Ngày 5 tháng Ba vừa qua, Ngoại Trưởng Tòa Thánh là Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher đã đọc một bài diễn văn tại cuộc hội họp của các cố vấn pháp luật của Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu tổ chức tại Bratislava. Nội dung bài diễn văn là nhận định về hai bài nói chuyện của Đức Phanxicô tại Quốc Hội và Hội Đồng Âu Châu ở Strasbourg. Nét duyên dáng của bài diễn văn là ngài kể lại huyền sử Âu Châu qua biểu tượng bò mộng, một biểu tượng của bắt cóc vì say mê nhưng hiện nay đã trở thành biểu tượng đầu cơ tại thị trường chứng khoán. Nguyên văn bài diễn văn duyên dáng này như sau:

Nàng Âu (Europa), người đẹp mà danh tính được dùng đặt tên cho lục địa ta, xuất thân từ Á Châu. Có một chút sự thật lịch sử được phản ảnh trong niềm tin huyền thoại này của người Cổ Hy Lạp, vì cái nôi của nền văn hóa Âu Châu, quả thực, nằm ở Á Châu. Câu truyện diễn ra như thế này: Thục nữ Âu vốn là con gái của Agenor, vua của thị quốc duyên hải Phênixia. Ông vua này hết lòng bảo vệ con gái, làm hết cách để không một ai có thể bắt cóc được nàng. Và do đó, Zeus, cha mọi thần minh, người phải lòng thục nữ Âu, đành phải tiến hành mưu kế đánh cướp và gian lận vậy. Ông tự biến thành một con bò mộng trắng trẻo thuần thục, trà trộn vào giữa đoàn bò của Agenor đang gặm cỏ gần bờ biển Địa Trung Hải. Nàng Âu và bạn bè chẳng mấy chốc lưu ý tới con bò mộng thân ái nực mùi hoa và quả là hiền hậu đến độ cô gái nào cũng lại gần vỗ về nó. Nàng Âu mơn trớn cạnh sườn nó, và cuối cùng cưỡi lên lưng nó. Lập tức, Zeus nắm lấy cơ hội bắt cóc nàng. Vẫn trong hình thức bò mộng, chàng bỏ trốn với cô gái trên lưng, phóng xuống nước, mất tăm, rồi bay qua biển tới Đảo Crete, nghĩa là, tới Âu Châu!

Ngày nay, bò mộng, như một con thú huyền thoại, ít khi nhắc ta nhớ tới cuộc bắt cóc Nàng Âu. Đúng hơn, trong thế giới tài chánh hiện đại, nó đã trở thành biểu tượng của thịnh vượng kinh tế. Chúng ta chỉ cần nhìn hai con thú bằng đồng trước Phòng Chứng Khoán New York là đủ thấy: con gấu ấn giá thị trường xuống bằng chiếc móng của nó, dấu chỉ suy thoái kinh tế, trong khi con bò mộng đẩy giá thị trường lên bằng chiếc sừng của nó, hứa hẹn những khoản lời khổng lồ. Hai hình ảnh này bỗng xuất hiện trong đầu óc tôi khi chuẩn bị bài diễn văn này về hai bài nói chuyện của Đức Phanxicô tại Quốc Hội Âu Châu và Hội Đồng Âu Châu hồi tháng Mười Một năm ngoái. Cả ngày nay nữa, thục nữ Âu vẫn còn bị con bò mộng quyến rũ và bắt cóc vì, và đây là một trong các quan tâm chính của Đức Giáo Hoàng, tiền bạc xem ra đã trở nên quan trọng hơn người, nhất là người nghèo và người yếu thế. Thực thế, nhân phẩm nằm ở cốt lõi của cả hai định chế Âu Châu mà Đức Giáo Hoàng đã tới thăm, vì cả hai đều tuyên bố sẽ bảo vệ các quyền căn bản của mọi người và cổ vũ sự cố kết của xã hội.

Thay vì chỉ nói ở Brussels với các thành viên của Quốc Hội Âu Châu, Đức Thánh Cha đã quyết định, một cách có ý nghĩa, lên tiếng tại Strasbourg, giúp ngài nói chuyện với Hội Đồng Âu Châu, nơi mọi quốc gia Âu Châu đều có đại diện, kể cả Nga và Ukraine, cũng như Armenia và Azerbaiijan, ấy là chỉ đưa ra hai điển hình của các khu vực nằm ngoài Liên Hiệp Âu Châu (nhưng vẫn ở trong Âu Châu) nơi vẫn đang tiếp diễn các cuộc tranh chấp nghiêm trọng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn minh xác rằng lục địa chúng ta lớn hơn Liên Hiệp Âu Châu. Như ngài vốn làm thường xuyên trong quá khứ, mục tiêu của ngài là khiến người ta chú ý tới các “khu ngoại vi” để mời các quốc gia và các dân tộc tích cực dấn thân kể cả các dân tộc nằm ở biên giới địa dư của lục địa ta.

Ta có thể nói rằng Strasbourg thực sự là thủ đô của Âu Châu, một thủ đô, sau một lịch sử náo động, đã trở thành biểu tượng chân thực của sự hoà giải giữa Pháp và Đức. Chắc chắn, dấu chỉ hy vọng đối với tất cả chúng ta là tình thân hữu vừa được tái khám phá này nối kết mọi quốc gia Âu Châu lại với nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh nhiên nhắc tới điều này: “Giấc mơ của các vị sáng lập là tái thiết Âu Châu trong tinh thần phục vụ lẫn nhau mà cả ngày nay nữa, trong một thế giới càng ngày càng muốn đòi hỏi hơn là phục vụ, phải là nền tảng cho sứ mệnh hoà bình, tự do và nhân phẩm của Hội Đồng Âu Châu” (1).

Trọng tâm các xem sét của Đức Giáo Hoàng tại Strasbourg là việc ngài khẳng định phẩm giá của con người nhân bản. Tập chú của giáo huấn xã hội Công Giáo là thừa nhận giá trị của mọi cá nhân, mà việc bảo vệ nó có trước mọi luật thực định (positive laws) nghĩa là luật đáng lý ra phải nhằm đạt cho được việc thừa nhận này. Các nhân quyền phải được tôn trọng ở mọi nơi không phải vì các chính trị gia tuyên xưng “tính quý giá, tính độc đáo và tính bất khả lặp lại của mỗi một con người riêng rẽ”, nhưng đúng hơn vì chúng vốn được ghi khắc trong trái tim mọi con người nhân bản. Chính vì điều này, các luật thực định của mỗi nhà nước phải đề cao các quyền bất khả nhượng của các cá nhân. Chúng phải được ấn định trong các luật lệ thực định của mọi quốc gia, được mọi nhà cầm quyền bảo vệ, và được mọi người tôn trọng”. Tuy nhiên, cùng một lúc, cần phải thận trọng để khỏi rơi vào các sai lầm có thể do hiểu lầm ý niệm nhân quyền và việc lạm dụng nó. Ngày nay, có khuynh hướng đòi hỏi các quyền cá nhân rộng lớn hơn, tôi dám nói có tính cách cá nhân chủ nghĩa, mà nằm ở bên dưới là quan niệm coi con người nhân bản tách rời mọi bối cảnh xã hội và nhân học, như thể con người là một đơn tử (monad). Nghĩa là “càng ngày càng không quan tâm tới ‘các đơn tử’ khác ở chung quanh. Ý niệm cũng chủ yếu và có tính bổ túc là bổn phận dường như không còn được nối kết với những ý niệm khác như quyền lợi nữa. Thành thử, các quyền của cá nhân được đề cao, mà không lưu ý chi tới sự kiện: mỗi con người nhân bản là một phần của bối cảnh xã hội, do đó, các quyền lợi và bổn phận của họ có liên quan tới quyên lợi và bổn phận của người khác và với ích chung của chính xã hội” (2).

