NGHIÊN CỨU PHÉP KỴ HÚY TẠI VIỆT NAM (bài 2)

TIẾT B. PHÉP KỴ HÚY TẠI VIỆT NAM

Việt Nam bị lệ thuộc Trung Quốc từ đời nhà Hán đến đời nhà Đường, đồng thời bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc nên Việt Nam cũng áp dụng phép kỵ húy như tại Trung Quốc.

1. Nguồn Gốc Phép Kỵ Húy Tại Việt Nam: Đọc cổ sử, từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều đại Lê Đại Hành (980-1005), ta không thấy sử liệu nào đề cập đến vấn đề kỵ húy. Sau đời Lê Đại Hành, sử Việt bắt đầu ghi chép tục lệ này. Ta lần lượt duyệt qua từng triều đại:

a. Thời vua Lê Ngọa Triều (1005-1009): Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho ta một chi tiết nhỏ như sau: Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Thụy năm thứ nhất (1008) vua thân đi đánh hai châu Đô Lương, Vị Long bắt được người Man và vài trăm con người, sai lấy gậy đánh, người Man đau quá kêu gào, nhiều lần phạm tên húy của Đại Hành, vua thích lắm.

Qua câu văn trên, ta thấy tục lệ kỵ húy đã có tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng chưa được coi trọng.

b. Sang đến nhà Lý (1010-1225): Không có sử liệu nào cho biết triều đại này có áp dụng phép húy hay không và phải kiêng tránh những chữ nào. Chỉ có tài liệu nói năm Kỷ Mùi, niên hiệu Thuận Thiên thứ 10 (1019), vua Lý Thái Tổ cho lập thái miếu ở lăng Thiên Đức. Với tài liệu gián tiếp này, ta có thể suy đoán là triều Lý cũng có tục kỵ húy vì phép húy có liên hệ đến việc thờ cúng tổ tiên, tức việc thờ các vua tiền nhiệm trong thái miếu.

c. Đến đời nhà Trần (1225-1413): Phép húy được quy định rõ ràng và mở rộng. Năm 1232, Trần Thái Tông ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Đồng thời, trong mưu đồ tận diệt nhà Lý, Trần Thái Tông bắt đổi triều Lý thành triều Nguyễn, với lý do kỵ húy tên của nguyên tổ là Lý. Sang đời vua Trần Anh Tông, năm 1294, vua ban bố các chữ quốc húy: Chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng, của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý. Các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.

Năm 1298, niên hiệu Hưng Long, nhà vua ban thêm hai chữ húy là Ngụy và Châu.

Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long 1290, nhà vua ban thêm các chữ húy của Khâm Minh Đại Vương là Liễu, Thiện Đạo quốc mẫu là Nguyệt. Hai chữ Liễu và Nguyệt khi làm văn không được dùng đến. Còn các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn, phải viết bớt nét. Nhà Trần bắt đầu kiêng húy tên họ ngoại từ đây.

Gần 100 năm sau, năm 1395, vua Trần Thuận Tông (Tr.v.1388-1398) bỏ húy chữ Nguyệt và Nam, cho dùng lại như cũ.

Qua việc định phép húy trên đây, ta thấy nhà Trần quy định rất minh bạch và mở rộng phạm vi kỵ húy. Đến khi tha húy, triều đại này cũng ra sắc lệnh rõ ràng.

d. Sang triều đại hậu Lê (1428-1788): Vua Lê Thái Tổ (1428-1433) ra lệnh về vấn đề kỵ húy được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau:

Ngày 20 ban các chữ húy tông miếu và chữ húy tên vua. Tất cả các chữ chính húy khi viết đều không được dùng, nếu đồng âm mà khác chữ thì không phải húy. Húy tông miếu có 5 chữ: Hiển Tổ Chiêu Đức Hoàng Đế húy là Đinh, Hiển Tổ Tỷ Gia Thục Hoàng Thái Hậu húy là Quách, Tuyên Tổ Hiến Văn Hoàng Đế húy là Khoáng, Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái Hậu húy là Thương, Húy của vua là Lợi, của hoàng hậu là Trần, của anh vua là Học.

Đời Lê Thái Tông (1433-1442), năm 1435, vua quy định không được viết những chữ chính về miếu húy hay ngự danh. Ai có họ tên trùng với chữ húy của Cung Từ Quốc Thái Mẫu là Trần nên phải đổi thành Trình.

Đời Lê Nhân Tông (1442-1459), năm 1443, vua ban bố hai chữ húy. Tên vua là Cơ, tên húy của hoàng hậu là Anh, cộng với miếu húy, tất cả là 7 chữ.

Đời Lê Thánh Tông (1460-1497), năm 1462, khi ấn định phép thi Hương, nhà vua ra lệnh: Chữ húy của quốc triều nếu hai chữ liền nhau thì đều không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng thay chữ khác, khuyên ở bên ngoài.

Đời Lê Chiêu Tông (1516-1522), năm 1517, vua sai Lễ bộ thượng thư Đàm Thận Huy hiệu đính miếu húy và ngự danh. Miếu húy gồm 20 chữ, ngự danh là hai chữ Ỷ và Huệ. Những chữ húy khi làm văn hay khắc in sách đều không cấm, nhưng khi đọc phải tránh.

Dưới thời Nam Bắc phân tranh, sử cũ không thấy nói chúa Trịnh, chúa Nguyễn buộc dân chúng phải kiêng húy tên nào. Nhưng ngoài dân gian, tại miền Bắc, vì kỵ húy tên Tây Vương của Trịnh Tạc mà huyện Tây Châu đổi là huyện Nam Châu. Tại miền Nam, vì tránh tên Vũ Vương của chúa Nguyễn Phúc Khoát mà người miền Nam đọc vũ thành võ, tránh tên chúa Nguyễn Phúc Chu nên đọc chu thành châu, phúc thành phước.

e. Triều đại nhà Nguyễn (1802-1945): Nhà Nguyễn cũng như các triều đại trước, luật kỵ húy được mở rộng và áp dụng một cách nghiêm nhặt, bắt dân gian phải tránh tên các vua đang trị vì, các vua tiền nhiệm, và các bà vợ vua. Ngoài ra, nhà Nguyễn còn bắt các thí sinh không được dùng tên các cung điện, lăng tẩm nhà vua. Ví dụ để tránh chữ Long trong niên hiệu Gia Long và Mạng trong niên hiệu Minh Mạng mà người miền Huế phải đọc long thành luông, mạng thành mệnh. Vừa lên ngôi được một năm, năm 1803, vua Gia Long liền cho khôi phục chế độ kiêng húy. Sách Đại Nam Thực Lục của triều Nguyễn ghi lại sắc lệnh này như sau: Sắc bộ Lễ kính gửi chữ húy cho khắp trong ngoài, phàm tên người, tên đất, giống chữ thì đổi đi, làm văn thì tùy theo ý nghĩa mà thay chữ khác.

Đời Gia Long quy định các chữ sau đây thuộc loại trọng húy: Chủng, Noãn, Ánh, Luận, Hoàn, Lan. Khi đọc phải tránh âm, khi viết phải dùng chữ khác. Riêng các chữ Khang, Khoát, Thuần thuộc loại khinh húy khi đọc phải tránh âm, khi viết thêm bộ xuyên trên đầu. Bộ xuyên trên đầu các chữ kỵ húy thường được các sử gia ngày nay gọi là dấu nháy.

Ngoài ra, ngay khi lên ngôi, năm 1804, vua Gia Long cho xây Triệu Miếu ở kinh đô Huế để thờ vị tổ khai sáng là Nguyễn Kim và Thái Miếu để thờ các chúa Nguyễn được truy tôn lên chức vị Hoàng Đế. Đến đời Minh Mạng, năm 1821, ông vua này lại cho xây Hưng Miếu để thờ thân phụ vua Gia Long, tức Nguyễn Phúc Luân và bà vợ, đồng thời cũng cho xây Thế Miếu để thờ Vua Gia Long. Việc xây bốn miếu thờ nói lên việc nhà Nguyễn coi trọng phép kỵ húy. Qua các đời vua, phép húy ngày càng được bổ sung và đến thời Tự Đức (1848-1883), phép húy được coi là chặt chẽ nhất. Bằng chứng là người trong tôn phả phải tránh cả đến những tên cháu chắt hoàng tử, hoàng tôn, hoàng muội. Sách Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ ghi lại khoản luật này như sau:

Phàm người trong tôn phả mà có tên đồng âm với quốc húy và người phụ nữ trong Tôn thất trùng tên với nhau, đều phải chọn chữ đổi lại. Ðến như vợ lẽ các phủ và vợ cùng con gái là người Tôn thất, nếu đồng âm với quốc húy cũng như con gái họ Tôn thất cùng hoàng tử hoàng tôn, hoàng nữ, hoàng muội mà tên trùng nhau thì cũng đều tiến hành trình lên phủ để đổi lại và ghi vào tôn phả".

2. Các Phương Pháp Tránh Phạm Húy Tại Việt Nam:

Khi ra lệnh kỵ húy, các triều đại xưa đều không quy định rõ phải tránh các chữ đó thế nào, chỉ đưa ra một lệnh rất tổng quát. Do vậy, các sử gia triều đình Việt Nam thường phải tham chiếu quy cách của Tàu để đề ra phương pháp tránh phạm húy. Sau đây là các phương pháp thường được áp dụng:

a. Phương pháp cải tự: Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, gặp chữ trọng húy, người ta phải dùng một chữ khác đồng nghĩa, hay có ý nghĩa liên hệ. Ví dụ đời Lê Thánh Tông, khi soạn bộ Quốc Triều Hình Luật, gặp chữ Lị là tên húy của vua Lê Lợi, các nhà làm luật dùng chữ Tiện. Tiện và Lị có ý nghĩa tương tự.

Đời vua Gia Long, 6 tên sau đây thuộc loại trọng húy, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải dùng chữ khác.

Kỵ Húy/ /Nghĩa /Đổi ra /Nghĩa

Noãn /Ấm /Úc /Ấm

Ánh /Sáng /Chiếu /Sáng

Chủng /Trong /Thức /Trong

Cổn /Tia nắng /Diệu /Ánh sáng

Hoàng /Vòng tròn /Viên /Vòng tròn

Lan /Hoa lan /Hương /Hương thơm


b. Phương pháp chiết tự: Trường hợp buộc phải viết tên thuộc loại trọng húy, các sử gia Việt Nam áp dụng phương pháp chiết tự, tức phương pháp tách chữ đó ra làm hai, ba phần. Khi đọc, phải ghép các phần đó lại để hiểu ý nghĩa. Ta có thể nêu các ví dụ sau:

Trong bài văn bia Vĩnh Lăng nói về Lê Thái Tổ, ta thấy chép như sau:

Tánh Lê, húy tả tòng Hòa, hữu tòng Đao ( chữ Lị).

Tằng tổ húy tả tòng Ngôn, hữu tòng Mỗi ( chữ Hối).

Hoàng tổ húy tả tòng Thủy, hữu tòng Đinh (chữ Đinh).

Sử gia triều Nguyễn, cụ Tổng Tài Cao Xuân Dục, khi biên tập Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, đã viết các tên húy của vua Gia Long như sau:

-Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Viện (chữ Noãn).

-Bên tả chữ Nhật, bên hữu chữ Anh (chữ Ánh.)

-Bên tả chữ Thái, bên hữu chữ Trọng ( chữ Chủng).

-Về chữ Hồng, trong tên Hồng Nhậm là tên húy của vua Tự Đức, cũng áp dụng lối chiết tự: Tả tùng Thủy, trung tùng Công, hữu tùng Điểu (chữ Hồng).

c. Phương pháp khuyết tự: Trường hợp gặp chữ trọng húy mà không tránh được, thì luật thời Thiệu Trị (Tr.v.1841-1847) cho áp dụng phương pháp khuyết tự là phương pháp bỏ trống, không viết tên kỵ húy. Ví dụ các sử gia viết bộ Ðại Nam Thực Lục đã ghi như sau: “Tên húy là …., lại húy là …(Phúc Chú). Phương pháp này đã có ở Trung Quốc và luật đời Thiệu Trị dự liệu như sau: Những chữ kỵ húy mà không thể sửa đổi hay dùng chữ khác được, thì khi viết tới chữ đó, phải lấy giấy vàng bít lại. Ngày xưa, trong dân gian, người ta cũng có tục lệ này. Tên người chết được viết trên tấm minh tinh nhưng lấy giấy vàng bịt lại để giữ phép kỵ húy.

d. Phương pháp khuyết bút: Sử gia xưa hay dùng phương pháp khuyết bút để viết các chữ thuộc loại khinh húy. Cách viết của phương pháp này là bớt đi một nét chữ. Hoặc thay đổi vị trí các thành phần của chữ. Phương pháp khuyết bút đã được áp dụng từ đời Lý, Trần. Vua Trần Anh Tông (1293-1314) ra lệnh khi viết các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Cán, Tộ, Tuấn, Anh, Tảng đều phải bớt nét. Luật pháp đời Nguyễn quy định khi viết tên đất mà gặp phải những chữ húy của vua, thì hoặc viết theo tên ngày nay, hoặc viết thiếu một nét.

e. Phương pháp cải âm là phương pháp đọc trại tên húy. Nguyên tắc đọc trại tuân theo đúng nguyên tắc Ngữ học là biến đổi âm vận cuối. Sau đây là các ví dụ:

Tên Húy /Đọc Trại /Nguyên Nhân

Lị /Lợi /Tên húy Lê Thái Tổ.

Nguyên /Ngươn /Tên húy Nguyễn Phúc Nguyên.

Câm /Kim /Tên húy của Nguyễn Câm (Kim).

Ánh /Yếng /Tên húy vua Gia Long.

Cảnh /Kiểng /Ðông Cung Cảnh

Đảm /Ðởm /Tên húy vua Minh Mạng.

Hồng /Hường /Tên húy vua Tự Ðức

Nhậm /Nhiệm /Tên húy vua Tự Đức


f. Phương pháp dùng tên họ hay tiếng Ông/Bà: Để tránh kỵ húy và để tỏ lòng tôn kính các thần thánh hay anh hùng dân tộc, người Việt Nam dùng tên họ hay tiếng Ông hay Bà để thay tên chính. Ví dụ, đức thánh Trần tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; hai bà Trưng tức bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lăng Ông tức lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt; miễu Bà tức miễu Bà Chúa Xứ Núi Sam, Châu Đốc.

Báo chí Việt Nam ngày nay có lối viết dùng tên họ để chỉ một người như Thủ Tướng họ Chu tức ông Chu Dung Cơ, Thủ Tướng họ Phan tức ông Phan Văn Khải. Lối viết này không xuất phát từ kỵ húy mà bắt chước tập tục tây phương, gọi một người nào đó bằng tên họ. Ví dụ Tổng Thống Reagan, Tổng Thống Clinton v.v...

3. Các Biện Pháp Chế Tài: Dưới hai triều Lý, Trần sử cũ không cho biết người phạm húy bị chế tài như thế nào. Nhưng đến triều đại hậu Lê, biện pháp xử lý người phạm húy được quy định rõ ràng.

a. Triều đại hậu Lê: Theo điều 125 trong Quốc Triều Hình Luật thì: Dâng thư hay tâu việc gì mà lại lầm phạm đến tên vua hay tên húy các vua trước, thì xử phạt 60 trượng, biếm 2 tư; miệng nói hay văn thư khác lầm mà phạm phải thì xử phạt 80 trượng. Viết những chữ húy phải bớt nét, mà không bớt nét thì xử phạt 60 trượng. Miệng nói phạm tên húy thi xử tôi xuy. Người nào cố ý đặt tên chính hay tên tự phạm vào chữ húy thì xử tôi lưu, tội tử hình.

Cũng theo bộ luật này, trường hợp buột miệng nói hay lầm lỡ viết tên kỵ húy trong văn thơ khác thì bị phạt 80 gậy. Trường hợp viết một chữ đáng lẽ phải bớt một nét mà không bớt thì bị phạt 60 gậy và người lỡ miệng nói những chữ này bị phạt bằng roi hay tiền. Đối với những kẻ cố tình phạm húy bằng cách lấy tên húy mà đặt cho mình, hay dùng làm tên tự, thì bị xử tội lưu là bị đày đi ở một nơi xa sinh quán.

b. Triều đại nhà Nguyễn: Biện pháp chế tài đối với những người phạm húy được quy định trong điều khoản 62 của bộ luật Gia Long:

Kẻ nào trong một bài viết tấu hay trình gì với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 gậy. Nếu tội phạm húy ấy mắc phải trong các giấy tờ khác thì hình phạt sẽ là 40 gậy. Kẻ nào phạm tội ấy mà lại dùng tên ấy làm tên chính sẽ bị phạt 100 gậy .

Về tên lăng tẩm cung điện, luật nhà Nguyễn cũng buộc người ta kiêng cữ nhưng không thấy quy định sẽ trừng phạt thế nào. Theo ông Ngô Tất Tố trong tiểu thuyết Lều Chõng, thí sinh phạm tội này chỉ bị đánh rớt mà thôi. Quốc húy đã chấm dứt khi thể chế chính trị thay đổi từ quân chủ sang dân chủ vào năm 1945. Tuy nhiên, tục lệ này vẫn để lại ảnh hưởng sâu xa trong xã hội ngày nay.

4. Ảnh Hưởng Của Phép Kỵ Húy Đối Với Xã Hội Việt Nam: Phép kỵ húy đã ảnh hưởng đến tên người, địa danh, và ngôn ngữ văn tự.

a. Ảnh hưởng đến tên người: Tục lệ kỵ húy đã ảnh hưởng đến tên họ và tên chính của người Việt Nam.

- Ảnh hưởng đến tên họ: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Năm Nhâm Thìn 1232, vua Trần Thái Tông ra lệnh: Vì nguyên tổ tên húy là Lý mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn. Vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý. Sử gia Lê Tắc còn thêm rằng, tông thất và người dân họ Lý cũng bị buộc đổi sang họ Nguyễn. Ông viết:

Lên ngôi được một năm, năm Canh Dần (1230), Chiêu Thánh trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi sang họ Nguyễn để dứt lòng dân mong nhớ.

Sắc lệnh trên của nhà Trần chắc hẳn đã được nghiêm chỉnh thi hành nên xã hội Việt Nam ít thấy người họ Lý. Và ngày nay, thấy ai có họ Lý, người ta thường bảo đó là họ của người Tàu.

Sang đời hậu Lê (1428-1788), vua Lê Thái Tông ra lệnh dân chúng phải đổi họ Trần ra họ Trình. Sắc lệnh viết: Ai có họ tên trùng với các chữ húy thì phải đổi, như tên húy của Cung Từ quốc thái mẫu là Trần nên cho họ Trần đổi thành họ Trình. Lệnh trên đây của vua Lê Thái Tông không được nghiêm chỉnh thi hành nên ngày nay, vẫn thấy người họ Trần đông hơn họ Trình. Một ví dụ khác nữa là trường hợp Giáo sư Cung Giũ Nguyên, theo tiểu sử của ông đăng trên mạng lưới điện toán, thì tổ tiên ông là người Minh Hương có họ Hồng. Vì tránh tên húy của vua Tự Đức là Hồng Nhậm, nên ông đã đổi từ họ Hồng sang họ Cung.

- Ảnh hưởng đến tên chính: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cho biết, vì kỵ húy mà tên một người phải đổi sang hình thức khác. Ta trưng các bằng chứng:

Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510), vua Lê Tương Dực (1509-1516) xưng là Nhân Hải Động Chủ. Ngày 27 lấy Đông Các học sĩ Đỗ Nhân (1472-1517) làm Hộ bộ tả thị lang, đổi tên Nhân thành Nhạc để tránh tên hiệu của vua là Nhân Hải.

Nhà sử học Phan Huy Chú trước tên là Hạo, vì tránh quốc húy nên đổi tên thành Chú.

Đến triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện ghi rằng: Trần Tiễn Thành khi trước tên là Dưỡng Độn, tự là Thời Mẫn, hiệu Tốn Trai, sau tránh quốc húy đổi tên là Mẫn rồi được vua cho tên như ngày nay.

Vì tránh chữ Tông trong tên vua Thiệu Trị là Miên Tông mà ông Hà Tông Quyền, đổi thành Hà Quyền. Vì tránh tên chúa Nguyễn Phúc Chu mà tên Ngô Tùng Chu bị đọc trại là Ngô Tòng Châu.

Người Công Giáo Việt Nam hiện nay vẫn giữ tục lệ kiêng húy. Bằng chứng là một dòng tu rất nổi tiếng có tên là Dòng Chúa Giêsu, nhưng vì kiêng húy tên Giêsu nên người Công Giáo gọi dòng này là Dòng Tên.

b. Ảnh hưởng đến địa danh: Địa danh Việt cũng như Tàu giống với ngôn ngữ tên người nên tục kỵ húy cũng ảnh hưởng tới địa danh. Thời Lý Trần, ta chưa biết có địa danh nào phải đổi tên vì phép húy hay không, nhưng đến thời Mặc Đăng Dung (Tr.v. 1527-1529), người ta thấy địa danh bị thay đổi vì kỵ húy. Đại Việt sử ký Tiền Biên ghi như sau:

Vua Lý Thái Tông (1028-1054) đem quân đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Tư Khách (còn gọi là Ô Long thuộc huyện Hương Trà, Thuận Hóa) đổi tên là Tư Dung. Sau Mặc Đăng Dung cướp ngôi, vì chữ Dung đồng thanh với tên mình nên đổi lại là Tư Khách.

Theo học giả Đào Duy Anh, đời vua Lê Trang Tông (Tr.v.1533-1548), vì tên húy là Ninh mà một số địa danh có chữ ninh phải đổi ra:

-Phủ Tĩnh Ninh đổi thành Tĩnh Giang, nay là Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

-Huyện Phù Ninh đổi thành Phù Khang, Phú Thọ.

Khi Mạc Phúc Nguyên lên ngôi năm 1546, một số địa danh có chữ Nguyên phải đổi tên:

-Châu Thất Nguyên đổi thành Thất Tuyền, Lạng Sơn.

-Huyện Bình Nguyên đổi thành Bình Tuyền, Vĩnh Phú.

Đời vua Lê Anh Tông (Tr. v. 1557-1573), vì tên húy là Bang nên trấn Yên Bang đổi thành Yên Quảng, nay là Quảng Yên.

Đời chúa Trịnh Tạc (Tr.v. 1657-1682), vì kiêng húy tước Tây Vương nên huyện Tây Chân đổi thành Nam Chân, nay là Nam Trực, Nam Định. Ðời Tây Sơn, vua Quang Trung (Tr.v. 1788-1792) có tên húy là Quang Bình nên phủ Thái Bình đổi thành Thái Ninh, đời Nguyễn đổi lại là Thái Bình.

Đời Nguyễn, sách Khâm Ðịnh Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ cho biết tên đất, tên người không được dùng các chữ trọng húy. Khi đọc phải tránh âm, khi viết phải dùng chữ khác. Ví dụ vợ của vua Minh Mạng (1820-1840) là Hồ Thị Hoa nên địa danh có tên Hoa phải đổi thành:

-Tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa.

-Phủ Thăng Hoa ở Quảng Nam đổi thành Thăng Bình.

-Năm 1831, vì cữ tên lăng của hoàng hậu Hiếu Minh, vợ của chúa Nguyễn Phúc Chu, là Vĩnh Thanh Lăng nên Vĩnh Thanh Trấn đổi thành Vĩnh Long Trấn, để qua năm 1832, thành Vĩnh Long.

Vua Đồng Khánh (Tr.v.1886-1888) tên húy là Chân nên huyện Chân Định đổi thành Trực Định. Ngoài ra, vua còn có tên là Đường nên hai huyện Nam Đường và Nghĩa Đường ở tỉnh Nghệ An đổi thành Nam Đàn và Nghĩa Đàn.

c. Ảnh hưởng đến ngôn ngữ văn tự: Vì phép kỵ húy mà ngôn ngữ Việt Nam đã bị đọc trại, và nếu từ ngữ nào bị đọc trại lâu ngày, dân gian sẽ quên tiếng chánh, chỉ nhớ tiếng trại. Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, ba từ ngữ mà dân gian Việt Nam đã quên tiếng chánh là: Lị, Câm, và Tông.Về tiếng Lị, Giáo sư viết : Lị vốn tên vua Lê Thái Tổ và phải húy trong suốt đời Hậu Lê (1428-1788). Vì cữ tên nhà vua này, người ta đã nói trại lị thành lợi trong mấy trăm năm, và hiện nay, chúng ta đã quen dùng tiếng lợi như trong các từ ngữ lợi nhuận lợi tức, danh lợi, quyền lợi,…mà quên hẳn tiếng chánh là Lị.

Về tiếng Câm, cũng giống trường hợp chữ Lị. Giáo sư cho rằng, vị thủy tổ nhà Nguyễn ở Nam Hà có tên chánh là Nguyễn Câm, vì kỵ húy nên đọc trại là Kim. Từ ngữ Kim đã quá thông dụng như kim hoàn, kim ngạch, kim thời mà quên hẳn tiếng chánh là Câm.

Về tiếng Tông, vì kỵ húy tên vua Minh Mạng là Miên Tông mà người ta phải đọc trại chữ Tông thành Tôn. Ngày nay, một số sử sách đã bắt đầu dùng lại chữ tông như Lê Thái Tông, Đức Giáo Tông. Tuy nhiên, các chữ như tôn giáo, tôn thất vẫn còn được dùng và dân gian coi đó là chữ đúng, không cần sửa lại nữa. Ngoài ba tiếng trên đây, nhiều từ ngữ Việt Nam bị đọc trại vì kỵ húy:

Tên /Đọc Trại /Lý Do Kỵ Húy

Ánh /Yếng /Húy vua Gia Long: Nguyễn Ánh.

Bửu /Bảo /Húy vua Thành Thái là Bửu Lân.

Cảnh /Kiểng /Đông Cung Cảnh.

Chu /Châu /Nguyễn Phúc Chu.

Dung /Dong /Húy vua Thiệu Trị là Miên Dung.

Duyệt /Dượt /Tả Quân Lê Văn Duyệt

Đảm /Đởm /Tên húy vua Minh Mạng.

Hoạt /Hượt /Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát).

Hoàng /Huỳnh /Chúa Nguyễn Hoàng

Hoa /Bông /Vợ vua Minh Mạng Hồ Thị Hoa.

Hồng /Hường /Húy vua Tự Đức là Hồng Nhậm.

Nghĩa /Ngãi /Chúa Nghĩa.

Nguyên /Ngươn /Chúa Nguyễn Phúc Nguyên

Nhậm /Nhiệm /Húy vua Tự Đức Hồng Nhậm.

Nhân /Nhơn /Danh tướng Đỗ Thành Nhân.

Phúc /Phước /Dòng họ Nguyễn Phúc.

Thái /Thới /Nguyễn Phúc Thái (Chúa Nghĩa).

Tính /Tánh /Tướng Vũ Tính.

Tùng /Tòng /Chúa Trịnh Tùng.

Vũ /Võ /Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.


Tôn kính bậc trưởng thượng là điều cần thiết, nhưng chỉ vì sự sùng bái cá nhân một ông vua trong chế độ quân chủ, mà ngôn ngữ văn tự của cả dân tộc bị biến đổi một cách vô lý thì điều đó không thể chấp nhận được. Và đó là hậu quả tiêu biểu của bất cứ chế độ độc tài nào. Phép kỵ húy cũng ảnh hưởng đến kiểu cách xưng hô tên người Việt Nam, sẽ được trình bày trong chương sáu.