngày trước đó. Cái chết đột ngột của ngài đã gây ra nhiều đồn đoán.
Đức Hồng Y Meisner cũng là một trong 4 vị Hồng Y đã nêu lên 5 điểm hồ nghi liên quan đến Tông Huấn Amoris Laetitia, nhưng không được Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời.
Trong tang lễ của Đức Hồng Y hôm 15 tháng Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16 đã đọc một lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự. Trong thư có đoạn viết như sau:
“Tuy nhiên, điều gây ấn tượng mạnh hơn đối với tôi là trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời mình, ngài đã học cách buông ra, và ngày càng sống trong sự tín thác rằng Chúa không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, cho dù đôi khi con tàu gần như ngập đầy nước đến mức sắp chìm.”
Cụm từ “con tàu gần như ngập đầy nước đến mức sắp chìm” được nhiều người diễn giải là Đức Bênêđíctô thứ 16 muốn phê phán tình trạng hỗn loạn trong Giáo Hội theo sau Tông Huấn Amoris Laetitia.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Il Giornale của Ý sau khi ở Đức về, Đức Tổng Giám Mục Gänswein xác nhận Đức Bênêđíctô XVI đã đích thân viết lá thư được ngài đọc trong tang lễ của Đức Hồng Y Meisner, “từ chữ đầu tiên cho đến chữ cuối cùng, không cần nhờ ai giúp cả.”
Tuy nhiên, Ðức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nhấn mạnh rằng Đức Bênêđíctô thứ 16 không có ý phê phán tình trạng Giáo Hội dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô. Ðức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16, cũng là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lo ngại rằng nhiều người “đang cố gắng sử dụng Đức Giáo Hoàng danh dự trong một luận điệu chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô.”
Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói: “Vị Giáo Hoàng danh dự đã bị khai thác một cách có chủ ý, ngài không ám chỉ bất cứ điều gì cụ thể với cụm từ đó, nhưng nói về tình hình của Giáo Hội ngày nay cũng như trong quá khứ như một chiếc thuyền đang đi giữa một dòng nước không tĩnh lặng. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng từng nói như vậy.”
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã sử dụng hình ảnh này trong Bài Suy Niệm Chặng Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở hí trường Côlôsêô vào năm 2005, khi ngài vẫn còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng bộ Giáo lý Đức Tin. Trong chặng thứ Chín, ngài viết:
“Lạy Chúa, Giáo Hội Chúa thường giống như một chiếc thuyền sắp chìm, nước tràn vào từ mọi phía.”
“Trong cánh đồng của Chúa, chúng con thấy nhiều cỏ dại hơn lúa mì. Khuôn mặt nhếch nhác và áo quần dơ bẩn của Giáo Hội ném chúng con vào tình trạng hoang mang. Tuy nhiên, chính chúng con cũng là những người đã làm vấy bẩn! Chính chúng con cũng đã phản bội Chúa nhiều lần, sau bao nhiêu những lời nói thật cao cả và những cử chỉ thật hùng hồn của chúng con.”
9. Cuộc tranh luận giữa Công Giáo và Tin Lành về việc rửa tội giữa sông
Cha Wilybard Lagho, Tổng Đại Diện Tổng Giáo phận Mombasa ở Kenya, nói việc rửa tội giữa sông là quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các mục sư Tin Lành nói họ cần phải thực thi đúng nghi thức bắt nguồn từ thời Chúa Giêsu, khi Thánh Gioan làm phép rửa cho Ngài trên sông Jordan. Cuộc tranh luận đã nổ ra trong tuần qua sau khi các Kitô hữu ở quốc gia Đông Phi này phải chứng kiến lễ nghi trung tâm của đức tin của họ trở nên các thảm kịch ở miền bắc Tanzania.
Hai nông dân Tin Lành, 30 tuổi và 47 tuổi, đã chết khi mục sư của họ cố gắng làm phép rửa cho họ giữa dòng sông Ungwasi đang chảy xiết ở huyện Rombo miền Kilimanjaro.
Lễ nghi được tổ chức bởi Giáo Hội Tin Lành Shalom, một hệ phái Tin Lành đang thu hút được nhiều tín hữu tại Kenya và Tanzania.
