LỄ KÍNH CHA THÁNH GIOAN BOSCO, NGƯỜI CHA VÀ THÀY CỦA GIỚI TRẺ
Thanh Quảng sdb.

ẢNH HỬNG CỦA NGƯỜI MẸ

Don Bosco mồ côi cha từ lúc hai tuổi, lại sinh trong một gia đình phức tạp, cha Gioan Bosco có hai đời vợ. Người vợ trước để lại một người con, là Anthony sau này đã gây nên bao nhiêu khó khăn cho Gioan Bosco và khổ đau cho Mẹ Margarita, mẹ của Bosco và Giuse. Tuy gia đình nghèo và đầy bất hạnh, nhưng Bosco lại may mắn có được một người mẹ thật thánh thiện, khôn ngoan và cương nghị. Bà có một lòng đạo đức sâu xa và tôn sùng kính yêu Mẹ Maria đặc biệt.

Trước khi Giona Bosco vào chủng viện, mẹ đã căn dặn con: “Gioan bé nhỏ của mẹ, khi con ra chào đời mẹ đã dâng con cho Mẹ Maria, khi con cắp sách tới trường mẹ đã căn dặn con phải có lòng sùng kính Đức Maria. Giờ mẹ mong con hãy tận hiến trọn vẹn cho Mẹ Maria. Con hãy làm bạn với ai có lòng sùng mộ mẹ Maria và nếu ngày kia con được làm linh mục của Chúa con hãy không ngừng truyền bá lòng kính tôn với người Mẹ tốt lành này”.

Thật vậy trong suốt những năm tại ghế chủng viện, Bosco đã làm bạn với những người có lòng tôn sùng Mẹ Maria các đặc biệt, như Luis Comolo; người mà trong một kỳ hè tại làng quê Becchi. Cả hai cùng tấm tắt khen nho năm ấy trúng mùa và ngọt lịm. Nhưng Bosco đã tiên báo là năm sau, một trong hai người sẽ không còn được nếm nho tại vùng đất này nữa và giao hẹn một trong hai ai chết trước sẽ về báo cho người kia biết mình đang ở đâu? Sau mùa hè đó, trở lại đại chủng viện không được bao lâu thì Luis Comolo bị bệnh và chết. Sau ngày an táng, đêm đó khi mọi người đang triền miên trong giấc ngủ, thì có tiếng rung động cả phòng ngủ và có tiếng gọi “Bosco, Bosco… Tôi đã được cứu rỗi!”. Đúng là tiếng của thầy Luis Comolo hiện về báo cho Bosco hay thầy đang ở đâu, theo đúng lời hai người đã gieo kèo với nhau.

Cũng mẹ Margarita trong ngày chịu chức của Gioan Bosco đã nói một câu chí lý cho người con tân linh mục: “… Bắt đầu dâng thánh lễ là bắt đầu đau khổ!”. Và khi qua đời bà đã trăn trối cho Bosco: “Mẹ sắp ra đi không còn giúp con lo toan việc Khánh lễ viện nữa, nhưng Đức Maria sẽ giúp con… con hãy tìm vinh danh Chúa… Khi mẹ về cùng Chúa và Mẹ Maria, mẹ sẽ không ngừng cầu nguyện cho công cuộc của con…”

Những tâm tình và sự nhủ bảo giáo huấn của bà mẹ, dù thất học như mẹ của cha thánh Bosco, nhưng đã ghi đậm và ảnh hửng sâu xa tới ơn đoàn sủng, tới công cuộc giáo dục và sự nghiệp của Don Bosco trong cuộc sống của Ngài và trải dài trong mọi công cuộc mà hội dòng do cha thánh sáng lập đang thể hiện ngày nay và mãi sau này.

