BẬC ĐỘC THÂN LINH MỤC

1. Theo các sách Tin Mừng, khi Đức Giê-su gọi các môn đệ đầu tiên để làm cho các ông thành những kẻ “lưới người như lưới cá” (Mt 4,19 ; Mc 1,17 : x Lc 5,10}, các ông đã bỏ mọi sự và đi theo Người. (Lc 5,11 ; x Mt 4,20..22 ; Mt 1,18-20)

Đức Giê-su kể ra tất cả những dứt bỏ cần thiết vì Người và vì Tin Mừng , không phải chỉ dứt bỏ của cải vật chất như nhà cửa, ruộng vườn mà cả những người mình yêu quí nhất như ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em, bạn hữu (Lc 18,20).

Hai thứ đòi hỏi

Đức Giê-su đã không đòi các môn đệ của mình phải từ bỏ triêt để đời sống gia đình, dù đòi ai nấy phải dành chỗ nhất trong trái tim mình cho Người : “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thấy thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,17). Sự đòi hỏi phải từ bỏ cách thiết thực là dành riêng cho những ai muốn sống đời thánh hiến trong hàng linh mục hay bậc tu trì. Được Đức Giê-su kêu gọi, Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê và Gio-an, em ông không chỉ bỏ thuyền, nơi các ông đang vá lưới, mà còn bỏ cả cha, người đang ở với các ông lúc bấy giờ (Mt 4,22 ; x Mc 1,20).

Những sự việc trên giúp chúng ta hiểu tại sao có luật của Hội Thánh về bậc độc thân. Thật vậy, Hội Thánh đã nghĩ và còn nghĩ rằng bậc dộc thân linh mục nằm trong lý đương nhiên của đời thánh hiến, hoàn toàn thuộc về Chúa Ki-tô, nhằm thực hiện cách ý thức lệnh truyền về đời sống thiêng liêng và công cuộc rao giảng Tin Mừng.

2. Tự nguyện sống độc thân

Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, đoạn nói về việc xa cách, từ bỏ người thân, Đức Giê-su dùng một kiểu nói sê-mít để chỉ một sự từ bỏ cần thiết khác vì Nước Trời là từ bỏ gia đình :”Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời” ((Mt 19,12), nghĩa là tự nguyện sống độc thân để có thể hoàn toàn phục vụ Tin Mừng Nước Thiên Chúa (Mt 4,23 ; 9, 35 ; 24,34). Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Co-rin-tô, thánh Phao-lô quả quyết mình đã dứt khoát chọn con đường này vì sự ăn ý chặt chẽ với quyết định trên : “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người, còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi” (1 Cr 7, 32-34) Đã hẳn, ai được gọi làm linh mục thì không được chia đôi. Công Đồng dạy : “Hiến mình sống đời độc thân phát xuất từ truyền thống đến từ Đức Ki-tô là điều đặc biệt thích hợp với đời sống linh mục. Nó vừa là dấu hiệu vừa là động lực của đức ái mục tử, một nguồn mạch phong phú sức sống thiêng liêng trên thế giới (PO 16).

Bên Hội Thánh Đông Phương, có nhiều linh mục lập gia đình cách chính đáng theo luật của họ. Nhưng các giám mục và nhiều linh mục vẫn sống độc thân. Sự khác biệt về kỷ luật giữa Hội Thánh Đông Phương và Tây Phương gắn liền với những điều kiện về thời gian và không gian. Theo sự xét đoán của Hội Thánh Công Giáo, sự đòi hỏi tiết dục hoàn toàn không phải là đòi hỏi của chính bản tính chức linh mục. Nó không thuộc về yếu tính của chức linh mục xét theo Bí Tích Truyền Chức và không bị áp đặt tuyệt đối cho mọi Hội Thánh. Tuy nhiên, nếu xét theo sự xứng hợp nên chăng thì tiết dục rất thích hợp với những đòi hỏi của Bí Tích Truyền Chức. Nó hợp với lý đương nhiên của việc hiến thánh.

3. Chúa Giê-su, gương mẫu đời hiến thánh

Lý tưởng cụ thể của bậc đời hiến thánh này là chính Chúa Giê-su, gương mẫu của tất cả mọi người, đặc biệt các linh mục. Chúa Giê-su đã sống độc thân và đã cống hiến tất cả sức lực của mình cho công cuộc rao giảng Nước Thiên Chúa và phục vụ loài người với tâm hồn rộng mở. Người đã sống độc thân vì Nước Trời (Mt 19,12), đã đặt ra một định hướng và định hướng này đã được nhiều người đi theo. Dựa vào Các Sách Tin Mừng, Nhóm Mười Hai là những người đầu tiên tham gia chức linh mục của Chúa Giê-su, nên các ông đã từ bỏ đời sống gia đình để đi theo Người. Các sách đó không bao giờ nói đến vợ con của các ông, dù thứa biết trước khi được Đức Giê-su kêu gọi, Ông Phê-rô đã có gia đình (Mt 8,14 : Mc 1.30 ; Lc 4,38).

