Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bài Phúc Âm tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”
Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”
Trong ngày đau khổ và đớn đau này, hai người bị đóng đinh ấy không nói gì khác, nhưng vài lời thốt lên từ trong cổ họng khô kiệt của họ vang dội đến ngày nay. Những lời này còn tiếp tục vang dội như một dấu chỉ của hy vọng và ơn cứu độ cho những ai đã phạm tội nhưng cũng đã tin và tín thác ngay cả trước đường biên cuối cùng của cuộc đời.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Đức Thánh Cha Phanxicô đang nằm phủ phục trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô. Lúc này là 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 25 tháng Ba.
Trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu, hơn 40 Hồng Y và 50 Giám Mục trong giáo triều Rôma, Đức Thánh Cha đang quì gối trong thinh lặng, trước khi mở đầu với lời nguyện, xin Chúa nhớ lại lòng từ bi và đoái thương, bảo vệ gia đình mà Chúa Kitô, Con Chúa, đã khai mạc mầu nhiệm vượt qua cho họ trong máu của Người.
Giờ đây cộng đoàn đang lắng nghe bài Thương Khó.
Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng từ hơn 35 năm nay, đã diễn giảng về chủ đề ”Anh chị em hãy để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa”, một câu trích từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Corinto. Cha nhận xét rằng: ”Lời mời gọi này không nói về sự hòa giải lịch sử trên thập giá, hoặc hòa giải trong bí tích, nhưng là sự hòa giải hiện sinh và bản thân cần thực hiện trong hiện tại. Lời mời này được gửi đến các tín hữu Kitô thành Corinto và đến chúng ta ngày nay. Và thời điểm thuận tiện hiện nay đối với chúng ta là Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang sống.”
Vị Giảng thuyết đặc biệt nhấn mạnh đến tương quan giữa lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa: misericordia và giustizia. Sự công chính ở đây không hiểu theo nghĩa công lý, thưởng phạt mỗi người, nhưng như thánh Augustino đã dạy: ”Giustizia, sự công chính của Thiên Chúa là điều nhờ đó, với ân sủng của Ngài, chúng ta trở nên công chính, giống như ”ơn cứu độ của Chúa” (Tv 3,9) là điều qua đó Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Nói khác đi, sự công chính của Thiên Chúa là hành vi qua đó Thiên Chúa làm cho những người tin nơi Chúa Con được trở nên công chính, làm đẹp lòng Ngài. Đây không phải là thi hành công lý, nhưng là làm cho trở nên công chính”.
Cha Cantalamessa đã nhắc đến sự khám phá của Luther về điểm này và trước đó chính thánh Phaolô đã viết trong thư gửi Tito: ”Khi lòng từ nhân của Thiên Chúa và tình thương của Ngài đối với loài người được tỏ hiện, Ngài đã cứu vớt chúng ta không phải nhờ những việc làm công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng thương xót của Chúa (Tt 3,4-5). “Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vì tình yêu cao cả mà Ngài đã thương chúng ta, trước kia chúng ta đã chết vì tội lỗi, Chúa đã làm cho chúng ta được hồi sinh với Đức Kitô, nhờ ơn thánh anh chị em đã được cứu rỗi” (Ep 2,4).
Cha Cantalamessa khẳng định rằng đối nghịch với lòng thương xót không phải là sự công chính, giustizia, nhưng là sự báo thù. Thiên Chúa không từ bỏ sự công chính, nhưng từ bỏ sự báo thù; Ngài không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn họ hoán cải và được sống (Xc Ez 18,23). Chúa Giêsu trên thánh giá đã không xin Chúa Cha báo thù cho Ngài”.
Vị giảng thuyết cũng nói rằng: ”Sự oán thù và tàn bạo của các vụ khủng bố tuần này ở Bruxelles giúp chúng ta hiểu sức mạnh của Chúa chứa đựng trong những lời cuối cùng của Chúa Kitô: ”Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34). Dù sự oán ghét của con người có thể đẩy xa tới đâu đi nữa, tình thương của Thiên Chúa đã và sẽ luôn mạnh hơn. Trong những hoàn cảnh hiện nay, lời nhắn nhủ của thánh Phaolô được gửi đến chúng ta: 'Anh em đừng để sự ác chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự ác bằng điều thiện” (Rm 12,21).
Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.
Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.