□ Nguyễn Trung Tây
Chúa Thánh Linh: Chân Dung & Nhiệm Vụ
Hồi nhỏ tôi khờ trâng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy mắc cở cho một thời hay bị Mai Sơ dạy Rước Lễ phạt quỳ vì tội không phân biệt được sự khác nhau giữa hai danh từ: Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Rõ khổ! Có lẽ bởi chữ “thần” xuất hiện trong cả hai danh từ vừa được nhắc tới, đối với cái đầu óc bé tí ti của tuổi lên tám, ăn chưa no, lo chưa tới, Chúa Thánh Thần đối với tôi chỉ là những Thiên Thần tóc bạch kim, môi đỏ hồng, đẹp như tây, có cánh bay bay chung quanh hang đá vào mùa Giáng Sinh.
Lớn lên một chút, vào cái thời kỳ tham gia sinh hoạt trong Ban Giáo Lý của xứ đạo, lúc đó tôi mới “đủ sức đủ trí khôn” để mà phân biệt được sự khác nhau giữa Ngôi Ba Thiên Chúa-Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Nhớn thêm một chút, vượt biên qua Mỹ, cuối tuần tham gia sinh hoạt xứ đạo San Jose, dạy Giáo Lý cho những học sinh trung học, cho những tân tòng RCIA, và ngay cả trong những lần sơ đàm với một số người quen biết, lúc đó tôi mới nhận ra trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh là Đấng bị lãng quên nhiều nhất trong đời sống đức tin của người tín hữu.
Khi bắt đầu gõ cửa đại chủng viện St. Francis của San Diego, được học hỏi về Kinh Thánh, Thần Học, tôi nhận ra Chúa Thánh Linh hay bị lãng quên trong dòng đời ngược xuôi bận rộn. Bởi thế, chân dung và nhiệm vụ của Ngôi Ba Thiên Chúa thông thường là hai khái niệm khá sương mờ đối với một số người tín hữu Công Giáo. Trong tinh thần học hỏi về niềm tin, qua bài tham luận ngắn ngủi này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Ngôi Ba Thiên Chúa dưới hai lăng kiếng: Chân dung và Nhiệm vụ.
Luận bàn về chân dung của Chúa Thánh Linh, trong khi Thiên Chúa Ngôi Cha thường được minh họa qua nhân dạng của một cụ già Tây Phương, với râu dài, tóc bạc trắng như cước (Sách Sấm Truyền Cũ là một thí dụ điển hình), Thiên Chúa Ngôi Con thì khác. Bởi Đức Kitô là một nhân vật lịch sử, nhân dạng của Ngài, do đó, là diện mạo của một người đàn ông Do Thái vào thế kỷ thứ Nhất Tây Lịch. Nhưng Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh thì hoàn toàn khác. Ngài không được nhân họa bởi họa sĩ như Thiên Chúa Cha, hoặc xuất hiện trong nhân dạng như Thiên Chúa Con, nhưng Chúa Thánh Linh xuất hiện qua hai hình ảnh: Chim Bồ Câu và Lưỡi Lửa.
Thật ra, cả hai hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Linh đều không bắt nguồn tự sự tưởng tượng của bất cứ một người họa sĩ nào, nhưng bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Theo như thánh sử Máccô, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giôđan, trời xanh tự nhiên mở ra, và Thần Khí tương tự như hình bồ câu ngự xuống trên Ngài (Máccô 1:9). Hình ảnh của Lưỡi Lửa bắt nguồn sách Tông Đồ Công Vụ. Theo như Tông Đồ Công Vụ 2:1-4, vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, trong khi các môn đệ của Đức Giêsu đang quây quần hội họp trong căn phòng kín, bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà. Và Chúa Thánh Linh xuất hiện trong hình dạng của những lưỡi lửa ngự xuống trên người của các người môn đệ.
Bên cạnh chim bồ câu và lưỡi lửa, Chúa Thánh Linh cũng được ví như cơn gió, Ngài thổi từ hướng nào và thổi về đâu, không ai hay chẳng ai biết. Tương tự như lưỡi lửa, hình ảnh gió cũng bắt nguồn từ Tông Đồ Công Vụ 2:1-4.
Dòng lịch sử ơn cứu độ được phân chia ra làm ba giai đoạn khác nhau với ba diện mạo của một Thiên Chúa:
(1). Giai đoạn thứ nhất thuộc về dòng lịch sử Cựu Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Cha, một vị Thiên Chúa của công bằng, từ bi, và vị tha.
(2). Giai đoạn thứ hai thuộc về dòng lịch sử Tân Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Con, một vị Thiên Chúa của yêu thương, nhân hậu, và tha thứ.
