Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong buổi tiếp kiến giáo triều Rôma sáng thứ Hai ngày 21-12-2015, Đức Thánh Cha đã liệt kê một danh sách 12 cặp đức tính cần thiết cho những người phục vụ trong giáo triều và tất cả những ai muốn phong phú hoá đời sống thánh hiến của họ cũng như việc phục vụ của họ dành cho Giáo Hội.
Các Hồng Y, Giám Mục và các chức sắc cấp cao của Tòa Thánh đến chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp lễ giáng sinh và năm mới. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng trong dịp gặp gỡ năm ngoái, ngài đã nói đến 15 thứ bệnh và cám dỗ có thể xảy ra cho mỗi Kitô hữu, mỗi giáo triều hay giáo phủ, các cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ và phong trào Giáo Hội. Các thứ bệnh đó đòi phải phòng ngừa, cảnh giác, chữa trị và đôi khi có những can thiệp đau thương và kéo dài. Một vài thứ bệnh đó, rất tiếc là đã xảy ra trong năm nay, gây đau khổ không ít cho toàn thể thân mình và làm tổn thương bao nhiêu linh hồn”.
Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng: “Thật là một bất công rất lớn nếu không biểu lộ lòng biết ơn sâu đạm và khích lệ đúng phép đối với tất cả những người lành mạnh và lương thiện đang tận tụy làm việc, với lòng trung thành và khả năng chuyên môn, cống hiến cho Giáo Hội và người kế vị Thánh Phêrô, sự an ủi, liên đới, vâng phục cũng như kinh nguyện quảng đại của họ”.
Rồi Đức Thánh Cha lần lượt liệt kê và giải thích các đức tính mà những người phục vụ tại Tòa Thánh và Giáo Hội cần phải đó. Ngài cũng kêu gọi các vị Tổng trưởng, Chủ tịch và các Bề trên hãy đào sâu thêm và bổ túc các đức tính này cho các cơ quan liên hệ thuộc quyền.
Trong số các đức tính đó có: tinh thần truyền giáo và mục vụ, khả năng thích hợp và tinh tế, linh đạo và tình người, gương mẫu và trung thành, hợp lý và dễ mến, thận trọng và cương quyết, bác ái và sự thật, lương thiện và trưởng thành, tôn trọng và khiêm tốn, quảng đại và quan tâm, can đảm và mau mắn, đáng tín nhiệm và điều độ.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng tất cả các đức tính trên đây có thể là một sự vắn tắt về lòng thương xót, và trong phần kết luận, ngài nói:
“Lòng thương xót không phải là một tình cảm chóng qua, nhưng là tổng hợp Tin Mừng, là sự chọn lựa của người muốn có những tâm tình của Trái Tim Chúa Giêsu, của người muốn nghiêm túc bước theo Chúa, Đấng yêu cầu chúng ta: “Các con hãy có lòng thương xót như Cha các con” (Lc 6,36, Xc 5,48).
Vì vậy, “Ước gì lòng thương xót hướng dẫn những bước đường của chúng ta, soi sáng các cuộc cải tổ và những quyết định của chúng ta. Ước gì lòng thương xót là cột trụ nâng đỡ hoạt động của chúng ta, dạy chúng ta khi nào chúng ta phải tiến bước và khi nào chúng ta phải bước lui..
2. Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh
Sáng thứ Hai 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, gồm đại diện của 180 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.
Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã đặc biệt lưu ý cộng đồng quốc tế cần quan tâm và giải quyết hợp lý vấn đề làn sóng người di dân. Đây cũng là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự hiện nay.
Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của nước Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, Đức Thánh Cha đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, và hài lòng ghi nhận trong năm qua, con số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh thường trú ở Rôma đã gia tăng từ 80 lên 86 vị. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định giữa Tòa Thánh và các nước trong năm qua, kể cả hiệp định với Palestine, hiệp định về thuế khóa với Italia và Hoa Kỳ. Ngài cũng nói đến những nét nổi bật trong các cuộc viếng thăm ngài thực hiện trong năm qua tại Philippines, Sri Lanka, Sarajevo, 3 nước Nam Mỹ, Cuba, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, và 3 nước Phi châu: Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi. Sau cùng Đức Thánh Cha nói đến việc mở Năm Thánh lòng thương xót. Trong phần kế tiếp, Đức Thánh Cha đặc biệt nói đến vấn đề di dân trong thế giới ngày nay, nhất là tại Âu Châu, với những vấn đề đi kèm.