Tháng trước, cảnh sát Tanzania đã bắt giữ một mục sư có liên quan đến cái chết của hai người. Các bản tin địa phương cho biết cảnh sát trưởng Kilimanjaro Hamis Selemani đã cảnh báo các mục sư không được sử dụng các con sông cho các hoạt động như vậy.
Cha Wilybard Lagho, nói các mục sư cần phải thận trọng: “Nếu họ chọn việc rửa tội giữa dòng sông, họ phải xem xét cẩn thận để tránh gây nguy hiểm cho mạng sống các tín hữu.”
Năm ngoái, sáu trẻ em đã chết ở tỉnh Mashonaland ở Zimbabwe, trong buổi lễ rửa tội vào sáng sớm.
Và vào tháng Giêng năm 2015, hai vị mục sư cũng bị chết đuối tại sông Mutshedzi ở tỉnh Limpopo ở Nam Phi, khi đang cố làm phép rửa tội cho bốn người lớn.
10. Nicolás Maduro thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Tòa Thánh
Tình hình ở Venezuela đang “rất bi thảm” và giải pháp “thực sự” là việc tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống theo hiến định, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã viết như trên trong một lá thư đề ngày 17 tháng 7, gởi cho tổng thống Nicolás Maduro, Quốc Hội và các Giám Mục nước này.
Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:
“Tôi đã nói nó và tôi lặp lại ở đây, là tại thời điểm này, giải pháp thực sự là một cuộc bầu cử để người dân có thể bày tỏ theo cách của họ những gì họ mong muốn”.
Thay vì tổ chức bầu cử tổng thống, Maduro bày ra trò hề Quốc Hội Lập Hiến bắt đầu vào ngày 30 tháng 7 này nhằm hình thành một hiến pháp mới nhằm dọn đường cho một chế độ độc tài.
Trong thư gởi cho Đức Hồng Y Jorge Urosa Sabino, là Tổng Giám Mục thủ đô Caracas của Venezuela, đề ngày thứ Hai 17 tháng 7, Đức Hồng Y viết: “Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với Đức Hồng Y, với các linh mục, phó tế và toàn thể giáo dân đã bị tấn công tại Nhà thờ Đức Mẹ Camêlô ở Catia, và quyết liệt lên án cuộc bao vây và hành hung tại đây. Hôm Chúa Nhật, ngày 16 tháng 7, tôi đã cầu nguyện thật nhiều xin Đức Mẹ Camêlô, rất được tôn kính tại Venezuela, xin Chúa Giêsu Con của Mẹ ban cho đất nước này một giải pháp hòa bình và dân chủ, và cho chính quyền biết lắng nghe tiếng kêu của dân chúng đang đòi tự do, hòa giải, hòa bình và an sinh vật chất cũng như tinh thần cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”.
Ngày 18 tháng 7, Maduro chủ tọa một phiên họp của Hội đồng Quốc phòng tại điện Miraflores. Trong cuộc họp, Maduro đã thông báo rằng Julio Borges, chủ tịch của Quốc Hội, đã gửi cho ông ta một lá thư “rất giống với luận điệu của Donald Trump trong đó nói rằng chúng ta phải hành xử theo ý kiến của Đức Hồng Y Pietro Parolin”. Y tuyên bố thẳng trong cuộc họp rằng “Đây là một vấn đề mà tôi đã từ chối bởi vì điều duy nhất có giá trị ở quốc gia này là Hiến pháp của nước Cộng hòa Venezuela.”
Maduro cũng nhân dịp này lên tiếng chỉ trích bà Federica Mogherini ngoại trưởng của Liên minh châu Âu là xen vào công việc nội bộ của Venezuela. Cũng cùng một lập trường như Đức Hồng Y Parolin, bà Federica, người Ý, cũng yêu cầu dẹp trò hề Quốc Hội Lập Hiến, tổ chức bầu cử tổng thống với sự giám sát của quốc tế, và chấm dứt ngay việc đàn áp những người đối lập.
Đây là lần đầu tiên, Maduro công khai phản bác lập trường của Tòa Thánh. Trong quá khứ, Maduro thường lợi dụng Tòa Thánh cho các mục tiêu chính trị của mình.
Y thường buộc tội các nhà lãnh đạo phe đối lập của nước này từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, theo khuyến cáo của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Thí dụ như trong bài phát biểu trên truyền hình hôm Chúa Nhật 30 tháng Tư, Maduro đã hoan nghênh đề nghị của Đức Giáo Hoàng giúp làm trung gian trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezueala. Sau đó, y nói rằng phe đối lập đã từ chối theo đuổi các cuộc đàm phán như ý Đức Thánh Cha muốn. “Họ không muốn đối thoại”.
