Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Cha Michael Czerny, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã công bố một sứ điệp của Hội Đồng tại Hiroshima hôm 6 tháng 8 nhân kỷ niệm cuộc dội bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào các ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945.
Sứ điệp có đoạn viết:
“Khi chúng ta tưởng niệm vụ đánh bom nguyên tử 71 năm trước đây, cầu xin Năm Thánh Lòng Thương Xót và lễ Chúa Biến Hình linh hứng, giảng dạy và hướng dẫn chúng ta.
Xin cho những biến cố này mở lòng chúng ta ra với lòng thương xót Chúa Cha trên trời để lòng nhiệt thành tràn ngập tâm hồn chúng ta. Nguyện xin ân sủng của sự tha thứ, hòa giải, đoàn kết và hy vọng chạm đến mỗi người chúng ta, mỗi cộng đồng đức tin và mỗi nhóm xã hội chúng ta gặp gỡ trên đường đời”.
2. Hội đồng Giám mục Nhật Bản cử hành ''Tuần Mười Ngày vì Hòa Bình''
Để hưởng ứng “Lời kêu gọi vì Hòa bình” mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra tại Hiroshima vào ngày 25 tháng 2 năm 1981, Hội đồng Giám mục Công Giáo Nhật Bản cử hành “Tuần Mười Ngày vì Hòa Bình” từ ngày 6 đến 15 tháng 8. Những ngày này được chọn vì liên quan đến ngày Tưởng niệm Vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki và Ngày kỉ niệm kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến cũng được tổ chức trong khoảng thời gian này. Năm nay đánh dấu lần thứ 35 chúng ta cử hành các sự kiện nói trên.
Thông cáo của Hội đồng Giám mục Nhật Bản viết rằng: “Nền hòa bình thế giới đã tan biến và liên tục bị đe dọa bởi các biến cố như cuộc chiến ở Syria, các hoạt động khủng bố của các thành phần cực đoan và những băng nhóm khác, các cuộc xung đột vũ trang liên quan đến việc muốn kiểm soát nguồn tài nguyên và các mưu đồ bành trướng bá quyền.
Nhiều người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ bị thiệt mạng hoặc bị thương, họ buộc phải rời khỏi quê hương xứ sở, không được hưởng một cuộc sống bình thường. Tấn công khủng bố xảy ra tại các thành phố lớn ở Âu Châu, Hoa Kỳ hoặc tại các quốc gia Hồi giáo. Nhiều người Nhật Bản đã trở thành nạn nhân”.
“Dựa vào năng lực của nhân loại và ơn Chúa giúp, chúng tôi muốn thực hiện lý tưởng cao đẹp trong việc loại trừ không chỉ vũ khí nguyên tử mà còn tất cả các loại vũ khí và mọi hình thức bạo lực trên khắp thế giới. Tại đất nước chúng tôi, chúng tôi không thể làm ngơ trước các vụ giết người xảy ra trên bình diện thường ngày, hoặc sự phân biệt đối xử dựa vào nguồn gốc xuất thân, văn hóa, giới tính, bạo lực gia đình, thù hận, tình dục hoặc quấy rối.
Nơi nào không có hoà bình thì nơi đó con người sẽ bị loại trừ, bị đô hộ, bị thiếu tôn trọng hoặc bị phân biệt đối xử. Bằng cách nỗ lực để mang đến sự viên mãn và hạnh phúc trong tâm hồn lẫn thể xác, trong công việc và đời sống riêng tư, và trong mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân nói riêng, chúng ta phải bắt đầu xây dựng hòa bình ở trong chính chúng ta. Chúng ta đều có thể làm điều đó và tất cả chúng ta phải làm điều đó. Đây chính là con đường chắc chắn để kiến tạo hòa bình thế giới”.
3. Ba tân linh mục được thụ phong trong trại tỵ nạn Erbil
Ngày 5/8 vừa qua, tại trại tị nạn Erbil đã diễn ra Thánh lễ truyền chức Linh mục cho 3 thầy người Iraq.
Cha Roni Salim Momika, một trong 3 tân chức chia sẻ là sự kiện này đã biến thái độ sợ hãi của các Kitô hữu phải di tản thành niềm vui và cha hy vọng nó sẽ mang lại cho họ sức mạnh để ở lại quê hương mình.
Trại Aishty 2 ở Erbil là nơi tiếp đón khoảng 5500 người Iraq buộc phải di tản vì quân khủng bố Hồi Giáo IS. Ba tân chức được truyền chức cho Giáo Hội Công Giáo Syria, trong một nhà thờ rộng, với sức chứa khoảng 800 người, nhưng đã có 1500 người đến tham dự Thánh lễ truyền chức.
Khi chủng viện ở Qaraqosh bị đóng cửa sau vụ tấn công vào năm 2014, các chủng sinh được gửi đến chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li băng. Sau khi hoàn thành chương trinh, các chủng sinh trở về Iraq và được truyền chức phó tế ngày 19/3
Ngày 6/8 cũng là ngày kỷ niệm 2 năm quân khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào Qaraqosh, thành phố quê hương của cha Momika; họ đuổi khỏi thành phố những người không chịu cải sang Hồi giáo, phải đóng thuế hoặc đối mặt với cái chết. Kỷ niệm 2 năm là một nhắc nhớ cho sự tăm tối và tình trạng bất ổn ở Iraq, nhưng việc thụ phong Linh mục đã đem lại niềm vui và hy vọng.
Vào năm 2010, cha Momika đã bị thương trong một vụ đánh bom xe buýt chuyên chở các sinh viên Công Giáo từ bình nguyên Ninivê đến trường đại học Mosul, nơi họ theo học.
Cho đến nay, cha Mimoka sinh hoạt với giới trẻ và hướng dẫn nhóm phụ nữ ở trại tị nạn Erbil. Cha cho biết cha muốn ở bên những người tị nạn dù cho nguy hiểm đến mạng sống. Cha muốn mang lại cho các Kitô hữu sức mạnh, hy vọng và can đản để tiếp tục cuộc sống của họ và ở lại với người nghèo và người đau khổ; đối với cha, yếu tính của vai trò và ơn gọi của cha là “mang Chúa Kitô đến cho con người”.
4. Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết thư cho một nữ tù nhân trẻ người Chilê
Cách đây một năm, một nữ tù nhân ở Chilê đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin cầu nguyện và chị đã ngạc nhiên khi nhận được thư trả lời của ngài.
Ngày 27/7 vừa qua, Đức Cha Luis Infanti, Giám mục địa phương nơi có nhà tù ở Coyhaique, vùng Aysén ở miền nam Chilê, đã đến thăm nhà tù và trao cho Nicol, một người mẹ trẻ đang ở tù, lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Câu chuyện băt đầu vào năm ngoái, khi Đức Sứ thần Tòa thánh Ivo Scapolo thăm nhà tù và đã gợi ý cho Nicol viết một lá thư cho Đức Giáo Hoàng và ngài sẽ chuyển cho Đức Giáo Hoàng. Trong thư, người phụ nữ trẻ đã kể cho Đức Thánh Cha nghe về tình trạng của cô ở trong tù cũng như bản án của cô. Cô đã xin ngài cầu nguyện nhiều cho cô và các tù nhân đang sống với cô ở đó.
Lá thư của cô Nicol ngay lập tức đã được chuyển đến Tòa Thánh và thư Đức Giáo Hoàng trả lời cho cô cũng được gửi đến Tòa sứ thần ở Chilê. Nhưng vì những trục trặc nên cô đã không nhận được lá thư của Đức Thánh Cha cho đến giữa tháng 7 năm nay.
Trong lá thư, Đức Thánh Cha đã cám ơn Nicol về sự tin tưởng của cô đối với ngài cũng như về lời cầu nguyện từ nơi giam cầm của cô và đó là điều ngài rất cần. Ngài cũng hứa chắc với cô là ngài nhớ đến cô và con trai Fernando trong lời cầu nguyện và xin Chúa ban cho cô ánh sáng đức tin và sức mạnh đến từ hy vọng, và cô có thể cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa xót thương trong sự gần gũi của những người cô yêu thương.
Nicol chia sẻ là cô không nghĩ là Đức Thánh Cha trả lời thư của cô và cô muốn thưa với ngài là cô đã lập gia đình và có một bé gái 2 tháng tuổi.
5. Tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng đạt 3 triệu người theo dõi
Sau 20 tuần sử dụng với 143 “post”, bao gồm các video, tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đạt đến con số hơn 3 triệu người theo dõi (followers).
Trong khi tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng được đăng bằng 9 ngôn ngữ khác nhau, tài khoản Instagram chỉ có một, nhưng mỗi “post” có phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Các followers của tài khoản @franciscus có thể theo dõi các hoạt động của Đức Thánh Cha nhờ các hình chụp các sự kiện chính thức do các thợ chụp hình của báo Osservatore Romano thực hiện.
Vào đầu năm nay, khi tài khoản Twitter của Đức Thánh Cha bắt đầu hoạt động, Đức ông Dario Viganò, Bộ trưởng bộ Truyền thông cho biết: quyết định mở một tài khoản Instagram xuất phát từ việc Đức Giáo Hoàng chắc chắn là các hình chụp có thể bày tỏ nhiều điều mà ngôn ngữ không thể làm được. Mục đích của tài khoản Instagram của Đức Giáo Hoàng là kể về lịch sử triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô qua các hình ảnh.
6. Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta
Các Nữ tu thừa sai bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta sẽ được Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh vào Chúa Nhật 4-9 tới đây.
Lễ Phong Thánh sẽ được Đức Thánh Cha cử hành lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công Giáo, những công việc lòng thương xót.
- Thứ năm, 1-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.
- Thứ sáu, 2-9, sẽ có các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.
- Sáng thứ bẩy, 3-9, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.
- Sáng Chúa Nhật 4-9, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.
- Ngày thứ hai, 5-9, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.
Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8-2016, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này.
7. Vatican chuẩn bị phát hành tem Mẹ Têrêsa Cancútta
Hôm 5/8 , văn phòng phát hành tem thư và tiền cắc của Vatican đã thông báo về việc phát hành một loại tem bưu chính đặc biệt vào ngày 2/9, hai ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành lễ phong thánh cho Mẹ, ngày 4/9. Con tem có giá 0,95 Euro, có hình Mẹ Têrêsa với gương mặt nhăn nheo nhưng rạng ngời, mỉm cười, trong bộ trang phục sari trắng viền xanh. Trên con tem còn có hình Mẹ đang nắm tay một em bé.
Thông cáo viết: “Yếu đuối nhưng kiên định trong ơn gọi, Mẹ Têrêsa đã yêu Chúa và Giáo Hội với một sức mạnh tuyệt vời, với sự đơn sơ và khiêm hạ phi thường; bằng cuộc sống của mình, Mẹ đã vinh danh phẩm giá của sự phục vụ khiêm hạ nhất. Mẹ là một sứ giả khiêm nhường của Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô, được biết như một cây bút chì bé nhỏ trong bàn tay của Thiên Chúa, thi hành công việc của mình cách im lặng và luôn luôn với lòng mến dạt dào. Mẹ đã giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và bị bỏ rơi với sự cống hiến không mệt mỏi, trao ban những nụ cười và những cử chỉ đơn sơ, tìm ra sức mạnh để kiên trì trong ơn gọi trong cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa”.
Văn phòng tem cho biết sẽ in và bán tối đa 150 ngàn bản với 10 con tem mỗi bản.
8. Đức tin là nền tảng sự thành công của các gia đình Công Giáo
Nhân dịp kỷ niệm 32 năm thành lập phong trào giáo dân “Các đôi hôn nhân vì Chúa Kitô”, hàng chục gia đình Công Giáo đã họp nhau tại nhà thờ Chánh tòa Đức Mẹ Lên trời ở Kathmandu trong 3 ngày, cầu nguyện và chia sẻ những kinh nghiêm đức tin của chính họ. Phong trào “Các đôi hôn nhân vì Chúa Kitô” ra đời cách đây 32 năm nhắm truyền bá các giá trị của gia đình Kitô giáo, giúp người Công Giáo cũng như không Công Giáo trong đời sống đức tin và trong việc tìm kiếm việc làm.
Các gia đình chia sẻ là họ đã vượt qua những khó khăn nhờ đức tin. Gyan Rai, một phi công chuyên nghiêp chia sẻ: “Nếu tôi không phải là Công Giáo, tôi có lẽ đã đánh mất chính mình giữa những người sống trong bối rối và bị chết ngạt vì các vấn đề. Ngược lai, việc cầu nguyện chữa lành chúng tôi, gia tăng sự tin tưởng của chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi đến những thành công trong cuộc sống. Tôi tin là thành công thực sự ở trong đời sống thiêng liêng, đầy lời cầu nguyện và những tình cảm tích cực”. Josh B. Niraula là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng Kitô hữu ở Kathmandu và đang điều hành một số học viện giáo dục, cũng chia sẻ: “Để có những thành công trong các công việc chúng ta đang làm, chúng ta cần sự bình an và suy tư, những điều chúng ta đạt được với cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn là người hướng dẫn tôi và tôi không bao giờ làm điều gì khác ngoài sự hướng dẫn của Ngài”.
Theo Chirendra Satyal, phong trào “Các đôi hôn nhân vì Chúa Kitô” đã giúp ích cho rất nhiều đôi hôn nhân. Dù cho nghèo khổ, những vấn đề và sự bất ổn của đất nước, các gia đình Công Giáo sống cuộc sống tươi đẹp và tích cực trong công việc, và chính cầu nguyện soi sáng cho họ làm việc với người nghèo, với người bị gạt bên lề xã hội, và lời cầu nguyện phải ở trung tâm của tất cả.
Phong trào này cũng thu hút cả những người không Công Giáo. Dinesh Yọnan, dù không phải là tín hữu cũng đã tham gia 3 ngày sinh hoạt ở Kathmandu và chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc và cách sống của các tín hữu Công Giáo đã soi sáng cho tôi. Nhìn thành công của các gia đình Kitô giáo, tôi bắt đầu đến gần họ; tôi xin phép tham sự các buổi gặp gỡ của họ và họ đã cho phép tôi và tôi đã khám phá ra có nhiều người giống tôi. Bây giờ tôi ao ước cầu nguyện và đi theo Chúa Giêsu”.