NEW YORK. Tòa Thánh kêu gọi LHQ canh tân các qui luật của mình để đối phó hữu hiệu với những hình thức mới của nạn khủng bố quốc tế.

Lập trường trên đây được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trình bày trong bài tham luận hôm 29-9-2014 tại Đại hội đồng thứ 69 của LHQ đang tiến hành tại New York.

ĐHY nhận xét rằng LHQ cho đến nay có thái độ thụ động trước những hành vi thù nghịch mà dân chúng vô tội phải chịu. Vì thế trong thư đề ngày 9-8 năm nay gửi ông tổng thư ký LHQ, ĐTC Phanxico đã kêu gọi các ”cơ quan thẩm quyền của LHQ, đặc biệt những cơ quan trách nhiệm về an ninh, hòa bình, công pháp nhân đạo và trợ giúp người tị nạn, tiếp tục nỗ lực hoạt động, phù hợp với Lời Tựa và những điều khoản quan trọng trong Hiến chương LHQ.”

ĐHY Parolin gọi tình trạng bi thảm ở miền bắc Irak và một số nơi ở Siria là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ: đó là sự hiện hữu của một tổ chức khủng bố đe dọa mọi quốc gia, thề giải tán các nước và thay thế bằng một chính phủ thế giới ngụy tôn giáo. Như ĐTC đã nói, rất tiếc là ngày nay có những người muốn đạt tới quyền lực bằng cách cưỡng bách lương tâm, tước đoạt sự sống, bách hại và giết người nhân danh Thiên Chúa (Xc Oss.Rom. 3-5-2014)
ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng ”hiện tượng mới mẻ trên đây với mọi khía cạnh bi thảm của nó, phải thúc đẩy cộng đồng quốc tế thăng tiến một câu trả lời thống nhất, dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý vững chắc và thái độ sẵn sàng cộng tác cho công ích.”

Để đối phó với nạn khủng bố hoàn cầu như thế, Tòa Thánh đặc biệt lưu ý về hai lãnh vực: trước tiên là xử lý nguồn gốc văn hóa và chính trị của những thách đố hiện nay, nhìn nhận nhu cầu phải có những chiến lược mới để giải quyết các vấn đề quốc tế này, trong đó các nhân tố văn hóa giữ một vai trò cơ bản.

Lãnh vực thứ hai là nghiên cứu sâu rộng hơn về hiệu năng của công pháp quốc tế ngày nay, nhất là những cơ cấu mà LHQ sử dụng để phòng ngừa chiến tranh, ngăn chặn những kẻ gây hấn, bảo vệ dân chúng và giúp đỡ các nạn nhân.

ĐHY Parolin khẳng định rằng ”những thách đố do các hình thức khủng bố mới mẻ đề ra không được làm cho chúng ta có những quan điểm thái quá và coi các nền văn hóa đối nghịch nhau. Thái độ thu hẹp trong việc giải thích tình trạng đụng độ khủng bố như thế, coi chúng là ”sự đụng độ giữa các nền văn minh”, là điều lợi dụng sự sợ hãi và những thành kiến hiện có, và chỉ dẫn tới những phản ứng bài người ngoại quốc, rốt cục chỉ ủng cố chính những tâm tình ở nơi trọng tâm chủ nghĩa khủng bố. Những thách đố chúng ta đang đương đầu phải dẫn tới một lời tái kêu gọi đối thoại về tôn giáo và liên văn hóa, thực hiện những phát triển mới trong công pháp quốc tế, thăng tiến những sáng kiến hòa bình công chính và can đảm”. (SD 30-9-2014)