Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. 32 tân ngự lâm quân tuyên thệ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hằng năm, vào ngày 06 tháng 05, đội Vệ binh Thụy Sĩ kỷ niệm việc 147 ngự lâm quân hy sinh tính mạng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII trong vụ “cướp phá Rôma” vào năm 1527.

Để tưởng nhớ cái chết anh dũng của các vệ binh, hàng năm việc tuyên thệ trọng thể của các tân binh được tổ chức đúng vào ngày này. Năm nay, có 32 tân ngự lâm quân tuyên thệ vào buổi chiều cùng ngày trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa.

Từ năm 1970 các vệ binh Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần mang tính nghi lễ, họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới.

Vai trò của Vệ binh Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Mới đây ít ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt họ ở vị trí rất đẹp. Ngài đã dành cho các vệ binh lời chào đầy thương mến và tri ân. Ngài nói: 'Giáo Hội yêu thương anh em thật nhiều… và tôi cũng vậy '.

Trong buổi tiếp kiến diễn ra vào hai ngày trước đó, Đức Thánh Cha đã căn dặn các ngự lâm quân phải năng lần chuỗi Mân Côi và phải luôn mang theo sách Phúc Âm.

Đức Thánh Cha nói:

“Những gì tôi nói với tất cả mọi người, tôi cũng muốn nói với anh em: hãy luôn luôn mang theo một sách Phúc Âm nhỏ, hãy đọc Kinh Thánh khi nào anh em có chút thời gian thanh thản. Kinh Thánh sẽ giúp anh em trong việc cầu nguyện cá nhân của mình, đặc biệt là năng đọc kinh Mân Côi khi canh gác”.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi các ngự lâm quân “nuôi dưỡng một tình bạn có ý nghĩa, vì anh em làm việc rất gần gũi với tôi.”

2. Nepal bị động đất lần thứ hai, trực thăng cứu trợ của Hoa Kỳ mất tích

Tối thiểu 69 người chết và hàng ngàn người bị thương trong vụ động đất lần thứ hai tại Nepal diễn ra vào lúc 12:35 giờ địa phương.

Tâm chấn động nằm cách thủ đô Kathmandu 76km trong vùng hoang vu gần biên giới với Trung quốc. Trận động đất thứ hai có cường độ nhẹ hơn là 7.3 độ Richter so với 7.8 độ Richter của trận động đất lần thứ nhất diễn ra hôm 26 tháng Tư. Tuy nhiên, tâm chấn động nằm gần thủ đô Kathmandu hơn.

Chấn động có thể cảm thấy rất mạnh ở Ấn Độ, Bangladesh và Tây Tạng. Bộ Nội Vụ Ấn cho biết 17 người Ấn tại bang Bihar bị thiệt mạng và một người nữa tại bang Uttar Pradesh. Trung quốc cho biết có một người bị thiệt mạng tại Tây Tạng.

Nhiều nhà cửa tại Kathmandu sụp đổ trong khi dân chúng tràn ra đường kêu la thất thanh.

Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc là Trung Tá Steve Warren cho biết một chiếc trực thăng UH1 của Hoa Kỳ chở 6 quân nhân thủy quân lục chiến Mỹ và hai người Nepal được ghi nhận là mất tích.

Phát ngôn viên chính phủ Nepal là ông Minendra Rijal cho biết là 32 trong tổng số 75 quận của Nepal bị thiệt hại, 1261 người Nepal được ghi nhận là bị thương cùng với ít nhất là 50 người bị thiệt mạng trong trận động đất hôm thứ Ba.

3. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha tại Ecuador

Hôm thứ Sáu 8 tháng 5, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại 3 nước Ecuador, Bolivia và Paraguay từ ngày 5 đến 13 tháng Bẩy năm nay.

Đức Thánh Cha sẽ rời Roma lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 5 tháng Bẩy để bay tới Quito, thủ đô Ecuador lúc 3 giờ chiều.

- Ngày hôm sau, thứ hai 6 tháng Bẩy, ngài sẽ rời thủ đô để bay tới thành phố Guayaquil để cử hành thánh lễ lúc 11.15 tại quảng trường trước Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót.

Sau thánh lễ ngài sẽ dùng bữa lúc 2 giờ chiều với cộng đoàn dòng Tên và đoàn tùy tùng, trước khi đáp máy bay lúc 5 giờ 10 phút chiều để trở về thủ đô Quito khoảng 6 giờ chiều, rồi đến viếng thăm Tổng thống Ecuador tại dinh Carondelet. Sau đó ngài đến viếng nhà thờ chính tòa Quito.

- Thứ ba, 7 tháng Bẩy, lúc 9 giờ sáng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Ecuador tại Trung tâm hội nghị ở “Công viên 200 năm”, rồi cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Công viên này.

