CHƯƠNG IV

RƯỚC LỄ



1. NHỮNG TRẠNG THÁI PHẢI CÓ ĐỂ RƯỚC LỄ

80. Như đã được nêu rõ trong các phần khác nhau của Thánh Lễ, Bí tích Thánh Thể cũng phải được trình bày cho tín hữu như là “phương thuốc giải thoát chúng ta khỏi các lỗi phạm hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội trọng”160. Hành vi thống hối, nằm ở đầu Thánh Lễ, có mục đích giúp các người tham dự dọn mình cử hành các mầu nhiệm thánh cách xứng đáng161; tuy nhiên, “hành vi ấy không có hiệu năng của bí tích Thống Hối162, và không thể thay thế cho bí tích Thống Hối trong việc tha các tội trọng. Các mục tử phải quan tâm sao cho giáo lý Kitô trong lãnh vực này được truyền dạy cho các tín hữu.

81. Hội Thánh cũng có thói quen quả quyết rằng mỗi người cần kiểm thảo chính mình163, hầu ai ý thức mình đang mắc tội trọng, thì không được cử hành Thánh Lễ, cũng như không rước Mình Thánh Chúa, nếu trước đó không chạy đến với phép Giải Tội, trừ trường hợp có lý do nghiêm trọng và không thể đi xưng tội. Trong trường hợp này, người ấy không được quên rằng mình bị buộc phải ăn năn tội cách trọn, trong đó bao hàm quyết tâm đi xưng tội sớm hết sức164.

82. Hơn nữa, “Hội Thánh đã ban hành những quy luật nhắm vừa khuyến khích việc các tín hữu thường xuyên và hiệu quả đến với Bàn Tiệc Thánh Thể, vừa xác định những điều kiện khách quan theo đó cấm không cho rước lễ”165.

83. Chắc chắn thật là tốt nếu tất cả những ai tham dự vào buổi cử hành Thánh Lễ lên rước lễ trong buổi cử hành đó, miễn là họ hội đủ những điều kiện cho phép họ rước lễ. Tuy nhiên đôi khi xảy ra việc tín hữu đến gần bàn thánh quá đông mà không có sự suy xét cần thiết. Vậy các mục tử có bổn phận sửa chữa lạm dụng ấy cách khôn khéo và cương quyết.

84. Hơn nữa, khi Thánh Lễ được cử hành cho một đám đông, hoặc trong những thành phố lớn chẳng hạn, phải chú ý đừng để người không công giáo hoặc người không phải Kitô hữu, lên rước lễ vì không biết, trái với Huấn Quyền của Hội Thánh về phương diện tín lý lẫn kỷ luật. Vậy các mục tử phải báo vào lúc thuận tiện cho những người hiện diện trong buổi cử hành về chân lý và kỷ luật là những điều cần phải được tuân giữ nghiêm ngặt.

85. Các thừa tác viên công giáo ban cách hợp pháp các bí tích cho những tín hữu công giáo mà thôi. Cũng vậy tín hữu công giáo chỉ nhận cách hợp pháp các bí tích từ những thừa tác viên công giáo mà thôi, dĩ nhiên những điều nói đến trong giáo luật điều 844 ## 2, 3 và 4 và điều 861 #2166 vẫn có hiệu lực. Hơn nữa, những điều kiện nói đến trong giáo luật điều 844 # 4 không thể tách biệt nhau và không được vi phạm bất cứ vì lý do gì167: vậy các điều kiện ấy cần phải được luôn luôn hội đủ cùng lúc.

86. Phải liên lỉ khuyến khích tín hữu chạy đến với bí tích thống hối ngoài lúc cử hành Thánh Lễ, nhất là vào những giờ ấn định. Như vậy, bí tích này được ban cho họ cách an bình và vì lợi ích thực sự của họ, và họ cũng không bị ngăn trở tham dự Thánh Lễ cách tích cực. Phải dạy bảo những người có thói quen rước lễ mỗi ngày hoặc rất thường xuyên, về tầm quan trọng của việc lãnh nhận bí tích thống hối một cách đều đặn, tuỳ theo khả năng mỗi người168.

