Suy Niệm LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Ngày lễ kính các thánh nam nữ hôm nay là một ngày lễ vui: Vui vì có vô số những người đi trước chúng ta đang được hưởng hạnh phúc với Chúa trên Thiên đàng. Sách Khải huyền cho chúng ta biết: "Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”(Kh 7,9). Vui vì trong số các thánh có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người đã từng sống với chúng ta. Ngày lễ hôm nay cũng là một ngày lễ tràn đầy hy vọng: Hy vọng vì chúng ta biết được rằng, Thiên đàng là đích điểm của mỗi người chúng ta; hy vọng vì các thánh cũng là những người như chúng ta nhưng các ngài đã vượt qua được những bất toàn trong cuộc sống, đặc biệt các ngài đã vượt qua được những đau khổ như sách Khải Huyền cho biết: Các ngài “là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên" (Kh 7,14). Nhưng mừng ngày lễ kính các thánh hôm nay chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui, niềm vinh dự hay niềm hy vọng suông, mà chúng ta cần phải noi gương các thánh để thực hiện lời mời gọi của Thiên Chúa: “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”(Lv 11,45).

Thật vậy, nên thánh là bổn phận của mỗi người kitô hữu. Nhưng làm thế nào để nên thánh? Có nhiều cách để nên thánh:

Có những người nên thánh vì họ đã thực hiện trọn vẹn cả Tám Mối Phúc Thật mà chúng ta vừa nghe qua bài Tin mừng hôm nay. Nhưng cũng có những người nên thánh chỉ thực hiện một trong tám mối phúc thật đó: Có những người nên thánh vì biết sống tinh thần nghèo khó; có những người nên thánh vì biết sống hiền lành; có những người nên thánh vì nhận ra tội lỗi của mình xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình nên họ lo buồn khóc lóc xin Chúa tha thứ; có những người nên thánh vì họ khát khao trở nên công chính, thánh thiện; có những người nên thánh vì biết xót thương người; có những người nên thánh vì biết xây dựng hòa bình; có những người nên thánh vì biết sống trong sạch; có những người nên thánh vì biết chấp nhận những đau khổ vì sự công chính, vì sự thật, vì Chúa và vì anh chị em mình.

Có những người nên thánh vì họ chấp nhận đi qua con đường hẹp. Tin mừng cho chúng ta biết, trên con đường đi lên Giêrusalem, có người hỏi Đức Giêsu: “Phải chăng chỉ có một số ít được rỗi?” (Lc 13,23). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi đó, nhưng Ngài mời gọi mọi người: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”(Lc 13,24). Đi qua cửa hẹp là đi qua con đường đau khổ, con đường thập giá. Chính Đức Giêsu đã đi qua con đường đau khổ rồi mới tới vinh quang Phục Sinh: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 9,22). Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá mỗi ngày mà theo” (Lc, 9,23). Như vậy, để nên thánh, để được hưởng sự sống vĩnh cửu phải đi qua cong đường hẹp, con đường đau khổ. Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Gioan cũng cho chúng ta biết, những người trên Thiên đàng “là những người từ đau khổ lớn lao mà đến”(x. Kh 7,14).

Có những người nên thánh trong đời sống gia đình. Có những người nên thánh trong bậc sống tu trì, dâng hiến. Có những người nên thánh ngay tại những nơi mình làm việc. Họ nên thánh khi biết chu toàn bổn phận trong vui tươi: Bổn phận làm người kitô hữu; bổn phận làm Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ; bổn phận của người làm cha, làm chồng, làm mẹ, làm vợ, làm con cái; bổn phận của học sinh, sinh viên, nhà giáo, bác sỹ, công nhân…Bổn phận đó có khi rất nặng nhọc nhưng có khi cũng chỉ là những công việc nhỏ nhặt hằng ngày. Họ là những người đã thực hành lời đề nghị thật đơn giản của Đức Hồng Y Newman sau đây: “Trước hết, hãy đi ngủ theo đúng giờ đã định và hãy ngủ dậy theo đúng giờ đã định; khi đọc kinh, dự lễ, hãy làm cho sốt sắng, đừng cố ý lo ra; lòng trí đừng suy nghĩ những điều xấu xa dơ bẩn; khi ăn, khi uống, hay khi làm bất cứ việc gì, hãy làm vì lòng yêu Chúa và làm cho sáng danh Chúa; cố gắng năng nguyện gẫm vắn tắt; tối đến, xét mình trước khi đi ngủ.”

Có những người nên thánh khi giữ được trọn vẹn chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Họ xa tránh tội lỗi. Họ chống trả được ba thù: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Họ không bao giờ phạm một tội nặng hay tội nhẹ cố tình nào. Họ thà chết chứ không phạm tội mất lòng Chúa. Như Thánh Vịnh 24, 4 cho biết: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.”

Có những người nên thánh vì biết nhận ra tội lỗi của mình và quyết tâm thống hối ăn năn trở về với Chúa. Đó là Thánh Phêrô đã nên thánh sau khi chối Chúa ba lần; đó là Thánh Phaolô đã nên thánh sau khi bắt bớ, giết chết các kitô hữu; đó là Thánh Mathêu đã nên thánh sau khi làm nghề thu thuế; đó là Thánh Augustinô đã nên thánh sau một cuộc sống ăn chơi trác táng…và biết bao nhiêu người đã có quá khứ tội lỗi nhưng nên thánh nhờ biết thống hối ăn năn trở về với Chúa và làm hòa với anh chị em mình. Đây là con đường nên thánh của đa số nhân loại, vì “không vị thánh nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào mà không có tương lai.”

Tóm lại, có nhiều con đường nên thánh. Nên thánh là nên giống Chúa. Để được nên giống Chúa phải đi con đường mà Chúa đã vạch ra và các Thánh đã đi qua: đó là con đường của Tám Mối Phúc Thật, con đường hẹp, biết chu toàn bổn phận, con đường trong trắng vô tội và nếu mắc tội thì phải biết thống hối ăn năn.

Để thêm động lực nên thánh, chúng ta cùng nhau nghe câu chuyện sau đây: Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ Stealer).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi.” Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (Saint).”

Lạy Chúa, chúng con là kẻ tội lỗi, nhưng được Chúa mời gọi nên Thánh. Xin cho mọi người chúng con biết thực hiện những giáo huấn mà Chúa truyền dạy, đồng thời bắt chước gương các Thánh để chu toàn bổn phận nên thánh mọi ngày. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành