Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 3 giờ 36 phút sáng thứ Tư ngày 24/8, một trận động đất lên đến 6.2 độ Richter đã xảy ra tại miền trung Italia. Đã có 5 lần rung từ 4 đến 6.2 độ Richter kèm theo 50 dư chấn trên 2 độ Richter, khiến cho ít nhất 120 người đã bị thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em, nhiều nhà cửa, dinh thự bị sập tại các thành phố Amatrice và Accumoli thuộc tỉnh Rieti, và Arquata del Tronto thuộc tỉnh Ascoli Piceno.
Chính vì tai nạn này nên trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô vào sáng thứ Tư 24 tháng 8, Đức Thánh Cha đã không đọc bài giáo lý được chuẩn bị cho buổi tiếp kiến, nhưng ngài đã chia buồn với các nạn nhân và mời mọi người cùng ngài lần hạt năm sự Thương để cầu nguyện cho các nạn nhân.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến,
Tôi đã chuẩn bị bài giáo lý hôm nay, như mọi ngày thứ tư bình thường trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, về đề tài sự gần gũi của Chúa Giêsu, nhưng trước tin động đất xảy ra tại vùng Trung Italia, tàn phá toàn vùng và để lại bao nhiêu người chết và bị thương, tôi không thể không bầy tỏ nỗi đau đớn lớn lao và sự gần gũi của tôi với tất cả những người hiện diện ở các nơi bị động đất, và tất cả những người đã mất thân nhân và những người vẫn còn sợ hãi và kinh hoàng. Nghe ông thị trưởng Amatrice nói “Quê hương tôi không còn nữa” và biết rằng giữa các người chết cũng có các trẻ em, tôi thật xúc động biết bao.
Chính vì vậy tôi muốn bảo đảm với tất cả các anh chị em này – tại Accumoli, Amatrice trong giáo phận Rieti và Ascoli Piceno và toàn vùng Lazio, vùng Umbria và Marche, cũng như tỉnh Perugia lời cầu nguyện của tôi và nói cho họ biết chắc chắn về sự vuốt ve từ ái và vòng tay ôm của toàn thể Giáo Hội trong lúc này đây đang ước muốn ôm ấp họ với tình yêu thương hiền mẫu của mình.
Trong khi cám ơn tất cả các thiện nguyện viên và các nhân viên bảo vệ dân sự đang cứu giúp dân chúng các vùng này, tôi xin anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện để Chúa Giêsu, là Đấng luôn luôn cảm thương trước nỗi khổ đau của con người, an ủi các con tim đau đớn này, và ban cho họ niềm an bình qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria. Chúng ta hãy cùng cảm thương họ với Chúa Giêsu. Vì vậy chúng ta hãy dời bài giáo lý của thứ tư này vào tuần tới. Và tôi mời anh chị em cùng tôi lần một phần chuỗi Mân Côi các “Mầu nhiệm Thương” cầu cho các nạn nhân
2. Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta
Các Nữ tu thừa sai bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta sẽ được Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh vào Chúa Nhật 4-9 tới đây.
Lễ Phong Thánh sẽ được Đức Thánh Cha cử hành lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công Giáo, những công việc lòng thương xót.
- Thứ năm, 1-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.
- Thứ sáu, 2-9, sẽ có các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.
- Sáng thứ bẩy, 3-9, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.
- Sáng Chúa Nhật 4-9, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.
- Ngày thứ hai, 5-9, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.
Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này
3. Triển lãm online về Mẹ Têrêsa của tòa Đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh
Vào cuối tháng 8 này, Tòa Đại sứ Hoa kỳ cạnh Tòa Thánh sẽ có cuộc triển lãm trực tuyến các tài liệu về những mối dây liên hệ chặt chẽ của chân phước Têrêsa Calcutta với Hoa kỳ.
Đại sứ Hoa kỳ, ông Ken Hackett nói: “Mẹ Têrêsa đã có ảnh hưởng đối với người dân Mỹ, một ảnh hưởng rất sâu sắc”. Ông Ken biết Mẹ Têrêsa và đã làm việc với Mẹ và các Thừa sai Bác ái khi ông là chủ tịch của Catholic Relief Services, một cơ quan cứu trợ và phát triển ở nước ngoài của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.
Cuộc triển lãm được bắt đầu từ ngày 26/8 nhằm đánh dấu ngày Chân phước Têrêsa Calcutta, hay thường được gọi là Mẹ Têrêsa, sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong hiển thánh vào ngày 4/9 tới đây.
Triển lãm có thể được truy cập tại trang web: https://va.usembassy.gov hoặc tại trang Facebook. Ông Hackett cho biết là trang mạng bao gồm những chi tiết liên quan đến các chuyến viếng thăm Hoa kỳ, với lần đầu tiên là buổi nói chuyện tại Hội đồng Quốc gia các Phụ nữ Công Giáo vào năm 1960 ở Las Vegas. Mẹ Têrêsa cũng là khách thường xuyên của Nhà Trắng và đã gặp các Tổng thống Ronald Reagan, George Bush and Bill Clinton. Năm 1985, Tổng thống Ronald Reagan đã trao cho Mẹ huân chương tổng thống về tự do.Năm 1996 Mẹ được tuyên bố là công dân danh dự của Hoa kỳ. Ông đại sứ cũng cho biết, ông thực hiện cuộc triển lãm “bởi vì ông đã biết nơi kho tàng được chôn cất” và có thể giúp hướng dẫn vì cuộc triển lãm được thực hiện với sự đóng góp của Catholic Relief Services, Viên Smithsonian, Hội đồng Quốc gia các Phụ nữ Công Giáo và những tổ chức khác.
Ông Hackett nhận xét: “Mẹ là một con người rất đặc biệt, là người mà người Mỹ chúng tôi rất yêu mến”.
4. Đức Giáo Hoàng kêu gọi sự hợp tác giữa các Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống và Gia Đình
Trong một lá thư viết tay với ấn ký Giáo Hoàng gởi đến Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự ngưỡng mộ của ngài đối với công việc trước đây của Đức Tổng Giám Mục trong tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình và nói rằng khi bổ nhiệm ngài là chủ tịch Giáo Hoàng Học Viện Về Sự Sống và giám đốc Học Viện Gioan Phaolô II nghiên cứu về hôn nhân và gia đình, ngài hy vọng Đức Tổng Giám Mục sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai cơ quan.
Đức Giáo Hoàng đã viết như trên trong bức thư đề ngày 15 tháng 8.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Huấn Quyền của Giáo Hội về hôn nhân và cuộc sống gia đình đã được “mở rộng và đào sâu” trong các thượng hội đồng gần đây và trong tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Amoris Laetitia.
Trong thư, ngài cũng kêu gọi Tổng Giám Mục Paglia cộng tác với các học viện khác, tham gia vào các cuộc đối thoại đại kết và liên tôn, và dấn thân trong việc điều trị các vết thương của con người trong “bệnh viện dã chiến” của thời hiện đại, khi cuộc sống của con người bị “đe dọa bởi nền văn hóa mới của cạnh tranh và vứt bỏ”.
5. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Úc chuẩn bị dự thảo Thượng Hội Đồng Công Giáo Úc Châu năm 2020
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Úc đang có kế hoạch chuẩn bị cho một Thượng Hội Đồng toàn quốc vào năm 2020.
“Chúng tôi đã hỏi Đức Thánh Cha để xin ngài chuẩn y cho một Thượng Hội Đồng Công Giáo địa phương”, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, một trong các Giám Mục Úc vận động cho Thượng Hội Đồng này báo cáo. Ngài nhận xét rằng Thượng Hội Đồng quốc gia sẽ là một cách tiếp cận theo gương Đức Thánh Cha đã làm trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình tại Vatican.
Theo Đức Tổng Giám Mục Coleridge, Thượng Hội Đồng Công Giáo Úc Châu sẽ thảo luận về những “thay đổi văn hóa sâu sắc” mà Giáo Hội phải đương đầu.
Ngài nói:
“Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận hiện thực là thời đại Kitô Giáo - theo nghĩa là thời kỳ trong đó Kitô Giáo là tôn giáo phổ biến trong xã hội, với đông đảo các tín hữu – đã qua rồi.”
6. Tình hình tại Aleppo theo Đức Cha Georges Abou Khazen
Đấng bản quyền Công Giáo nghi lễ La Tinh tại Aleppo nói rằng chiến tranh đang leo thang dữ dội tại Aleppo vì các bên tham chiến cảm thấy rằng người nào kiểm soát được thành phố này sẽ là người giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến tại Syria.
“Mọi người lo sợ”, và các Kitô hữu cũng như người Hồi giáo đang “cầu nguyện không ngừng cho hòa bình”, Đức Cha Georges Abou Khazen cho biết như trên trong một báo cáo được đăng tải trên tờ Irish Catholic..
“Dân chúng không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai,” ngài nói thêm. Trong bối cảnh của các dự đoán, người ta tin rằng “sắp xảy ra một trận chiến lớn, một trận chiến mà tất cả mọi người hy vọng sẽ có thể tránh được, bởi vì cuối cùng thường dân sẽ là những người phải trả giá đắt nhất.”
7. Người Hồi giáo đông hơn các Kitô hữu trong số những người tị nạn được nhận vào Mỹ
Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết trong số những người tị nạn được nhận vào Mỹ trong năm nay có đến 46% là người Hồi giáo.
Lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bắt đầu theo dõi về tôn giáo của người tị nạn, các thống kê cho thấy người Hồi giáo đông hơn hẳn các Kitô hữu trong số 63,000 người tị nạn được nhận vào Hoa Kỳ trong năm tài chính hiện nay, bắt đầu từ tháng Mười năm ngoái. Tổng số người Hồi giáo được nhận vào Hoa Kỳ là gần 29,000. Đây cũng là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi các số liệu thống kê về niềm tin tôn giáo được đưa ra.
Người tị nạn từ Syria, Somalia, Iraq chiếm số lượng đông nhất những người Hồi giáo được chấp nhận.
Trong số khoảng 9,000 người tị nạn từ Syria được nhận vào Mỹ, có không đến 1% là Kitô hữu.
8. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi thăm Assisi vào ngày 20 tháng 9
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Assisi lần thứ ba vào ngày 20, tháng 9 nhân Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình với các nhân vật hữu trách đạo đời. Biến cố này đánh dấu kỷ niệm 30 năm cuộc gặp gỡ Liên Tôn Cầu Nguyện Cho Hòa Bình đầu tiên do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng.
Đức Thánh Cha sẽ trở lại thành phố mang tên thánh bổn mạng của ngài để bế mạc ba ngày dành cho hòa bình được tổ chức từ 18 đến 20 tháng 9 do các tu sĩ Phanxicô, giáo phận Assisi và Cộng Đồng Thánh Egidio tổ chức.
Ngoài Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của thành Constantinople và Tổng Thống Sergio Mattarella của Italia, trên 400 phái đoàn đại diện các tôn giáo, các tầng lớp chính trị và văn hóa sẽ tham dự cuộc hội thảo với chủ đề “Khao khát hòa bình. Đối Thoại Tôn Giáo và Văn Hóa.”
Tiếp theo đó là buổi cầu nguyện cho hòa bình thế giới theo sáng kiến đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi sự ngày 27 tháng 10 năm 1986.
Đây là lần thứ ba Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thành Poverello: lần đầu ngày 4 tháng 10, 2013, ngài đã đi hành hương viếng mộ hai Thánh Phanxicô và Thánh Clara. Ngài cũng đã gặp gỡ các trẻ em mắc bệnh hay bị tật nguyền, và những người nghèo khó. Và gần đây, ngày 4 tháng 8 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 800 năm “Ơn xá giải thành Assisi”.
9. Rước kiệu Đức Mẹ kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles
Một cuộc rước kiệu Đức Mẹ và Thánh lễ tận hiến sẽ được cử hành vào gần cuối tháng này, nhân kỷ niệm 235 năm thành lập thành phố Los Angeles, thành phố được đặt theo tên Đức Maria, Nữ vương các Thiên thần.
Các hoạt động lễ hội vào ngày 27/8 do quỹ Nữ vương các Thiên thần tổ chức. Đây là một nhóm phi lợi nhuận hoạt động để phát triển lòng sùng kính Đức Bà các Thiên Thần, là Quan thầy và là Đấng Bảo trợ của Los Angeles.
Thánh lễ kính Đức Mẹ được cử hành lúc 3 giờ chiều tại Nhà thờ Chánh tòa Nữ vương các Thiên thần. Vào lúc 4.15 sẽ có cuộc rước kiệu trọng thể đến nhà thờ “La Placita” ở đường Olvera và được kết thúc với phép lành lúc 5.15 chiều.
Đức Cha Robert Barron, Giám mục phụ tá phụ trách mục vụ vùng Barbara, sẽ hướng dẫn cuộc rước kiệu trọng thể hàng năm lần thứ 6 và ngài cũng cử hành Thánh lễ.
Đức Cha nói: “Thật là vinh dự khi có thể tham dự vào dịp cử hành lịch sử của thành phố Los Angeles và thấy rằng di sản Công Giáo vẫn còn quan trọng đối với chúng ta ngày nay như đối với cha ông chúng ta trước đây. Đây là một thành phố lớn và thật thích hợp khi bất cứ kỷ niệm nào của thành phố đều lưu ý đến những đóng góp quan trọng của người Công Giáo, trong nhiều cách thế khác nhau đã làm cho Los Angeles được như ngày hôm nay”.
Đức Cha nói tiếp: “Tôi rất mong đợi được cùng tham gia với các tín hữu, những người đến đây để dải chiếu một ánh sáng trên những dây liên kết giữa thành phố họ yêu quý và lòng ước ao phục vụ Thiên Chúa của họ”.
Dự kiến dịp kỷ niệm này cũng có sự tham dự của các thành viên Hội hiệp sĩ Columbus, Hội hiệp sĩ Thánh Phêrô Claver, Hội Hiệp sĩ Malta, Hội Thánh Ladarô, Hội thánh Gregorio, cùng với các giáo dân và tu sĩ của tổng giáo phận
10. Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Pháp François Hollande
Chiều ngày 17 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Tổng thống Pháp Francois Hollande, đến viếng thăm với tư cách riêng và cám ơn ngài vì đã liên đới với nhân dân Pháp trong những vụ khủng bố mới đây.
Cùng đi với tổng thống có bộ trưởng nội vụ Bernard Cazeneuve và đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, Ông Philippe Zeller. Cuộc hội kiến kéo dài 40 phút.
Tổng thống đã tặng Đức Thánh Cha một đồ sứ ở Sèvres có in huy hiệu nước Pháp, và Đức Thánh Cha tặng lại Tổng thống một pho tượng bằng đồng và bản thông điệp “Laudato sì” về việc bảo vệ môi trường cùng với hai Tông huấn “Niềm vui yêu thương” và “Niềm vui Phúc Âm”.
Sau khi gặp Đức Thánh Cha, Tổng thống Pháp và đoàn tùy tùng đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí trước cuộc tiếp kiến của Đức Thánh Cha, tổng thống Hollande nói rằng: “Sau thử thách kinh khủng là vụ sát hại Cha Hamel, và sau vụ khủng bố ở Nice, Đức Giáo Hoàng đã có những lời có sức an ủi lớn. Tất cả những lời được biểu lộ - kể cả những lời của các vị trách nhiệm Giáo Hội tại Pháp - đều rất quan trọng trong thời điểm này vì góp phần nhắc nhớ sự đoàn kết và gắn bó với nhau của Pháp, sự hòa giải cần được thực hiện và cả tình liên đới của toàn thế giới đối với nước Pháp, nạn nhân của những vụ khủng bố này”.
Tổng thống Pháp cũng đề cập đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông và nói rằng: “Chúng tôi là những người bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông và Đức Giáo Hoàng biết các tín hữu Kitô tại miền này đang góp phần vào sự quân bình trong vùng”.
Về cuộc khủng hoảng những người tị nạn, Tổng thống Hollande giải thích rằng cần phải đáp lại với một vũ trụ quan rõ ràng chứ không phải bằng sự sợ hãi, một thái độ bị lợi dụng”.
Trở lại vụ hai tên khủng bố người Bắc Phi đã sát hại cha Jacques Hamel ngày 20-7, Tổng thống Hollande khẳng định rằng “các tín hữu Công Giáo Pháp bị thử thách vì cuộc khủng bố đó, nhưng toàn nước Pháp cũng bị tổn thương, và khi một nhà thờ bị đập, một linh mục bị ám sát, chính Cộng Hòa cũng bị xúc phạm, vì Cộng hòa phải bảo vệ. Đó là đặc tính đời của Nhà Nước. Đặc tính này phải bảo vệ tất cả các tôn giáo, phải bảo đảm tự do tin hoặc không tin. Vì thế sứ điệp này về đặc tính đời không phải là một sứ điệp có thể làm tổn thương, nhưng là một sứ điệp có thể nối kết và hòa giải”.
11. Tân Thị trưởng Philadelphia đòi Ban tổ chức Đại Hội Gia Đình Thế Giới thêm 4 triệu Mỹ Kim
Khoảng 8.2 triệu Mỹ Kim đã được trả cho chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thành phố Philadelphia gần một về năm trước. Nhưng nay tân thị trưởng Jim Kenney lại cho rằng tổng giáo phận phải trả nhiều hơn thế.
Hồi Tháng Năm vừa qua, chính quyền thành phố này đã gửi một công văn đến Ban tổ chức Đại Hội Gia Đình Thế Giới để vòi thêm 4 triệu Mỹ Kim gọi là để trang trải chi phí chuẩn bị và dọn dẹp. Chi phí này thực ra đã được miễn trừ theo hợp đồng đã ký dưới thời cựu thị trưởng Michael A. Nutter.
Ban tổ chức Đại Hội Gia Đình Thế Giới đã chi trả cho thành phố 8.6 triệu Mỹ Kim ngay trong năm ngoái nên đã bác bỏ yêu sách lần này.
Ông Ken Gavin, phát ngôn viên của Tổng Giáo Phận Philadelphia, cho biết là Đại Hội Gia Đình Thế Giới đã chi trả sòng phẳng theo hợp đồng đã ký kết năm ngoái.
Ông nói: “Ngài thị trưởng Nutter cũng xác nhận rằng Đại Hội Gia Đình Thế Giới đã trả hết các chi phí theo dự kiến sẽ phát sinh. Chúng tôi rất cảm ơn thành phố và tất cả nhân viên đã hỗ trợ rất nhiều ở trước và trong sự kiện đó”.
12. Giải thưởng “Phụ nữ Công Giáo của năm” ở Anh
Giải thưởng thường niên vinh danh các phụ nữ có đóng góp nổi bật cho Giáo Hội Anh quốc sẽ được trao cho một nữ tu, một bà mẹ, một giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên, một giảng viên đào tạo các Giáo lý viên, vào buổi tiệc trưa ngày thứ sáu, 28 tháng 10 tới đây, tại Luân đôn.
Người trẻ nhất trong các người được giải thưởng là Catherine MacMillan, một nhà văn, phát ngôn viên và nhạc sĩ; cô là con của nhà soạn nhạc Sir James MacMillan. Cô bất ngờ mang thai lúc 18 tuổi và đã chống lại áp lực phá thai từ các bác sĩ. Con gái Sara của cô sinh ra bị khuyết tật nặng và qua đời lúc lên 5. Catherine đã thuyết trình và viết về Sara, nói về nỗi đau mất con là “đáng giá khi đã có gần sáu năm của niềm vui, tình yêu, nỗi đau khổ và niềm tự hào vô cùng… Những gì chúng ta có là sự thay thế cho tội lỗi và nỗi đau bị gây áp lực để kết thúc một cái gì đó không phải là sự lựa chọn của chúng ta”.
3 người còn lại là tiến sĩ Olive Duddy, Giám đốc của Hiệp hội giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên; Caroline Farey, một giảng viên đào tạo các Giáo lý viên, hiện đang tổ chức tại trường Đức Mẹ lên trời ở đan viện Buckfast; và nữ tu Jane Louis, nguyên một nữ tu Anh giáo, hiện đang phụ trách cộng đoàn các nữ tu Đức bà Hòa giải ở Walsingham.
Nữ tu Jane chia sẻ với báo Catholic Herald: “Tôi phải nói là tôi rất ngạc nhiên về điều này; có nhiều phụ nữ xứng đáng nhận giải thưởng này. Tuy nhiên tôi nhân giải thưởng nhân danh 2 nữ tu khác, những người đã đi cùng hành trình như tôi, đó là nữ tu Wendy Renate – đã qua đời ngày 23/3/2016 – và nữ tu Carolyne Preston. Tôi vui mừng vì hành trình của chúng tôi đã được nhận biết và nó tiếp tục trong những cách thế mà chúng tôi không thể đoán trước, nhưng đó chính là con đường mà có Chúa. Người gìn giữ chúng tôi trên những ngón chân của chúng tôi, hay tôi nên nói trên đầu gối chúng tôi. Cám ơn rât nhiều những ai đã quan tâm”.
Hiệp hội giảng viên Kế hoạch Gia đình Tự nhiên do tiến sĩ Duddy làm chủ tịch đi tiên phong trong phương pháp Symptothermal, giúp cho các cặp vợ chồng có thể thụ thai 30% và tránh thai 99,96%, tốt hơn bất kỳ phương pháp điều tiết khác. Tiến sĩ Duddy cũng dạy phương pháp này ở Kyrgyzstan, nơi nó đã được phát triển thành một chương trình học được sử dụng rộng rãi và phát triển một chương trình học trực tuyến 12. Từ khi nghỉ hưu bà phụ trách những lớp chuẩn bị hôn nhân.
Còn tiến sĩ Farey, hiện là Giám học của trường Đức Mẹ lên trời ở đan viện Buckfast và phụ trách huấn luyện giảng viên. Bà đã viết và dạy nhiều năm, đặc biệt về thánh Tôma, nghệ thuật thánh và giáo lý. Bà cũng là một trong ba nữ giáo dân chuyên viên tại Thượng hội đồng Giám mục về Loan báo Tin Mừng năm 2012.
Buổi tiệc trưa “Phụ nữ Công Giáo của năm” được bắt đầu từ năm 1969 để vinh danh các phụ nữ đã phục vụ Giáo Hội và tạo một diễn đàn thào luận. Dịp này cũng quyên góp tiền cho việc bác ái. Các vị tổ chức chia sẻ: “Dịp này là cơ hội để vinh danh các phụ nữ đã đóng góp nôti bật cho Giáo Hội Công Giáo ở Anh. Trong các Giáo phận của chúng tôi, nhiều phụ nữ đang hoạt động đàng sau để dạy giáo lý, loan bào Tin Mừng và nuôi dưỡng đức tin của những người trong giáo xứ của họ. Cũng có những phụ nữ ở địa vị cao, họ hoạt động như các đại diện của Giáo Hội trong một môi trường thế tục hơn bao giờ hết”.
13. Đức Thánh Cha thành lập Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống
Hôm 17 tháng 8, Đức Thánh Cha đã công bố Tông Thư Tự Sắc chính thức thành lập Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, đồng thời bổ nhiệm Đức Cha Kevin Joseph Farrell, cho đến nay là Giám Mục giáo phận Dallas, Hoa Kỳ, làm tân Tổng trưởng của Bộ mới.
Đức Cha Kevin Joseph Farrell sinh năm 1947 tại Dublin, Ailen, em ruột của Đức Cha Brian Farrell (sinh năm 1944) đang là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô. Cả hai anh em đều tu dòng Đạo Binh Chúa Kitô. Cha Kevin Joseph theo học tại đại học Salamanca, Tây Ban Nha, rồi Gregoriana và Angelicum ở Roma, và từng đặc trách các chủng viện và trường của dòng Đạo Binh tại Italia, Tây Ban Nha và Ailen.
Năm 1984, cha rời khỏi dòng Đạo Binh và nhập tịch tổng giáo phận Washington DC, rồi làm tổng đại diện giáo phận này vào năm 2001. Cùng năm đó, ngài thăng Giám Mục Phụ tá Washington DC, phụ giúp Đức Hồng Y Theodore McCarrick. Năm 2007, ngài thăng Giám Mục chính tòa giáo phận Dallas, Texas.
Đức Cha Kevin Farrell trở thành người Mỹ duy nhất đứng đầu một cơ quan trung ương Tòa Thánh hiện nay.
Ngày 4-6 năm nay, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn qui chế của Bộ Giáo Dân, Gia Đình và sự sống, bao gồm thẩm quyền cho đến nay thuộc Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân, Gia đình. Qui chế này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9 tới đây.
Ngoài ra, cũng ngày 17-8, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, cho đến nay là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, làm tân Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, đồng thời làm chưởng ấn Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô 2 về hôn nhân và gia đình.
Đồng thời Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Ông Pierangelo Sequeri, cho đến nay là khoa trưởng phân khoa thần học bắc Italia ở Milano, làm tân Viện trưởng Học Viện Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 về Hôn nhân và gia đình.
14. Ðức Hồng Y Charles Maung Bo chào mừng hội nghị hòa bình Panglong.
Ðức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, chào mừng Hội nghị Panglong, và cầu mong nó là nền tảng giúp Mayanmar xây dựng hòa bình lâu dài.
Trong sứ điệp gửi nhân dân toàn nước ngày 18 tháng 8 năm 2016 Ðức Hồng Y khẳng định rằng hội nghị do Liên Minh dân chủ triệu tập tại Panglong, với sự tham dự của tất cả các nhóm chủng tộc, là một cuộc hành hương hoà bình. Ngài khuyến khích mọi người tiến bước trên con đường hy vọng này. Ðây là hội nghị đầu tiên kể từ sau hội nghị triệu tập ngày 12 tháng hai năm 1947 làm nảy sinh ra nước Myanmar và được 4 chủng tộc ký kết gồm Bamar, Chin, Kachin và Shan. Tướng Aung San, thân phụ của bà Aung San Suu Kyi là thủ tướng chính phủ hiện nay, đã tin rằng hoà bình là điều có thể thực hiện được. Nhưng rất tiếc ông qua đời sớm vì bị ám sát vào tháng 7 năm 1847 khiến cho đất nước Myanmar bị lạc hướng và phải gánh chịu các biến cố theo sau gây buồn thương cho dân chúng toàn nước.
Ðức Hồng Y Bo cho rằng Hội nghị Panglong phải là nền tảng cho hoà bình. Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 4 năm 2016 đảng Liên minh dân chủ và thủ tướng Aung Suu Kyi đã nỗ lực làm việc không ngừng để tổ chức cuộc đối thoại giữa tất cả mọi lực lượng xã hội, và sẵn sáng chấp nhận quy chế Liên Bang cho Myanmar. Ðể tránh cho các xung đột không gia tăng, hồi tháng 10 năm 2015 chính quyền quân đội đã bắt đầu các cuộc đối thoại hoà bình đưa tới chỗ ký kết ngưng bắn giữa chính quyền và 9 nhóm chủng tộc vũ trang. Tuy nhiên, vẫn chưa có hoà bình thực sự, vì quân đội vẫn còn phải chiến đấu tại nhiều nơi. Giờ đây nhân dân Myanmar rất được khích lệ bởi tinh thần của Ðảng Liên minh dân chủ và giới lãnh đạo của nó. Hàng triệu người đã ủng hộ bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử. Nhưng quân đội phải có một vai trò trong các cuộc thương thuyết, vì họ đã chấp nhận chuyển quyền một cách hoà bình, do đó họ có thể nắm giữ một vai trò trong việc hiệp nhất các nhóm vũ trang và tạo thuận tiện cho các cuộc đối thoại trực tiếp với chính quyền. Ðức Hồng Y Bo đã xin mọi người cầu nguyện và hy vọng nơi tưong lại đất nước. Và ngài kết luận sứ điệp như sau: “Chúng ta hãy cho phép Myanmar tái sinh trong một bình minh mới của hoà bình. Ngày hôm nay chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành hương này”
15. Các Giám mục Colombia hoan nghênh quyết định của chính phủ chống lại việc du nhập ý thức hệ giới tính vào các trường học
Các giám mục Công Giáo tại Colombia đã hoan nghênh quyết định của Tổng thống Juan Manuel Santost chống lại việc giới thiệu ý thức hệ về giới tính trong các trường công lập tại Colombia.
