XIN HÃY LÀM “HẠT CẢI NƯỚC TRỜI”

Vaò những năm sau 1980, khi sống taị nông thôn và khi tôi đang bị khủng hoảng vơí môí tình không cân xứng mà gia đình ngươì yêu đã ngăn càn cấm đoán không cho chúng tôi quan hệ chính thức minh bạch, nên chúng tôi thường có mặt vào đêm taị môt quán cà phê có chơi nhạc “sống” để tránh né sự soi mói của người thân.

Khi gặp tôi với mái tóc dài bồng bềnh cùng đôi kiếng cận gọng đồi mồi ra vẻ “bụi đời trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhiều người trong quán thường chọc ghẹo: “ Xin chào nhạc sĩ Trịnh công Sơn”. Và tôi cũng hay đùa lại: “Chẳng dám đâu! Tôi chỉ xin được “sống trên đời này cần có một tấm lòng” như ông ta hô hào là đủ rồi”. Sau lời nói đó là một nụ cười ngạo nghễ đắc chí biểu lộ cái triết lý gàn gàn, thức thời của mình và cũng để người đối diện tránh né soi mói, châm chọc hay móc họng. Chắc chắn lúc đó tôi khao khát một tấm lòng cần có sự “cảm thông” giữa người mẹ góa đã quá lo lắng đến hạnh phúc trong tương lai đối với con gái út đã lớn khôn và tự biết quyết định cuộc đời của mình. Bởi khi thiếu thốn điều gì đó, ta thường hiểu ra tấm lòng ấy tương quan đến sự thèm muốn vào thời điểm thích ứng tức thời lúc đó. Bởi tấm lòng mà người nhạc sĩ tài ba này sử dụng không chỉ nảy sinh vào đúng thời điểm hoang mang, lãng đãng, bàng bạc trong chiến tranh mà còn mang đậm cái “mớ hỗn độn” tưởng chừng như siêu việt nhưng chỉ là sự khôn khéo trong cách dùng ngôn từ ít nhiều cần đào sâu mà nhiều người trẻ thời đó có mấy ai bận tâm suy niệm cho đúng nghĩa.

Sau đó, khi sống được với nhau trong khắc khoải bồn chồn do cuộc sống vật chất thiếu thốn rồi thì tôi lại cần có một tấm lòng “sẻ chia” giữa vợ chồng với nhau sâu đậm để lao vào đời đang biến động rộng rãi trong xã hội gần như lò mò lao vào đổi mới. Một cuộc bứt phá vừa lẫm chẫm hoang mang vừa tự rút tỉa kinh nghiệm trong cái lờ mờ bòng bong không muốn đi vào quỷ đạo của thới đại đang nảy sinh.

Trong cái biến vô định đó mà cuộc đời của tôi xoay vần theo. Tôi như người bơi trong biển mênh mông mà người lái thuyền cũng chẳng biết thuyền sẽ đi về đâu, về đâu. Vì vậy càng ngày càng xáo trộn từ vận hành nền kinh tế cho đến chuyển đổi tư duy văn hóa, gia đình và xã hội. Nhức nhối thay cho những người thiếu may mắn như tôi. Kiệt quệ trong thân xác. Xói mòn trong hồn điêu linh. Mòn mỏi. Trông ngóng. Phiêu bạt. Và rồi cứ như kẻ lang thang phiêu bồng lãng du. Như hành khất rong chơi với nghề nửa vẽ nửa vời. Để một lúc nào đó, tôi chỉ biêt nhận được những “tấm lòng nhân ái” chứ nào có hiểu được cho đi quí giá như thế nào. Như vậy, tấm lòng khi này đã được hiểu theo một khía cạnh khác “xót thương”.