Tư duy Kitô Giáo, một tư duy, xét trong nền tảng, đã tạo nên lịch sử và văn hóa Âu Châu luôn luôn cổ vũ phẩm giá cá nhân và ích chung của mọi người. Chính trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở ta nhớ tới các cội rễ Kitô Giáo của lục địa ta, để mang lại hoa trái mà ta có quyền trông mong nhờ biết trân quý con người. Kitô Giáo không phải chỉ là quá khứ của ta, mà còn là “hiện tại và tương lai” của ta nữa, vì ngày nay, nó quan tâm tới tính trung tâm của con người. Ngày nay, phẩm giá con người đang lâm nguy; Âu Châu có thể hưởng nhiều lợi ích lớn lao nhờ sự soi sáng của nền luân lý Kitô Giáo. Đức Thánh Cha khuyên các thành viên của Quốc Hội Âu Châu rằng “thời gian đã tới để cùng làm việc với nhau trong việc xây dựng một Âu Châu không phải xoay quanh kinh tế mà là xoay quanh tính thánh thiêng của con người nhân bản, quanh các giá trị bất khả nhượng. Trong việc xây dựng một Âu Châu biết can đảm ôm lấy dĩ vãng và tự tin hướng tới tương lai nhằm cảm nghiệm được trọn vẹn niềm hy vọng hiện tại của mình. Thời gian đã tới để chúng ta từ bỏ ý niệm về một Âu Châu sợ sệt và chỉ nghĩ tới mình, nhằm phục hồi và khuyến khích một Âu Châu của tài lãnh đạo, một kho tàng của khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị nhân bản và cả đức tin nữa” (3).

Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thật can đảm và vọng lại lời khuyên răn của Thánh Gioan Phaolô II trong Ecclesia in Europa (tông huấn Giáo Hội tại Âu Châu) (4) rằng lục địa nào tự tách mình ra khỏi các gốc rễ Kitô Giáo của mình sẽ rơi vào cảnh “âm thầm bỏ đạo”. Nơi nào các quan tâm kinh tế chỉ nhắm vào lời lãi và thị trường mà thôi, thì con bò mộng, lấy lại hình ảnh đã nói trên đây, sẽ trở thành con bò vàng, một ngẫu tượng của các giá trị và nguyện vọng giả dối.

Theo Đức Giáo Hoàng, ta cần tái thiết “một Âu Châu biết chiêm ngưỡng các tầng trời và theo đuổi các lý tưởng cao thượng. Một Âu Châu biết chăm sóc, bảo vệ và che chở con người, mọi người nam nữ. Một Âu Châu biết cưỡi lên trái đất một cách an toàn và an ninh, lấy nó làm điểm qui chiếu qúy giá cho toàn thể nhân loại!”. Xem ra có vẻ nghịch lý, nhưng những người có trách nhiệm về chính trị, kinh tế, văn hóa và phúc lợi càng hướng về những con người nam nữ đang sống ở các ngoại biên của xã hội, họ càng đặt phẩm giá cá nhân vào tâm điểm các hoạt động của họ, do đó, càng cổ vũ ích chung của mọi người. Họ càng hướng lên các tầng trời, nghĩa là, các lý tưởng cao đẹp, không để các giá trị của thị trường thống lãnh công việc của họ, sự hợp nhất sẽ càng lớn lao hơn giữa các đại diện và những người đưa ra quyết định và khả năng giải quyết các vấn đề hiện đang đe dọa các xã hội của ta cũng càng lớn lao hơn. Nhìn các khu ngoại biên và nhìn lên các tầng trời không khiến ta xa rời điều cốt yếu; ngược lại, điều ấy định hướng đúng các hành động của ta, giúp chúng thực sự bảo vệ các nhân quyền. Kitô Giáo dạy phải nhìn cả hai, cả ngoại biên lẫn lên trời.

Từ tầm nhìn này, Đức Giáo Hoàng nói tới những vấn đề và thách đố cụ thể của Âu Châu, và cách riêng, tới các điều kiện đầy lo âu của các di dân đang đi tìm sự che chở cho đời sống cũng như gia đình họ tại lục địa chúng ta: “Chúng ta không thể để Địa Trung Hải trở thành một nghĩa địa mênh mông! Những con thuyền hàng ngày cặp các bến bờ Âu Châu đầy những người nam nữ cần được chấp nhận và trợ giúp. Việc thiếu sự hỗ trợ hỗ tương bên trong Liên Hiệp Âu Châu liều mình khuyến khích các giải pháp có tính duy đặc thù (particularistic) đối với vấn đề, những giải pháp không đếm xỉa gì tới nhân phẩm các di dân, và do đó, góp phần vào chính sách công nô (slave labour) và tiếp diễn các căng thẳng xã hội. Âu Châu chỉ có thể đương đầu với các vấn đề liên hệ tới di dân nếu họ biết khẳng định rõ rệt căn tính văn hóa riêng của mình”. Tôi muốn nói thêm rằng nền văn hóa Âu Châu này là một nền văn hóa Kitô Giáo sâu sắc “và biết thi hành các luật lệ thoả đáng nhằm bảo vệ các quyền của công dân Âu Châu và bảo đảm việc tiếp nhận các di dân” (5).