4. Đề nghị trước khi thành luật

Đối với chức linh mục mới, Đức Giê-su không công bố luật mà chỉ đề nghị lý tưởng độc thân. Lý tưởng này mỗi lúc một được xác định trong Hội Thánh. Trong giai doạn đầu Ki-tô Giáo phổ biến và phát triển, một số dông linh mục có gia đình, được tuyển chọn và truyền chức theo nếp truyền thống Do-thái. Trong các thư gửi môn đệ Ti-mô-thê (1Tm 3 2-3) và Ti-tô (Tt 1,6), Thánh Phao-lô yêu cầu những ai được chọn làm linh mục phải là những người cha gương mẫu, những người chồng chỉ có một đời vợ. Đó là thời kỳ Hội Thánh đang được tổ chức, đang trong thời kỳ thử nghiệm xem điều gì thích hợp với lý tưởng và lời khuyên của Chúa hơn cả, xét về kỷ luật đời sống. Từ kinh nghiệm và suy nghĩ, Hội Thánh thấy kỷ luật về bậc độc thân mỗi ngày một thêm sáng tỏ và dần dà đã đặt độc thân thành luật trong Hội Thánh. Đó không phải chỉ là hiệu quả của một sự kiện pháp lý và kỷ luật, mà chính là sự chín muồi về ý thức của Hội Thánh trong vấn đầ nên chăng của bậc độc thân linh mục, vì những lý do không những có tính lịch sử và thực hành, mà còn phát xuất từ nhận thức mỗi lúc một rõ hơn giữa bậc độc thân và những đòi hỏi của chức linh mục.

5. Thích hợp và nên chăng

Công Đồng Va-ti-ca-nô II nêu lên những lý do về sự xúng hợp mật thiết giữa bậc độc thân và chức linh mục : “Bằng cách giữ mình đồng trinh hay sống độc thân vì Nước Trời, các linh mục tận hiến cho Chúa Ki-tô một cách mới mẻ đặc biệt. Các vị dễ gắn bó với Người hơn mà khộng bị phân chia, được tự do hơn để tận hiến cho Người và nhờ Người mà phục vụ Thiên Chúa và nhân loại, sẵn sàng mau mắn hơn trong việc phục vụ Triều Đại Người và công trình tái sinh sức sống siêu nhiên, có khả năng đón nhận tình phụ tử rộng rãi hơn trong Chúa Ki-tô. Khi gợi lại những hy lễ nhiệm mầu như Chúa muốn mà hôn lễ của Hội Thánh với Phu Quân duy nhất là một, các vị trở thành dấu hiệu sống động của thế giới tương lai đã hiện diện nhờ đức tin và đức ái, nơi con cái loài người sẽ không còn lấy vợ lấy chồng nữa” (PO 16 ; x Pastores do vobis 29, 50).

Đó là những lý do giúp mọi người nâng cao tâm hồn lên. Có thể tóm tắt những nét cốt yếu như sau : gắn bó hoàn toàn với Chúa Ki-tô, yêu mến và phụng sự Người với một tấm lòng không bị chia đôi (1 Cr 7, 32-33), luôn sẵn sàng phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa và hoàn thành những nhiệm vụ của linh mục trong Hội Thánh, sống một đời sống giống với đời sống ở bên kia thế giới một cách gương mẫu hơn. Điều đó có giá trị trong mọi thời và được coi như lý do và tiêu chuẩn cho mọi phán đoán và lựa chọn phù hợp với lời kêu mời từ bỏ mọi sự của Chúa Giê-su. Vì vậy Thượng Hội Đòng Giám Mục năm 1971 xác quyết : “Luật độc thân linh mục đang có hiệu lực trong Hội Thánh La Tinh phải được tuân hành trọn vẹn.” (Ench. Vat. IV, 1219) Vì thế, những năm gần đây, dù có những vận động và đòi hỏi quyết liệt của một số giáo dân và linh mục, luật này vẫn được duy trì.

6. Những trở ngại

Quả thật, luật độc thân hiện nay đang gặp những trờ ngại đôi khi rất trầm trọng trong các điều kiện chủ quan cũng như khách quan của linh mục. Hội Thánh đã cứu xét, nhưng nghĩ rằng có thể vượt qua được các khó khăn, nếu các linh mục tăng thêm đời sống nội tâm nhờ cầu nguyên, hy sinh, hãm mình, từ bỏ, mến Chúa yêu người và những trợ giúp khác tạo thế quân bình trong các mối tương giao với giáo dân, linh mục, giám mục, các đoàn thể trong giáo xứ và cộng đồng tín hữu.

Hội Thánh đang phải phải đương đầu với các đòi hỏi, phê bình và chỉ trích của một số thành phần bên trong cũng như bên ngoái. Để đối phó với não trạng, xu hướng và những quyến rũ của thế giới hiện đại, Hội Thánh luôn tỏ ra gắn bó và trung thành với lý tưởng Tin Mừng, vì nghĩ rằng ý thức về một sự hiến thánh hoàn toàn đã chín muồi trong bao thế kỷ vẫn còn lý do để tồn tại và hoàn thiện mỗi ngày một hơn.

Hội Thánh biết rõ và nhắc lại cho các linh mục và giáo dân rằng việc giữ luật độc thân rất thích hợp với chức linh mục của Tân Ước đã được Chúa ban cho, miễn là tất cả những ai thông phần chức tư tế của Đức Ki-tô nhờ Bí Tích Truyền Chức và toàn thể Hội Thánh, khiêm nhường và tha thiết khẩn xin (PO 16).

Vậy, cần phải xin ơn hiểu biết về giá trị của bậc độc thân linh mục và kiên trì gắn bó tuyệt đối với con người và công trình cứu chuộc của Chúa Ki-tô, đồng thời cầu xin cho biết cách triệt để từ bỏ. Hạnh phúc thay ai hiểu biết và bước đi trên con đường này.