Thực ra, hồi tháng Mười Hai năm ngoái 2016, các cuộc đàm phán hòa bình đã thất bại vì chính phủ Maduro không thực hiện đầy đủ các cam kết đã được đặt ra như các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, là đại diện của Vatican tại bàn đàm phán, đã rút lui khỏi các cuộc thương lượng, khi ngài thấy rằng không có triển vọng cho các cuộc đàm phán thành công vì Nicolas Maduro chỉ muốn câu giờ hơn là thực tâm đàm phán trong khi tình hình kinh tế xã hội càng ngày càng trầm trọng.
Maduro cũng thường lợi dụng lập trường thận trọng của Tòa Thánh để chống lại các Giám Mục nước này. Tòa Thánh, trong cương vị của mình thường kêu gọi hòa giải, đối thoại trong hòa bình. Trong khi đó, đứng trước những đau khổ càng ngày càng nghiêm trọng của người dân Venezuela, Hội Đồng Giám Mục nước này đưa ra một chỉ dẫn cụ thể hơn: “bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.” Y khai thác tối đa sự khác biệt trong ngôn từ của Đức Giáo Hoàng, các quan chức Tòa Thánh với cách nói thẳng thừng của các Giám Mục Venezuela để cáo buộc các ngài là tay sai đế quốc, cực đoan và không tuân lệnh Tòa Thánh.
11. Tình hình tại Venezuela đang diễn biến nhanh chóng. Nicolás Maduro muốn xin lưu vong tại hải ngoại
Hôm thứ Sáu 21 tháng 7, tại New York, một nhà ngoại giao cao cấp trong đoàn đại biểu Venezuela tại Liên Hiệp Quốc đã xin được đào tị. Ông Wilfredo Villegas nói với thông tấn xã AP rằng ông rời bỏ nhiệm vụ ngoại giao của mình tại Liên Hiệp Quốc để “phản đối những vi phạm nhân quyền tràn lan của Maduro.”
Ông nói thêm: “Maduro đã trình bày Quốc Hội Lập Hiến như con đường duy nhất để tiến tới ‘hòa bình’ và ‘thịnh vượng’. Tuy nhiên, người ta nhận ra đó chỉ là con đường dẫn đến một chế độ độc tài. Người dân không muốn một chính phủ như thế”.
Trong khi đó, hôm 21 tháng 7, cơ quan Stratfor của Hoa Kỳ có trụ sở tại Austin Texas, cho biết trước các áp lực ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế, tổng thống Nicolás Maduro đang tích cực tìm kiếm khả năng được lưu vong tại hải ngoại.
Stratfor cho biết: “Chính phủ Nga và Cuba sẵn sàng chấp nhận cho tổng thống Nicolás Maduro và vợ ông, Cilia Flores, được lưu vong tại các quốc gia này nhưng các nhân vật chính trị khác thì không.”
Trong cuộc trưng cầu dân ý không chính thức hôm Chúa Nhật 16 tháng 7, 98% những người đi bầu đã phản đối trò hề Quốc Hội Lập Hiến của Maduro. Tuy cuộc trưng cầu dân ý là không chính thức, nó cũng tạo ra một cơ sở cho cộng đồng quốc tế can thiệp vào nội tình Venezuela. Nếu Madoro tiến hành trò hề Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 30 tháng 7 tới đây, Hoa Kỳ và nhiều nước khác sẽ thực hiện những chính sách cấm vận nhanh chóng và toàn diện lên Venezuela, như lời đe dọa của tổng thống Donald Trump. Nền kinh tế đang trên bờ vực phá sản của Venezuela sẽ sụp đổ. Madoro và bọn tướng tá tham gia vào các vụ đàn áp nhân dân giờ đây có rất ít lựa chọn. Chúng không thể tiếp tục hành xử bất chấp công luận quốc tế.
12. Quốc Hội Venezuela giải tán Tối Cao Pháp Viện bầu ra Tối Cao Pháp Viện mới
Quốc Hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát đã bổ nhiệm 33 thẩm phán Tòa Án Tối Cao, thay thế hoàn toàn Tối Cao Pháp Viện hiện hành của Venezuela. Diễn biến này khiến Nicolás Maduro nổi giận cáo buộc Quốc Hội đang muốn tiếm quyền.
Tuy nhiên, Quốc Hội Venezuela cho biết theo hiến pháp họ có quyền bổ nhiệm và khai trừ các thẩm phán của nước này. 33 tân thẩm phán đã tuyên thệ nhậm chức tại trụ sở Quốc Hội vào hôm thứ Sáu 21 tháng 7. Tối Cao Pháp Viện với phần lớn các thẩm phán thuộc phe Maduro mô tả động thái này là bất hợp pháp và đã ra lệnh cho “chính quyền dân sự các cấp và quân đội” thực hiện các “hành động cưỡng chế” nhằm phản ứng lại các bổ nhiệm mới này, nhưng chẳng có gì xảy ra sau đó.
Trong khi đó, phe đối lập đã kêu gọi tuần hành phản đối vào hôm thứ Bảy tại bảy điểm ở thủ đô Caracas trước khi kéo đến trụ sở Tòa án Tối cao để giải tán Tối Cao Pháp Viện hiện hành.
Hôm thứ Năm hàng triệu người Venezuela đã tham dự cuộc tổng đình công do phe đối lập chủ xướng. Ít nhất ba người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình và hơn 300 người bị bắt giữ.
Những người biểu tình đã chặn các con đường tại thủ đô Caracas và các thành phố khác.
Colombia, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi Maduro hủy bỏ trò hề Quốc Hội Lập Hiến vào ngày 30 tháng Bảy nhưng ông này đã lên tiếng bác bỏ.
13. Bộ trưởng Giao Thông Anh nói Đức Bênêđíctô thứ 16 thật chí lý khi nói về “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối”
Trong một diễn biến rất họa hiếm trong các sinh hoạt chính trị thế tục, một thành viên trong nội các Anh đã trích dẫn ý kiến của Đức Bênêđíctô thứ 16 về “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối”.
John Hayes, Bộ trưởng Giao Thông Anh, đã phát biểu tại một sự kiện được tổ chức bởi các chuyên gia cố vấn trong nhóm Respublica, như là một phần trong một dự án văn hóa của họ.
Trong bài phát biểu của mình, ông Hayes nói rằng chúng ta nên đánh giá cao sự thẩm mỹ bởi vì “Sự thật là một điều tuyệt đối. Thẩm mỹ là phương tiện qua đó chân lý được mặc khải cho chúng ta ở dạng dễ hiểu nhất”.
Ông Hayes nhận xét rằng “Chúng ta đã đánh mất niềm tin nơi sự thẩm mỹ, vì chúng ta đã mất niềm tin của chúng ta nơi những lý tưởng. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã than thở: ‘Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.’”
Đây là một phần trong bài giảng của Đức Hồng Y Josheph Ratzinger trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện vào ngày 18 tháng Tư, 2005.
Bộ trưởng Giao Thông John Hayes nói ông muốn “thách thức tính cách của những thiết kế đã được chấp nhận trên các con đường bộ và đường sắt được xây dựng trong thời gian gần đây.”
Hầu hết sự xấu xí trong nghệ thuật và kiến trúc hiện đại, theo ông Hayes, xuất phát từ “ý niệm của Nietzsche theo đó quá khứ là quá khứ, không phù hợp hay có liên quan gì đến chúng ta; và rằng chúng ta có thể tạo ra một hệ thống các giá trị riêng của mình; chính xác như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói: ‘Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.’”
Ông John Hayes nói tiếp rằng trong tư cách Bộ trưởng Giao Thông, ông muốn ưu tiên cho cái đẹp, ông đã và đang đặt ra kế hoạch nhằm bảo đảm đường giao thông và đường sắt sẽ thể hiện sự thẩm mỹ tại mỗi khúc quanh, mỗi điểm dừng.
Ông Hayes, là một người Anh giáo, và là một thành viên trong hội bảo vệ thai nhi. Ông được bầu vào Quốc hội năm 1997 và đã làm bộ trưởng nhiều bộ khác nhau từ năm 2010.
14. Giám Mục Công Giáo nghi lễ Syriac của Mosul nhận định về tình hình giáo phận
“Ngày nay, Mosul đã bị phá hủy hoàn toàn” Đức Cha Petros Mouche, Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Syriac của Mosul than thở như trên với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ. Ngài nói: “Tất cả mọi thứ cần phải được xây dựng lại.”