3. Đức Thánh Cha thăm Hội Đường Do Thái tại Rome
Chúa Nhật 17 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hội đường Do Thái Roma thăm cộng đồng Do Thái giáo. Ngài là vị giáo hoàng thứ ba, và là lần đầu tiên trong triều đại của mình đến Hội đường nổi tiếng này.
Trong diễn từ ngài nói:
“Trong lần đầu tiên đến Hội đường này với tư cách giám mục Roma, tôi muốn bày tỏ với quý vị và xin gửi đến tất cả các cộng đồng Do Thái giáo lời chúc bình an huynh đệ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
Lòng tôi luôn canh cánh mối tương giao giữa chúng ta. Lúc còn ở Buenos Aires, tôi vẫn thường đến các hội đường và gặp gỡ các cộng đoàn Do Thái quy tụ ở đó. Tôi thường theo sát những ngày đại lễ, các lễ kỷ niệm của Do Thái giáo và tạ ơn Chúa đã ban sự sống và đồng hành cùng chúng ta trên con đường lịch sử.”
“Cuộc viếng thăm này là sự tiếp bước các vị tiền nhiệm của tôi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến đây 30 năm trước, vào ngày 13 tháng Tư 1986; và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã được quý vị đón tiếp 6 năm trước đây.”
Kết thúc diễn từ, Đức Thánh Cha cầu chúc như sau:
“Nguyện xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và ban ơn cho anh em! Nguyện xin Chúa ghé mắt ân cần nhìn đến anh em và ban bình an cho anh em” Shalom Alechem!
4. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill
Lúc 7h45 sáng thứ Sáu ngày 12 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến sân bay Fiumicino để đáp chuyến máy bay của hãng hàng không Alitalia đi La Habana, thủ đô Cuba trên đường tông du Mễ Tây Cơ.
Sau chuyến bay dài 12 giờ 15 phút, máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đáp xuống phi trường José Martí của thủ đô La Habana, Cuba, lúc 2 giờ chiều giờ địa phương.
Ngài dừng lại đây hơn 3 tiếng đồng hồ để gặp gỡ lần đầu tiên trong lịch sử với Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo chủ Chính Thống Nga.
Đức Thánh Cha đã được chủ tịch Raoul Castro của Cuba tiếp đón cùng với Đức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Habana sở tại, một vài Giám Mục nước này và các chức sắc thuộc Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đón tiếp. Liền đó, Chủ tịch Raoul Castro hướng dẫn Đức Thánh Cha vào phòng khách của ông, để rồi từ đây tiến vòng phòng khánh tiết của phi trường, cùng lúc Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Nga tiến vào phòng này từ một cửa khác.
Theo Cha Lombardi và Đức Tổng Giám Mục Hilarion, chủ đề chính cuộc hội kiến là những cuộc bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới. Cả Đức Thánh Cha lẫn Đức Thượng Phụ Kirill nhiều lần lên tiếng tố giác các cuộc bách hại Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông trong thời gian gần đây.
5. Đức Thánh Cha thăm Mễ Tây Cơ
Chuyến tông du thứ 12 của Đức Thánh Cha Phanxicô bên ngoài nước Ý đã được đánh dấu bằng một buổi lễ ngoạn mục chưa từng thấy. Một phần của phi trường quốc tế Benito Juárez ở thủ đô Mễ Tây Cơ đã được biến thành một nhà hát khổng lồ với 3 lễ đài được dựng ngay gần phi đạo với hàng ngàn nhạc sĩ, nhạc công với những màn vũ dân tộc rất đẹp mắt. Họ ca hát và trình diễn những điệu vũ chào mừng Đức Thánh Cha từ 5 giờ chiều, tức là hai tiếng rưỡi đồng hồ trước khi máy bay đáp xuống.
Máy bay chở Đức Thánh Cha đáp xuống phi trường quốc tế Benito Juárez lúc 7 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Đây là lần thứ 7 một vị Giáo Hoàng đến thăm nước này: 5 lần do Đức Gioan Phaolô 2 và một lần do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 từ 23 đến 26 tháng 3 năm 2012, nhưng ngài không đến thủ đô Mễ Tây Cơ vì thành phố này ở cao độ 2,240 mét, không hợp cho sức khỏe của ngài theo lời khuyên của các bác sĩ.
Trên con đường từ sân bay về tòa Sứ Thần Tòa Thánh dài 23 cây số, rất đông đảo dân chúng đứng hai bên đường dành cho ngài một cuộc tiếp đón rất nồng nhiệt.
Đức Thánh Cha đã thăm Mễ Tây Cơ từ 12 đến 18 tháng Hai.
6. Công bố Tông Huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Yêu Thương
Hôm thứ Sáu 8 tháng Tư, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, là Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới; Đức Hồng Y Christoph Schoenborn, Tổng Giám Mục giáo phận Vienna, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo; và hai vợ chồng Giáo Sư Francesco Miano, giáo sư triết học luân lý tại Đại học Tor Vergata Roma và Giáo Sư Giuseppina De Simone in Miano, giáo sư triết tại Phân khoa Thần học Nam Italia ở Napoli đã chủ tọa một buổi họp báo để công bố Tông Huấn “Amoris Laetitia”, nghĩa là “Niềm Vui Yêu Thương”. Tông huấn tổng kết gần ba năm tham vấn với người Công Giáo ở các nước trên thế giới và 2 Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.
Tông huấn “Amoris Laetitia” khẳng định giáo huấn của Giáo Hội theo đó các gia đình ổn định là những khối xây dựng một xã hội lành mạnh và là một nơi mà trẻ em học cách yêu thương, tôn trọng và tương tác với những người khác.
Đồng thời văn bản cũng cảnh báo chống lại việc lý tưởng hóa những thách đố mà cuộc sống gia đình phải đối diện, thúc giục người Công Giáo chăm sóc, chứ không phải lên án, tất cả những ai không sống theo các giáo huấn của Giáo Hội.
Cách riêng, tài liệu tập trung vào nhu cầu cần phải có sự phân định có tính cách mục vụ và phù hợp từng trường hợp cho các cá nhân, trong khi thừa nhận rằng “cả Thượng Hội Đồng, lẫn Tông huấn này đều không thể thiết lập các quy tắc tổng quát, phù hợp với giáo luật về bản chất và áp dụng được cho tất cả các trường hợp”.
7. Đức Thánh Cha thăm đảo Lesbos
Trong chuyến tông du thứ 13, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày thứ Bẩy 16 tháng Tư.
Ngài đã rời Roma lúc 7 giờ sáng để bay đến phi trường Mytilene của đảo Lesbos. Trên chuyến bay, trong lời chào thăm hàng chục ký giả tháp tùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng đây là cuộc viếng thăm khác với những chuyến khác. Trong các cuộc tông du chúng ta đi để làm bao nhiêu chuyện, thăm hỏi dân chúng và có niềm vui của cuộc gặp gỡ. Cuộc viếng thăm này có sắc thái đau buồn. Chúng ta đến gặp một thảm trạng nhân đạo lớn nhất từ sau thế chiến thứ hai. Chúng ta đến gặp những người đau khổ, không biết đi đâu, họ là những người phải chạy trốn. Chúng ta cũng ra một nghĩa trang là biển cả. Bao nhiêu người đã bị chết đuối trong đó. Tôi nói điều này không phải vì cay đắng, nhưng cũng để công việc của anh chị em ngày hôm nay có thể thông truyền qua các phương tiện truyền thông của anh chị em tâm trạng của tôi khi thực hiện chuyến viếng thăm này.
Trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha cùng với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô và 2 vị Tổng Giám Mục Chính Thống và Công Giáo đã thăm trại tị nạn ở Moria cách đó 16 cây số. Trại này có khoảng 3,000 người đang xin quy chế tị nạn.
Trong chuyến máy bay từ đảo Lesbos Hy Lạp về Roma chiều ngày 16 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã đưa 12 người tị nạn về Vatican.
8. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bác bỏ tin đồn thất thiệt về bí mật Fatima
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nói rằng ngài không bao giờ nói với bất cứ ai rằng việc công bố “bí mật thứ ba Fatima” vào năm 2000 là không đầy đủ, và khẳng định các tài liệu đã được công bố trọn vẹn.
