Vatican: Trong tuần vừa qua, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phá tiền lệ đến sự thống lãnh của nam giới qua hàng thế kỷ, khi Ngài bổ nhiệm 3 phụ nữ trong chức vụ quan trọng tại các cơ quan trong Giáo Triều Vatican.
Vào ngày 6/3, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm 1 nữ tu và 1 giáo dân đầu tiên vào Ủy Ban Thần Học Quốc Tế là một nhóm có uy tín để đệ trình ý kiến lên Đức Giáo Hoàng về các vấn đề về thần học.
Ba ngày sau, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Bà Mary Ann Glendon, là giảng sư tại Viện Đại Học Luật Khoa Harvard- Hoa Kỳ làm chủ tịch Học Viện Giáo Hoàng về Khoa Học Xã Hội
Cùng trong tuần, đánh dấu cho ngày Quốc Tế Nữ Giới, Tòa Thánh đã nói với Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng phụ nữ đáng được hưởng sự đồng quyền thực sự trong mọi lãnh vực trong đời sống xã hội kể cả sự tiến bộ trong nghề nghiệp.
Việc bổ nhiệm đổi mới của Tòa Thánh Vatican đã được hoan hỉ như là một dấu chỉ thời đại.
Theo nữ tu Sharon Holland một phụ nữ giữ chức vụ cao nhất trong giáo triều Vatican cho biết: “Tôi nghĩ đó là điều tốt. Chính Đức Giáo Hoàng đã tiếp tục kêu gọi đến sự can dự nhiều hơn nữa của phụ nữ trong nhiều lãnh vực, bao gồm đến quyền đưa ra quyết định và Ngài đã áp dụng điều đó”.
Thế nhưng những bổ nhiệm mới vẫn còn là những luật trừ. Trong số khoảng 400 người làm việc trong các chức vụ điều hành, chuyên nghiệp và nhân viên kỹ thuật tại 10 cơ quan quan trọng nhất tại Vatican, thì chỉ có 38 người là phụ nữ. Trong số 35 vị đứng đầu trong các văn phòng tại các cơ quan này thì không có ai là phụ nữ.
Tại sao nữ giới không được giữ vai trò tốt hơn, đặc biệt là trong những chức vụ hàng đầu?
Một phần để trả lời cho câu hỏi này là vì theo truyền thống. Thật vậy qua hàng thế kỷ, các Đức Hồng Y là những vị giúp Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo Hội Hoàn Vũ. Mặc dầu Giáo Triều Roma ngày nay được mở rộng với hằng trăm giáo sĩ, thế nhưng luật lệ vẫn quy định rằng các Đức Hồng Y hay các Đức Giám Mục phải giữ 2 chức vụ cao nhất trong các cơ quan chính.
Trước khi để cho nữ giới phá hàng rào trong bậc thang chức vụ của “tất cả nam giới” tại giáo triều thì có lẽ điều trước tiên là Giáo Hội phải chấp nhận để cho những người Công Giáo không có chức thánh đi vào làm việc những cơ quan này. Và đó là những vấn đề nóng bỏng được bàn tới bên trong Tòa Thánh Vatican.
Tranh luận thường được đưa ra rằng các viên chức trong Giáo Triều Roma là những người có quyền tài phán và điều hành trong giáo hội bắt nguồn từ những người có chức thánh, cho nên giáo dân không thể nào nắm giữ vai trò này. Các ngài thường dẫn chứng theo giáo luật số 129 tiết 1 nói rằng: “Quyền cai trị trong Giáo Hội là do thiên định, và cũng được gọi là quyền tài phán. Chủ thể có năng cách của quyền ấy là những người có chức thánh, chiếu theo qui tắc luật định”.
Nhưng cũng chiếu theo Giáo Luật 192 tiết 2 nói rằng: “Trong việc hành sử quyền ấy, các giáo dân có thể cộng tác theo qui tắc của luật”.
Theo một chuyên gia về Giáo Luật tại Roma nói rằng: “Ôi thật là tối nghĩa. Có thể chắc chắn đưa ra luận lý cho rằng phục vụ trong chức vụ Thư ký hay phó thư ký trong các Bộ tại Vatican cũng là một hình thức cộng tác”.
Nữ Tu Holland, một nữ tu thuộc Dòng Nữ Tỳ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria là một trong 4 người lãnh đạo trong văn phòng thuộc Bộ lo về Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Tông Đồ nói rằng, chức vụ Thư Ký là chức vụ số 2 trong hầu hết các Bộ và các cơ quan tại Vatican, và những chức vụ này thường dành cho các Giám Mục theo luật lệ hiện hành của Tòa Thánh Vatican.
Nhưng nữ tu Holland nói thêm rằng câu hỏi được đặt ra là liệu có một người nam không có chức thánh hay một phụ nữ có thể giữ chức vụ thứ 3 là chức phó thư ký trong 9 cơ quan chính của Giáo Triều tức là các Bộ của Tòa Thánh hay không?.
Vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Nhưng trong vòng vài năm qua giáo dân đã âm thầm được bổ nhiệm vào giáo triều Vatican. Thí dụ như giáo dân đã lãnh chức vụ phó thư ký tại hai Hội Đồng Giáo Hoàng là cơ quan thấp hơn các Bộ, đó là Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Giáo Dân và Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội.