(3). Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ ngày Lễ Hiện Xuống cho tới ngày cánh chung, với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh, một vị Thiên Chúa của hướng dẫn, an ủi, và đổi mới.
Luận bàn về nhiệm vụ của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội tin rằng con thuyền Hội Thánh đang được chính bàn tay của thuyền trưởng Chúa Thánh Linh lèo lái và hướng dẫn. Bởi thế, Giáo Hội tin rằng Chúa Thánh Linh chính là tác giả bốn bản Phúc Âm được viết bởi bốn thánh sử: Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan. Bởi thế, khi Hồng Y Đoàn vô phòng kín cầu nguyện, hội họp để bầu cử ra một vị Giáo Hoàng mới, Giáo Hội tin rằng các vị Hồng Y đã được chính Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn để bầu ra vị tân giáo hoàng.
Ngoài công việc hướng dẫn, Chúa Thánh Linh còn là Đấng An Ủi những người tín hữu trên hành trình đức tin. Bởi Ngài là Đấng Ủi An, Chúa Thánh Linh ủi an anh hùng tử đạo khi các ngài gông cùm xiềng xích nặng nề mang vác trên vai như thánh Dũng Lạc, hoặc khi các ngài bị giam cầm bỏ đói lãng quên trong ngục tù lạnh lẽo như nữ thánh Đê. Một cách tương tự, những khi đang lao đao với đời sống chứng nhân tin mừng (tử đạo) của chính mình, chúng ta tin rằng mình không cô độc một mình một bóng với gian nan thử thách. Vào những giây phút của tứ bề thọ địch hoặc ba đào sóng dữ, chúng ta tin rằng Đấng An Ủi sẽ xuất hiện, để ủi an vỗ về và ân cần nâng đỡ chúng ta can trường tiếp tục bước qua những đoạn đường nhọc nhằn và gian truân.
Ngoài hướng dẫn và an ủi, Chúa Thánh Linh cũng còn chính là Đấng “vẩy đũa thần” làm mới bộ mặt của quả địa cầu và tâm hồn của người tín hữu. Ngày hôm nay, với trình độ tiến bộ vượt bực của khoa học, người ta có những cây đũa thần có khả năng thay đổi bộ mặt thua kém biến sang mặn mà, bình thường hóa thành sắc sảo. Đối với những người có lớp da bị thời gian tàn phá, ngành thẩm mỹ có thể lột bỏ, thay thế làn da cằn cỗi bằng những tế bào hồng hào, mịn màng, và tươi sáng. Nhưng, bên cạnh làn da thể xác, người tín hữu cũng còn có một làn da khác, đó là làn da linh hồn. Theo dòng thời gian trôi nổi bập bềnh, làn da của cả thể xác và của linh hồn đều sẽ trở nên cằn cỗi hoặc đôi khi biến dạng khiến nhiều người không còn khả năng nhận ra nhân dạng của chính mình.
Khi thể xác mệt mỏi hoặc muốn giữ gìn sức khỏe, nhiều người đi tập thể dục, người trẻ ghi tên tham gia vào những trung tâm thể dục thẩm mỹ, người lớn tuổi sáng sáng gặp gỡ nhau nơi công cộng tập Tài Chi. Những khi khám phá ra làn da thể xác không còn hồng hào, căng mịn, người ta tới gặp bác sĩ thẩm mỹ để được giúp đỡ. Một cách tương tự, những khi tâm hồn mệt mỏi, tinh thần kiệt quệ khiến làn da của linh hồn không được nghỉ ngơi, từ từ trở nên cằn cỗi, người tín hữu sẽ làm chi để khuôn mặt linh hồn của chúng ta thôi không còn cằn cỗi?
Suy Niệm
Bạn,
Vào những giây phút khám phá ra khuôn mặt và làn da của linh hồn đang trở nên lốm đốm tàn nhang, bạn cần đến sự can thiệp của một vị bác sĩ thẫm mỹ lừng danh: Bác Sĩ Thẩm Mỹ Chúa Thánh Linh, bởi Ngài chính là Đấng đã và đang đổi mới bộ mặt quả địa cầu và trần gian.
Ngày xưa, trước khi có Chúa Thánh Linh ngự xuống trên người qua hình dạng lưỡi lửa, Phêrô cũng như tất cả những người môn đệ của Đức Giêsu, đêm ngày chỉ dám thập thò đi ra đi vào trong căn phòng đóng kín cửa. Nhưng khi Gió của Chúa Thánh Linh thổi ngập tràn căn phòng và Lửa của Ngài ngự xuống trên người, làn da linh hồn của những người môn đệ của Đức Giêsu đã được đổi mới. Khi Chúa Thánh Linh xuất hiện, làn da cằn cỗi lấm chấm đồi mồi của nhát sợ, bối rối, và phiền muộn của Phêrô và của những người môn đệ đã được thay đổi, biến sang làn da linh hồn của hai mươi tuổi căng tràn nhựa sống. Khi làn da linh hồn được đổi mới, Phêrô thôi, không còn nhát sợ nữa, nhưng hiên ngang đứng dậy, mở tung cánh cửa căn phòng, hùng hồn cất lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh giữa ban ngày, khiến nhiều người Do Thái tưởng rằng người cựu ngư phủ Biển Hồ đang say rượu. Thực sự ra, Phêrô không say, nhưng bởi Chúa Thánh Linh đã đụng “đũa thần” vào khuôn mặt và tâm hồn của Phêrô, cho nên nhiều người ngỡ ngàng không còn nhận ra được đó chính là Phêrô của một thời già lão, nhát sợ, chối bỏ Thầy ba lần trên sân Tòa Án Công Nghị của người Do Thái.
Một cách tương tự, vào những lúc khám phá ra làn da linh hồn đang dần dần trở nên cằn cỗi, hoặc linh hồn đang mệt mỏi, xao xuyến, trằn trọc, và băn khoăn với những muộn phiền do trần thế mang lại, mời bạn hướng về Ngôi Ba Thiên Chúa, mở miệng cầu xin với Ngài,
Lời Nguyện
Lạy Chúa Thánh Linh, xin hãy đốt cháy ngọn lửa của Ngài, để lòng con không còn nguội lạnh, nhưng bừng lên ánh lửa nhiệt thành của sống chứng nhân Tin Mừng. Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, xin hãy đến nâng đỡ, ủi an những khi con cô độc, muộn phiền, và thất vọng với đời sống niềm tin. Xin hãy đến vỗ về, băng bó chữa lành những vết thương đang mưng mủ, đang tấy sưng trong tâm hồn con. Lạy Chúa Thánh Linh, xin Ngài hãy đến, ngự xuống, đổi mới làn da nhân loại và bộ mặt địa cầu.
□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
Chúa Thánh Linh: Chân Dung & Nhiệm Vụ
Hồi nhỏ tôi khờ trâng, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy mắc cở cho một thời hay bị Mai Sơ dạy Rước Lễ phạt quỳ vì tội không phân biệt được sự khác nhau giữa hai danh từ: Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Rõ khổ! Có lẽ bởi chữ “thần” xuất hiện trong cả hai danh từ vừa được nhắc tới, đối với cái đầu óc bé tí ti của tuổi lên tám, ăn chưa no, lo chưa tới, Chúa Thánh Thần đối với tôi chỉ là những Thiên Thần tóc bạch kim, môi đỏ hồng, đẹp như tây, có cánh bay bay chung quanh hang đá vào mùa Giáng Sinh.
Lớn lên một chút, vào cái thời kỳ tham gia sinh hoạt trong Ban Giáo Lý của xứ đạo, lúc đó tôi mới “đủ sức đủ trí khôn” để mà phân biệt được sự khác nhau giữa Ngôi Ba Thiên Chúa-Chúa Thánh Thần và Thiên Thần. Nhớn thêm một chút, vượt biên qua Mỹ, cuối tuần tham gia sinh hoạt xứ đạo San Jose, dạy Giáo Lý cho những học sinh trung học, cho những tân tòng RCIA, và ngay cả trong những lần sơ đàm với một số người quen biết, lúc đó tôi mới nhận ra trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh là Đấng bị lãng quên nhiều nhất trong đời sống đức tin của người tín hữu.
Khi bắt đầu gõ cửa đại chủng viện St. Francis của San Diego, được học hỏi về Kinh Thánh, Thần Học, tôi nhận ra Chúa Thánh Linh hay bị lãng quên trong dòng đời ngược xuôi bận rộn. Bởi thế, chân dung và nhiệm vụ của Ngôi Ba Thiên Chúa thông thường là hai khái niệm khá sương mờ đối với một số người tín hữu Công Giáo. Trong tinh thần học hỏi về niềm tin, qua bài tham luận ngắn ngủi này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Ngôi Ba Thiên Chúa dưới hai lăng kiếng: Chân dung và Nhiệm vụ.
