Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vâng thưa quý vị và anh chị em, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.
Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám Mục William Shomali, và Đức Giám Mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám Mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.
Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có khâm sứ Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Giuseppe Lazzarotto, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.
Đức Thượng Phụ đã làm phép lửa và nến Phục sinh tại ngôi mộ trống.
Sau các bài đọc chuông nhà thờ đã được kéo rộn rã trong khi cộng đoàn cùng hát Kinh Vinh Danh.
Tin Mừng Phục sinh cũng đã được tuyên đọc trước ngôi mộ trống.
Kết lễ, cộng đoàn đã hát vang bài Alleluia và vỗ tay chúc mừng Phục sinh cho các vị trong đoàn đồng tế.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Trong khi đó tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dẫn đầu một đoàn rước bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước sẽ diễn ra trong bóng tối, chỉ được chiếu sáng bởi một cây nến tại bàn thờ.
Giảng trong thánh lễ Vọng Phục Sinh Đức Thánh Cha nói:
“Ông Phêrô chạy đến ngôi mộ” (Lc 24:12). Những suy nghĩ nào loé lên trong tâm trí của Phêrô và khuấy động tâm hồn ông khi ông chạy đến mộ? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng mười một tông đồ, bao gồm Phêrô, đã không tin lời của những người phụ nữ, là lời công bố Phục Sinh của các bà. Trái lại, “những lời này dường như chỉ là một câu chuyện ngồi lê đôi mách” (c. 11). Như vậy là có sự nghi ngờ trong lòng Phêrô, cùng với rất nhiều lo âu khác: nỗi buồn vì cái chết của Thầy kính yêu và vỡ mộng vì đã chối Người ba lần trong cuộc thương khó.
Tuy nhiên, vẫn có một cái gì đó cho thấy có một sự thay đổi trong lòng ông: sau khi nghe những người phụ nữ và từ chối không chịu tin họ “Phêrô bật dậy” (câu 12). Ông không còn an nhiên trong tư tưởng; ông không ở nhà như những người khác. Ông không chịu nổi bầu không khí ảm đạm của những ngày đó, ông cũng đã bị choáng ngợp bởi những nghi ngờ của mình. Ông đã không buông mình đắm chìm trong ân hận, sợ hãi hay những tin đồn liên tục chẳng đi đến đâu. Ông đã tìm kiếm Chúa Giêsu, chứ không phải chính mình. Ông thích con đường của gặp gỡ và tin tưởng. Và như vậy, ông đứng bật dậy, hăng hái như trước, và chạy nhanh về phía ngôi mộ là nơi từ đó ông sẽ trở về lòng đầy “kinh ngạc” (c. 12). Điều này đánh dấu sự khởi đầu của sự phục sinh của Phêrô, sự sống lại của trái tim ông. Không buông mình trong buồn sầu hay bóng tối, ông hy vọng: ông để cho ánh sáng của Thiên Chúa đi vào trái tim mình, không che kín nó.
Cả những người phụ nữ, là những người đã đi ra ngoài vào buổi sáng ban mai để thực hiện một công việc của lòng thương xót, khi lấy dầu thơm mang đến mồ, cũng có những kinh nghiệm tương tự. Họ “sợ hãi và cúi gầm xuống đất”, nhưng họ rúng động sâu xa bởi những lời các thiên thần: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Câu 5.).
Như Phêrô và những người phụ nữ, chúng ta không thể khám phá ý nghĩa cuộc sống bằng thái độ buồn bã, hoàn toàn tuyệt vọng. Xin đừng giam cầm chính mình bên trong chúng ta, nhưng hãy phá vỡ mở ngôi mộ kín của chúng ta với Chúa để Ngài có thể bước vào và ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta hãy trao cho Ngài tảng đá hận thù của chúng ta và các tảng đá của quá khứ, những gánh nặng của yếu đuối và sa ngã của chúng ta. Đức Kitô muốn đến và nắm tay chúng ta để đưa chúng ta ra khỏi nỗi sầu của chúng ta. Đây là viên đá đầu tiên cần phải được di chuyển sang một bên đêm nay: đó là tâm lý thiếu hy vọng đã giam cầm chúng ta bên trong chính mình. Nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy này, khỏi cái tình trạng là Kitô hữu mà chẳng có chút hy vọng nào, là Kitô hữu mà sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể những vấn đề của chúng ta mới là trung tâm đời sống chúng ta.
