Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở rằng khi Tuần Thánh bắt đầu, chúng ta nên chiêm ngắm không chỉ vinh quang khi dân chúng tung hô Chúa Giêsu là Vua khi Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng cũng phải chiêm ngắm sự đau khổ mà Người phải chịu đựng trước khi chết, và điều này ngày nay chúng ta vẫn phải chứng kiến trong cơ man những người đau khổ vì chiến tranh, bạo lực và chế độ nô lệ hiện đại.
Khi Giáo Hội bước vào tuần lễ trước khi Chúa Giêsu trải qua cuộc thương khó, và cái chết, Chúa không yêu cầu chúng ta chiêm ngưỡng Ngài chỉ qua các tranh ảnh, hoặc qua các đoạn phim được lưu hành trên internet. Không. Không phải như thế.
Thay vào đó, Chúa Giêsu hiện diện “trong nhiều anh chị em của chúng ta ngày hôm nay đang chịu đựng những đau khổ: họ bị khổ đau vì chế độ lao động nô lệ, vì những bi kịch gia đình, và bệnh tật”.
Nhiều người cũng đau khổ vì “chiến tranh và nạn khủng bố, từ những nguồn lợi nhuận khiến cho người ta vũ trang và sẵn sàng tấn công. Nhiều phụ nữ và nam giới bị lừa dối, bị xâm phạm nhân phẩm, bị bỏ rơi.”
Những lời của Đức Thánh Cha xảy ra gần như đồng thời với vụ đánh bom tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Thật vậy, ngay vào lúc Đức Thánh Cha bắt cầu cử hành cuộc rước lá tại quảng trường Thánh Phêrô thì tại vùng phụ cận Tanta của thủ đô Cairo, Ai Cập nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong vài tuần tới đây, khủng bố Hồi Giáo đã tấn công vào nhà thờ Thánh George của Công Giáo Coptic.
Đài truyền hình quốc gia của Ai Cập cho biết ít nhất 21 người bị thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương trong vụ nổ bom tự sát xảy ra vào lúc 10h sáng giờ địa phương khi hàng trăm các tín hữu Công Giáo Coptic đang tụ tập chuẩn bị các nghi thức làm phép lá.
Cảnh tượng từ bên trong nhà thờ ra đến bên ngoài thật là kinh hoàng với những những thi thể đẫm máu nằm bất động.
Đức Thánh Cha nói:
“Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương”
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mỗi anh chị em này không phải là “một Chúa Giêsu khác”, nhưng “chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem khi được người ta vẫy chào bằng các nhành lá. Đó cũng chính là cùng một Chúa Jêsus đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp”
“Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Chúa Jêsus, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an”.
Đức Thánh Cha đã nói như trên và khích lệ các tín hữu suy ngẫm về những đau khổ của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh và tìm kiếm Người trên gương mặt của những người anh chị em đau khổ của chúng ta.
Như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu với việc làm phép lá tại cây cột cao ở trung tâm của quảng trường. Sau khi làm phép lá, ngài chủ sự một cuộc rước kiệu lên bàn thờ chính, nơi Đức Thánh Cha tiếp tục cử hành phần còn lại của Thánh lễ.
Dưới đây là toàn bộ bài giảng của Đức Thánh Cha:
Buổi cử hành ngày hôm nay có thể nói được là vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Vừa có niềm vui lại đồng thời lại có những sầu buồn. Chúng ta kỷ niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem với những tiếng tung hô Ngài là Vua của những người theo Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng long trọng công bố bài tường thuật Tin Mừng về cuộc thương khó của Ngài. Trong sự tương phản sâu sắc này, trái tim chúng ta cảm nghiệm chỉ một chút xíu những gì chính Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong lòng vào ngày hôm đó, khi Ngài vui mừng với những bạn bè và khóc lóc cho thành Giêrusalem.
Trong ba mươi hai năm nay qua, khía cạnh vui mừng của ngày Chúa Nhật này đã được phong phú hóa nhờ nhiệt tình của giới trẻ, nhờ vào việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới. Năm nay, biến cố này được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng ở Quảng trường Thánh Phêrô, nó sẽ được đánh dấu bằng một khoảng khắc sâu sắc và cảm động khi thánh giá Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được những người trẻ của Kraków truyền lại cho các bạn trẻ đến từ Panama.
