Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong bài giảng Thánh Lễ tại nhà nguyện Santa Marta vào sáng thứ Sáu 9 tháng 9, Đức Thánh Cha đã tập trung vào bản chất của công việc Truyền giáo. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đó là một nghệ thuật và là một kỷ luật - không bao giờ là cớ để vênh vang; không bao giờ là một nhiệm vụ có thể được thực hiện một cách máy móc, và cũng chẳng bao giờ là một chuyện dễ dàng như “dạo bước trong công viên”.
Suy tư trên những bài đọc trong ngày thứ Sáu, kính nhớ Thánh Phêrô Claver, một linh mục dòng Tên và là một nhà truyền giáo cho những người nô lệ châu Phi tại Tân Thế Giới, Đức Thánh Cha giải thích rằng bản chất của việc truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng toàn bộ cuộc sống chứng tá của chúng ta.
Loan báo Tin Mừng không phải là cái cớ để vênh vang và không bao giờ là một nhiệm vụ có thể được thực hiện một cách máy móc
Tuy nhiên, đáng buồn thay, có một số Kitô hữu ngày nay, là những người sống để phục vụ Tin Mừng nhưng họ thực hiện điều đó đơn giản như là các công chức – và cũng có cả các linh mục và giáo dân tự hào về những gì họ làm.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng có nhiều người đi rao giảng Tin Mừng và đã mang được nhiều người vào Hội Thánh Chúa. Đó là một điều tốt đẹp nhưng xin đừng lấy đó làm cớ để vênh vang, để tự hào về bản thân mình. Tin Mừng không thể bị giản lược thành một nghề nghiệp hoặc thậm chí là một nguồn gốc của niềm tự hào. Ngài nhấn mạnh rằng rao giảng Tin Mừng không có nghĩa là chiêu dụ tín đồ, và cũng không thể giản lược thành một công việc được thực hiện như một con vẹt. Thánh Phaolô nói trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (9: 16): “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.” Đức Thánh Cha lặp lại rằng “đó là một sự cần thiết” là “một nhiệm vụ được giao phó cho tôi.”
Như thế, đâu là “phong cách” mà chúng ta rao giảng Tin Mừng? Để trả lời cho câu hỏi này, Đức Thánh Cha đã dùng những lời của Thánh Phaolô là “hãy trở thành tất cả mọi thứ cho mọi người”. Ngài nói: “Hãy đi và chia sẻ trong cuộc sống của những người khác, đồng hành cùng họ trên hành trình đức tin, để họ có thể tăng trưởng trong đức tin trên con đường lữ hành của họ.”
Rao giảng Tin Mừng là làm chứng, chứ không phải là nói cho nhiều
Chúng ta phải đặt mình vào tình trạng của người khác: không phải là chọn con đường khác, nhưng phải đi trên đường của chính họ. Ngài nhớ lại trong khi dùng bữa trưa với những người trẻ tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow, một cậu bé hỏi ngài nên nói gì với một người bạn thân vô thần:
“Đó là một câu hỏi hay. Chúng ta ai cũng có những người quen là những người xa cách Giáo Hội. Chúng ta nên nói với họ những gì? Tôi trả lời rằng: ‘Điều cuối cùng con phải làm là nói cái gì đó! Nhưng trước hết hãy bắt đầu bằng việc làm, và người ta sẽ xem những gì con đang làm và hỏi con về điều đó; và khi người ấy hỏi con, lúc đó là lúc con sẽ nói với anh ta.’ Rao giảng Tin Mừng là làm chứng: tôi sống như thế vì tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tôi khơi dậy trong anh một sự tò mò, vì thế bạn hỏi tôi ‘Tại sao bạn làm như thế’ và câu trả lời là: ‘Bởi vì tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô’; và không chỉ bằng lời nói mà thôi - bạn phải công bố Lời Chúa - nhưng với chính cuộc sống của mình.”
“Rao giảng Tin Mừng là như thế”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh và nói thêm rằng, “và điều này phải được thực hiện vô điều kiện. Chúng ta đã nhận được Tin Mừng một cách nhưng không. Ân sủng và sự cứu rỗi không thể mua bán được. Chúng ta nhận được nhưng không từ Thiên Chúa và chúng ta phải cho đi cách nhưng không”
Loan báo Đức Kitô là sống đức tin, và cho đi nhưng không tình yêu của Thiên Chúa
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ mọi người về Thánh Phêrô Claver mà Giáo Hội mừng kính trong ngày. Ngài nói: “Thánh Phêrô Claver nghĩ rằng tương lai của mình được dành cho việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng Chúa yêu cầu ngài đến với những người bị xã hội 'bỏ đi' tại thời điểm đó: những người nô lệ, những người da đen từ châu Phi bị bán làm nô lệ ở đó”
“Thánh nhân đã không phiêu du tang bồng nói rằng ngài đang rao giảng Phúc Âm. Ngài không giản lược việc loan báo Tin Mừng thành một nhiệm vụ của một con vẹt, và thậm chí thành một công việc chiêu dụ tín đồ; Ngài đã công bố Chúa Giêsu Kitô qua hành động của mình, nói chuyện với những người nô lệ, sống chung với họ, sống như họ - và có rất nhiều người đã làm như ngài trong Giáo Hội - nhiều người quên đi bản thân mình khi rao giảng Chúa Giêsu Kitô.
Tất cả chúng ta, anh chị em thân mến, chúng ta có bổn phận truyền giáo - và đó không có nghĩa là gõ cửa nhà hàng xóm nói ‘Chúa sống lại rồi!’, nhưng là sống đức tin, là nói về đức tin ấy với sự hiền lành, với tình yêu, không thèm khát chiến thắng trong cuộc tranh luận, nhưng là để cho đi nhưng không tình yêu mà Thiên Chúa đã cho tôi nhưng không - rao giảng Tin Mừng nghĩa là như thế”.
2. Từ bỏ giàu sang để theo Mẹ Têrêsa Calcutta
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Một trong những chuyện cảm động được báo chí nêu lên dịp tuyên thánh Mẹ Têrêsa là câu chuyện của nữ tu Maria Donna Dewiyanti Darmoko, năm nay 28 tuổi.
Sinh ra trong một trong những gia đình giàu nhất tại Indonesia, Maria Donna Dewiyanti Darmoko, người Indonesia gốc Trung hoa, đã rời bỏ những xa hoa nhung lụa để dâng hiến đời mình phục vụ cho những người nghèo ở Hương Cảng, Hoa kỳ và hiện nay ở Đông Timor. Chị vào dòng Mẹ Têrêsa và nhận tên gọi Lucy Agnes.
Maria Donna sinh tại Kudus, trong một gia đình Công Giáo giàu có, sở hữu ngành công nghiệp thuốc lá PT Djarum. Cô đã theo học tại Úc và sau đó tốt nghiệp tại Hoa kỳ. Trong một lần nghỉ hè với gia đình ở Hương Cảng, trong một khách sạn sang trọng, cô cảm thấy khó chịu và buồn nôn trước những người vô gia cư, nghèo khổ, dơ dáy, bệnh tật trước khách sạn và trên các con đường của Hương Cảng. Cô muốn chạy khỏi cảnh tượng này nhưng trong lòng cô đã có điều gì đó ngăn cô lại. Cô nghe như có tiếng nói bảo cô trở lại với họ để làm một điều gì đó cho những người kém may mắn này.
Trở về Hoa Kỳ, cô gặp các nữ tu Thừa sai bác ái và tham gia vào việc chăm sóc các người vô gia cư ở Illinois. Từ kinh nghiệm này, Maria Donna sau nhiều đêm suy tư đã quyết định vào dòng các Thừa sai bác ái với tên gọi Lucy Agnes. Cha mẹ của cô phản đối dữ dội. Nhưng sau đó, họ cũng bằng lòng cho cô nghe theo tiếng gọi con tim.
Từ ngày đó chị Lucy bắt đầu làm việc với người nghèo và những người thấp bé nhất trong xã hội. Hiện nay chị đang phục vụ ở Đông Timor, một trong những đất nước nghèo nhất Á châu.
3. Hội đàm chẳng mang lại hòa bình nếu lòng người dưỡng nuôi chinh chiến
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái tục các Thánh Lễ hàng ngày tại nhà nguyện Santa Marta sau kỳ nghỉ hè. Trong bài giảng đầu tiên hôm thứ Năm 08 tháng 9, ngài đã nói về tầm quan trọng của việc kiến tạo hòa bình từ những hành động nhỏ nhặt, hàng ngày - bởi vì, chính từ những cử chỉ nhỏ bé hàng ngày mà hòa bình trên quy mô toàn cầu được nẩy sinh.
Đừng quá hy vọng vào những cuộc hội đàm quốc tế trong việc kiến tạo hòa bình. Hòa bình là một ân sủng từ Thiên Chúa được phát sinh từ những nơi nhỏ bé như trong trái tim con người, hay trong một giấc mơ, như đã từng xảy ra với Thánh Giuse khi Thiên Thần nói với ngài đừng ngại đón Maria về làm vợ mình, vì Mẹ sẽ cung cấp cho thế giới Đấng “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Và “Thiên Chúa ở cùng chúng ta có nghĩa là hòa bình.”
Ân sủng phát sinh từ công việc hàng ngày
Đức Thánh Cha bắt đầu bài Suy niệm ngài với nhưng suy từ về danh từ ‘hòa bình’ được đề cập trong lời nguyện đầu lễ. Ngài tập trung vào những từ trong lời nguyện này: ‘xin cho tất cả chúng con được triển nở trong sự hợp nhất và bình an’. Chúng ta phải hoạt động để ‘triển nở’ trong hòa bình vì hòa bình tự nó là kết quả của một cuộc hành trình cam go cả đời, vì thế, mỗi người phải hoạt động để hòa bình được không ngừng triển nở.
“Con đường này của các thánh và các tội nhân nói với chúng ta rằng chúng ta phải đón nhận hòa bình, coi hòa bình là con đường chúng ta phải theo, hội nhập hòa bình vào hành trình đời sống của ta, hội nhập vào tâm hồn ta và vào thế giới. Hòa bình không thể là chuyện một sớm một chiều. Hòa bình là ân ban mà chúng ta phải đón nhận và hoạt động mỗi ngày. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng hòa bình là một ân sủng trở thành hiện thực trong bàn tay lao tác của con người. Chúng ta, những người nam nữ trên trái đất này, mỗi ngày phải tiến thêm một bước gần hơn về phía hòa bình. Đó là công việc của chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta với ân sủng được nhận lãnh là: kiến tạo hòa bình.
Cuộc chiến nội tâm, cuộc chiến ngoài thế giới
Nhưng làm sao để chúng ta có thể thành công trong mục tiêu này. Bài đọc hôm nay đã cho thấy rằng có một từ ngữ chuyên biệt: đó là từ ngữ “sự nhỏ bé” được dùng khi nói về Mẹ Maria mà chúng ta mừng trong lễ Giáng Sinh, và cũng được dùng khi nói về thành Bêlem, một thành “nhỏ bé đến nỗi không có trên bản đồ.”
Hòa bình là một ân sủng, một ân sủng do bàn tay lao tác hằng ngày, từ những điều nhỏ bé của cuộc sống hằng ngày. Người ta không thể kiến tạo hòa bình trong những cuộc hội đàm, trong những cuộc gặp gỡ quốc tế vĩ đại. Nhưng trái lại, hòa bình được tìm thấy trong những điều nhỏ bé. Chúng ta có thể nói về hòa bình bằng những lời hoa mỹ, có thể triệu tập những hội nghị lớn để bàn về hòa bình… Nhưng nếu trong chính chúng ta, trong con tim của chúng ta không có bình an, trong gia đình của chúng ta không có bình an, trong khu phố của chúng ta không có bình an, trong nơi làm việc của chúng ta không có bình an; thì cũng sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình trên thế giới này.
Câu hỏi cần phải hỏi
Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị rằng chúng ta cần phải nài xin Thiên Chúa ân sủng của sự khôn ngoan để biết kiến tạo hòa bình, từ những công việc nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng hướng đến vào chân trời của toàn nhân loại. Đặc biệt, ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong chiến tranh và tất cả mọi người đều mong muốn hòa bình. Và vì thế thật là chính đáng để bắt đầu với câu hỏi sau đây:
‘Ngày hôm nay, tâm hồn của anh chị em như thế nào? Phải chăng đang có bình an? Nếu như tâm hồn anh chị em bất an, thì trước khi nói về hòa bình, hãy làm cho tâm hồn mình bình an trước đã. Gia đình của anh chị em hôm nay như thế nào? Có bình an không? Nếu anh chị em không thể thăng tiến gia đình, xứ đạo, cộng đoàn, dòng tu của anh chị em trong hòa bình thì hãy khoan nói về hòa bình cho thế giới này… Bởi thế, câu hỏi mà ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh chị em: Tâm hồn của mỗi người chúng ta như thế nào? Có bình an không? Gia đình của mỗi người chúng ta như thế nào? Có được thanh thản hay không? Đó là cách mang hòa bình đến cho thế giới.”
4. Khoa học và đức tin
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong một báo cáo mới đây, tiến sĩ Mark Gray, một chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Tông đồ tại đại học Georgetown cho biết, lý do các người trẻ rời bỏ đức tin ở độ tuổi còn trẻ, có khi chưa tới 10 tuổi, bên cạnh lý do Thánh lễ nhàm chán, còn có những lý do sâu xa hơn.
Tìm hiểu lý do các người trẻ Công Giáo rời bỏ đức tin, ông thấy rằng những người này thấy đức tin không tương thích với những gì họ học ở trung học hay ở đại học. Trong cuộc chiến về nhận thức giữa Giáo Hội Công Giáo và khoa học, Giáo Hội đang thua. Giáo Hội đang mất các tín hữu Công Giáo ở độ tuổi thanh niên. Thật thế, 63% những người được hỏi nói họ bỏ đạo trong khoảng từ 10 đến 17 tuổi, và 23 % trước khi lên 10.
Điều này có thể xuất phát từ việc tách biệt giữa giáo dục khoa học và đức tin. Trong nhiều trường hợp, trong khi người trẻ tham dự Thánh lễ chỉ một tuần một lần thì phần lớn thời gian còn lại họ được dạy bảo về những điều trái ngược với đức tin.
Làm sao cha mẹ nuôi dạy con cái mình trong đức tin? Cha Matthew Schneider, chuyên trách mục vụ giới trẻ, đã đưa ra nghiên cứu của một giáo sư ở đại học Notre Dame, Hoa Kỳ, là người đã kết luận rằng sự kết hợp của 3 yếu tố sẽ giúp giữ lại 80% người trẻ Công Giáo.
Nếu con cái chúng ta có một hoạt động cuối tuần như giáo lý, học hỏi Kinh thánh hay nhóm trẻ; nếu có những người lớn ở giáo xứ, không phải là cha mẹ của họ, mà họ có thể chuyện trò về đức tin; và nếu họ có một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc, họ sẽ có khả năng sống đạo và giữ vững đức tin Công Giáo cao hơn.
Theo tiến sĩ Gray, các cha mẹ cần ý thức về niềm tin của con em họ, vì có những cha mẹ không hề quan tâm đến đức tin của con cái. Lắm khi, họ không biết rằng con cái họ không còn tuyên xưng chúng là người Công Giáo nữa.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Giáo Hội luôn cởi mở với khoa học; không có sự xung đột thật sự giữa khoa học và đức tin và trong thực tế hàng trăm năm nay các Đại Học Công Giáo luôn minh chứng cho sự cổ vũ khoa học của Giáo Hội.
5. Các hình thức nô lệ mới
Trong buổi tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 10-9, Đức Thánh Cha phê bình ảo tưởng của nhiều người ngày nay, tưởng rằng mình có thể được giải thoát nhờ sức riêng của mình.
Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh mỗi tháng một lần vào một buổi sáng thứ bẩy. Trong bài huấn giáo, Đức Thánh Cha đã nói về đề tài “Lòng thương xót và ơn cứu chuộc, dựa trên thư thứ I của thánh Phêrô, đoạn 1 (1,18-21): Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta trong máu của Chúa Giêsu Con của Ngài.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Dường như con người ngày nay không thích nghĩ mình được giải thoát và cứu độ nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa; họ có ảo tưởng về tự do của mình như sức mạnh để đạt được mọi sự. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bao nhiêu ảo tưởng đã được bán đi dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu thứ nô lệ mới người ta tạo nên ngày nay nhân danh một thứ tự do giả tạo! Chúng ta cần Thiên Chúa Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức dửng dưng, ích kỷ và tự mãn”.
Đức Thánh Cha xác quyết rằng “Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên không vết tỳ ố, đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của chúng. Người là Con Chiên đã bị sát tế vì chúng ta, để chúng ta có thể đươc một cuộc sống mới với ơn tha thứ, yêu thương và vui mừng”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Chắc hẳn cuộc sống đặt chúng ta trước thử thách và nhiều khi chúng ta đau khổ vì những thử thách ấy. Nhưng trong những lúc đó, chúng ta được mời gọi hướng nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Người đang chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta, như bằng chứng chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Dầu sao chúng ta không bao giờ được quên rằng trong lo âu và bách hại, cũng như trong những đau khổ hằng ngày, chúng ta luôn được giải thoát nhờ bàn tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta lên cùng Người và dẫn chúng ta đến một đời sống mới”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng: “Tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên: chúng ta có thể khám phá những dấu hiệu luôn mới mẻ chỉ cho chúng ta thấy sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta, và nhất là ý Chúa muốn đến với chúng ta và đi trước chúng ta. Toàn thể cuộc sống của chúng ta, tuy bị mong manh vì tội lỗi, vẫn được đặt dưới cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta”