Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kể lại hành động Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài, Thánh Gioan đã cho chúng ta thấy hình ảnh toàn bộ sứ điệp Tin Mừng. Con Thiên Chúa, hoàn hảo, trong sạch và thánh thiện, không chỉ nhập thể làm người nhưng còn đóng vai một người tôi tớ để tẩy sạch và đổi mới chúng ta. Ngài tự khiêm hạ để chúng ta được nâng lên. Ngài nhận chức vụ thấp hèn nhất, là cái chết như một tội phạm, để chúng ta được thừa hưởng thiên quốc. Còn bài ca ngợi nào có thể nói lên tình yêu như thế?
Lúc 9h30 sáng thứ Năm 13 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Một số đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và khoảng 1,600 linh mục thuộc giáo phận Rôma đã tham dự tham dự.
Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ truyền dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2017
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4:18). Chúa Giêsu, được xức dầu bởi Thần Khí, mang tin mừng đến cho người nghèo. Tất cả mọi thứ Ngài công bố, và chúng ta các linh mục cũng công bố là Tin Mừng. Đó là những tin tràn đầy niềm vui của Phúc Âm - niềm vui của những người tội lỗi được xức dầu tha thứ và niềm hân hoan của những người có đặc sủng được xức bằng dầu sứ vụ, để đến lượt mình lại xức dầu cho người khác.
Giống như Chúa Giêsu, linh mục làm cho toàn dân hân hoan với sứ điệp này. Khi ngài rao giảng - ngắn gọn, nếu có thể! - ngài làm như thế với một niềm vui đánh động trái tim con người với cùng một từ mà Chúa đã đánh động trái tim người tư tế trong kinh nguyện. Giống như các môn đệ truyền giáo khác, vị linh mục làm cho sứ điệp trở nên vui tươi bằng toàn thể con người mình. Như chúng ta đều biết, chính là trong những điều nhỏ nhặt mà niềm vui được nhìn thấy và được chia sẻ tốt nhất: khi thực hiện từng bước nhỏ một, chúng ta làm cho lòng thương xót của Chúa tràn ngập vào những trạng huống hoang vu; khi chúng ta quyết định nhấc điện thoại lên và sắp xếp để gặp ai đó; khi chúng ta kiên nhẫn cho phép những người khác làm mất thời gian của chúng ta ...
Cụm từ “tin mừng” có thể chỉ là một cách khác để nói về “Phúc Âm”. Tuy nhiên, hai từ ngữ đó nêu bật điều thiết yếu này: đó niềm vui của Phúc Âm. Tin Mừng là tin tốt lành vì nó, về bản chất, là một sứ điệp vui mừng.
Tin mừng là ngọc quý mà chúng ta đọc trong bài Phúc Âm. Tin mừng không phải là một vật gì đó mà là một sứ mệnh. Điều này là hiển nhiên với bất cứ ai đã cảm nghiệm được “niềm hân hoan và an ủi của Phúc Âm” (Niềm Vui Tin Mừng, 10).
Tin mừng được phát sinh qua việc Xức Dầu. “Việc xức dầu linh mục đầu tiên và cao trọng nhất” của Chúa Giêsu đã xảy ra, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, trong cung lòng Mẹ Maria. Tin mừng trong biến cố Truyền Tin đã truyền cảm hứng cho Đức Trinh Nữ cất lên bài Magnificat. Tin mừng ấy làm tràn đầy con tim của Thánh Giuse, phu quân của Mẹ, với một sự thinh lặng linh thánh, và tin mừng ấy đã làm cho Thánh Gioan nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth, mẹ ngài.
Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu trở về thành Nazareth và niềm vui của Chúa Thánh Linh canh tân việc Xức dầu này trong một hội đường nhỏ của thành phố đó: Thánh Linh ngự xuống và đổ đầy trên Ngài, “xức cho Ngài dầu hoan lạc” (Tv 45: số 8).
Tin mừng. Một từ duy nhất – Gospel (Phúc Âm) - như thường được gọi, trở thành sự thật, tràn ngập niềm vui và lòng thương xót. Chúng ta đừng bao giờ cố gắng tách biệt ba ân thánh của Tin Mừng: là chân lý không thể thương lượng; là lòng thương xót vô điều kiện và được ban cho mọi người tội lỗi; và là niềm vui có tính cá vị và rộng mở đối với tất cả mọi người.
Chân lý của Tin Mừng không bao giờ có thể chỉ đơn thuần là những điều trừu tượng, không có khả năng hình thành cụ thể trong cuộc sống của người dân bởi vì nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi nhìn thấy Tin Mừng chỉ là những điều trong sách vở.
Lòng thương xót của tin mừng không bao giờ có thể là một sự cảm thông sai lầm, bỏ mặc những người tội lỗi trong đau khổ của họ mà không vươn một cánh tay ra để nâng họ dậy và giúp họ tiến bước theo đường hướng hoán cải.
Sứ điệp tin mừng không bao giờ có thể trở nên một sứ điệp ảm đạm hay lạnh lùng, vì tin mừng thể hiện niềm vui hoàn toàn cá vị. Đó là niềm vui của Chúa Cha, Đấng mong muốn không ai trong số những con cái mình bị lạc mất “(Niềm Vui Tin Mừng, 237). Đó là niềm vui của Chúa Giêsu, Đấng thấy rằng người nghèo được rao giảng tin vui, và đến lượt những người bé mọn bước ra để loan truyền sứ điệp (thượng dẫn số 5)
Những niềm vui của Phúc Âm là những niềm vui rất đặc biệt. Tôi nói “niềm vui” dưới hình thức số nhiều, vì chúng rất nhiều và đa dạng, tùy thuộc vào cách Thánh Linh chọn để thông truyền cho mọi thời đại, cho mọi người và cho mọi nền văn hoá. Những niềm vui này cần phải được đổ vào bầu rượu mới, là những bầu da Chúa đã đề cập đến khi nói về sự mới lạ trong sứ điệp của Người. Tôi muốn chia sẻ với các anh em, các linh mục thân mến, các anh em yêu quý, ba hình ảnh hoặc ba biểu tượng của những bầu rượu mới, trong đó tin mừng được giữ tươi, không bị chua đi nhưng từ đó tuôn ra đầy tràn dư dật.
Biểu tượng đầu tiên của Tin Mừng là những chum bằng đá đựng nước trong tiệc cưới Cana (xem Ga -2: 6). Một cách nào đó, những chum này phản ánh rõ ràng rằng bình chứa hoàn hảo nhất chính là Đức Trinh Nữ Maria. Phúc Âm cho chúng ta biết rằng các đầy tớ “đổ đầy tới miệng chum” (Ga 2: 7). Tôi có thể tưởng tượng là một trong số những người hầu đã tìm đến với Đức Maria để hỏi xem liệu như thế đã đủ chưa, và Đức Maria ra dấu hãy thêm một chút nữa. (Niềm Vui Tin Mừng, 286), Ðức Nữ có Lòng Khoan Nhân, là người vừa sau khi chịu thai Ngôi Lời sự sống trong cung lòng, đã sẵn sàng lên đường viếng thăm và trợ giúp người chị họ là Elisabeth. Sự “sung mãn lan tỏa” của Mẹ giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ sợ hãi, cám dỗ làm cho chúng ta không có can đảm làm đầy tới miệng chum, và cám dỗ sợ hãi tới độ nhát đảm khiến chúng ta không dám bước ra để làm cho niềm vui được lan tỏa đến những người khác. Điều này không thể như thế vì “niềm vui Tin Mừng đong đầy con tim và cuộc sống của tất cả những ai đã gặp gỡ Chúa Giêsu” (thượng dẫn số 1).
Biểu tượng thứ hai của Tin Mừng là chiếc bình đựng với cái gầu bằng gỗ mà người phụ nữ xứ Samaritanô đội trên đầu vào giữa trưa (xem Ga 4: 5-30). Biểu tượng này nói với chúng ta về một điều quan trọng: đó là tầm quan trọng của các tình huống cụ thể. Chúa, Đấng là Nguồn Mạch Nước Hằng Sống, không có phương tiện để lấy nước hầu thỏa cơn khát. Vì thế, người phụ nữ Samaritanô đã lấy nước bằng cái bình của mình, và với cái gầu này, bà đã giải khát cho Chúa. Bà đã giải khát cho Chúa nhiều hơn khi thú nhận tội lỗi của mình một cách cụ thể. Bằng cách cảm thương lay động chiếc bình linh hồn của người phụ nữ thành Samaritanô, Thần Khí Chúa được tuôn đổ tràn ngập khắp mọi người trong thị trấn nhỏ bé đó, là những người đã cầu xin Chúa ở lại với họ.
