LÁ THƯ PARAGUAY – ÔN CỔ, TRI TÂN

Công tác mục vụ

Hơn 3 tháng kiêm nhiệm quyền Tổng Hiệu trưởng một trường học với hơn 1.500 học sinh và gần 100 giáo viên với biết bao công việc chuyên môn cộng với công việc huấn luyện ơn gọi nhiều lúc đã khiến chúng tôi kiệt sức. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và giúp đỡ của cha Giám tỉnh và một số anh em trong Ban Đào Tạo nên phần nào cũng lấy lại cân bằng trong đời tu.

Như chúng ta cũng biết, lĩnh vực giáo dục ngày nay không dễ chút nào, nhất là mỗi quốc gia có một hế thống giáo dục khác nhau. Ở Nam Mỹ thì học sinh là trọng tâm và các em cũng như phụ huynh có nhiều quyền, nhất là quyền phát biểu và đòi hỏi những nhu cầu chính đáng cho việc học hành của con em. Chính vì thế, các trường tư thục có rất nhiều thách đố. Những người làm công tác giáo dục ở các trường tư thục Công Giáo vừa phải luôn cạnh tranh, phải cải tiến không ngừng phương pháp dạy học cũng như quản trị, vừa phải có một cái tâm của những nhà giáo dục Công Giáo vì khi người ta gởi con em họ đến các trường tư thục phải trả tiền cao thì họ có quyền yêu cầu hợp lí cho con em mình không những về tri thức mà cả tri đức nữa .

Thế hệ @ và văn hóa Click đòi hỏi những người hướng dẫn phải cập nhập thường xuyên để hiểu ngôn ngữ mới lạ của giới trẻ và cách hành xử hợp tình, hợp lí với một số học trò ma mãnh, vì nếu không sẽ bị tụt hậu và các học trò nhỏ ấy sẽ qua mặt và xem thường khi những người hướng dẫn họ quá chậm tiến. Chính vì thế, những nhà giáo dục Công Giáo hay có những buổi thường huấn để gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trong các trường tư thục để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và góp ý cho nhau.

Hơn 3 tháng gánh vác trọng trách người đứng đầu một trường Công Giáo lớn tại thủ đô mà trong lòng luôn thấp thỏm, lo âu vì chỉ cần nóng tính hay lỡ lời một tí coi như hỏng việc và truyền thông sẽ lập tức vào cuộc vì thế giới ‘digital’ ngày nay họ thường làm rùm beng dù một chuyện chẳng ra gì. Tạ ơn Chúa vì suốt những tháng ngày lo lắng vừa qua mọi sự đều trôi chảy và khi người anh em người Ba-lan trở về sau dịp tạ ơn ngân khánh linh mục đã nhận lại chức vụ và ngôi trường của mình không bị ‘sứt mẻ’ gì.

Đầu tháng 10, tháng Đức Mẹ, chúng tôi có những công tác mục vụ đặc biệt cho các chủng sinh và ứng sinh muốn gia nhập chủng viện truyền giáo. Chúng tôi đã tổ chức cho các em những buổi thăm các giáo điểm ngắn ngày, giúp các em lần hạt Mân Côi truyền giáo qua những cách sáng tạo khi các em chuẩn bị bằng giấy và vải để làm những lá cờ 5 châu lục và chia thành 5 nhóm để lần chuỗi Mân Côi truyền giáo.