Sau một cuộc họp vào ngày 11 tháng 8 với Tổng thống Santost, các giám mục nói các ngài “hài lòng” với lời hứa của chính phủ rằng “họ sẽ không thúc đẩy hay thực hiện ý thức hệ về giới tính tại Colombia”.
Các giám mục đã yêu cầu có một cuộc họp với tổng thống sau khi các báo cáo được công bố cho thấy những dấu hiệu là chính phủ bắt đầu nhượng bộ các tổ chức cấp viện trợ để đưa vào chương trình giáo dục việc chấp nhận đồng tính và ý thức hệ về giới tính theo đó giới tính là một vấn đề của sự lựa chọn cá nhân.
Tưởng cũng nên nhắc lại là trong cuộc gặp gỡ hôm 27 tháng 7 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các giám mục Ba Lan diễn ra trong khuôn khổ chuyến tông du của Đức Thánh Cha nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ chỉ trích việc giảng dạy ý thức hệ chuyển đổi giới tính cho trẻ em.
Ngài nói:
“Ở châu Âu, châu Mỹ, châu Mỹ Latinh, châu Phi và một số nước châu Á, chúng ta đang chứng kiến một số hình thái thực dân thực sự về ý thức hệ. Và một trong những điều, mà tôi thẳng thừng điểm mặt là vấn đề giới tính.”
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Ngày nay, trẻ em đang được dạy ở trường là chúng có thể chọn giới tính của mình. Tại sao họ đã dạy điều này? Bởi vì những cuốn sách được cung cấp bởi những người và các tổ chức tài trợ cho họ. Đây là những hình thái thực dân về ý thức hệ được hỗ trợ bởi các nước giàu đang muốn tạo một ảnh hưởng lớn trên các nước nghèo. Và điều này thật là khủng khiếp.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:
“Khi tôi nói chuyện với Đức Bênêđíctô thứ 16, ngài rất mạnh khoẻ là sáng suốt, ngài bảo tôi tôi: ‘Đây là một thời đại tội lỗi chống lại Đấng Tạo Hóa’. Ngài thật là thông minh! Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ; Thiên Chúa tạo ra thế giới như thế, và con người đang làm ngược lại.”
16. 100 người vô gia cư được Đức Thánh Cha mời đi tắm biển
Khi nhiệt độ mùa hè tăng cao ở Rôma, mhiều người ao ước tránh được cái nóng trên các bãi biển và có một bữa ăn tối trong một nhà hàng có máy lạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm điều đó xảy ra cho một số cư dân vô gia cư của thành phố Rôma.
Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski, là quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, mỗi ngày đã đón 10 người ra các bãi biển Italia, cách Rôma khoảng 30 km. Khoảng 100 người, đã tham gia vào chương trình này cho đến nay.
Đức Tổng Giám Mục lái xe, trong khi hành khách hát và nghe radio. Tại bãi biển, mỗi hành khách được trao tặng một bộ đồ tắm và khăn.
Sau đó, họ thưởng thức một bữa ăn tại một quán pizza địa phương, tất cả do Đức Thánh Cha Phanxicô đài thọ.
“Chắc chắn chúng tôi không làm được gì nhiều cho thế giới với các sáng kiến này, chúng tôi không có tham vọng giải quyết các vấn đề của người vô gia cư ở Rôma, nhưng ít nhất chúng tôi đang khôi phục một chút phẩm giá của họ”, Đức Tổng Giám mục Krajewski nói với Vatican Insider.
“Đối với những anh chị em chúng tôi đang sống trong cảnh túng quẫn, những người đã quen sống trong bất an, đây là những thời khắc ghi sâu trong ký ức của họ, vì họ có cơ hội để cảm thấy giống như mọi người khác.”
Các sáng kiến khác được thực hiện bởi Đức Tổng Giám Mục Krajewski thay mặt cho Đức Giáo Hoàng bao gồm một ký túc xá, dịch vụ cắt tóc và tắm vòi hoa sen cho những người túng thiếu. Năm ngoái, Đức Thánh Cha mời một nhóm người vô gia cư ở Rôma thăm nhà nguyện Sistina. Đầu năm nay, ngài mời 2,000 người vô gia cư và di cư đến một rạp xiếc. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tặng một chiếc xe chạy điện cho một cặp vợ chồng già tàn tật, là những người gặp khó khăn khi di chuyển xung quanh. Ngài cũng đã tặng quà Giáng sinh cho những người nghèo nhập cư và những chiếc dù cho những người vô gia cư.
17. Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho các tham dự viên Đại hội tình bạn giữa các dân tộc tại Rimini
Đức Thánh Cha khích lệ các tham dự viên Đại hội tình bạn giữa các dân tộc tại Rimini chú ý tới chứng tá cá nhân sáng tạo của con người và ý thức rằng điều thu hút, chính phục và giải thoát khỏi các xiềng xích là sự hiền dịu kiên trì của tình yêu thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải sức mạnh của các phương tiện.
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp do Đức Hồng Y Pietro Parolini Quốc Vụ Khanh Toà Thành ký gửi Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini, nơi diễn ra đại hội tình bạn giữa các dân tộc lần thừ 37 trong các ngày từ 19 tới 25 tháng 8 này.
Trong sứ điệp Đức Thánh Cha ghi nhận rằng quá nhiều khi chúng ta nhượng bộ cám dỗ khép kín trong chân trời của các lội lộc riêng tư, khiến cho người khác trở thành thừa thãi, hay tệ hơn bị coi như một quấy rầy, một chướng ngại. Kinh nghiệm ngày còn bé cho chúng ta thấy vẻ đẹp của tuơng quan giữa con người với nhau, chúng ta học gặp gỡ, tôn trọng thừa nhận nhau như anh em con của cùng một Cha. Nhưng chủ nghĩa cá nhân làm chúng ta xa người khác, chỉ nhận ra các khuyết điểm và hạn hẹp của họ, làm suy giảm uớc muốn và khả năng sống chung, trong đó mỗi người có thể tự do và hạnh phúc trong sự đồng hành của các người khác và với sự phong phủ của khác biệt. Trước các đe dọa đối với nền hoà bình và an ninh của các dân tộc và các quốc gia cần ý thức rằng không ai có thể tự cứu rỗi một mình với các sức lực riêng. Cần noi gương Chúa Giêsu luôn luôn vun trồng một tư tưởng rộng mở đối với người khác, bất kỳ họ là ai, vì không ai là hoàn toàn hư mất cả. Chúa Giêsu đã nhìn ông thu thuế Giakêu, ông trộm lành như các thụ tạo cần vòng tay ôm cứu rỗi. Cả Giuđa chính trong lúc bán nộp Ngài cũng được gọi là “bạn”. Có một từ cần luôn luôn lập đi lập lại là từ đối thoại. Việc rộng mở cho tha nhân khiến cho chúng ta phong phú hơn chứ không làm nghèo nàn đi, vì nó làm cho chúng ta biết sự thật về người khác, kinh nghệm quan trọng của họ, cả khi chúng ta không chia sẻ các thái độ và các lựa chọn của họ. Tất cả các đảo lộn là một lời mời gọi nhiệm mầu tìm lại các nền tảng của sự hiệp thông giữa con người với nhau cho một bắt đầu mới.
Đức Thánh Cha xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho kinh nghiệm đức tin và hiệp thông huynh đệ sâu xa này của đại hội và ban phép lành toà thánh cho mọi người tham dự
Bà Emilia Guarnierri chu tịch tổ chức cho biết sẽ có 106 cuộc gặp gỡ, 18 cuộc triển lãm, 14 buổi hoà nhạc và văn nghệ, 22 cuộc tranh tài thể thao và 271 thuyết trình viên trình bầy về nhiều khiá cạnh khác nhau của đề tài năm nay là “Bạn là hạnh phúc của tôi”. Mục đích là giúp các tham dự viên nhìn vào giá trị của mỗi người và đối chiếu giữa các khác biệt trong một thời điểm lịch sử khủng hoảng và mất tin tưởng như hiện nay. Trong nhãn quan của Năm Thánh Lòng Thương Xót kết hiệp Thiên Chúa với con người Đại hội 2016 cống hiến cho các tham dự viên nhiều sinh hoạt khác nhau từ diễn thuyết, tới hội thảo bàn tròn, các chứng từ liên quan tới sự tha thứ, hội nhập, các vấn đề cấp thiết hiện nay, các cuộc triển lãm, các buổi ca vũ nhạc kịch, chiếu phim vv… Mọi người cùng nhau tự hỏi “Có thể nhìn người khác một cách mới mẻ như thế nào, chứ không chỉ khoan nhượng sự khác biệt mà thôi?”