□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Khi Nào Tận Thế?


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.



Mấy ngày hôm nay, trời mùa đông tự dưng nóng hâm hấp như trời giữa hè. Gần một tuần rồi, mưa rơi tầm tã tựa người cầm gầu đổ xuống trần gian kìn kịt từng sô nước. Nguyên cả khu phố nơi em ở, nước cứ thế dâng lên mấp mé sân nhà.

Cuối tuần, Bác ghé vào nhà Dòng, thăm em. Bước vô phòng, quan bác mở miệng nói liền,

— Đang viết tí toáy chi vậy?

Em như người đang dở tay, chỉ kịp ngẩng lên nhìn bác, rồi lại cúi xuống, chăm chú vào tờ giấy trắng mở rộng trước mặt,

— Bác tới chơi! Vâng, em xin phép bác thong thả cho em mấy phút. Gớm, đến là khổ! Em bận quá, cứ như người có con mọn...

Bác bật cười, nụ cười ròn tan rạng rỡ trên khuôn mặt đăm chiêu,

— Vớ vẩn chửa! Đi tu mà sao lại có con mọn ở đâu chui ra? Ông, cứ ưa đóng tuồng!...

Em chép miệng,

— Khổ! Em biết. Em đang viết di chúc đây, thưa bác!

Bác sáng nay ghé vào quán ăn món bún mắm tôm. Cho nên nghe em than, bác mở miệng nói cạnh nói khóe,

— Mặt nom còn trẻ như thế kia mà đã viết di chúc rồi. Đau ốm ra sao? Người dạo này nom có vẻ xanh đấy nhé. Hay dám lại ung thư thời kỳ thứ ba, cho nên đang chuẩn bị…ăn mày ơn chết lành.

Em chạnh lòng, mở miệng ăn nói nhát gừng như chó cắn ma,

— Gớm! Bác cứ nói! Trẻ hay già, khỏe hay ốm, thì mình cũng vẫn phải cẩn thận, cẩn tắc vô ưu là thế. Nhưng cái di chúc này là viết cho nhà Dòng chứ không phải cho em. Cha Bề trên dạy sao thì phận em bề dưới, cứ theo như vậy mà làm cho phải phép.

Bác lên giọng tuồng chèo,

— Đến là hay nhỉ. Nhìn cái trán bướng như thế kia mà cũng biết vâng nhời cha Bề trên...

Em làm mặt hờn giỗi,

— Quan bác cứ ưa nói đùa. Nhà Dòng chứ đâu phải chuyện bỡn.

Bác khoát tay, điệu bộ dứt khoát,

— Thôi đừng viết di chúc nữa. Đi mà trình với cha Bề trên, có viết di chúc hay không thì cũng thế. Tận thế tới nơi rồi.

Nghe quan bác “phán” tới đây, em bật miệng nói liền, giọng chậm rãi, rõ từng chữ,

— Vâng, Bác tới mà nói với cha Bề trên nhé!

Em chỉ chỉ ngón tay,

— Đó, đó, cánh cửa có chậu hoa xương rồng màu đo đỏ đấy. Phòng của ngài đấy… Giờ này ngài đang ngồi trong văn phòng. Cứ gõ cửa là gặp ngay…

Em lên giọng tuồng chèo, nửa đùa nửa thật,

— Em rước quan bác. Em mời quan bác!

Em nhìn bác, giọng tỉnh bơ,

— Mà này, xin phép quan bác cho em dặn trước mấy nhời.

Em buông lời nói luôn,

— Vô đấy, ăn nói cho nó cẩn thận. Ngài là cha Bề trên. Em xin bác ăn nói cho có ý tứ. Bác mà cứ vớ vẩn, tuồng chèo thằng Mõ, chẳng đâu vào với đâu, ông ấy mắng cho mấy mắng thì ráng mà chịu... Lúc đó đừng có lên giọng trách móc là em không dặn trước!