Chúng ta thấy và sẽ tiếp tục thấy những vấn đề cả trong lẫn ngoài. Lúc nào cũng có những vấn đề. Nhưng đêm nay, điều quan trọng là hãy để ánh sáng của Chúa Phục Sinh chiếu rọi lên các vấn đề của chúng ta, và trong một nghĩa nào đó, hãy “rao giảng Tin Mừng” cho chúng. Xin đừng để cho bóng tối và sợ hãi đánh lạc hướng chúng ta và kiểm soát chúng ta; chúng ta phải gào to lên với chúng: Chúa “không ở đây, nhưng đã sống lại!” (câu 6.). Ngài là niềm vui lớn nhất của chúng ta; Ngài luôn luôn ở bên cạnh chúng ta và sẽ không bao giờ làm ta thất vọng.
Đây là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, chứ không chỉ là thái độ lạc quan, cũng chẳng phải là thái độ tâm lý hoặc lòng ao ước muốn được can đảm. Hy vọng Kitô giáo là một ân sủng Chúa ban cho chúng ta nếu chúng ta ra khỏi chính mình và mở rộng lòng mình với Ngài. Niềm hy vọng này không làm chúng ta thất vọng vì chính Chúa Thánh Thần đã gieo nềm hy vọng ấy vào lòng chúng ta (Rm 5: 5). Đấng Bào Chữa không làm cho mọi thứ trông hấp dẫn. Ngài không loại bỏ cái ác với một cây đũa thần. Nhưng Ngài đổ vào chúng ta sức sống cho một cuộc đời không phải là không có những vấn đề, nhưng có một sự chắc chắn là chúng ta luôn luôn được yêu mến và tha thứ bởi Chúa Kitô, Đấng vì chúng ta đã chiến thắng tội lỗi, sự chết và sự sợ hãi. Hôm nay là lễ của niềm hy vọng của chúng ta, của những kỷ niệm về sự thật này: không có gì và không một ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (Rm 8:39).
Chúa đang sống và muốn được tìm kiếm giữa những người sống. Sau khi tìm thấy Ngài, mỗi người được Người gửi đi công bố thông điệp Phục Sinh, để thức tỉnh và làm sống lại hy vọng nơi những tâm hồn bị đè nặng bởi ưu phiền, nơi những ai cố gắng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Điều này, hiện nay rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta không được công bố chính mình. Thay vào đó, là tôi tớ hân hoan của niềm hy vọng, chúng ta phải công bố Đấng Phục Sinh bằng cuộc sống và tình yêu của chúng ta; nếu không chúng ta sẽ chỉ là một tổ chức quốc tế có đông đảo các tín đồ với những luật lệ tốt đấy, nhưng không có khả năng đưa ra niềm hy vọng mà thế giới đang chờ đợi.
Làm thế nào chúng ta có thể tăng cường niềm hy vọng của chúng ta? Phụng vụ đêm nay đưa ra một số hướng dẫn. Phụng Vụ dạy cho chúng ta phải nhớ đến những kỳ công của Thiên Chúa. Các bài đọc mô tả sự trung tín của Thiên Chúa, và lịch sử tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Lời Hằng Sống của Thiên Chúa có thể lôi cuốn chúng ta vào trong lịch sử tình yêu này, nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta và đổi mới niềm vui của chúng ta. Tin Mừng cũng nhắc nhở chúng ta điều này: để nhen nhóm hy vọng trong trái tim của những người phụ nữ, thiên thần nói với họ: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà” (câu 6.). Đừng quên lời nói và những kỳ công của Ngài, nếu không chúng ta sẽ đánh mất hy vọng. Trái lại, chúng ta hãy nhớ đến Chúa, sự tốt lành và những lời ban sự sống của Người là những điều đã làm chúng ta xúc động. Chúng ta hãy nhớ đến những điều đó và biến chúng ta trở thành những tuần canh của hừng đông, những người biết làm thế nào để giúp người khác nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa Phục Sinh.
Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô đã sống lại! Chúng ta hãy mở lòng chúng ta cho hy vọng và hãy tiến ra. Nguyện xin cho ký ức về các kỳ công và lời nói của Người là ánh sao sáng soi bước cho chúng ta trên những nẻo đường đức tin hướng về một lễ Phục sinh vĩnh cửu.