Bài Phúc Âm mà chúng ta đã nghe trước cuộc rước lá (xem Mt 21: 1-11) tường thuật việc Chúa Giêsu xuống khỏi Núi Ô-liu trên lưng một con lừa chưa ai cỡi bao giờ. Bài Phúc Âm kể lại nhiệt tình của những người theo Chúa đã hoan nghênh Thầy mình bằng những tiếng tung hô vui mừng, và chúng ta có thể hình dung trong tâm trí mình sự phấn khởi của những trẻ em và thanh thiếu niên trong thành khi tham gia vào sự phấn khích này. Chính Chúa Giêsu cũng thấy trong sự chào đón vui nhộn này một sức mạnh không thể lay động của Thiên Chúa. Đối với những người Pharisêu bực tức về chuyện này, Ngài trả lời: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên” (Lc 19:40).
Tuy nhiên, Chúa Giêsu, Đấng hoàn tất lời Kinh Thánh, đi vào thành thánh theo cách này, không phải như một người ban phát những sai lầm, ảo tưởng, cũng chẳng phải một tiên tri thời mới, hay một kẻ lừa đảo. Đúng hơn, Ngài chính thật là Đấng Messia, là Đấng được sai đến như một người tôi tớ, tôi tớ của Thiên Chúa và của con người, và Ngài đang tiến dần đến cuộc thương khó của mình. Ngài là một “bệnh nhân” vĩ đại, là Đấng gánh chịu tất cả những đau khổ của nhân loại.
Vì vậy, khi chúng ta hân hoan tung hô Vua của chúng ta, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về những đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu đựng trong tuần này. Chúng ta hãy nghĩ đến những lời phỉ báng và xúc phạm, những bẫy rập và phản bội, nỗi buồn bị bỏ rơi và một bản án bất công, những cú đấm, những roi đòn và cái vương miện đầy những gai nhọn.. . Và cuối cùng là con đường thánh giá dẫn đến nơi chịu đóng đinh.
Ngài đã nói rõ điều này với các môn đệ của mình: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24). Chúa Giêsu chẳng bao giờ hứa danh dự và thành công. Các sách Phúc Âm đều nói rõ ràng về điều này. Ngài đã luôn cảnh báo bạn bè của mình rằng đây là con đường của Ngài, và rằng chiến thắng cuối cùng chỉ có thể đạt được qua cuộc thương khó và thập giá. Tất cả điều này cũng đúng cho chúng ta nữa. Chúng ta hãy cầu xin ân sủng được bền đỗ theo Chúa Giêsu một cách trung thành, không phải bằng lời nói mà bằng hành động. Chúng ta hãy cầu xin sự kiên nhẫn để vác lấy thập giá của chúng ta, không phải từ chối hay đặt nó sang một bên, mà là tìm kiếm Ngài để chấp nhận thập giá và vác thập giá hàng ngày.
Chúa Giêsu, Đấng đón nhận những lời tung hô hosannas của đám đông, biết rõ rằng những lời tung hô vạn tuế này sẽ sớm được tiếp nối bằng những tiếng kêu: “Đóng đinh nó đi!” Chúa không yêu cầu chúng ta chiêm ngưỡng Ngài chỉ qua các tranh ảnh, hoặc qua các đoạn phim được lưu hành trên internet. Không. Không phải như thế. Chúa Giêsu hiện diện trong nhiều anh chị em của chúng ta ngày hôm nay đang chịu đựng những đau khổ: họ bị khổ đau vì chế độ lao động nô lệ, vì những bi kịch gia đình, và bệnh tật. Họ cũng đau khổ vì chiến tranh và nạn khủng bố, vì những nguồn lợi nhuận khiến cho người ta vũ trang và sẵn sàng tấn công. Nhiều phụ nữ và nam giới bị lừa dối, bị xâm phạm nhân phẩm, bị vứt bỏ.
Chúa Giêsu ở trong họ, trong mỗi người, với những hình ảnh thê thảm và những tiếng kêu lạc giọng, Ngài muốn được nhìn vào mắt, được nhìn nhận, và yêu thương.
Đó không phải là một Chúa Giêsu khác, nhưng chính là cùng một Chúa Giêsu đã vào thành Giêrusalem giữa những nhành lá vẫy chào. Đó cũng chính là cùng một Chúa Giêsu đã bị đóng đinh trên cây thập giá và đã chết giữa hai người trộm cướp. Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Ngài: là Chúa Giêsu, Đấng là vị vua khiêm nhường của công lý, lòng thương xót và bình an.