Biết em ăn nói mát mẻ, bác làm mặt nghiêm,

— Không, quan bác là không có nói đùa. Sáng hôm nay, trên đường đi làm, ngay tại góc phố Bolsa, tớ thấy thiên hạ xúm xít đứng lại nhìn. Tưởng chi, hóa ra có cái ông người Mỹ, khoảng ba mươi là cùng, mặt mũi nom sáng sủa lắm, lại còn thắt cà-vạt đàng hoàng . Ông ấy đứng ngay tại góc đường, tay giơ cao thánh giá miệng nói sang sảng, “Giao thừa! Ngày tận thế!”. Cứ thế, thiên hạ dừng xe lại, đông như kiến, tắc nghẽn cả nguyên cả một con phố.

Em làm mặt nghiêm trang, nhưng vẫn giọng kịch,

— Lạ nhỉ! Ông Mỹ con giảng về tận thế. Mà thưa quan bác, ông ấy giảng như thế nào?

Bác đưa hai tay lên miệng,

— Ông ấy tay cầm loa, miệng hét tướng lên: “Trái đất ấm dần. Nửa đêm Giao thừa, nước biển dâng lên. Tận thế! Tận thế!”.

Em nhìn bác, ánh mắt dò hỏi,

— Rồi bác có tin hay không?

Không đợi quan bác kịp lên tiếng trả lời, em đã chép miệng “phán” ngay một câu dễ mất lòng toàn thể thiên hạ,

— Mà thôi. Khỏi cần nói. Nhìn mặt Bác là biết tin như kinh tin kính rồi.

Mặc cho em nói cạnh nói khóe, bác vẫn say sưa câu chuyện,

— Thì biết đâu, thấy cái nhà ông ấy nói cũng có lý lắm. Này, ông cứ để ý mà xem, gần cả chục năm rồi, mùa đông châu Âu là cứ ấm dần, rồi sóng thần, động đất. Nói đâu xa, ngay tại Mỹ của mình đây nè, trời mùa hè mùa đông cả chục năm rồi cứ lẫn lộn như xôi đậu đen, chẳng biết đâu mà mò. Nguyên cả khu phố ngập lụp!

Em nhìn bác, vẫn giọng điệu châm chọc,

— Thế rồi quan bác đã dọn đường ăn mày xin ơn chết lành hay chưa?

Bác trợn mắt,

— Biết gì đâu mà dọn. Bởi thế mới ghé vào nhà Dòng hỏi ý ông đây.

Em nhăn nhăn vầng trán bướng, giọng nói nhát gừng,

— Thưa bác! Bác hỏi cái gì?

Bác gắt gỏng mắm tôm,

— Ơ hay, thì đã nói rồi đấy, cái ông Mỹ đó nói có đúng hay không?

Em bĩu môi, dài cả tấc,

— Đến là vớ vẩn! Bác chỉ có khéo lo bò trắng răng!

Bác trợn tròn mắt nhìn em,

— Ông nói như vậy? Nghĩa là làm sao?

Em buông hẳn cây viết xuống mặt bàn, nói rõ từng chữ,

— Em nhớ đâu hồi Giao Thừa năm 2000, thiên hạ cứ nhao nhao lên với nhau là tận thế tới nơi! Em có mấy người bạn còn cẩn thận đi mua nến phép cất giữ trên bàn thờ hẳn hoi. Rồi Giao Thừa năm 2000, nhưng cũng có thấy chết ông tây bà đầm nào đâu… Em nói có đúng hay không?

Em khịt khịt mũi,

— Rõ là tự mình làm khổ chính mình! Giờ lại tới phiên ông Mỹ Bolsa và quan bác. Chán chuyện mấy ông!

Bác nhăn nhăn mặt,

— Ông nói như thế mà cũng nghe được. Rồi…nhỡ may tận thế thật thì sao? Lúc đó nhìn ông mà nhăn nhở cười cười à?

Em khẳng định,

— Quan bác chỉ khéo đến là vớ vẩn. Tận thế với không tận thế. Chúa Giêsu còn chả biết khi nào tận thế đấy, nói chi đến cái ông Mỹ dở hơi phố Bolsa...