Trong thông cáo công bố hôm thứ Bẩy 21 tháng 5, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin thất thiệt gây xôn xao dư luận cho rằng bí mật thứ ba Fatima đã không được công bố trọn vẹn.
“Một vài bài báo xuất hiện gần đây đăng những lời tuyên bố được gán cho Giáo Sư Ingo Dollinger, theo đó Đức Hồng Y Ratzinger, sau khi công bố bí mật thứ ba Fatima (hồi tháng 6 năm 2000), đã tâm sự với ông rằng việc công bố ấy không trọn vẹn.
Về vấn đề này, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố rằng ngài ‘không bao giờ nói với Giáo Sư Dollinger về Fatima”, và quả quyết là những lời gán cho Giáo Sư Dollinger về đề tài này là ‘hoàn toàn là bịa đặt, tuyệt đối không đúng sự thật’, và ngài quyết liệt khẳng định rằng: ‘Việc công bố bí mật thứ ba Fatima là trọn vẹn’”.
Ba trẻ em ở Bồ Đào Nha là Lucia, Giacinta và Phanxicô đã nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra sáu lần từ tháng Năm đến tháng 10 năm 1917.
Một trong các trẻ em này là Sơ Lucia de Jesus Rosa Santos cho biết vào ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ trao phó cho các trẻ em ba bí mật, mà sau này sơ đã viết xuống và giao cho Đức Giáo Hoàng.
Hai bí mật đầu nói về thế chiến thứ hai, và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga.
Bí mật thứ ba đã không được tiết lộ cho đến khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quyết định công bố vào Năm Thánh 2000. Bí mật này liên quan đến vụ mưu sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, lễ Đức Mẹ Fatima, tại Quảng trường Thánh Phêrô.
9. Đức Thánh Cha tông du Armenia
Chuyến tông du Armenia là cuộc tông du thứ 14 bên ngoài nước Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Với dân số khoảng 3 triệu người, Armenia là quốc gia đại đa số theo Kitô Giáo. Thậm chí, còn là quốc gia đầu tiên thừa nhận Kitô Giáo là quốc giáo vào năm 301, trước cả Sắc Lệnh Milan năm 313 của Constantinô nhằm khoan thứ cho Kitô Giáo và trước Sắc Lệnh của Theodosius năm 380 công nhận Kitô Giáo là tôn giáo chính thức của Đế Quốc Rôma. Hiện nay, gần 93 phần trăm dân số thuộc Giáo Hội Tông Truyền Armenia, trong hệ thống các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương.
Trong bài diễn văn được dọn sẵn của Đức Thánh Cha tại dinh tổng thống, thuật ngữ “Metz Yeghern” của Armenia có nghĩa là “Đại ác” đã được dùng để đề cập đến tội ác tận diệt 1.5 triệu người Armenia của Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1915. Nhưng ngay sau đó, bỏ văn bản đã được soạn sẵn sang một bên, Đức Thánh Cha đã dùng từ “diệt chủng” để tham chiếu đến tội ác mà ngài gọi là “tội ác đầu tiên của hàng loạt các thảm họa tồi tệ của thế kỷ trước”.
Đức Thánh Cha nói:
“Đáng buồn, thảm kịch đó, cuộc diệt chủng đó, là thảm họa đầu tiên trong nhiều loạt thảm họa tồi tệ của thế kỷ qua, một thảm kịch xẩy ra được là do các mục tiêu sắc tộc, ý thức hệ hay tôn giáo bị bóp méo; các mục tiêu này làm tối đen tâm trí những kẻ hành hình thậm chí đến độ lên kế hoạch cho cuộc tận diệt toàn thể một dân tộc.”
“Càng đáng buồn là trong trường hợp này và trong cả hai trường hợp kia, các siêu cường quốc tế đã nhìn đi chỗ khác”.
10. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã bắt đầu với thánh lễ khai mạc lúc 17:30 ngày 26 tháng 7 theo giờ địa phương tại công viên Błonia do Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz cử hành.
Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, năm nay 77 tuổi, từng là bí thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong nhiều năm. Từ năm 2005, ngài là Tổng Giám Mục Krakow và được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vinh thăng Hồng Y vào năm 2006.
Lúc 14:00h ngày 27 tháng 7 Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Ba Lan.