MẸ MARIA VÀ CÔNG CUỘC CỦA CHA THÁNH BOSCO

Cuộc đời của Gioan Bosco từng bước, từng chặng luôn có sự hiện diện trìu mến và hướng dẫn của Mẹ Maria:

Ngay từ tấm bé lúc chín tuổi với giấc mơ đầu bé Bosco thấy mình đứng trước một bầy trẻ đang đánh đấm, chửi rủa nhau… Bé đã nhẩy vào can ngăn. Muốn thế, bé đã phải dùng tới những cú đấm cú đá để ngăn chặn… thì một người lạ xuất hiện đã khuyến cáo bé:
- Con phải dùng tình thương, dịu hiền để chinh phục các bạn con!
Bé ngỡ ngàng, thắc mắc vặn hỏi:
- Làm thế nào vì con bất tài…
Người lạ mặt đã khích lệ và hứa sẽ cho một bài giáo khôn ngoan hướng đạo và chỉ giáo cho Bosco. Bà giáo đó chính là Mẹ Maria. Người mẹ dịu hiền chở che Bosco và vén mở cho Bosco nhìn thấy viễn tượng lũ trẻ tinh nghịch kia biến mất thay vào bằng bấy sói, gấu, chó, mèo… dần biến thái thành những em bé ngoan ngùy, dễ thương, đức độ… và Mẹ kết luận đó là công việc của con.

Giấc mơ đầu này đã dần dần hình thành: Bosco từ một em bé nghèo, mồ côi đã biết vươn lên, vượt thắng bao nhiêu khổ đau tủi nhục để qua tiểu học, trung học và bước vào được chủng viện. Sau khi chịu chức linh mục cha được Mẹ hướng dẫn từng bước, từng bước để hình thành khánh lễ viện, các trung tâm trẻ lo cho các em bụi đời, cò vơ cò vất trên các vỉa hè, đường phố, sân ga lao tù…

Trong cuộc đời cha thánh Bosco đã thể hiện nhiều phép lạ, nên người ta đã gán cho danh hiệu là “người làm phép lạ của thế kỷ”. Nhưng cha Bosco luôn phủ nhận mình không làm gì cả, hoàn toàn do Mẹ Maria phù hộ các giáo hữu đã thể hiện. Chúng ta chỉ nêu một vài sự kiện:

Năm 1848, ngày lễ sinh nhật của Đức Mẹ, người coi phòng áo đã quên mang chén bánh lễ ra cho Don Bosco truyền phép. Tới lúc rước lễ, Don Bosco thấy có tới 400 em tham dự lễ mà bánh thánh còn quá ít, cha đã không bẻ nhỏ bánh thánh. Ngược lại bình thản tiến ra cho rước lễ và đã cho tất cả các em rước lễ. Sau này người ta hỏi, ngài đã cám thấy thế nào trong lúc đó. Cha Bosco bình thản trả lời: “Cha cảm động, nhưng cha lấy lại bình tĩnh; vì cha nghĩ rằng truyền phép Thánh Thể là một phép lạ còn lớn hơn việc hóa bánh thánh ra nhiều. Vả lại có Mẹ Maria giúp đỡ cha”.

Một lần khác, mẹ Margarita quên luộc nhiều hạt giẻ trong buổi tối mà cha Bosco đã hứa với các thanh thiếu niên của cha sẽ được ăn. Làm sao bây giờ? Cha đã bình thản bốc phân phát cho bốn năm trăm em ăn hả hê… Đức mẹ đã hành động qua cha.

Don Bosco vẫn thường khuyên nhủ mọi người mà cha gặp gỡ: “Hãy chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ sẽ an ủi, Mẹ sẽ chữa lành các con…” Lời khuyên ấy nhắc nhở chúng ta tới sức mạnh của lời cầu bầu của Mẹ trước Con của Mẹ tại tiệc cưới Cana, khi giờ của Thầy Giêsu chưa tới, nhưng vì Mẹ ngài đã thể hiện phép lạ đầu đời là biến nước thành rượu cho niềm vui của đời đôi bạn được trọn vẹn trong ngày cưới.

Thật vậy, trong đời của cha Bosco, Mẹ nhân lành đã thể hiện rất nhiều phép lạ qua bàn tay cha thánh, hầu cha có đủ tiền bạc nuôi sống cả ngàn thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, giúp cha có phương tiện mua đất, dựng nhà làm nơi cư trú cho lũ con mồ côi, bụi đời bị xã hội đẩy lui ra ngoài lề xã hội… Qua các phép lạ chữa lành, các nhà quí tộc đã tự động dâng hiến tài của công sức cho Don Bosco xây dựng Đền thờ Mẹ phù hộ tại Torino, Tượng Thánh Tâm Chúa vĩ đại trên đồi Tibi Dabo tại Barcelona, các cơ sở dòng và cuối cùng vân lệnh Đức Thánh Cha Leo XIII đi quyên góp để xây Đền thờ Thánh Tâm Chúa tại Roma trong tuổi già.