87. Trước khi cho trẻ em rước lễ lần đầu, luôn luôn phải cho các em xưng tội và lãnh xá giải169. Hơn nữa, việc rước lễ lần đầu phải luôn luôn do một linh mục ban và không bao giờ được lãnh nhận ngoài buổi cử hành Thánh Lễ. Ngoại trừ trong những trường hợp rất đặc biệt, thật ít thích hợp ban rước lễ lần đầu trong Thánh Lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Thánh. Nên chọn một ngày khác, như các Chúa nhật Phục Sinh (từ thứ 2 đến thứ 6) hoặc lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa hoặc các Chúa nhật “quanh năm”, vì Chúa nhật được coi cách đúng đắn là ngày của Bí tích Thánh Thể170. “Các trẻ em chưa đến tuổi khôn” hoặc những người mà cha sở “xét là chưa chuẩn bị đủ” không nên được cho rước lễ171. Tuy nhiên, hoạ hiếm có trường hợp một trẻ, dù còn nhỏ tuổi, nhưng xét thấy là đủ chín mùi để rước lễ; trong trường hợp này, không nên từ chối cho nó rước lễ lần đầu, miễn là phải dạy dỗ nó đủ.

2. VIỆC CHO RƯỚC LỄ

88. Bình thường các tín hữu rước Thánh Thể trong Thánh Lễ và vào lúc quy định bởi nghi thức cử hành, nghĩa là ngay sau khi linh mục chủ tế rước lễ172. Linh mục chủ tế có nhiệm vụ cho rước lễ, với sự giúp đỡ của các linh mục khác hoặc các phó tế, nếu có. Không được tiếp tục Thánh Lễ nếu các tín hữu chưa rước lễ xong. Các thừa tác viên ngoại thường có thể giúp linh mục chủ tế, theo đúng các quy định của luật và chỉ trong trường hợp cần thiết173.

89. Để “nhờ các dấu chỉ, việc rước lễ tỏ ra là sự tham dự vào Hy Tế hiện đang cử hành”174, các tín hữu nên rước lễ với bánh truyền phép trong Thánh Lễ175.

90. “Tín hữu rước lễ quỳ hoặc đứng, tuỳ Hội Đồng Giám Mục ấn định, với sự xác nhận của Tông Toà. “Tuy nhiên, khi họ rước lễ đứng, thì khuyên họ trước khi nhận Thánh Thể, nên làm một cử chỉ tôn kính, mà Hội Đồng Giám Mục sẽ ấn định”176.

91. Về việc cho rước lễ, phải nhắc lại rằng “các thừa tác viên thánh không được từ chối ban các bí tích cho những người xin cách thích hợp, được chuẩn bị đàng hoàng và không bị ngăn trở bởi luật để lãnh nhận”177. Vậy, mọi người đã chịu phép rửa, không bị ngăn trở bởi luật, phải được cho rước lễ. Do đó không được phép từ chối cho một tín hữu rước lễ chỉ vì lý do người ấy muốn rước lễ đứng hoặc quỳ.

92 Mọi tín hữu luôn luôn có quyền chọn rước lễ nơi miệng178. Nếu người rước lễ muốn nhận Thánh Thể trong tay, nơi những miền mà Hội Đồng Giám Mục cho phép, với sự xác nhận của Tông Toà, thì người ta có thể ban Mình Thánh cho họ. Tuy nhiên, trong trường hợp này người rước lễ phải nuốt ngay bánh thánh trước mặt thừa tác viên, để đừng ai rời đi mà vẫn cầm Mình Thánh trong tay. Nếu có nguy cơ phạm thánh, thì không được cho rước lễ trong tay tín hữu179.

93. Phải duy trì tập quán dùng dĩa hứng khi cho tín hữu rước lễ, để tránh bánh thánh, hoặc một mãnh bánh thánh, rơi xuống đất180.

94. Không cho phép tín hữu “tự mình cầm lấy bánh thánh hoặc chén thánh, càng không được truyền tay nhau”181. Hơn nữa, về vấn đề này, phải chấm dứt lạm dụng sau đây: trong Thánh Lễ hôn phối, đôi tân hôn cho nhau rước lễ.

95. Giáo dân “đã rước lễ rồi có thể rước lần nữa trong cùng ngày, nhưng chỉ trong buổi cử hành Thánh Thể mà họ tham dự, dĩ nhiên phải tuân theo giáo luật điều 921 # 2182.

96. Có nơi trước hoặc trong khi cử hành Thánh Lễ, người ta phân phát theo kiểu cho rước lễ những bánh lễ chưa truyền phép hoặc những đồ vật khác có thể ăn được hay không, phải mạnh mẽ lên án cách làm ấy, vì ngược với các chỉ thị của các sách phụng vụ. Thật vậy, điều ấy không hợp với truyền thống của Nghi Lễ Rôma và chứa đựng nguy cơ gây hoang mang trong tâm trí của tín hữu về giáo lý Thánh Thể của Hội Thánh. Nếu ở vài nơi, do một đặc nhượng, có thói tục đặc biệt chúc lành bánh để rồi phân phát sau Thánh Lễ, thì phải rất cẩn thận đưa ra một lời dạy giáo lý thích hợp về ý nghĩa của cử chỉ này. Tuy nhiên, không được phép du nhập những cách làm khác tương tự, và không bao giờ dùng những bánh lễ chưa truyền phép vào một mục đích như thế.

3. VIỆC RƯỚC LỄ CỦA LINH MỤC

97. Mỗi lần linh mục cử hành Thánh Lễ, ngài phải rước lễ tại bàn thờ, vào lúc ấn định theo Sách Lễ. Các vị đồng tế cũng phải rước lễ trước khi đi cho tín hữu rước lễ. Linh mục chủ tế hoặc đồng tế không bao giờ được đợi dân chúng rước lễ xong rồi mình mới rước lễ183.

98. Việc rước lễ của các linh mục đồng tế phải diễn tiến theo các quy luật ghi trong các sách phụng vụ, và luôn luôn với những bánh lễ được truyền phép trong chính buổi cử hành Thánh Lễ184; hơn nữa, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình. Cần ghi nhớ rằng, khi linh mục hoặc phó tế đưa bánh thánh hoặc chén cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không nói những câu: “Mình Thánh Chúa Kitô” hoặc “Máu Thánh Chúa Kitô”.

99. “Các linh mục không thể cử hành hoặc đồng tế luôn luôn được phép rước lễ dưới hai hình”185.

4. RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH

100. Để tỏ rõ ràng hơn cho các tín hữu dấu chỉ đầy đủ của bữa tiệc Thánh Thể, giáo dân cũng được cho rước lễ dưới hai hình trong những trường hợp được dự kiến trong các sách phụng vụ, với điều kiện phải dạy trước và thường xuyên giáo lý thích hợp về các nguyên lý tín lý đã được Công đồng chung Trentô thiết lập về lãnh vực này186.

101. Để ban rước lễ hai hình cho giáo dân, phải lưu ý một cách thích hợp đến các hoàn cảnh, mà việc lượng giá được dành trước hết cho Giám Mục giáo phận. Phải tuyệt đối không ban rước lễ hai hình, khi có một nguy cơ phạm thánh, dù nhỏ nhất187. Để đảm bảo có sự phối hợp rộng hơn trong lãnh vực này, các Hội Đồng Giám Mục cần ban hành những quy tắc liên quan đến “cách thức cho rước lễ dưới hai hình cho tín hữu và việc mở rộng năng quyền cho rước lễ dưới hai hình”188; những quy tắc này phải được xác nhận bởi Tông Toà, nghĩa là bởi Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích.

102. Không được cho giáo dân rước chén thánh nếu, vì có quá đông người rước lễ189, thật khó biết lượng rượu dùng cho Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, phải tránh nguy cơ “còn lại quá nhiều Máu Thánh phải uống vào cuối buổi cử hành”190. Người ta cũng làm như thế trong những trường hợp khác như sau: khó tổ chức cho rước chén thánh; việc cử hành cần một lượng lớn rượu đến nỗi khó biết chắc chắn xuất xứ và phẩm chất của rượu; không có đủ số các thừa tác viên thánh, cũng như các thừa tác viên ngoại thường được huấn luyện thích hợp, cho rước lễ; một phần đáng kể dân chúng không muốn rước chén thánh vì nhiều lý do, điều này có hệ quả là làm lu mờ một cách nào đó dấu chỉ hiệp nhất.