Ban chiều vào lúc 4 giờ rưỡi, ngài sẽ gặp gỡ giới học đường và đại học tại Đại học Công Giáo Ecuador. Tiếp đến lúc 6 giờ, Đức Thánh Cha sẽ gặp xã hội dân sự ở nhà thờ thánh Phanxicô trước viếng thăm thăm thánh đường của dòng Tên.

- Thứ tư, 8 tháng Bẩy, lúc 9 giờ rưỡi sáng, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nhà Dưỡng Lão của các nữ tu thừa sai bác ái, rồi gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và chủng sinh lúc 10 giờ rưỡi tại Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc “El Quinche”.

Nhà thờ chánh tòa của thủ đô Quito, Ecuador

4. Đức Thánh Cha tiếp các trẻ em thuộc phong trào Kiến Tạo Hoà Bình

Sáng thứ Hai 11 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm khoảng 7000 trẻ em tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Chủ đề của cuôc gặp gỡ đặc biệt này là hòa bình: làm thế nào để kiến tạo hòa bình, và làm thế nào để gìn giữ hòa bình. Cuộc gặp gỡ đã được tài trợ bởi phong trào Fabbrica della pace – nghĩa là “Kiến tạo hòa bình” - một tổ chức liên ngành, phi chính phủ nhằm thúc đẩy sự hội nhập, sự hiểu biết đa sắc tộc và đa văn hóa thông qua giáo dục, bắt đầu từ những năm tiểu học.

Trong cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi từ các vị khách trẻ tuổi của ngài bao gồm một phạm vi bao quát các chủ đề từ sự hòa thuận trong gia đình ngài, đến lý do tại sao những người có quyền có thế thường không mấy quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và những người đau khổ - đặc biệt là những chủ đề có tính giáo dục như làm sao để làm hòa với bạn khi bạn khăng khăng từ chối làm hòa với mình, bất chấp những cố gắng của các em.

Đức Thánh Cha đã kết thúc cuộc gặp gỡ với các em bằng một lời mời gọi hoán cải, mà ngài đưa ra như là một thỉnh cầu với mỗi người có mặt - trẻ cũng như già, bao gồm cả chính ngài- đó là hãy thực hiện một số thay đổi nho nhỏ cho tốt hơn trong thái độ hay hành vi.

Đức Thánh Cha nói:

“Bất cứ khi nào chúng ta cùng nhau làm một điều gì đó, một điều tốt, một điều đẹp thì tất cả chúng ta mỗi người đều thay đổi một cách nào đó, và điều này là tốt cho chúng ta.”

5. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 200 năm Lễ Đăng Quang của Đức Mẹ Từ Bi

Chúa Nhật 10 tháng 5 đánh dấu đúng 200 năm Lễ Đăng Quang của Đức Mẹ Từ Bi do Đức Thánh Cha Piô Đệ Thất cử hành vào ngày 10 tháng 5 năm 1815 tại thành phố cảng Savona. Dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi sứ điệp cho Đức Giám Mục Vittorio Lupi của giáo phận Savona-Noli, trong đó Đức Thánh Cha cầu xin sự bảo vệ đặc biệt của Đức Mẹ trong Năm Thánh Từ Bi mà ngài vừa công bố.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Từ Bi được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 16 (cụ thể là khởi công năm 1536 và hoàn tất 4 năm sau đó là năm 1540) nhằm tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, và kỷ niệm biến cố Đức Mẹ hiện ra với một nông dân tên là Antonio Botta vào ngày 18 tháng 3 năm 1536. Địa điểm này nhanh chóng trở thành một điểm hành hương, và bức tượng của Đức Trinh Nữ được dựng lên trong đền thờ đã được Đức Giáo Hoàng Piô VII đội một vương miện bằng vàng trong Lễ Đăng Quang ngày 10 tháng Năm năm 1815.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết trong sứ điệp “Tôi hy vọng rằng, khi chúng ta tiến gần đến Năm Thánh ngoại thường, sự tin tưởng của chúng ta vào Mẹ Đầy Lòng Thương Xót có thể được đào sâu và lan rộng ra khắp toàn thể Giáo Hội.”

6. Đức Hồng Y Amato khẳng định thông điệp Fatima vén lên bức màn của thế kỷ vừa qua và là bước ngoặt trong triều đại của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Trong một diễn từ khá dài, Đức Hồng Y Angelo Amato, tổng trưởng Bộ Phong Thánh, khẳng định rằng “không có bí mật thứ tư cũng chẳng có bí mật nào khác nữa”. Ngài đưa ra tuyên bố trên hôm 7 tháng Năm tại Đại học giáo hoàng Antonianum nhân một cuộc hội thảo về những cuộc hiện ra tại Fatima của Đức Mẹ.

Theo Đức Hồng Y, khi bước vào thế kỷ 20, nhân loại đã tràn trề hy vọng đó sẽ là thời điểm “của lý trí và của tình anh em”, nhưng thay vào đó, họ đã nhìn thấy sự khởi đầu của một kỷ nguyên bách hại Kitô giáo, “nạn diệt chủng người Armenia, sự bách hại người Công Giáo tại Mễ Tây Cơ, cuộc tàn sát kinh hoàng người Công Giáo tại Tây Ban Nha, các cuộc tàn sát của Đức quốc xã nhắm vào người Do Thái, trào lưu cộng sản bùng nổ trên toàn cầu và thẳng tay bách hại Kitô Giáo, và, trong phần đầu của thiên niên kỷ thứ ba, là tình cảnh các tín hữu Kitô bị khủng bố Hồi giáo đàn áp”

Đức Hồng Y khẳng định rằng:

“Thông điệp Fatima gợi lên thảm kịch này một cách thị kiến, vén lên tấm màn che trên các sự kiện lịch sử cụ thể” trong đó sự Quan Phòng của Thiên Chúa chống lại ý chí tàn ác của Satan.

Đức Hồng Y Angelo Amato nguyên là tổng thư ký của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã thảo luận các nội dung và lịch sử các cuộc hiện ra ở Fatima, bao gồm cả việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Maria và việc kính Đức Mẹ ngày Thứ Bẩy đầu tháng. Sau khi ôn lại lịch sử của bí mật thứ ba, Đức Hồng Y Amato cho biết Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đọc bí mật thứ ba sau vụ mưu sát ngài vào tháng Năm năm 1981; và đó là “bước ngoặt quyết định trong triều đại giáo hoàng của Ngài.”

Đức Hồng Y nhắc lại rằng hồi đó Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria tại Rôma vào tháng Sáu năm 1981 và một lần nữa tại Fatima vào năm sau đó. Năm 1984, “kết hiệp thiêng liêng với tất cả các giám mục trên thế giới,” Đức Giáo Hoàng một lần nữa giao phó thế giới cho Đức Maria, và “hành động thánh hiến trang trọng và hoàn vũ này” là thể theo “ý của Đức Mẹ”. Chị Lucia, người đã được thấy Đức Mẹ tại Fatima đã khẳng định như trên trong một bức thư năm 1989.

Đức Hồng Y cũng nhắc lại là vào năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ra lệnh công bố bí mật thứ ba, trong đó một vị Giáo hoàng bị ám sát. “Chị Lucia đã đề cập đến việc Đức Mẹ bảo vệ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ rằng 'chính là bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ đã đưa đường đạn trệch đi và Đức Giáo Hoàng đã dừng lại ở ngưỡng cửa của cái chết.”

Sau khi nhắc lại lời bình luận Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, về bí mật thứ ba, Đức Hồng Y Amato nói rằng “bàn tay từ mẫu của Đức Mẹ, bàn tay đã đưa đầu đạn trệch đi để không giết Đức Giáo Hoàng, cho thấy không có định mệnh không thể thay đổi; và sức mạnh của đức tin và lời cầu nguyện có thể ảnh hưởng đến lịch sử: lời cầu nguyện mạnh hơn súng đạn”

Đức Hồng Y Amato kết luận bằng cách đưa ra hai điều đáng suy nghĩ này:

Thứ nhất, “bí mật Fatima vén mở bức màn cho thấy sự đối kháng thực sự, trên bình diện bản chất và hành động, giữa một bên là Đức Maria, là Đấng thánh thiện và là người hợp tác hiệu quả của Chúa Kitô; và bên kia là kẻ thù của sự thiện, là con rắn (Gn. 3: 14 -15), con rồng đỏ, Satan, ma quỷ (Khải Huyền 12: 1-9), các kẻ phản Kitô (1 Gn 2:18; 2 Ga 1: 7).

Thứ hai, thông điệp của Fatima là một lời mời gọi mạnh mẽ hướng đến sự thiện, và đặc biệt là sự nên thánh và sự tha thứ, là điều đòi hỏi “sự hy sinh và hãm mình.”

7. Công bố qui chế Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em

Hơn 1 năm sau khi được thành lập, từ ngày 8 tháng Năm vừa qua Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em đã có một qui chế, có giá trị thử nghiệm trong vòng 3 năm.

Đức Thánh Cha đã ký tự sắc ngày 22-3 năm 2014 thành lập Ủy ban và nay, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, theo ủy nhiệm của Đức Thánh Cha, đã ký và công bố Qui chế, theo đó Ủy ban này là một cơ quan tư vấn cho Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ trẻ em, chống nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, và đề nghị với ngài những biện pháp và sáng kiến cần được thi hành trong Giáo Hội hoàn vũ.