Tôi nhớ năm đó khi chuyển chỗ ở cách nhau khoảng chùng vài trăm mét cùng trên một con đường trải nhựa bằng phẳng. Tôi gọi một chiếc ba gác chở mướn. Khi nghe tôi dọn nhà, bác tài liền ra giá mà bác đã từng làm công việc này cho bao nhiêu người khác. Nên bác ta đứa ra một cái giá không mấy phù hợp cảnh đời lưu vong hành khất của tôi. Nhưng rồi anh ta cũng giảm bớt khi biết tôi chỉ có ít đồ dùng vừa xếp gọn gàng trên chiếc xe nhỏ thó của anh. Khi dọn đồ đạc xuống xong và khi thấy tôi lặc lè ngồi phía sau trên ghế phụ mon men bước lên hiên nhà mới thuê để hành nghề vẽ áo dài, bởi do tôi không đi bộ nổi trong phạm vi ngắn ngủi đã gieo vào lòng anh sự sao xuyến nào đó, anh ta bèn tặng tôi món tiền chuyên chở như đã đồng ý. Tôi thật xúc động trước “tấm lòng đồng cảm” ấy. Thế nhưng tôi vẫn chẳng vui chút nào khi nhận lãnh món quà nho nhỏ này.

Vãn còn điều gì đó lấn cấn giữa cho đi và nhận lãnh. Chưa thật trọn vẹn đối với người nhận. Không phải ít hoặc nhiều về của cải vật chất. Cũng chẳng phải cách người cho đi với một sự bất đắc dĩ không đợi mong. Phải chăng hằn chứa một chút mặc cảm, một tí khắc khoải hay một phút âu lo phiền muộn nào đó trong tim! Chắc chắn tôi không chê bai, không dè bỉu về những món quà mà ngay cả sau này tôi nhận được. Nhưng tôi chưa thực sự cảm nhận thế nào là cho đi sẽ hạnh phúc ra sao. Cứ thế tôi thao thức, xuyến xao...

Cho đến một ngày, trên diễn đàn thân quen, tôi đọc được lá thư cám ơn ân huệ của một Việt kiều định cư tại Mỹ đã tạo điều kiện cho anh chị em cùi trên làng xa vắng Dakia, Kontum mừng Giáng Sinh với những mặt hàng thật “xa xỉ” như cá khô, như gạo, như mắm muối.

Lá thư khiến tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn tủi mang những xót xa khi mừng Chúa sinh ra không bằng vật ngon của lạ như thiên hạ mà bằng những “xa xỉ” của người nghèo lăn lóc bên lề xã hội lạnh căm, bên trong rừng sâu thăm thẳm, bên ngoài lòng từ bi xả hỉ. Nếu không thế thì làm gì mà Sơ Marie Laure Vinh phải cặm cụi viết những dòng chữ mang tâm trạng lấn cấn của người được nhận như tôi để gửi đi hết tròm trèm nửa vòng trái đất.

Nhưng cũng thật là vui khi còn người xa lạ ở một thế giới “tít mù khơi” biết mà sẻ chia trong khi vô vàn những người gần “xịt”, đã từng gắn bó một thời gian nào đó, lại ơ thờ lãng quên. Cái lãng quên lạt nhắt lấn cấn trong tấm lòng nhạt phèo. Cái trớ trêu của muối không vị mặn mòi đã lao xao trong tôi. Để rồi thôi thúc tôi đi tìm chút tình sưởi ấm lòng người đơn côi của như chính tôi đây.

Bắng với những số liệu chân thật qua điện thoại, tôi chuyển tải lên mạng trong niềm an ủi đợi mong cần một “tấm lòng nhân bản” giữa những ngổn ngang đang dần mai một thành băng giá lạnh câm. “Quà Giáng Sinh trên Dakia”. Một chút ngân vang trong một nỗi niềm đã lắng đọng. Thăm thẳm tựa chiêm bao. Bồng bềnh rồi bềnh bồng tựa mây trôi lác nhác. Thắc thỏm như tàn lửa.