Sau khi thị sát thành phố vừa được giải thoát khỏi tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS, Đức Cha Petros Mouche nhận định rằng cần phải mất “một vài năm” trước khi các gia đình Công Giáo có thể quay về sống ở Mosul.
Bây giờ, có một số người tị nạn đã trở về để xem xét tình trạng ngôi nhà cũ của họ, nhưng “người ta không thể cư trú thường xuyên tại Mosul.”
“Tuy nhiên, nhiều người có thể trở lại vùng bình nguyên Nineveh”. Khoảng 600 gia đình đã tái định cư ở khu vực đó, họ đang tìm kiếm việc làm và xây dựng lại cuộc sống của mình.
Một số cuối cùng có thể sẽ trở lại Mosul, nhưng không phải vào lúc này.
Khoảng 15% người dân tại Mosul đã theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong thời gian chúng chiếm đóng thành phố này trong 3 năm qua. Tổ chức Human Rights Watch báo cáo rằng các gia đình theo giặc ban đêm thường nhận được các lá thư đe dọa. Nhiều người không chịu nổi các áp lực nên đã bán nhà dọn đi nơi khác.
15. Đức Thánh Cha ủng hộ quỹ cứu trợ nạn đói ở Đông Phi
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 25,000 Euro cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc gọi tắt là FAO để hỗ trợ các nỗ lực chống lại nạn đói ở Đông Phi.
Sự đóng góp của Đức Thánh Cha thể hiện lời cam kết mà ngài đã đưa ra trong một thông điệp gửi tới FAO hồi đầu tháng này. Trong thông điệp, Đức Thánh Cha nói rằng ngài được “linh hứng bởi lòng mong muốn khuyến khích các chính phủ làm theo.”
Hơn 20 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói ở Đông Phi. Nạn đói đang hoành hành dữ dội ở Nam Sudan, nơi có 6 triệu người đang gặp nguy hiểm. FAO báo cáo rằng viện trợ lương thực cũng đang rất cần thiết ở Somalia, Ethiopia, Kenya, Tanzania và Uganda.
16. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine nói Đức Giáo Hoàng là tiếng nói của người dân Ukraine đau khổ
Trong một bài giảng tại nhà thờ chánh tòa Kiev hôm 16 tháng 7, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã bày tỏ lòng kính mến Đức Thánh Cha Phanxicô vì những mối quan tâm của ngài đối với cuộc xung đột đang tàn phá Ukraine.
“Chúng tôi cảm thấy Đức Giáo Hoàng không chỉ chúc phúc cho chúng tôi từ xa, yêu thương chúng tôi, cầu nguyện cho chúng tôi, mà còn đau khổ và đồng cảm với chúng tôi. Ngài là tiếng nói của dân tộc Ukraine đau khổ trước các cường quốc trên thế giới”.
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã nói như trên trong thánh lễ kết thúc chuyến thăm kéo dài một tuần của Đức Hồng Y Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm: “Vào thời điểm khi cuộc chiến ở Ukraine đang trở thành một đề tài bị lãng quên, một cuộc chiến bị phản bội, Đức Thánh Cha đã lên tiếng thức tỉnh lương tâm người Kitô hữu ở châu Âu và trên toàn thế giới.”
17. Dân số Công Giáo của Bosnia và Herzegovina giảm mạnh
Dân số Công Giáo của Bosnia và Herzegovina đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 400,000 từ con số 740,000 tín hữu vào lúc kết thúc cuộc chiến Bosnia kéo dài từ 1992 đến 1995.
“Sự suy giảm này chủ yếu là do những người trẻ di cư để tìm cơ hội có việc làm tốt hơn”, Đức Giám Mục Tomo Vuksic, là giám mục giáo phận quân đội Bosnia đã cho biết như trên.
Đức Cha nói với thông tấn RAI của Ý rằng người Công Giáo phải đối mặt với sự kỳ thị trong xã hội. Quốc gia vùng Balkan với 3.9 triệu triệu dân này có 40% là người Hồi Giáo và 31% là người Chính Thống Giáo.
Ngài bày tỏ lo ngại rằng nếu làn sóng người Công Giáo bỏ nước ra đi không suy giảm thì người Công Giáo có nguy cơ biến mất khỏi Bosnia và Herzegovina trong vài thập niên tới.