Chúa đã cho chúng ta một chiếc bình mới hoặc một bầu rượu mới với “đầy sự cụ thể” này trong tâm hồn Samaritanô của Mẹ Têrêsa. Ngài gọi bà và nói với bà: “Ta khát”. Ngài nói: “Con ta, hãy đến, đưa ta đến những cái chòi rách bươm của người nghèo. Hãy đến, hãy là ánh sáng của ta, ta không thể làm điều này một mình, họ không biết ta, và đó là lý do họ không yêu ta. Mẹ Têrêsa, bắt đầu với một con người cụ thể, nhờ nụ cười và cách động chạm đến các vết thương của họ, đã mang tin mừng đến cho tất cả mọi người.
Biểu tượng thứ ba của tin mừng là chiếc vò vô biên của Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua: sự hiền lành tột độ, khiêm tốn, và thanh bần, lôi kéo mọi người đến cùng Người. Nơi Người chúng ta học được rằng việc loan báo một tin mừng lớn lao cho người nghèo chỉ có thể được thực hiện qua một thái độ tôn trọng, khiêm tốn, và thậm chí hạ mình xuống. Được phúc âm hóa không thể là điều tự phụ. Sự toàn vẹn của chân lý không thể cứng nhắc. Chúa Thánh Thần công bố và dạy “toàn bộ sự thật” (xem Ga 16: 3), và Ngài không sợ làm điều này từng chút từng chút một.
Thánh Thần nói với chúng ta trong mọi tình huống điều mà chúng ta cần phải nói với kẻ thù của chúng ta (xem Mt 10:19), và vào những thời điểm đó, Ngài đã soi sáng từng bước nhỏ tiến về phía trước của chúng ta. Sự hiền lành và toàn vẹn này đem lại niềm vui cho người nghèo, phục hoạt những người tội lỗi và ban ơn giải thoát cho những ai bị ma quỷ bức chế.
Các linh mục thân mến, trong khi chúng ta chiêm niệm và uống từ ba vò rượu mới này, xin cho tin mừng có thể tìm thấy nơi chúng ta “sự sung mãn lan tỏa” mà Đức Mẹ đang tỏa ánh quang bằng toàn thể con người Mẹ, “sự cụ thể” như trong câu chuyện về người Samaritanô, “sự hiền lành tột độ”, nhờ đó Thần Khí Chúa không ngừng dâng lên và chảy ra từ trái tim bị lưỡi đòng thâu qua của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta.
Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã làm phép các loại dầu.
Dầu ôliu nguyên chất được Đức Giám Mục làm phép vào Thứ Năm Tuần Thánh được gọi là dầu thánh dùng vào việc thánh hiến các dụng cụ thánh và xức dầu trong một số bí tích. Có ba loại dầu khác nhau và phân biệt nhờ mầu sắc, mùi vị khác nhau. Mùi vị, mầu sắc có được là do dầu được pha trộn với một hợp chất tinh tuyền được lấy từ một số loại cây tuyển chọn, rồi dùng tinh dầu này pha với tinh dầu của trái ôliu.
Hàng năm trong Tuần Thánh linh mục địa phận quy tụ với giám mục địa phận trong lễ Truyền Dầu vào Thứ Năm Tuần Thánh. Sau khi truyền phép, linh mục chánh xứ nhận dầu mang về giáo xứ để dùng trong năm. Dầu này được cất cẩn thận trong tủ khoá.
Việc sức dầu tượng trưng cho việc lãnh nhận ân sủng Chúa và sức mạnh tinh thần cần thiết giúp người Kitô hữu sống đạo, chống lại tàn phá, huỷ diệt của cơn cám dỗ đồng thời toả hương thơm Lời Chúa cho tha nhân.