103. Các quy luật của Sách Lễ Rôma chấp thuận nguyên tắc theo đó, trong những trường hợp cho rước lễ dưới hai hình, “có thể rước Máu Chúa Kitô hoặc bằng cách uống chén trực tiếp, hoặc bằng cách nhúng, hoặc dùng ống hút hay muỗng”191. Khi cho giáo dân rước lễ, các Giám Mục có thể loại bỏ việc cho rước lễ bằng ống hút hoặc muỗng, ở những nơi chưa quen dùng thế, tuy nhiên luôn luôn có thể cho rước lễ bằng cách chấm. Dầu vậy, trong trường hợp này, phải dùng những bánh lễ không quá mỏng, cũng không quá nhỏ, và người rước lễ phải nhận Thánh Thể từ tay linh mục nơi miệng mà thôi192.

104. Không cho phép người rước lễ tự mình nhúng bánh thánh vào trong chén, cũng không được nhận trên tay bánh thánh đã nhúng trong Máu Chúa Kitô. Bánh thánh, dùng cho việc rước lễ bằng cách chấm, phải được làm với chất liệu thành sự và được truyền phép. Vậy tuyệt đối cấm dùng bánh chưa truyền phép hoặc chế tạo với một chất liệu khác.

105. Nếu một chén không đủ để cho các linh mục đồng tế hoặc giáo dân rước lễ dưới hai hình, thì không gì ngăn cấm linh mục chủ tế dùng nhiều chén193. Thật vậy, phải nhớ là mọi linh mục cử hành Thánh Lễ buộc phải rước lễ dưới hai hình. Vì lẽ dấu chỉ tỏ bày, nên dùng một chén chính lớn hơn, cùng với những chén khác nhỏ hơn.

106. Tuy nhiên, sau truyền phép, phải tuyệt đối tránh đổ Máu Chúa Kitô từ chén này sang chén khác, để khỏi xúc phạm mầu nhiệm cực trọng. Để đựng Máu Chúa Kitô, không bao giờ được dùng hủ, bình hoặc những vật chứa khác, không hoàn toàn phù hợp với các quy luật đã ban hành.

107. Theo giáo luật, “ai ném Mình Máu Thánh, hoặc mang đi, hoặc tàng trử vì mục đích phạm thánh, thì bị dứt phép thông công latae sententiae dành riêng cho Tông Toà. Giáo sĩ còn có thể bị thêm hình phạt khác, kể cả cho hồi tục”194. Người ta cũng phải thêm vào trường hợp trên mọi hành vi khinh dễ, cố ý và nghiêm trọng, đối với Mình Máu Thánh Chúa. Vậy, ai hành động ngược với những quy định nêu trên, chẳng hạn, ném Mình Máu Thánh vào hồ nước trong phòng thánh hoặc vào một nơi bất xứng, hoặc xuống đất, thì bị những hình phạt đã ấn định về chuyện này195`. Hơn nữa, mọi người phải nhớ tuân giữ những quy định của Sách Lễ Rôma về những gì phải làm sau khi cho rước lễ xong. Đặc biệt, Máu Chúa Kitô còn lại phải được uống ngay bởi chính linh mục hoặc, theo quy định, bởi một thừa tác viên khác. Cũng vậy, các bánh thánh còn lại phải được linh mục rước tại bàn thờ, hoặc chúng được đem cất vào một nơi dùng để lưu giữ Thánh Thể196.

Bản dịch của

Lm. FX. NGUYỄN CHÍ CẦN

Giáo sư Phụng Vụ

Đại Chủng Viện SAO-BIỂN NHATRANG



160 Công đồng chung Trente, Khoá XIII, 11/10/1551, Sắc lệnh về Bí tích Thánh Thể, chap. 2: DS 1638; cf. Khoá XXII, 17/9/1562, Giáo lý về Hy Tế cực thánh Thánh Lễ, chap. 1-2: DS 1740, 1743; T. BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 35: AAS 59 (1967) p. 560.