Theo chuyên gia về giáo luật cũng tự hỏi: “Vẫn không có lý do tại sao phụ nữ lại không được giữ những chức vụ giống như thế”.
Tại sao không có nhiều phụ nữ làm việc tại Vatican?
Hiển nhiên một điều, tiến trình thâu nhận vẫn thiên về các linh mục, là những vị thường được đề nghị bởi vị giám mục hay các viên chức khác trong giáo hội. Tòa Thánh không hề đăng quảng cáo tìm người cũng như không có ai đó lại gởi quá trình lý lịch tới Vatican để xin việc.
Bộ ngoại giao Tòa Thánh vẫn duy trì tất cả thành viên là nam giới và tất cả đều là giáo sĩ. Lý do là vì đại diện Tòa Thánh tại các quốc gia, thêm vào đó các giáo sĩ ngoại giao Vatican còn hành động như vị đại diện Đức Thánh Cha tại các giáo hội địa phương và như thế phải có chức thánh.
Phần lớn phụ nữ đã làm việc tại Vatican trong các văn phòng mới được thành lập kể từ khi có Công Đồng Chung Vaticanô II và tại các cơ cấu của Tòa Thánh về văn hóa và hàn lâm viện. Trong 11 Hội Đồng Giáo Hoàng, số phụ nữ làm việc chiếm 35% thường đặc trách các vấn đề liên quan đến y tế, di dân và đại kết.
Một nữ tu trong chức vụ quan trọng tại Giáo Triều cho biết tài năng của nữ giới dần dần đã được Tòa Thánh cảm kích, thế nhưng không có nghĩa là nữ giới được đối xử như nam giới. “Một điều tuyệt diệu đối với giáo hội là các ngài không tìm cách buộc chúng tôi vào vai trò của nam giới để mà đánh giá. Nếu quý vị là một phụ nữ trong một tập thể trên thế giới, quý vị phải trở nên giống một người đàn ông”.
Những phụ nữ mới được bổ nhiệm là ai?
1. Nữ Tu Sara Butler 65 tuổi, thuộc Dòng Nữ Tỳ Thừa Sai Rất Thánh Ba Ngôi, chuyên dạy thần học tín lý tại chủng viện Thánh Giuse thuộc Tổng Giáo Phận Nữu Ước được bổ nhiệm vào trong Ủy Ban Thần Học Quốc Tế. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế được thành lập từ năm 1969 chuyên nghiên cứu đến những vấn đến quan trọng về tín lý, giúp Đức Giáo Hoàng và Bộ Giáo Lý Đức Tin. Nữ tu cũng là thành viên trong Ủy Ban Quốc Tế giữa Công Giáo và Anh Giáo.
Nữ Tu Butler đã một thời là người đề xướng đến việc thụ phong cho nữ giới, nhưng nữ tu đã thay đổi ý kiến vào cuối thập niên 1970 vì sự “trở về có trí thức” trong khi đang nghiên cứu về đề tài này. Từ năm 1984 đến năm 1992, nữ tu là người cố vấn trách nhiệm soạn bản thảo cho lá thư mục vụ của Giám Mục Hoa Kỳ đến những liên quan tới nữ giới. Thời gian làm việc với ủy ban được coi là những kinh nghiệm đã dẫn đến cuộc cách mạng tư tưởng của nữ tu.
2. Bà Barbara Hallensleben, người Đức nguyên là giảng sư thần học tín lý tại Đại Học Friourg, Switzerland. Bà đã viết sách về tôn giáo và văn hóa tại Đông Âu. Bà cũng đã từng làm việc đến các vấn đề giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo.
3. Bà Mary Ann Glendon, một giảng sư tại phân khoa luật của Đại Học Harvard lừng danh tại Hoa Kỳ, đuợc bổ nhiệm làm chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về khoa học xã hội. Bà Glendon năm nay 65 tuổi đã là thành viên của Hàn Lâm Viện này kể từ khi được thành lập vào năm 1994.
Hàn Lâm Viện đặt trọng tâm trên các vấn đề có liên quan đến khoa học xã hội, kinh tế, chính trị và luật pháp. Mặc dầu tự trị nhưng các công việc của Viện Hàn Lâm được bàn thảo với Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình.
Bà Glendon cũng là một phụ nữ đầu tiên cầm đầu phái đoàn tới Hội Nghị chính của Liên Hiệp Quốc; thật vậy Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm bà dẫn đầu phái đoàn Vatican đến tham dự Hội Nghị về Phụ Nữ tại Bắc Kinh vào năm 1995 do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Tưởng cũng cần nhắc lại là trong dịp đó, Đức Thánh Cha cũng cắt đạt một nữ tu Việt Nam là Sơ Bề Trên Mến Thánh Giá Phát Diệm, Sr Ann Nguyễn thị Thanh làm thành phần trong Phái Đoàn của Bà Glendon.
Những nghiên cứu của bà Glendon đặt trọng tâm đến sinh học, nhân quyền, nguyên lý luật pháp và hiến pháp tương đối. Từ năm 2001, Bà đã giữ chức vụ trong Hội Đồng cố vấn của Tổng Thống Bush về sinh học.
Ngoài công việc giảng dạy tại Đại học Harvard, bà cũng là giảng sư được mời viếng thăm tại Đại Học Gregorian của Dòng Tên và tại Regina Apostolorumn Athenaum, cả hai đều ở tại Roma.