Trong cuộc sống của cha Bosco, những điều phi thường đã trở thành bình thường nhờ bàn tay can thiệp của Mẹ Maria. Don Bosco thường xin con cái của mình cầu nguyện mỗi khi Ngài phải lo toan và đối đầu với những công cuộc… Cha thường nói với Mẹ Maria “Nào chúng ta cùng làm việc!” và Mẹ Maria đã làm việc của một hiền mẫu lo toan cho người con, người học trò và người môn sinh tín thác của Mẹ. Chúng ta hãy đọc lại một biến cố của đời cha thánh.

Năm 1880, Don Bosco đang thăm viếng một nhà thuộc tu hội của ngài ở nam nước Pháp. Trong dịp này cha giám đốc nhà đã cho tập luyện một trường kịch và mời các ân nhân, các cộng sự viên tới tham dự. Nhưng rủi ro thay, cậu học sinh thủ vai chính trong vở kịch đêm đó bị bệnh và mất tiếng không thể nói được. Cha giám đốc đã chạy tới cha thánh Bosco cho ngài hay phải làm gì? Don Bosco suy nghĩ một chút rồi bảo dẫn em học sinh đó tới cho cha. Cậu diễn viên tới và cha ban phép lành và nói cùng em: “Cha cho con mượn tiếng nói của cha”. Lập tức cậu bé nói được, nhưng Don Bosco thì trở nên á khẩu cho tới khi vở kịch được trình diễn xong thì tiếng nói của ai lại được hoàn lại cho người ấy. Cha Bosco nói được, còn cậu diễn viên trẻ tuổi kia thì bị mất tiếng nói!

Ý LỰC SỐNG CỦA TU HỘI NĂM 2017
Cha Bề trên Tổng quyền của Tu hội Salesian Angel Artime mời gọi tất cả mọi thành viên trong đại gia đình Saleisan hãy sống ý lực của năn 2017 là: «Chúng ta là gia đình! Mỗi người phải là trường của cuộc sống và của tình yêu». Chúng ta mỗi người đều có kinh nghiệm được sinh ra trong một gia đình, với những điều tốt đẹp và hạn chế của gia đình cụ thể. Chúng ta được sinh ra trong nôi ấm yêu thương của gia đình nơi đó chúng ta tìm thấy một trường học về cuộc sống và yêu thương.

Trong năm 2017 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công bố là năm gia đình trẻ và Ngài mời gọi các nghị phụ của Hội đồng Giám mục ngoại thường và các chuyên viên học hỏi và giúp các bạn trẻ thăng tiến hoàn hảo về gia đình. Chúng ta lớn lên tận hưởng sự ấm áp của gia đình, chúng ta học được tình nghĩa gia đình «cảm giác thuộc về một gia đình» trong đó chúng ta học tâm tình biết ơn, xin lỗi và xin phép...

Đối với thành viên Salêdiêng, chúng ta được quy tụ lại trong gia đình Salêdiêng Don Bosco, là một gia đình mà trong đó, với nét đa dạng của 31 Hội dòng (Tu hội, các Hội Dòng Tận Hiến, Các Tổ chức Tông đồ Giáo Dân… vv), Hiến luật trình bày tinh thần gia đình và bàu khí gia đình như là yếu tố làm nên con người chúng ta, bản sắc của chúng ta, làm rõ nét những hoạt động mục vụ của chúng ta trong gia đình và với gia đình. Dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô chúng ta cam kết mạnh mẽ lãnh trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên vào đời dựng xây gia đình cho chính họ.

TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA của ĐTC Phanxicô là đèn soi cho những dấn thân của chúng ta. Tông Huấn này là một nguồn cung cấp cho con người chúng ta cả một kho tàng thiêng liêng và đường hướng mục vụ đích thực mà chúng ta có thể theo đuổi.