Luận bàn về chân dung của Chúa Thánh Linh, trong khi Thiên Chúa Ngôi Cha thường được minh họa qua nhân dạng của một cụ già Tây Phương, với râu dài, tóc bạc trắng như cước (Sách Sấm Truyền Cũ là một thí dụ điển hình), Thiên Chúa Ngôi Con thì khác. Bởi Đức Kitô là một nhân vật lịch sử, nhân dạng của Ngài, do đó, là diện mạo của một người đàn ông Do Thái vào thế kỷ thứ Nhất Tây Lịch. Nhưng Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Linh thì hoàn toàn khác. Ngài không được nhân họa bởi họa sĩ như Thiên Chúa Cha, hoặc xuất hiện trong nhân dạng như Thiên Chúa Con, nhưng Chúa Thánh Linh xuất hiện qua hai hình ảnh: Chim Bồ Câu và Lưỡi Lửa.
Thật ra, cả hai hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Linh đều không bắt nguồn tự sự tưởng tượng của bất cứ một người họa sĩ nào, nhưng bắt nguồn từ trong Kinh Thánh. Theo như thánh sử Máccô, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giôđan, trời xanh tự nhiên mở ra, và Thần Khí tương tự như hình bồ câu ngự xuống trên Ngài (Máccô 1:9). Hình ảnh của Lưỡi Lửa bắt nguồn sách Tông Đồ Công Vụ. Theo như Tông Đồ Công Vụ 2:1-4, vào ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, trong khi các môn đệ của Đức Giêsu đang quây quần hội họp trong căn phòng kín, bỗng nhiên từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà. Và Chúa Thánh Linh xuất hiện trong hình dạng của những lưỡi lửa ngự xuống trên người của các người môn đệ.
Bên cạnh chim bồ câu và lưỡi lửa, Chúa Thánh Linh cũng được ví như cơn gió, Ngài thổi từ hướng nào và thổi về đâu, không ai hay chẳng ai biết. Tương tự như lưỡi lửa, hình ảnh gió cũng bắt nguồn từ Tông Đồ Công Vụ 2:1-4.
Dòng lịch sử ơn cứu độ được phân chia ra làm ba giai đoạn khác nhau với ba diện mạo của một Thiên Chúa:
(1). Giai đoạn thứ nhất thuộc về dòng lịch sử Cựu Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Cha, một vị Thiên Chúa của công bằng, từ bi, và vị tha.
(2). Giai đoạn thứ hai thuộc về dòng lịch sử Tân Ước với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Con, một vị Thiên Chúa của yêu thương, nhân hậu, và tha thứ.
(3). Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ ngày Lễ Hiện Xuống cho tới ngày cánh chung, với dung mạo của Thiên Chúa, Chúa Thánh Linh, một vị Thiên Chúa của hướng dẫn, an ủi, và đổi mới.
Luận bàn về nhiệm vụ của Chúa Thánh Linh, Giáo Hội tin rằng con thuyền Hội Thánh đang được chính bàn tay của thuyền trưởng Chúa Thánh Linh lèo lái và hướng dẫn. Bởi thế, Giáo Hội tin rằng Chúa Thánh Linh chính là tác giả bốn bản Phúc Âm được viết bởi bốn thánh sử: Máccô, Mátthêu, Luca, và Gioan. Bởi thế, khi Hồng Y Đoàn vô phòng kín cầu nguyện, hội họp để bầu cử ra một vị Giáo Hoàng mới, Giáo Hội tin rằng các vị Hồng Y đã được chính Chúa Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn để bầu ra vị tân giáo hoàng.
Ngoài công việc hướng dẫn, Chúa Thánh Linh còn là Đấng An Ủi những người tín hữu trên hành trình đức tin. Bởi Ngài là Đấng Ủi An, Chúa Thánh Linh ủi an anh hùng tử đạo khi các ngài gông cùm xiềng xích nặng nề mang vác trên vai như thánh Dũng Lạc, hoặc khi các ngài bị giam cầm bỏ đói lãng quên trong ngục tù lạnh lẽo như nữ thánh Đê. Một cách tương tự, những khi đang lao đao với đời sống chứng nhân tin mừng (tử đạo) của chính mình, chúng ta tin rằng mình không cô độc một mình một bóng với gian nan thử thách. Vào những giây phút của tứ bề thọ địch hoặc ba đào sóng dữ, chúng ta tin rằng Đấng An Ủi sẽ xuất hiện, để ủi an vỗ về và ân cần nâng đỡ chúng ta can trường tiếp tục bước qua những đoạn đường nhọc nhằn và gian truân.
Ngoài hướng dẫn và an ủi, Chúa Thánh Linh cũng còn chính là Đấng “vẩy đũa thần” làm mới bộ mặt của quả địa cầu và tâm hồn của người tín hữu. Ngày hôm nay, với trình độ tiến bộ vượt bực của khoa học, người ta có những cây đũa thần có khả năng thay đổi bộ mặt thua kém biến sang mặn mà, bình thường hóa thành sắc sảo. Đối với những người có lớp da bị thời gian tàn phá, ngành thẩm mỹ có thể lột bỏ, thay thế làn da cằn cỗi bằng những tế bào hồng hào, mịn màng, và tươi sáng. Nhưng, bên cạnh làn da thể xác, người tín hữu cũng còn có một làn da khác, đó là làn da linh hồn. Theo dòng thời gian trôi nổi bập bềnh, làn da của cả thể xác và của linh hồn đều sẽ trở nên cằn cỗi hoặc đôi khi biến dạng khiến nhiều người không còn khả năng nhận ra nhân dạng của chính mình.
Khi thể xác mệt mỏi hoặc muốn giữ gìn sức khỏe, nhiều người đi tập thể dục, người trẻ ghi tên tham gia vào những trung tâm thể dục thẩm mỹ, người lớn tuổi sáng sáng gặp gỡ nhau nơi công cộng tập Tài Chi. Những khi khám phá ra làn da thể xác không còn hồng hào, căng mịn, người ta tới gặp bác sĩ thẩm mỹ để được giúp đỡ. Một cách tương tự, những khi tâm hồn mệt mỏi, tinh thần kiệt quệ khiến làn da của linh hồn không được nghỉ ngơi, từ từ trở nên cằn cỗi, người tín hữu sẽ làm chi để khuôn mặt linh hồn của chúng ta thôi không còn cằn cỗi?
Suy Niệm
Bạn,
Vào những giây phút khám phá ra khuôn mặt và làn da của linh hồn đang trở nên lốm đốm tàn nhang, bạn cần đến sự can thiệp của một vị bác sĩ thẫm mỹ lừng danh: Bác Sĩ Thẩm Mỹ Chúa Thánh Linh, bởi Ngài chính là Đấng đã và đang đổi mới bộ mặt quả địa cầu và trần gian.
Ngày xưa, trước khi có Chúa Thánh Linh ngự xuống trên người qua hình dạng lưỡi lửa, Phêrô cũng như tất cả những người môn đệ của Đức Giêsu, đêm ngày chỉ dám thập thò đi ra đi vào trong căn phòng đóng kín cửa. Nhưng khi Gió của Chúa Thánh Linh thổi ngập tràn căn phòng và Lửa của Ngài ngự xuống trên người, làn da linh hồn của những người môn đệ của Đức Giêsu đã được đổi mới. Khi Chúa Thánh Linh xuất hiện, làn da cằn cỗi lấm chấm đồi mồi của nhát sợ, bối rối, và phiền muộn của Phêrô và của những người môn đệ đã được thay đổi, biến sang làn da linh hồn của hai mươi tuổi căng tràn nhựa sống. Khi làn da linh hồn được đổi mới, Phêrô thôi, không còn nhát sợ nữa, nhưng hiên ngang đứng dậy, mở tung cánh cửa căn phòng, hùng hồn cất lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh giữa ban ngày, khiến nhiều người Do Thái tưởng rằng người cựu ngư phủ Biển Hồ đang say rượu. Thực sự ra, Phêrô không say, nhưng bởi Chúa Thánh Linh đã đụng “đũa thần” vào khuôn mặt và tâm hồn của Phêrô, cho nên nhiều người ngỡ ngàng không còn nhận ra được đó chính là Phêrô của một thời già lão, nhát sợ, chối bỏ Thầy ba lần trên sân Tòa Án Công Nghị của người Do Thái.
Một cách tương tự, vào những lúc khám phá ra làn da linh hồn đang dần dần trở nên cằn cỗi, hoặc linh hồn đang mệt mỏi, xao xuyến, trằn trọc, và băn khoăn với những muộn phiền do trần thế mang lại, mời bạn hướng về Ngôi Ba Thiên Chúa, mở miệng cầu xin với Ngài,
Lời Nguyện
Lạy Chúa Thánh Linh, xin hãy đốt cháy ngọn lửa của Ngài, để lòng con không còn nguội lạnh, nhưng bừng lên ánh lửa nhiệt thành của sống chứng nhân Tin Mừng. Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa, xin hãy đến nâng đỡ, ủi an những khi con cô độc, muộn phiền, và thất vọng với đời sống niềm tin. Xin hãy đến vỗ về, băng bó chữa lành những vết thương đang mưng mủ, đang tấy sưng trong tâm hồn con. Lạy Chúa Thánh Linh, xin Ngài hãy đến, ngự xuống, đổi mới làn da nhân loại và bộ mặt địa cầu.
□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com