Giáo Hội không có nhiệm vụ theo đuổi việc chính trị cụ thể, hằng ngày, và tự khoác cho mình những năng quyền mà mình không có. Chúng ta không biết các biện pháp cụ thể có thể cần thiết, như, để bảo đảm an ninh và tự do cho mọi di dân cần ta giúp đỡ. Đúng hơn, Giáo Hội mời gọi các nhà chính trị, đôi khi cũng khuyên răn họ nữa, phải nhìn lên và nhìn xa hơn các giải pháp ngắn hạn. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nói rõ khi thăm viếng London năm 2010: “Nói cách khác, tôn giáo không phải là một vấn đề để các nhà làm luật giải quyết, mà là người góp phần quan trọng vào cuộc đối thoại quốc gia. Dưới ánh sáng này, tôi chỉ có thể nói lên ưu tư của tôi đối với việc càng ngày tôn giáo, nhất là Kitô Giáo, càng bị đẩy ra bên lề nhiều hơn, một việc đang diễn ra ở một số nơi, ngay trong các quốc gia vẫn nhấn mạnh tới lòng khoan dung” (6). Xét vì các lực lượng mỗi ngày một gia tăng, những lực lượng tìm cách phát vãng Kitô Giáo vào lãnh vực tư riêng, di chuyển nó khỏi ngôn từ công cộng, nên quả là có ý nghĩa khi, sau bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng tại Strasbourg, và rất có thể nhờ nó, mà Hội Đồng Âu Châu đã thông qua nghị quyết chống việc kỳ thị các Kitô hữu tại Âu Châu.

Vị Giáo Hoàng “xuất thân từ tận cùng trái đất” đã biểu lộ tình yêu và sự quan tâm của ngài đối với lục địa chúng ta trước Hội Đồng Âu Châu và Quốc Hội Âu Châu. Nàng Âu thục nữ đã lớn thành một người đàn bà nhiều tuổi đời hơn, không còn những thôi thúc của tuổi trẻ nữa, nhưng vẫn rất đẹp và duyên dáng. Trong những năm và thập niên sắp tới, điều quan trọng đối với Âu Châu là: các quốc gia và nhân dân của nó sẽ tiếp tục diễn trình hợp nhất, thoát khỏi mọi hạn chế của chủ nghĩa duy bình đẳng giả tạo và nền bàn giấy quá lạm, để có thể bảo đảm một nền hòa bình lâu dài. Không bao giờ có chiến tranh tại Âu Châu nữa! Tuy nhiên, mục tiêu cao cả này chỉ có thể đạt được nếu sự tin tưởng và tình anh em, tức hợp nhất thực sự, có cơ lớn lên và được củng cố trong khi vẫn thừa nhận các dị biệt văn hóa. Kitô Giáo phải thi hành sứ mệnh của mình trong phương diện này, và đặc biệt, Giáo Hội Công Giáo, trong đó, vốn có sự hợp nhất các dị biệt văn hóa, có thể cung hiến sự trợ giúp trông thấy để hợp nhất và tăng cường gia đình quốc gia Âu Châu. Đặc sủng của ta là đây: Ta có thể cổ vũ một Âu Châu xây dựng trên phẩm giá con người nhân bản, được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa khi ta biết dùng các kỹ năng và tài chuyên môn, được đức tin soi sáng của ta, để trợ giúp Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương.
____________________
(1). Đức Phanxicô, Diễn Văn trước Hội Đồng Âu Châu, Strasbourg, Pháp, 25 tháng Mười Một, 2014.
(2). Đức Phanxicô, Diễn Văn trước Quốc Hội Âu Châu, Strasbourg, Pháp, 25 tháng Mười Một, 2014.
(3). Đức Phanxicô, Diễn Văn trước Quốc Hội Âu Châu, Strasbourg, Pháp, 25 tháng Mười Một, 2014.
(4). Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Europa, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng, số 9.
(5). Đức Phanxicô, Diễn Văn trước Hội Đồng Âu Châu, Strasbourg, Pháp, 25 tháng Mười Một, 2014.
(6). Đức Bênêđíctô XVI, diễn văn trước các đại diện xã hội Anh, Westminster Hall 17 tháng Chín, 2010.