Trong chuyến mục vụ trung tuần tháng 10 này chúng tôi nhận được một hung tin là một người bạn nhà báo người Paraguay đã bị sát hại dã man khi những tên trùm mafia đã thuê những tên sát thủ khát máu bắn anh khi anh cùng 2 nhân viên thực tập đang trên đường tác nghiệp. Anh là người đã chiến đấu không ngơi nghỉ cho một xã hội công bằng, an sinh, quyền con người và bảo vệ các giá trị nhân bản. Tuy nhiên anh là người biết quá nhiều các hoạt động phi pháp của những kẻ đang mượn danh những nhà cầm quyền để cấu kết với bọn mafia làm giàu cách bất chính nên anh đã nhận cái chết thương tâm này. Còn nhớ những ngày đầu mới đến Paraguay và được sai đến giáo xứ biên giới đầy khó khăn và bạo lực này, anh đã luôn đến động viên chúng tôi và sẵn sàng dùng xe riêng của anh để đưa chúng tôi đến những giáo điềm truyền giáo xa xôi. Ngày ấy thực sự chúng tôi không hề biết gì đến chính trị, chính em hay những xấu xa bỉ ổi của những người núp bóng chiêu bài chính trị để làm chuyện xấu. Anh, một nhà báo công minh đã giúp chúng tôi hiểu nhiều điều và chân thành nói với chúng tôi rằng là linh mục thì cha đừng dính vào chính trị hay đảng phái nhưng hãy dùng Lời Chúa để chống lại những bất công và hãy luôn biết bênh vực những người cô thế cô thân thì cha sẽ thành công. Chính anh đã làm điều này và dù anh đã không còn nữa, nhưng chúng tôi nhận ra một điều rằng Paraguay đã thay đổi nhiều dù bọn mafia như những bóng ma thi thoảng vẫn lượn lờ và sát hại những con người đáng quí như anh. Cái chết của anh đã thức tỉnh chính phủ trong nước cũng như quốc tế và họ đã vào cuộc khi phát hiện được nhiều manh mối tội phạm trong đó có viên Quận Trưởng và bà Nghị Viên Quốc Hội đầy quyền lực đang chuẩn bị trong vòng lao lí để làm rõ vụ ám sát kinh hoàng này để trừng trị bọn mafia và đem lại niềm tin cho người dân lành.

Chuyến Kinh Lí Của Cố Vấn Tổng Quyền

Cứ mỗi ba năm một lần, một vị cố vấn hay chính cha Bề Trên từ Tổng Quyền của Dòng Ngôi Lời ở Rô-ma sẽ đi kinh lí để gặp từng thành viên trong Dòng và để biết thêm về tình hình của các quốc gia trên thế giới nơi Dòng Ngôi Lời hiện diện và phục vụ. Tháng 10 năm 2014 này, vị cố vấn đến từ Tổng quyền đi kinh lí ở Paraguay là người Ấn Độ. Ngoài tiếng bản xứ Hindi của người Ấn, vị này còn nói thành thạo tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Vóc người nhỏ nhắn nhưng rất uy lực và thông thái. Vì ngài là người Á châu nên chúng tôi cảm thấy rất gần ngay từ giây phút đầu. Ngài từng đảm nhận những trọng trách quan trọng như làm bề trên Giám Tỉnh tại ấn Độ hai nhiệm kỳ trước khi được bầu chọn làm cố vấn Tổng quyền ở Rô-ma từ năm 2006.

Nhìn thấy cách làm việc khoa học của những vị hữu trách trong Dòng đến từ Tổng quyền mà trong lòng rất khâm phục. Người làm lớn không chỉ là người chỉ biết ra lệnh và nói bừa, nói càn. Những người làm lớn trong đời tu lại càng phải biết hạ mình hơn nữa. Tấm gương ấy phản ánh rất chân thực với vị Giáo Hoàng đương kim Phan-xi-cô. Ngài không chỉ lắng nghe mà còn hành động rất dứt khoát dù đau đớn khi phải quyết định những điều hệ trọng liên quan đến Giáo Hội. Cụ thế là trong tháng 7 năm nay Giáo Hội Paraguay đã trải qua một cuộc khủng hoảng tâm linh chưa từng thấy khi một vị Giám mục thuộc hội Opus Dei đã dùng truyền thông lên án không thương tiếc, và người bị lên án đó là một Tổng Giám Mục chỉ vì vị này có lời khuyên chân thành vị Giám mục Opus Dei kia nên điều tra kỹ lưỡng về một vụ tố giác trong giáo phận của ông. Thay vì cảm ơn lời khuyên thì vị Giám mục đầy quyền lực Opus Dei kia đã mượn truyền thông để nói những lời rất khó nghe của một vị Giám mục và gây chia sẻ nội bộ Giáo Hội. Sự việc đến tai Tòa Thánh và đích thân Đức Thánh Cha đã gởi hai vị ở Giáo triều đến điều tra. Trung tuần tháng 9 vừa qua Tòa Thánh đã mời vị Giám mục Opus Dei ở Paraguay đến Roma để giải trình và Tòa Thánh đã yêu cầu vị này từ chức để giữ sự hiệp thông trong Giáo Hội, nhưng vị này đã nhất quyết bất tuân vì nghĩ rằng có Hội Opus Dei chống lưng ở Rô-ma. Chính Đức Thánh Cha đã truất phế ngay lập tức về sự bất tuân này để nhổ đi một cái gai trong Giáo Hội nhưng đến nay vị này dù đã không còn làm Giám mục nữa nhưng vẫn cứ dùng những trang mạng để đả kích Đức Thánh Cha và Giáo Hội. (tham khảo thêm: http://www.losandes.com.ar/article/el-papa-destituye-al-obispo-paraguayo-rogelio-livieres-812085)

Nói thêm về vị cựu giám mục được cho là đầy quyền thế này thuộc hội Opus Dei. Từ khi nhận chức Giám mục năm 2.004, ông đã lập một chủng viện riêng mà không hề tham khảo Hội Đồng Giám mục vì tự cho rằng mình có bằng cấp tiến sĩ Giáo luật và Luật sư dân sự. Ông đã thu nhận tất cả những ứng sinh bị thải hồi từ các Giáo phận hay Dòng Tu khác và đào tạo cấp tốc vì một số ứng sinh ấy nói rằng họ đã hoàn tất chương trình Triết hay Thần học của các Giáo Phận hay các Hội Dòng đã thải hồi. Chỉ trong 2 năm từ khi mở Đại Chủng Viện, ông đã phong chức rất nhiều linh mục và lấy lại các giáo xứ mà trước đây các Dòng đã có hợp đồng với các vị giám mục tiền nhiệm với lí do là nhu cầu của giám mục. Các vị linh mục kỳ cựu và đầy kinh nghiệm đã nhiều lần góp ý nhưng ông đều phớt lờ và cho các vị ấy về hưu sớm. Khi lựa chọn ứng sinh mới vào chủng viện, chương trình đào tạo linh mục của ông chỉ vỏn vẹn trong 4 năm và linh mục được thụ phong chỉ nằm trong độ tuổi 24 hay 25. Ông biện minh với Tòa Thánh rằng do nhu cầu thiếu linh mục nên cần phải đào tạo cấp tốc và người dân ở đây thường gọi đùa các linh mục của ông là những “linh mục gà công nghiệp” vì chỉ biết hát La-tinh và dâng lễ mà thôi. Trong 10 năm làm giám mục, ông đã tự hào khi công bố đã phong chức cho hơn 100 tân linh mục khi mà Giáo Hội Paraguay đang thiếu linh mục. Nhưng các linh mục của ông không ai dám mời dâng lễ ở đâu cả vì không có một chút kinh nghiệm gì và dù là người Pargaguay nhưng các linh mục này không thể nói tốt tiếng bản địa khi giảng lễ mà chỉ làm như cái máy. Ông đã thu nhận một linh mục người Argentina thuộc Huynh đoàn Pio X (Một phong trào ly giáo từ sau Công đồng Vatican II do giám mục Marcel Lefevre chủ xướng). Vị linh mục này đã bị tố giác ở nhiều nơi nhưng ông đã phớt lờ và đặt làm Tổng Đại Diện. Vị cựu giám mục này còn đưa một số linh mục trẻ măng do ông phong chức lên chức Đức Ông phụ trách về các vấn đế gia đình,ơn gọi, tài chính, mục vụ… Người dân ở đây rất ngây thơ vì không biết phân biệt thế nào là Đức Ông và Đức Cha vì tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Pháp đều xưng hô Đức Cha hay Đức Ông là Monseñor. Bởi thế người ta gọi giáo phận của ông là loạn Đức Ông (Monseñor). Có lẽ điều này đã khiến Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong một động thái mới nhằm cải cách hàng giáo sĩ và loại trừ việc ham danh vọng trong Giáo Hội Công Giáo, Ngài đã quyết định bãi bỏ việc ban tước hiệu "Đức ông" cho các linh mục dưới 65 tuổi. (Xc http://www.vietcatholic.net/News/Html/120070.htm).