Sau hai giờ bay, ngài đã đến phi trường quốc tế Balice của Krakow. Sau đó, Đức Thánh Cha đã lên xe đến cố đô Wawel nơi các lễ nghi đón tiếp được diễn ra long trọng tại hoàng cung Wawel, nơi người ta có thể thấy dấu ấn vàng son, lộng lẫy của các vương triều phồn hoa đô hội bậc nhất Ba Lan.
Trong chuyến tông du này, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ ngày thứ Năm 28 tại Đền thánh Częstochowa, nơi đã diễn ra Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1991, nhân dịp kỷ niệm 1050 năm Ba Lan chịu phép rửa. Buổi chiều, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ giới trẻ trong một lễ hội đón tiếp.
Một điểm nhấn khác của chuyến tông du rất được cộng đồng người Do Thái chờ đợi, đó là việc Đức Thánh Cha viếng thăm trại tập trung Auschwitz vào sáng ngày 29-07. Buổi chiều cùng ngày, ngài tới thăm một bệnh viện nhi đồng, trước khi gặp lại các người trẻ để cử hành chặng Đàng Thánh Giá truyền thống vào ngày thứ Sáu.
Thứ Bảy 30-07, Đức Thánh Cha đã tới Đền thánh Chúa thương xót ở Krakow để bước qua cửa Thánh tại đây. Ngài giải tội cho một số bạn trẻ và sẽ chủ sự Thánh lễ với các linh mục, chủng sinh, và tu sĩ. Buổi tối, Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với các người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Cuối cùng, ngày Chúa Nhật 31-07, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới với 3 triệu người trẻ Ba Lan và thế giới.
Chuyến tông du Ba Lan này là chuyến tông du thứ 15 của Đức Thánh Cha và là chuyến tông du thứ 11 của một vị giáo hoàng đến Ba Lan. Thánh Gioan Phaolô II đã trở về quê hương của ngài 9 lần, trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến 2002, và Đức Bênêđictô XVI cũng đã tới Ba Lan vào năm 2006 trong một cuộc hành hương theo dấu chân của vị tiền nhiệm.
11. Đức Thánh Cha tông du Georgia và Azerbaigian
Chuyến viếng thăm thứ 16 của Đức Thánh Cha bên ngoài Ý Đại Lợi đã đưa ngài đến hai quốc gia Georgia và Azerbaigian từ chiều thứ Sáu 30 tháng 9 đến tối Chúa Nhật 02 tháng 10.
Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của Đức Thánh Cha tại nước ngoài và là phần thứ 2 trong cuộc viếng thăm miền Caucase. Phần đầu ngài đã thực hiện tại Cộng hòa Armenia từ ngày 24 đến 26-6 năm nay.
Cả 3 quốc gia này đều có con số tín hữu Công Giáo rất ít ỏi, nhưng như giải thích của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, qua các cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha muốn cổ võ những quan hệ đại kết, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Nói khác đi ngài muốn thi hành một sứ mạng hòa bình và hiệp nhất.
Chuyến tông du giống như một cuộc hành hương chỉ mất có vài tiếng đồng hồ di chuyển nhưng để lại nhiều hệ quả quan trọng. Bởi vì vùng Caucase là một khu vực khá xa cách với niềm tin Kitô và nằm giữa các nước láng giềng hùng cường như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Do đó, hòa bình là một mấu chốt quan trọng. Đức Thánh Cha nói: ‘Tôi đến để cổ võ những con đường và niềm hy vọng. Hòa bình đòi hỏi sự kiên trì và những bước đi liên tục, phụ thuộc vào sự góp sức của mỗi người.” Với điểm nhắm này, Đức Thánh Cha đã có 10 bài phát biểu trong chương trình viếng thăm của ngài.
12. Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho dân nước Iraq
Chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã chính thức bắt đầu vào sáng sớm ngày thứ 17 tháng 10.
Để trấn áp các cuộc nổi loạn của dân chúng, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã xử tử 284 người đàn ông, kể cả một số trẻ nhỏ và bắt cóc hàng chục ngàn người đưa vào các tòa nhà trong thành Mosul làm bia đỡ đạn cho chúng.
Trước hành động dã man này của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 23 tháng 10 năm 2016, với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:
“Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, Hồi giáo cũng như Kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau.
Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.”
Sau một chút thinh lặng Đức Thánh Cha đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này.