Ủy ban có tối đa 18 thành viên, được coi là một tổ chức độc lập, gắn liền với Tòa Thánh, có tư cách pháp nhân và trụ sở cũng như văn khố ở nội thành Vatican. Khi soạn thảo những đề nghị với chất liệu có liên quan tới thẩm quyền của các cơ quan khác trong Giáo Hội thì vị Chủ tịch với sự giúp đỡ của vị Tổng thư ký mau lẹ tham khảo ý kiến các văn phòng có thẩm quyền về việc bảo vệ trẻ vị thành niên trong các giáo phận, HĐGiám Mục, Hội đồng các dòng tu, và cơ quan Tòa Thánh có thẩm quyền. Sự tham khảo ý kiến này được chia sẻ với các thành viên của Ủy ban.

Vị chủ tịch và các thành viên được Đức Thánh Cha bổ nhiệm với nhiệm kỳ 3 năm, và có thể được tái bổ nhiệm. Các thành viên phải giữ bí mật về công việc của Ủy ban.

Ủy ban nhóm khóa họp toàn thể một năm 2 lần, và nếu có 2 phần 3 thành viên yêu cầu, thì vị Chủ tịch có thể triệu tập khóa họp ngoại thường, và cũng có thể họp qua các phương tiện viễn liên (videoconference).

Hiện nay, vị chủ tịch Ủy ban là Đức Hồng Y Sean O'Malley, dòng Capuchino, TGiám Mục giáo phận Boston, Hoa Kỳ và trong số 17 thành viên Ủy ban hiện nay có 7 phụ nữ, 5 linh mục, 5 giáo dân. Họ là chuyên gia thuộc các ngành như tâm lý trị liệu, trợ tá xã hội, thần học gia, luật gia. Có hai người nguyên là nạn nhân đã bị lạm dụng tính dục. nhân đã bị lạm dụng tính dục. Vị tổng thư ký là Đức Ông Robert W. Oliver người Mỹ, đương nhiên là thành viên Ủy ban.

Trong khóa họp đầu tiên hồi đầu tháng 2 năm nay, Ủy ban đề nghị xác định và cải tiến vấn đề trách nhiệm của những Giám Mục che đậy những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Ngoài ra, Ủy ban cũng dự tính đề nghị thiết lập ngày cầu nguyện cho các nạn nhân bị lạm dụng.

8. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Mozambique

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-5-2015, dành cho 16 Giám Mục nước Mozambique, Đức Thánh Cha khích lệ các vị tăng cường mục vụ tại những miền “ngoại ô” của giáo phận và của cuộc sống con người.

Trong bài huấn dụ trao cho các vị, Đức Thánh Cha viết “Anh em thân mến trong hàng Giám Mục, Anh em hãy đi vào lòng cộng đoàn tín hữu của anh em, cả trong những khu ngoại ô của giáo phận thuộc quyền và trong mọi “cảnh vực bên lề” của cuộc sống, nơi có nhiều đau khổ, cô đơn và lầm than của con người. Giám Mục nào sống giữa đoàn chiên của mình, thì có đôi tai rộng mở để lắng nghe “những gì Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Hội” (Kh 2,7) và tiếng nói của đoàn chiên, kể cả việc lắng nghe qua các cơ quan của giáo phận có nhiệm vụ cố vấn cho anh em, như hội đồng linh mục, Hội đồng mục vụ và Hội đồng kinh tế. Không thể tưởng tượng được một Giám Mục giáo phận mà không có các tổ chức giáo phận như thế.”

Đức Thánh Cha cũng mời gọi các Giám Mục Mozambique đầu tư nhiều hơn vào việc giáo dục giới trẻ. Ngài khẳng định rằng: “Những căng thẳng và xung đột đã làm hư hỏng các tế bào xã hội, gia đình bị tan vỡ và nhất là tương lai của hàng ngàn người trẻ bị thiệt hại. Cách hữu hiệu nhất để chống lại não trạng kiêu căng và sự bất bình đẳng, cũng như những chia rẽ xã hội, là đầu tư vào lãnh vực huấn luyện, dạy cho giới trẻ cách suy tư trong tinh thàn cảnh giá, phê bình, và cống hiến cho họ một hành trình trưởng thành trong các giá trị' (E.G, 64)

Nước Mozambique rộng gần 800 ngàn cây số vuông với gần 24 triệu 400 ngàn dân cư, đa số còn theo các đạo cổ truyền và có 27,6% tức là gần 6 triệu 750 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 12 giáo phận.

9. Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám Mục Mali thăng tiến gia đình và phụ nữ

Trong buổi tiếp kiến các Đức Giám Mục nước Mali sáng 7-5-2015, Đức Thánh Cha khích lệ Giáo Hội tại nước này tăng cường mục vụ gia đình và thăng tiến phụ nữ.

Trong bài huấn dụ trao cho 5 Giám Mục nước Mali ở miền Tây Phi châu về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh Cha ca ngợi các Giám Mục nước này bảo tồn tinh thần đối thoại liên tôn, cổ võ sự dấn thân chung giữa Kitô và Hồi giáo để cứu vãn kho tàng văn hóa của Mali, và tiếp tục đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng dù Mali đang gặp những khó khăn trâm trọng. Ngài cũng nhấn mạnh rằng:

“Chứng tá của các tín hữu Kitô trên bình diện gia đình còn cần phải có sự phù hợp hơn nữa giữa niềm tin và đời sống thực hành: trong bối cảnh văn hóa xã hội của Mali, với nạn ly dị và đa thê, các tín hữu Công Giáo được kêu gọi loan báo bằng chứng tá cụ thể Tin Mừng về sự sống và gia đình. Tôi cũng đặc biệt khuyến khích anh em theo đuổi việc mục vụ, đồng thời đặc biệt quan tâm đến thân phận của phụ nữ: thăng tiến chỗ đứng của phụ nữ trong xã hội và bài trừ mọi lạm dụng cũng như mọi thứ bạo hành chống phụ nữ. Đó cũng là một hình thức loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã muốn sinh ra từ một phụ nữ là Đức Mẹ Maria”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cổ võ Giáo Hội Công Giáo tại Mali nêu gương cho những người khác về đức bác ái và hiệp nhất yêu thương nhau. Đó là một bảo chứng quí giá để đối thoại hữu hiệu với các tôn giáo khác.

Mali rộng gấp 4 lần Việt Nam với diện tích gần 1 triệu 250 ngàn cây số vuông, phần lớn là sa mạc và dân số chỉ có 17 triệu người thuộc nhiều bộ tộc, trong đó 85% theo Hồi giáo và chỉ có 2,5% là tín hữu Kitô, trong số này có 262 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 6 giáo phận.

10. Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi hội nghị Liên Tôn tại Giêrusalem: Tiếng khóc của những người vô tội kêu thấu đến Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một thông điệp đến hội nghị Liên Tôn tại Giêrusalem kéo dài từ 4 đến 7 tháng 5 vừa qua. Hội nghị này quy tụ hàng trăm giáo sĩ Do Thái Giáo, bảy vị Hồng Y, hàng chục Giám Mục, và hàng ngàn Giáo Lý viên của phong trào Con Đường Tân Dự Tòng.

Hội nghị nhằm hai mục đích. Thứ nhất là để kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Sắc Lệnh Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II. Thứ hai là để đánh dấu kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc thế chiến thứ hai, và nạn diệt chủng người Do Thái do Đức Quốc Xã gây ra.

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tham dự viên: “Hiệp nhất với các chư huynh đệ, tôi cầu nguyện xin Chúa lắng nghe tiếng khóc của những người vô tội và xin Ngài chữa lành nỗi đau của tất cả những người đang gánh chịu đau khổ. Tôi cầu nguyện để nhiều con tim được mở ra trước sự van nài của những người vô tội trên khắp thế giới.”

11. Tổng thống Cuba Raul Castro nói: “Nếu Đức Giáo Hoàng giữ vững đường lối này tôi sẽ theo đạo Công Giáo”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tổng thống Cuba, Raul Castro, vào sáng Chúa Nhật 10 tháng Năm. Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết cuộc tiếp kiến đã diễn ra lúc 09:30 sáng, và kéo dài gần một giờ. Đức Giáo Hoàng và tổng thống Cuba đã dành thời gian đáng kể để trò chuyện trong phòng làm việc của Đức Thánh Cha trong đại thính đường Phaolô VI.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và tổng thống Cuba kéo dài hơn 50 phút, và rất thân thiện. Tổng thống nói với các phóng viên trước khi rời khỏi Vatican rằng ông đã cảm ơn Đức Thánh Cha vì vai trò tích cực của ngài trong việc ủng hộ cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Cuba và Hoa Kỳ, và cũng trình bày với Đức Giáo Hoàng về tình cảm của nhân dân Cuba - mong đợi và chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới đảo quốc này vào tháng Chín.

Cha Federico Lombardi cũng cho biết một vài chi tiết về việc trao quà lưu niệm: Tổng thống Cuba đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một huy chương có hình Vương Cung Thánh Đường Havana, và một tác phẩm nghệ thuật là một tranh vẽ của nghệ thuật đương đại, trong đó mô tả một Thánh Giá lớn được hình thành từ các mảnh vỡ của một chiếc thuyền bị đắm, quỳ trước thánh giá là một người di cư đang cầu nguyện. Ông Kcho, nghệ nhân sáng tác ra bức tranh này, đã có mặt trong buổi tiếp kiến. Ông giải thích với Đức Giáo Hoàng rằng ông đã lấy cảm hứng từ dấn thân tuyệt vời của Đức Thánh Cha trong việc làm cho thế giới chú ý hơn đến hoàn cảnh của người nhập cư và người tị nạn, đặc biệt là qua các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến hòn đảo Lampedusa thuộc Địa Trung Hải.

Đáp lại, Đức Giáo Hoàng đã tặng cho tổng thống một bản sao của Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, và một huy chương lớn khắc hình Thánh Martin đang bao bọc người nghèo với chiếc áo choàng của mình.

Cha Federico Lombardi ghi nhận rằng Raul Castro rất hạnh phúc đón nhận món quà cuối cùng này, vì nó nhắc nhớ ông không chỉ nhiệm vụ giúp đỡ và bảo vệ người nghèo, mà còn là nghĩa vụ tích cực đề cao phẩm giá con người.

“Nếu Đức Giáo Hoàng giữ vững đường lối hiện nay, tôi sẽ theo đạo Công Giáo.” Ông Raul Castro đã nói như trên trong một cuộc họp báo sau cuộc tiếp kiến với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Về chuyến thăm sắp tới của Đức Thánh Cha đến Cuba, Castro nói rằng ông sẽ có mặt tại tất cả các Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành trong thời gian ở thăm Cuba.

Castro cũng đã nói về những cởi mở của đảng Cộng sản Cuba với niềm tin tôn giáo. “Tôi xuất thân từ đảng Cộng sản Cuba, là đảng không cho phép các đảng viên theo đạo, nhưng bây giờ chúng tôi đã bỏ cấm đoán này, đó là một bước quan trọng”.

12. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha tại Bolivia

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 12 giờ trưa ngày thứ Tư 8 tháng 7, từ Ecuador, Đức Thánh Cha sẽ đáp máy bay sang La Paz, thủ đô Bolivia. Đến nơi vào 4 giờ rưỡi chiều, ngài sẽ đến thăm Tổng thống tại tòa nhà chính phủ lúc 6 giờ chiều, rồi gặp gỡ chính quyền dân sự lúc 7 giờ tại Nhà thờ chính tòa thủ đô.

Sau đó, lúc 8 giờ tối, ngài lại đáp máy bay để tới thành phố Santa Cruz de la Sierra cách đó 1 giờ 15 phút bay.

- Thứ năm, 9 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại Quảng trường Cháu Kitô Cứu Thế. Ban chiều ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh vào lúc 4 giờ tại Trường Don Bosco. Sau đó vào lúc 5 giờ rưỡi, ngài sẽ tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế kỳ 2 của Các Phong trào bình dân tại trung tâm triển lãm Expo Feria.

- Thứ sáu 10 tháng Bẩy, lúc 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trung tâm Phục Hồi Santa Cruz - Palmasola, rồi gặp các Giám Mục Bolivia lúc 11 giờ tại nhà thờ giáo xứ La Santa Cruz, trước khi ra phi trường đáp máy bay sang Paraguay.

13. Đức Thánh Cha đề cao giá trị của các ngành thể thao

Đức Thánh Cha đề cao giá trị của mọi ngành thể thao và kêu gọi đừng quên chiều kích tinh thần và tôn giáo trong lãnh vực này.

Ngài trình bày lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến hôm 7 tháng Năm dành cho 7 ngàn thành viên các hội thể thao miền Lazio ở Italia nhân dịp kỷ niệm 115 năm thành lập Hội này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi thành quả của Hội thể thao Lazio kể từ khi được thành lập đến nay và ngài cũng nhận xét rằng tại Italia và cũng như tại Á Căn Đình, khi nói đến thể thao, người ta có nguy cơ chỉ nói về bóng đá, mà lơ là đối với các bộ môn thể thao khác. Thật ra, mỗi ngành thể thao đều có giá trị riêng, không những về phương diện thể lý hoặc xã hội, nhưng cả về phương diện luân lý nữa, vi nó mang lại cho con người, đặc biệt là các thiếu niên và người trẻ, những cơ hội để tăng trưởng trong sự quân bình, tự chủ, hy sinh và lương thiện đối với tha nhân.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng “Kinh Thánh dạy chúng ta: con người là một toàn thể, tinh thần và thân xác. Vì thế tôi khuyến khích các bạn, khi sinh hoạt thể thao, luôn vun trồng chiều kích tôn giáo và tinh thần. Nhiều khi có những người trẻ phải bỏ lễ, bỏ giờ giáo lý vì tập luyện thể thao. Đó không phải là một dấu hiệu tốt, vì nó đánh mất nấc thang các giá trị. Cũng vậy không thể vì thể thao mà lơ là việc học hành, tình bạn, phục vụ người nghèo”.

14. Đức Thánh Cha chống luật Âu Châu hạn chế tự do tôn giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các Giáo Hội và Cộng đồng Giáo Hội Kitô tại Âu Châu nói một tiếng nói duy nhất trước những thách đố ngày nay, đặc biệt chống các luật hạn chế tự do tôn giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7-5-2015, dành cho Ủy ban Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu và Hội đồng các Giáo Hội Kitô Âu Châu, đang nhóm khóa họp thường niên tại Roma từ ngày 6 đến 8-5-2015 này về đề tài “Tự do và các quyền tự do”.

Ủy ban gồm 7 thành viên đại diện của 34 Hội Đồng Giám Mục Công Giáo ở Âu Châu (CCEE) và 7 thành viên khác đại diện cho 125 Giáo Hội Kitô không Công Giáo thuộc Hội đồng các Giáo Hội Kitô Âu Châu (CEC).

Liên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ghi nhận có tiến bộ trong tiến trình đại kết Kitô nhưng vẫn còn có nhiều chia rẽ, gây gương mù và cản trở chính nghĩa loan báo Tin Mừng. Ngài khuyến khích các nỗ lực và hoạt động chung và nói rằng:

“Ngày nay các Giáo Hội và các Cộng đồng Giáo Hội ở Âu Châu đang phải đương đầu với những thách đố mới mẻ và quan trọng, và chỉ có những câu trả lời hữu hiệu nếu chúng ta nói cùng một tiếng nói. Ví dụ tôi nghĩ đến thách đố được đề ra do những đạo luật nhân dành nguyên tắc bao dung được giải thích sai trái, rốt cuộc những luật lệ ấy cấm cản các công dân không được tự do biểu lộ và thực hành một cách ôn hòa và hợp pháp các xác tín tôn giáo của họ.

“Ngoài ra, đứng trước thái độ của Âu Châu trong việc đương cầu với cuộc di cư nhiều khi bi thảm của hàng ngàn người trốn chạy chiến tranh, bách hại và lầm than, các Giáo Hội và cộng đồng Giáo Hội ở Âu Châu có nghĩa vụ cộng tác với nhau để thăng tiến tìn liên đới và sự đón tiếp. Các tín hữu Kitô tại Âu Châu được kêu gọi cầu nguyện và hoạt động tích cực để mang lại đối thoại và an bình trong các cuộc xung đột hiện nay”

15. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nhận định: Mục tiêu của quân khủng bố Hồi Giáo IS là triệt tiêu sự hiện diện của Kitô Giáo tại Trung Đông

Nhà nước Hồi giáo đang tiến hành “một cuộc chiến không khoan nhượng nhằm tận diệt Kitô Giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Trung Đông”, giám đốc của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tại Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định trên trong hội nghị diễn ra hôm 07 tháng 5 tại Hudson New York.

Ông Sarkis Boghjalian nói rằng những hành động và tham vọng của quân khủng bố Hồi Giáo IS có thể coi là “genocide” - diệt chủng. “Ngày nay, không còn Kitô hữu nào sót lại trong các khu vực do cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo cai quản”.

Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án tội ác của quân khủng bố Hồi Giáo IS, ông Boghjalian cho biết, “Hiện chưa có một hành động hiệu quả nào để chấm dứt các vi phạm quyền cơ bản của con người về tự do tôn giáo; và để đảm bảo rằng các Kitô hữu và những nhóm thiểu số khác được bảo vệ và có nơi trú ẩn an toàn “.

Giám đốc tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ tại Hoa Kỳ cũng ghi nhận rằng sự hiện diện của Kitô giáo đang bị đe dọa trong toàn vùng Trung Đông. Tại Iraq, dân Kitô giáo đã giảm từ hơn một triệu xuống chỉ còn 300,000 trong 12 năm qua. Ở Syria, cũng vậy, các Kitô hữu chiếm đa số trong tổng số 3.5 triệu người tị nạn đã phải bỏ trốn ra nước ngoài.

Ông Boghjalian nói: “Đối với các Kitô hữu ở Trung Đông, sự sợ hãi và cảm giác bị bỏ rơi là một trong những thánh giá lớn nhất mà họ phải chịu”.

16. Anh Giáo đã đồng thuận với Công Giáo trên 80% các vấn đề về tín lý

Ủy ban Quốc tế Công Giáo Anh giáo (ARCIC) đã đạt được thỏa thuận chung về 80% trong những vấn đề về tín lý được đưa ra thảo luận. Một vị giám mục Anh giáo đã nói như trên với Đài phát thanh Vatican.

Tổng Giám Mục Anh Giáo David Moxen, người đứng đầu Trung tâm Anh giáo ở Rôma và là đại diện của khối Liên Hiệp Anh giáo tại Tòa Thánh trong khi thừa nhận rằng vẫn có những khác biệt đáng kể giữa Công Giáo và Anh giáo về các vấn đề tín lý, đã cho Radio Vatican biết là Anh Giáo đồng thuận với Công Giáo trên 80% các vấn đề được thảo luận trong 46 năm qua.

ARCIC đã thảo luận một loạt các vấn đề thần học, trong đó có Thánh Thể, hôn nhân, việc truyền chức linh mục và Giám Mục, và bản chất của quyền bính Giáo Hội.

Ủy ban Quốc tế Công Giáo Anh giáo đã được thành lập từ năm 1969 nhằm đẩy mạnh tiến trình đại kết giữa Anh Giáo và Công Giáo. Điều đáng tiếc là trong 46 năm qua, bên cạnh những vấn đề cũ mà ủy ban tìm kiếm cách giải quyết, đã nảy sinh ra các vấn đề mới trong đó có những vấn đề nghiêm trọng như việc Anh Giáo truyền chức Giám Mục cho phụ nữ và cho cả các trường hợp đồng tính như trường hợp Giám Mục Anh Giáo Gene Robinson của giáo phận New Hampshire, Hoa Kỳ.

17. Chương trình tông du của Đức Thánh Cha tại Paraguay

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cuộc tông du tại Paraguay sẽ là chặng cuối cùng trong chuyến viếng thăm kéo dài 1 tuần lễ tại Mỹ châu la tinh.

Đức Thánh Cha sẽ đến thủ đô Asunción lúc 3 giờ chiều. Sau nghi thức tiếp đón Đức Thánh Cha sẽ đến thăm Tổng thống tại dinh Lopez, rồi gặp gỡ chính quyền dân sự cùng với ngoại giao đoàn tại khuôn viên dinh Tổng thống.

- Thứ bẩy, 11 tháng Bẩy, lúc 8 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Tổng bệnh viện nhi đồng “Ninos de Acosta Nu”, rồi cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại quảng trường trước Trung Tâm Thánh Mẫu Caacupé.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha sẽ gặp đại diện xã hội dân sự tại Sân thể thao León Condou của trường San Jose.

Lúc 6 giờ 15 chiều, ngài sẽ cử hành kinh chiều chung với các Giám Mục, linh mục, Phó tế, tu sĩ nam nữ và các phong trào Công Giáo tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu.

- Chúa Nhật 12 tháng Bẩy, lúc 8 giờ 15 phút sáng, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm dân chúng tại khu vực Banado Norte, rồi cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại cánh đồng Nu Guazú.

Lúc 1 giờ trưa, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các Giám Mục Paraguay tại Trung tâm Văn hóa của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rồi dùng bữa với các vị.

Sau cùng, lúc 5 giờ chiều, ngài gặp gỡ giới trẻ dọc theo bờ sông Costanera, trước khi đáp máy bay lúc 7 giờ chiều để bay về Roma, dự kiến sẽ đến phi trường Ciampino lúc gần 2 giờ chiều ngày thứ hai, 13 tháng Bẩy.

18. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn thành viên Liên hiệp quần vợt Italia

Sáng thứ Sáu 8 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 7 ngàn thành viên Liên hiệp quần vợt Italia. Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục cũng có nhiều trẻ em tham gia sinh hoạt vui chơi và vận động do Liên hiệp này tổ chức.

Trong bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đề cao thể thao như một con đường giáo dục và nói:

“Có 3 con đường, 3 cột trụ cơ bản đối với các trẻ em, thiếu niên và người trẻ, đó là: giáo dục - học đường và gia đình -, thể thao và lao động. Khi có đủ 3 cột trụ ấy, thì có những điều kiện để phát triển một cuộc sống sung mãn và chân chính, tránh được những nghiện ngập làm cho cuộc sống bị nhiễm độc và hư hỏng.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Giáo Hội chú ý đến thể thao vì Giáo Hội quan tâm đến con người toàn diện, và nhìn nhận hoạt động thể thao có ảnh hưởng tới việc huấn luyện con người, các quan hệ và đời sống tâm linh của con người. Là những thể tháo gia, anh chị em có một sứ mạng phải chu toàn: anh chị em có thể là những gương mẫu đối với những người ngưỡng mộ anh chị em”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng ngành quần vợt là một bộ môn thể thao rất tranh đua, nhưng “sức ép muốn đạt được những kết quả quan trọng không bao giờ được thúc đẩy anh chị em đi những con đường tắt, như xảy ra trong những trường hợp dùng những thuốc kích thích bất hợp pháp. Những chiến thắng mà người ta đạt được bằng cách coi rẻ luật lệ và đánh lừa người khác thật là xấu xa và vô ích”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các cầu thủ quần vợt không những tranh đua trong thể thao, nhưng còn tranh đua cả trong cuộc sống, trong sự tìm kiếm điều chân, thiện, mỹ, không sợ hãi, nhưng can đảm và hăng say”