Qua sự kiện này chúng ta mới nghiệm ra được là đừng tưởng làm lớn thì có thể lấy tay che được mặt trời. Làm lớn trong Giáo Hội cần phải biết lắng nghe và tôn trọng các ý kiến dù có những lúc khó chịu. Thế kỉ XXI này mọi chuyện lớn nhỏ sớm muộn rồi cũng được bạch hóa nên người lãnh đạo trong Giáo Hội cần hành xử khôn ngoan và đứng bắt chước lối hành xử của những nhà độc tài hay các chế độ cộng sản như Trung Quốc, Bắc Hàn vì ở đó không ai dám lên tiếng. Nhưng sẽ có ngày “tức nước vỡ bờ” và lúc đó sẽ khó mà ngăn được dòng nước từ lâu bị ứ đọng!

Trở lại chuyến kinh lí của cha cố vấn Tổng quyền. Ngài đã đi thăm những và nói chuyện riêng với từng thành viên. Ngài đã hỏi han và lắng nghe cách chăm chú và luôn khích lệ những anh em mới đến. Quan sát cách tiếp cận và thăm viếng của ngài chúng tôi mới thấy mình còn nhiều thiếu sót. Cụ thể là khi thăm và nói chuyện với ai, nhất là những bệnh nhân hay những người nghèo chúng tôi thường làm vội vã. Ngay cả lúc xưng tội cũng muốn làm cho nhanh vì sợ các hối nhân giãi bày những chuyện muôn thuở. Đồng hành với ngài khi ngài nói chuyện và lắng nghe các em chủng sinh ở Thỉnh Viện và Tập Viện quốc tế mới thấy sự kiên nhẫn của một người lãnh đạo. Ngài rất ân cần, nhẫn nại, vui vẻ, dễ gần và từ tâm nhưng rất kiên quyết. Đây là những đức tính cần có của những nhà lãnh đạo tôn giáo mà chúng tôi cần phải tích lũy.

Kỉ niệm ngày thụ phong linh mục

Tháng 10, một tháng rất ý nghĩa trong cuộc đời truyền giáo không chỉ vì là tháng Đức Mẹ nhưng tháng này còn đánh dấu một bước ngoặt mới trong đời tu là trở thành linh mục truyền giáo của Chúa. Trong khi Việt Nam thường nói “tháng 10 chưa cười đã tối” và thời tiết đang vào mùa Thu khá dễ chịu thì bên Paraguay hoàn toàn ngược lại là “tháng 10 chưa cười đã sáng” và muối giờ vừa tăng thêm một tiếng với cái nóng oi bức có khi lên đến 42 độ dù thời tiết lúc này đang giữa mùa Xuân (mùa Xuân bắt đầu từ 21 tháng 9 đến 21 tháng 12 hàng năm).

Mấy ngày qua có đọc một bài viết trên trang mạng Công Giáo có tựa đề là : “Un Sacerdote enfrenta su juicio particular ante la presencia de Dios” (Tạm dịch : “Một linh mục đối diện với bản án đặc biệt trước mặt Chúa” (http://catolicosconaccion.com/2014/10/14/un-sacerdote-enfrenta-su-juicio-particular-ante-la-presencia-de-dios/ ). Bài viết kể về một linh mục người Mỹ là cha Steven từng làm việc ở Giáo xứ Thánh Tâm phía đông nam của Kansas. Ngài chịu chức linh mục năm 1973. Trong suốt 12 năm làm linh mục cho đến ngày ngài bị tai nạn năm 1985, ngài không quan trọng lắm về thiên chức linh mục của mình. Ngài cho rằng thánh lễ và bí tích giải tội không có gì đặc biệt và nói đúng hơn là ngài ‘làm’ linh mục hơn ‘là’ linh mục vì chỉ làm việc theo nhu cầu mà thiếu đi sự nhiệt huyết và tinh thần phục vụ.