161 Cf. Missale Romanum, Ordo Missae, n. 4, p. 505.

162 Missale Romanum, Institutio Generalis , n. 51.

163 Cf. 1 Co 11, 28.

164 Cf. Bộ Giáo Luật, can. 916; cf. Công đồng chung Trente, Khóa XIII, 11/10/1551, Sắc lệnh về Thánh Thể, chap. 7: DS 1646-1647; Jean-Paul II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 36: AAS 95 (2003) pp. 457-458; T. BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 35: AAS 59 (1967) p. 561.

165 Cf. Jean-Paul II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 42: AAS 95 (2003) p. 461.

166 Cf. Bộ Giáo Luật, can. 844 § 1; Jean-Paul II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, nn. 45-46: AAS 95 (2003) pp. 463-464; cf. Conseil Pontifical pour la Promotion de l’Unit des Chrtiens, Directoire pour l’application des principes et des normes sur l’œcumnisme, La recherche de l’unit, nn. 130-131: AAS 85 (1993) pp. 1039-1119, ici p. 1089.

167 Cf. Jean-Paul II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, n. 46: AAS 95 (2003) pp. 463-464.

168 Cf. T. BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 35: AAS 59 (1967) p. 561.

169 Cf. Bộ Giáo Luật, can. 914; T. BỘ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Tuyên ngôn Sanctus Pontifex, 24/5/1973: AAS 65 (1973) p. 410; THÁNH BỘ BÍ TÍCH VÀ PHỤNG TỰ THÁNH và THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Lettre aux Prsidents des Confrences des vques, In quibusdam, 31/3/1977: Enchiridion Documentorum Instaurationis Liturgicae, II, Rome 1988, pp. 142-144; THÁNH BỘ BÍ TÍCH VÀ PHỤNG TỰ THÁNH và THÁNH BỘ GIÁO SĨ, Responsum ad propositum dubium, 20/5/1977: AAS 69 (1977) p. 427.

170 Cf. Jean-Paul II, Tông thư Dies Domini, 31 /5/1998, nn. 31-34: AAS 90 (1998) pp. 713-766, ở đây pp. 731-734.

171 Cf. Bộ Giáo Luật, can. 914.

172 Cf. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, n. 55.

173 Cf. T. BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 31: AAS 59 (1967) p. 558; Commission Pontificale Pour L’Interpretation authentique du Code de Droit Canonique, Responsum ad propositum dubium, 1 juin 1988: AAS 80 (1988) p. 1373.

174 Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 85.

175 Cf. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 55; T. BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, n. 31: AAS 59 (1967) p. 558; Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 85, 157, 243.

176 Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 160.

177 Bộ Giáo Luật, can. 843 § 1; cf. can. 915.

178 Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 161.

179 BỘ PHỤNG TỰ THÁNH VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Dubium: Notitiae 35 (1999) pp. 160-161.

180 Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 118.

181 Ibidem, n. 160.

182 Bộ Giáo Luật, can. 917; cf. Commission Pontificale pour l’Interprtation Authentique du Code de Droit Canonique, Responsio ad propositum dubium, 11/7/1984: AAS 76 (1984) p. 746.

183 Cf. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 55; Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 158-160, 243-244, 246.

184 Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 237-249; cf. nn. 85, 157.

185 Cf. ibidem, n. 283a.

186 Cf. Công đồng chung Trente, Khoá XXI, 16/7/1562, Sắc lệnh về rước lễ, chap. 1-3: DS 1725-1729; Công đồng chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, n. 55; Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 282-283.

187 Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 283.

188 Cf. ibidem. < br>189 Cf. T. BỘ PHỤNG TỰ THÁNH, Huấn thị Sacramentali Communione, 29/6/1970: AAS 62 (1970) p. 665; Huấn thị Liturgicae instaurationes, n. 6a: AAS 62 (1970) p. 699.

190 Missale Romanum, Institutio Generalis, n. 285a.

191 Ibidem, n. 245.

192 Cf. ibidem, nn. 285b et 287.

193 Cf. ibidem, nn. 207 et 285a.

194 Cf. Bộ Giáo Luật, can. 1367.

195 Cf. Conseil Pontifical pour l’Interprtation des Textes Lgislatifs, Responsio ad propositum dubium, 3/7/1999: AAS 91 (1999) p. 918.

196 Cf. Missale Romanum, Institutio Generalis, nn. 163, 284.