Rồi có một ngày. Tháng ba. Tôi háo hức tìm về núi rừng. Hành trang mang theo là thân tàn ma dại. Là ngẫu hứng: cần một tấm lòng nào đó ngổn ngang chưa định hình. Tôi hụt hẫng khi nghe gió núi bạt ngàn. Mầu xanh ngút mắt. Sự thầm lặng bình yên êm trôi sao nghe thân quen trong quá khứ dội về. Những gốc đại già cỗi. Búc tượng chân dung lên men thời gian. Tháp chuông vẫn ngạo nghễ thách thức gió mưa bụi mù và ý thức hệ. Mùi gỗ thơm đậm nồng ấm sắt son chung thũy như thá mạ bọn sâu bọ gặm nhấm. Nhìn xuống không gian phía dưới, thảm họa rồi tái tê khi những khoảng sân rộng biến mất. Xót thương cho một khung trời bao la tung tăng thuở nào. Sân chơi của môn thể thao vua năm xưa giờ này thú vị đến chua chát để bất đắc dĩ trở thành những cây cà phê vật vờ sống. Thật ngốc nghếch. Thật ngờ nghệch. Xót xa cho điêu tàn nhẫn tâm... Nghĩ mà đau, quá đau, đau thật là đau!!! Tôi rón rén trong hành lang dài hun hút. Sao hoang vắng đến lạ thường bởi trước đây tôi đã từng chạy, cười đùa huyên thuyên, vô tư ngắm trời mây phiêu bồng, cảm nhận cái hoang sơ chân chất với những tro tàn lãng đãng bay bay xà xuống lòng chảo.

Một tiếc nuối nhớ nhung cho tuổi trẻ hồn nhiên ngây dại. Một khát khao tự do bay nhảy tưởng khuất lấp bỗng ùa về thèm muốn tương tư. Một đêm mệt nhoài sau những nhồi xóc suốt mười lăm tiếng đường dài trơ trọi, lo lo sợ sợ cho cái bàng quang rệu rã, cho đôi chân cần điểm tựa để bước đi. Nhưng đêm cũng trôi nhanh. Ngày lại sáng. Tôi trờ tới nơi tôi đợi mong.

Với dáng người thấp, khuôn mặt tròn ra dưới nước da trắng cùng đôi mắt đen sáng lên sự linh hoạt, Sơ Marie Laure Vinh, dòng Bác Ái Vinh Sơn, đã trên 80 tuổi ngơ ngác khi nhìn tôi: “Anh là ai vậy? Tôi đã lú rồi chăng?”. Làm sao có thể biết tôi là ai được nên tôi củng tự giới thiệu: “Con là người đã trao đổi với Sơ qua điện thoại để hỏi về những số liệu trên Dakia. Sau đó con đưa lên mạng và hôm nay gặp Sơ để cám ơn Sơ đã đáp ứng”.

Nhìn Sơ suy tư, hồi tưởng với những nếp nhăn nhíu lại, tôi lúng túng và càng cãm mến tinh thần phục vụ dấn thân gần suốt cuộc đời cho Chúa nơi những người anh chị em nghèo đói và bệnh phong cùi. Tôi chợt nhớ Lời Chúa dậy : “Ai muốn làm lớn hãy lên đầy tớ của anh em”. Tim tôi nhói lên khi cuộc đời của tôi củng đã trên 30 năm bị nhận chìm trong đớn đau nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn họ.

Lúc này hơn bao giờ hết câu chúc phúc của Chúa vang vọng tận cõi lòng sâu thẳm. “Phúc cho ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Nên tôi rất dễ đồng cảm. Tôi như không muốn ở lại và đã vội vàng kiếu từ khi Sơ đã hình dung ra được tôi là ai qua bài viết mà anh Hiển thuộc giáo xứ Phương Hòa, Kontum đã in ra và chuyển cho Sơ. Bỗng chốc tôi trao cho Sơ tờ giấy bạc mà mới đây một người bạn là cộng tác viên của Vietcatholic.net đã giúp tôi để vượt qua giai đoạn ngặt nghèo. Lòng đầy ngạc nhiên và áy náy khi tôi nhận ra trong đôi mắt của Sơ mang chút lấn cấn của người mà tôi đã có lần trải qua.

Nhưng rồi Sơ Marie Laure cũng chia tay tôi với lời an ủi chứa chan: “Cẩn thận! khéo té! Xin Chúa chúc lành cho anh!”. Khi chia tay ra về, tôi mới thực sự thấu hiểu lời khuyên Tin Mừng: “Điều gì con muốn người ta làm cho con, con củng hãy làm cho người ta đi”.

Tiếp đó tôi ghé thăm Sơ Têrêsa Hương, dòng Thánh Phaolô de Chartres, người phụ trách cùi rải rác nơi những làng người dân tộc Sêđang xa hun hút. Sau khi hiểu rõ những phức tạp do không được tập trung, do đường xá đầy thác ghềnh cùng những hình ảnh mất mát đau thương của bệnh nhân gần như bị bỏ rơi này, tôi không sao giữ được những gì cho riêng mình nữa mà vô cùng cảm xúc sâu động sẻ chia và đã cảm nghiệm sự cho đi khi “Tình yêu Chúa Giêsu thúc bách chúng tôi” như Thánh Phaolô đã tuyên xưng. Còn ngày mai hãy để ngày mai lo.

Một chuyến đi xa xôi cách trở tự bản thân, với tôi là một thức tỉnh khi chẳng những nhìn thấy những mất mát đau lòng nơi chốn đào tạo thuở xưa mà còn nhận ra cần phải có một tấm lòng “yêu thương nhau như Thầy dã yêu thương anh em”. Sự thức tỉnh đang như lột xác thân để cố gắng biến đổi trong ơn Thánh Thần Chúa nhằm tìm cho mình cần phải có một tấm lòng như thế nào cụ thể minh bạch và thành thiện chứ không như mơ hồ, mông lung và tinh tướng mà cố nhạc sĩ họ Trịnh kia đã ca hát.

Bỗng trên diễn đàn thân yêu một ngày mới đây, tôi nhận được tin vui bất ngờ thú vị khiến tôi sửng sốt và cũng gieo vào lòng tôi một chiều kích nội tâm làm chao đảo nỗi suy tư đã hằn sâu trong tôi suốt vài chuc năm qua. Một cháu bé gái 13 tuổi người Việt đang học tại trường của nhà thờ “cấp tiến”(San Francisco). Cháu gái Việt này là một trong bốn đại diện cho các nhóm Bác Ái lên kêu gọi “tấm lòng hảo tâm” của khán thính giả.

Ba cháu người Mỹ đều vận động cho Nam Mỹ, Trung Mỹ và Người Vô Gia Cư tại Mỹ. Riêng cháu bé người Việt thì dõng dạc phát biểu: “I’m presenting KMF... ” Sau đó không mang mặc cảm cội nguồn như những đồng hương khác, bằng tiếng Việt, bé giới thiệu về tổ chức nhân đạo KMF viết tắt từ Kontum Mission Foundation với địa chỉ trang web: www.members.cox.net/llcvk/kmf/KMF2.htm , về quê hương Viêt Nam thân yêu của bé cùng những hinh ảnh người Thượng cùi Tây Nguyên nghèo đói mà bé in ra từ internet. Nhóm của bé có cái tên tự chúng chọn là “Mustard Seed” tức “Hạt Cải”.

Ôi thật sự đây là tin vui mang chiều kích nội tâm sâu xa đáng để cho những người khác như chúng ta nghiêm khắc thức tỉnh. Tôi tự hào mà quên đi lời hô hào mang dáng dấp triết lý mơ hồ thiếu chiều minh bạch nhân ái để khẳng khái thay vào đó hướng đi tới định hình bằng câu châm ngôn sống: “ XIN HÃY LÀM “HẠT CẢI NƯỚC TRỜI”.

Xin nhờ ai đó nhắn gửi lời tri ân của tôi đến cháu gái thân yêu nào đó đã giúp tôi trưởng thành trong nhận thức yêu thương để vào được”Nước Trời” dù tôi đã 53 tuổi, dù tôi đã lăn lóc vào đời trong giá buốt. Có thế, tôi mới thấy được lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu từ khi Ngài bắt đầu rao giảng là “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”(Mt 4,17) cũng như trước khi Ngài về trời là “... Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha thứ. Chính anh em là chứng nhân cho những điều này”(Lc 24,47-48). Để được theo Chúa Giêsu về trời, như bé gái “hạt cải” tí xíu kia, xin hãy làm “hạt cải lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được”(Lc 13,19b).

Saigon, 20/5/2004

vuvanquy@fptnet.com.vn