Vào một ngày tháng 10 năm 1985, trên đường đi mục vụ bằng xe riêng, cha Steven đã gặp tai nạn khi tông phải một xe tải. Kết quả là bị trọng thương và bất tỉnh. Đúng lúc ấy ngài thấy hồn lìa khỏi xác và đối diện với sự phán xét dù ngài không thấy mặt nhưng được nghe tiếng nói của Chúa Giê-su : “Steven, Ta rất thương con, hãy lại gần đây”. Vị linh mục này cảm thấy mình là người tội lỗi nhưng giờ đã quá muộn không còn giờ phút ăn năn xưng tội và giờ đây phải đối diện với tòa phán xét. Vẫn giọng ôn tồn, vị Mục tử Nhân Lành nói tiếp với cha Steven: “Hình phạt của con là hỏa ngục đời đời”. Lúc này cha Steven mới đáp lại : “Lạy Ngài, con biết tội lỗi của con”. Liền lúc đó, cha Steven đã nghe một giọng nói dịu dàng của một người Mẹ với Chúa Giê-su : “Con ơi, hãy để cho nó sống và tha cho nó tội chết đời đời”. Nhưng Chúa đáp lại : “Mẹ thấy đó, 12 năm nó làm linh mục chỉ riêng cho nó chứ không phải cho Con. Chúng ta hãy để nó nhận hình phạt nó đáng phải chịu”. Mẹ lại năn nỉ : “Nhưng Con ơi, nếu chúng ta cho nó cơ hội, chúng ta sẽ thấy nó sẽ lập công Con ạ. Nếu nó không ăn năn hối cải thì lúc đó hãy làm theo Ý Con”. Chúa liền đáp lời Mẹ : “Mẹ ơi, từ nay nó sẽ là của Mẹ”.

Cuộc hội thoại vừa kết thúc cũng là lúc cha Steven được đưa đến bệnh viện để phẫu thuật và điều trị. Dù bị thương rất nặng phần đầu và xem như bất toại, nhưng nhờ phép lạ nên cha đã được hồi phục nhanh chóng, và sau gần 1 năm cha xuất viện.

Cha đã nhớ lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và Mẹ Maria trong lúc cha bị tai nạn hôn mê nên cha đã nhất quyết từ đó thay đổi và sống cuộc đời linh mục còn lại cho Chúa. Dù trước đây cha không mấy sùng kính Đức Mẹ nhưng từ ngày nghe cuộc Hội Thoại đầy ý nghĩa ấy, cha Steven luôn tâm niệm trong lòng vì Mẹ đã cứu ngài thoát khỏi hỏa ngục và trao ban sự sống để đền bù tội lỗi. Thánh lễ đầu tiên khi ngài vừa trở về từ bệnh viện, ngài lại đọc đúng đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chương 13 nói về dụ ngôn cây vả trồng trong vườn nho mà không sinh trái. Ông chủ muốn chặt nó đi nhưng anh thợ làm vường đã xin ông chủ nhẫn nại thêm một thời gian nữa để cây vả sinh trái, nếu không sẽ chặt nó cũng chưa muộn và ông chủ đã đồng ý. Cha Steven đã kể lại kinh nghiệm sống động này thay cho bài giảng và làm xúc động nhiều người.

Nhìn lại cuộc đời tu trì kể từ ngày chịu chức đến giờ tôi phải đấm ngực thú tội là mình mới chỉ sống 1/3 chức linh mục cho Chúa và 2/3 còn lại cho bản thân mình. Nhiều lúc tôi chỉ dâng lễ, đọc kinh thần vụ hay ngồi tòa cách máy móc cho qua chuyện để rồi ngồi vào bàn viết lách, lướt Web, trao đổi thư từ hay gọi điện thoại tán gẫu. Nhiều lúc không soạn bài giảng vì nghĩ rằng mình bắt đầu có thâm niên linh mục thì cần gì phải soạn bài, cứ nói ngẫu hứng là được. Nhiều lúc tự hào vì cho rằng mình bắt đầu có chức vị trong Nhà Dòng nên xem thường những người khác… Đó là hơn 2/3 mình sống cho bản thân mình mà mình quên mất mình chỉ là một dụng cụ của Chúa. Nếu đối diện với Chúa chắc phải bị phạt đến 10 tầng hỏa ngục vì không chu toàn với Ngài. May mà tôi còn biết bám víu vào người Mẹ trên trời là Đức Maria nên có lẽ Chúa còn cho có cơ hội lập công chuộc tội.

Thỉnh thoảng lướt Facebook thấy các anh em linh mục mới chịu chức, nhất là các anh em cùng Dòng ở Việt Nam được đi đây đó gọi là “vinh quy bái tổ” mình thấy đời linh mục đẹp làm sao! Ngày xưa mình không được như vậy nên cũng có chút hơi “ganh tỵ” với các em nhưng cũng nói đùa với các em rằng thôi các em cố gắng vui trong tháng trăng mật của những ngày mới chịu chức, để rồi sau đó phải trải qua tháng ngày “dập mật” vì là linh mục không phải là ngày một ngày hai mà là suốt đời. Hồi còn ở Việt Nam có lần cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành - bây giờ là Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đã chia sẻ trong một buổi tĩnh tâm cho anh em học viện của Dòng Ngôi Lời ở một Đan Viện Tại Thủ Đức, ngài đã nói Chúa Giê-su đâu có lễ mở tay, không có vinh qui bái tổ dù Ngài là Chúa nhưng nhiều anh em đi tu trong chúng ta muốn chơi trội hơn Chúa. Cha Thành nói rất thâm thúy nhưng theo suy nghĩ nông cạn của tôi thì có lẽ Chúa chẳng có trách móc gì những chuyện cỏn con khi chúng ta làm lễ “vinh qui bái tổ” hay hưởng “tháng trăng mật” sau ngày chịu chức vì theo lẽ thường thì khi một thanh niên cưới vợ hay lấy chồng thì họ đều có được những giây phút hân hoan đó. Cái quan trọng ở đây là những linh mục của Chúa đừng bao giờ xem đó là chuyện đương nhiên và tìm mọi cách để “bằng anh, bằng em” trong khi gia đình mình khó khăn thiếu thốn. Chúng tôi đã từng chứng kiến một thánh lễ chịu chức linh mục ở Paraguay mà rơi nước mắt khi người chịu chức là con của một người mẹ đơn độc vì người cha đã bỏ rơi họ từ lâu. Vì giám mục muốn 5 ứng sinh cùng khóa phong chức một lần để sau đó ngài đi Rô-ma. Ngày chịu chức chúng tôi quan sát thấy 4 ứng sinh kia có họ hàng đầy đủ nhưng chỉ có một ứng sinh hơi thô gầy với người mẹ nhà quê bên cạnh. Chịu chức xong thì hai mẹ con đón xe về quê trông thấy mà tội nghiệp. Vài năm sau thì 2 trong số 5 người chịu chức kia xuất tu trong khi 3 người trụ lại và vị linh mục tội nghiệp ngày nào nay là một vị linh mục được nhiều người biết đến với sự đơn sơ, dấn thân trong lí tưởng truyền giáo của ngài. Cuộc đời linh mục không thể đem so sánh với chức vị, quyền cao hay giàu sang, nghèo hèn nhưng là cung cách phục vụ tha nhân thế nào cho đẹp lòng Chúa.

Lạy Chúa, tạ ơn Ngài vì đã cho con trở thành dụng cụ của ngài dù nhiều lúc con còn khô khan, bất xứng. Nếu cho con chọn lại ơn gọi thì con vẫn chọn là linh mục cho Ngài. Xin Ngài luôn nâng đỡ con và các anh em linh mục cùng lớp của con luôn trở nên những khí cụ sắc bén trong tay Ngài. Xin Mẹ Maria luôn phù trì nâng đỡ chúng con vì chúng con là con của Mẹ. Xin cảm ơn gia đình, thân nhân và bạn hữu đã luôn khích lệ và cầu nguyện cho chúng con. Xin đón nhận phép lành linh mục ngày chịu chức của chúng con. Amen.

Paraguay, ngày 31 tháng 10 – 2014 - Kỷ niệm ngày thụ phong linh mục

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.