Các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên những suy tư và những giáo huấn của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Benedictô XVI, của hai công nghị năm 2014 và 2015, nói lên những suy tư của Giáo Hội trong nhiều năm qua... Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta cần phải khiêm tốn và nhìn nhận chúng ta đã đề xuất một lý tưởng thần học quá trừu tượng, thuần nhân loại cho đời sống hôn nhân, xa rời những tình huống cụ thể và khả năng thực tế của các gia đình thực sự. Lý tưởng hóa quá mức này, cũng như không chuyển tải được đầy đủ niềm tin ân sủng của Thiên Chúa, đã chẳng àm cho đời sống hôn nhân thăng tiến mà nhiều khi còn làm trì trệ...».


Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu) của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố 8/4/2016. Tông huấn là tài liệu suy tư về đời sống gia đình và khích lệ vun góp hạnh phúc gia đình; nhưng Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh Giáo Hội cần tránh việc chỉ phán xét con người và áp đặt luật lệ cho họ mà không nhìn đến những nỗ lực phấn đấu của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định lại các giáo huấn của Giáo Hội về đời sống gia đình và hôn nhân, nhưng đồng thời nhấn mạnh vai trò của lương tâm cá nhân và sự phân định mục vụ. Ngài mời gọi Giáo Hội lưu tâm đến hoàn cảnh sống của con người để giúp họ có những quyết định đúng đắn. Mục tiêu nhằm giúp đỡ các gia đình –thực tế là giúp cho mọi người– cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và biết rằng họ được Giáo Hội ân cần săn sóc. Tất cả những điều này đòi hỏi một “phương pháp mục vụ mới” (199).

Sau đây là mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia:
1. Giáo Hội cần hiểu các gia đình và các cá nhân trong tất cả cái bối cảnh phức tạp của nó.
2. Vai trò của lương tâm là tối quan trọng trong những quyết định về luân lý.
3. Người Công Giáo ly dị và tái hôn cần phải được hội nhập vào Giáo Hội đầy đủ hơn.
4. Mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu.
5. Chúng ta không nên nói về những người “sống trong tội” nữa.
6. Điều áp dụng được ở nơi này, có thể không áp dụng được ở nơi khác.
7. Mặc dù giáo huấn truyền thống về hôn nhân đã rõ, nhưng Giáo Hội không nên chất gánh nặng cho con người với những kỳ vọng không thực tế.
8. Trẻ em phải được giáo dục về giới tính và tính dục.
9. Những người đồng tính cần được tôn trọng.
10. Mọi người đều được đón nhận...

Trong hạn chế của bài này chúng tôi xin quảng diễn tâm tình của cha Tổng quyền về chương 4 của Tông Huấn. Chương này đề cập tới tình yêu trong hôn nhân (AL các số 89 -164), Đức Thánh Cha đưa ra một tầm nhìn thần học của tình yêu trong hôn nhân và gia đình rút ra từ bài ca đức ái trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrintô, làm nổi bật một số thái độ cần thiết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.» (1 Cr 13,4-7) Kiên nhẫn là một đặc tính của Giao Ước của Thiên Chúa. Cha cho thấy sự kiên nhẫn thông qua lòng Từ Bi. Tình yêu thì kín đáo, tích cực, hiểu biết để chăm sóc bảo vệ và giúp những người yếu đuối theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu qua dụ ngôn “người con hoang đàng” (Mt 9,2); "Niềm tin vào bạn hữu!" (Mt 15, 28); "Hãy đứng dậy!" (Mc 5,41); "Hãy đi bình an" (Lc 7,50); "Đừng sợ" (Mt 14,27). Trong cuộc sống gia đình chúng ta cũng có thể học hỏi từ những lời và đặc biệt từ thái độ yêu thương của Chúa Giêsu. Để yêu thương tha nhân trước tiên chúng ta phải yêu mình nhưng không phải với một tình yêu vị kỷ mà vươn tới tha nhân như Chúa Giêsu đã làm: "Xin Cha tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm "(Lc 23, 34). Tình yêu được thúc đẩy bởi niềm tin, cho đi hơn là chiếm hữu... Tình yêu vợ chồng giúp phát triển toàn diện con người, nội tâm thiêng liêng lẫn cảm xúc thể lý....
Tắt một lời Đức Ái phát sinh từ mỗi người chúng ta trong chính cái nôi gia đình tư riêng để từ đó nó được lan tỏa ra cho bạn bè, hội đoàn Giáo Hội và xã hội.