Bác làm mặt nghiêm trọng,

— Lại ăn nói linh tinh rồi. Cha Bề trên nghe được, ông ấy lại mắng cho mấy mắng. Sao ông biết Chúa Giêsu cũng chả rõ cái ngày tận thế?

Bác cự nự,

— Chỉ được cái tật ưa nói tầm xàm!

Em ăn nói giọng điệu mát mẻ,

— Gớm, quan bác làm gì mà phải lôi cha Bề trên ra đây để mà hù dọa. Em nói có sách mà mách là có chứng. Đây quan bác nom nom hộ em đi.

Em đứng dậy, đi về phía tủ sách, tay kéo ra cuốn Phúc Âm,

— Về ngày tận thế, chính Chúa Giêsu cũng đã từng xác nhận…

Em lật lât, ngón tay chỉ vào trang sách mở rộng,

— Đây, bác nom đi. Phúc âm Máccô, “Không ai biết ngay cả thiên thần trên trời và Chúa Con, ngoại trừ…” (Mark 13:32) một người...

Em ngẩng lên, nhìn bác, hỏi,

— Quan bác biết người này là ai hay không?

Nhìn mặt quan bác ngơ ngơ như gái ngủ ngày, em nói rõ từng chữ,

— Người này chính là Chúa Cha đó.

Bác mặt tần ngần, tay vẫn còn cầm sách Phúc Âm, miệng lẩm nhẩm đọc đi đọc lại đoạn văn Máccô 13:32,

— Chết chửa! Sao lại có thể như thế được nhỉ…

Em vỗ vai bác,

— Thôi, làm gì mà cứ đứng tần ngần ra đó tựa như ăn trộm rình nhà bị bắt quả tang vậy.

Em buông lời kết luận,

— Quan bác đã thấy chưa. Nếu ngay cả Chúa Con còn không biết về ngày giờ tận thế, vậy thì quan bác tin vào cái ông Mỹ Bolsa làm chi.

Em dừng lại,

— Mà em nói cho quan bác biết. Mặc dù Chúa Giêsu cũng chả rõ về ngày giờ tận thế. Nhưng khoa học gia họ biết khi nào thì tận thế đấy...

Bác trợn mắt,

— Ơ! Lại cứ ưa nói chuyện bỡn…

Em lắc lắc đầu, mặt nghiêm trang,

— Quan bác ơi, khoảng 5 tới 6 tỷ năm nữa thôi, mặt trời sẽ tắt ánh sáng. Khi đó, tất cả mọi sinh vật trên địa cầu sẽ biến mất tất tật. Mà em nói thật với quan bác, cần gì phải đợi tới 5 tới 6 tỷ năm nữa cho mất công mất linh. Trái đất cứ nóng dần, cứ cái đà này thì chả mấy chốc mà tận thế tới



Lời Chúa

"Nhưng trong những ngày ấy, sau cơn khốn quẩn ấy, mặt trời sẽ tối sầm, mặt trăng mất sáng, tinh tú tự trời sa xuống,
và các quyền năng từng trời bị lay chuyển. Và bấy giờ người ta sẽ thấy Con người đến trong mây với quyền năng cao cả và vinh quang. Và bấy giờ, Ngài sẽ sai các thiên thần mà thâu họp những kẻ được chọn [của Ngài] tự bốn phương, từ mút cùng mặt đất, đến mút cùng chân trời. Nghiệm xem cây vả, các ngươi hãy hội lấy làm thí dụ: Khi cành nó uốn mền và lá trổ sinh, thì các ngươi biết mù hè gần bên. Cũng vậy, khi các ngươi thấy các điều ấy xảy ra, thì các ngươi cũng biết là: Ngài đã đến gần bên cửa! Quả thật, Ta bảo các ngươi: thế hệ này sẽ không qua, cho đến khi mọi điều ấy xảy đến. Trời đất sẽ qua đi nhưng lòi Ta nói sẽ không bao giờ qua đi! Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Con nữa, trừ phi là Cha!" (Marcô 13:24-32).



Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com