Vị chủ chăn của giáo phận Orange từng nói đến: ‘‘ba chặng đường để:
1 - trở nên hiện thân của lòng Thương xót Chúa
2 - đón nhận sứ vụ rao giảng lòng Thương xót Chúa
3 - sùng kính lòng Thương xót Chúa
Trở nên hiện thân, đón nhận sức vụ, sùng kính lòng Thương xót Chúa là ba tác động căn bản cho linh đạo của lòng Thương xót Chúa. Trong ngày Chúa Nhật kính lòng Thương Xót Chúa năm nay, Đức Cha Mai Thanh Lương còn thay mặt hàng triệu tín hữu Việt Nam trên khắp thế giới thêm vào tác động thứ tư: đi hành hương tôn vinh Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II: vị thánh của lòng Thương xót Chúa; ngày ngài qua đời và ngày ngài được phong hiển thánh đều nhằm Chúa Nhật kính lòng Thương xót Chúa.
Sau lễ phong thánh, Đức Cha Mai Thanh Lương đã từ Roma qua Paris thăm Đức Ông Mai Đức Vinh, Giám đốc Giáo xứ Việt Nam tại Paris. Đức Cha Lương và Đức Ông Vinh là bạn học cùng trường Chu Văn An và Hồ Ngọc Cẩn, trước khi Đức Cha sang Hoa Kỳ du học (1955). Ngài đã kể lại một số kỷ niệm với Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II
1 - Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II: ‘‘con hãy vác thánh giá theo ta’’:
Năm 2003, Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II bổ nhiệm Đức Ông Đa Minh Mai Thanh Lương làm Giám mục tiên khởi người Việt tại Hoa Kỳ. Sau đó, Đức Cha Lương cùng với 192 vị tân giám mục trên khắp thế giới dự Khóa bồi dưỡng cho các tân giám mục ở Vatican, viếng Phủ Quốc vụ khanh, các Thánh bộ, Hội đồng Giáo hoàng và Úy ban Tòa thánh để làm quen với nhân sự và các sinh hoạt của Giáo triều. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng đã ban tặng Đức Cha Mai Thanh Lương Thánh giá Giám mục trắng. Từ đó, Đức Cha Lương luôn đeo cây thánh giá trắng, kỷ vật của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II ban tặng.
Ý nghĩa của việc vác thánh giá được thi sĩ Karol Wojtyła, sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, diễn giải trong bài thơ Theo Ngài, nhắc lại việc ông Simon vác thập giá (Mc 15,21).
cuộc hành trình gập ghềnh trắc trở
cuối chặng đường còn ở xa xôi
qua từng dãy phố bồi hồi
dẫn lên triền dốc núi đồi quạnh hiu
đừng ngần ngại sớm chiều khổ lụy
bước chân Ngài cao quý dường bao
mồ hôi hòa với máu đào
cứu nhân độ thế dạt dào tình thương
ta nhất quyết can trường theo Chúa
ý sắt son chan chứa ân tình
dù cho bão tố mặc tình
vẫn không lung lạc trung trinh đến cùng
cây thập giá dọc ngang vác nặng
một mình Ngài cay đắng cực thân
xóa đi tội lỗi nhân trần
Ngôi Hai xuống thế hồng ân cứu đời.
Bài thơ này in trong Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II (Giáo xứ Paris xuất bản), cùng với ba ca khúc Theo Ngài của Linh mục Nhạc sĩ Vũ Thái Hòa, Nhạc sĩ Kiều Linh Nguyễn Linh Diệu, Nhạc sĩ Hàn Thư Sinh và ca khúc Tôi đã gặp Ngài, Nữ tu Lê Ánh Tuyết, dòng Phanxicô, cảm hứng từ bài thơ Theo Ngài của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
2 - Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nhắc lại lời Đức Mẹ La Vang: ‘‘Vì lời cầu nguyện của các con đã kéo Mẹ từ Thiên đàng đến chốn này. Từ nay, không ai đến đây khấn xin mà Mẹ không nhậm lời.’’
Năm 1998, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắc lại lời phán hứa trên đây của Đức Mẹ, nhân buổi triều yết làm phép thánh tượng Đức Mẹ La Vang do điêu khắc gia Văn Nhân thực hiện. Sau đó bức tượng được cung nghinh về Việt Nam để cử hành Đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (1798-1998). Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng cho biết Ngài muốn thăm Việt Nam vì Việt Nam và Ba Lan cùng chung một số phận. Ngoài ra, thư ký riêng của Ngài là Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.
Đức Cha Mai Thanh Lương còn nhắc lại một giai thoai nói lên lòng ưu ái của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đối với dân tộc Việt Nam. Nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới tổ chức tại Denver năm 1993, Ngài muốn thăm phái đoàn Việt Nam. Vào ngày bế mạc, Ngài dùng trực thăng đáp xuống cạnh bên Thính đường (Auditorium), thăm giới trẻ Việt Nam suốt 1 tiếng rưỡi.
Đức Cha Mai Thanh Lương đã được gặp Đức Gioan-Phaolô II nhiều lần, từ khi còn là Phó tế, Linh mục (1966), Đức Ông (1986) và Giám mục (2003). Lần đầu vào năm 1965. Đức Giám Mục Karol Wojtyła, giám quản tông tòa giáo phận Cracovie, đến Giáo xứ Thánh Stanislas tại Buffelo (Hoa Kỳ) là nơi có nhiều người Ba Lan cư ngụ để quyên tiền xây thánh đường Nowa Huta (Cracovie). Lúc đó, Đức Cha Mai Thanh Lương là phó tế đã gặp vị giám mục Ba Lan, sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II.
Trong thời kỳ chuẩn bị phong thánh 117 chân phước tử đạo Việt Nam, Đức Ông Trần Ngọc Thụ đã giới thiệu Đức Ông Mai Thanh Lương (Văn phòng Mục vụ Di dân và Tỵ nạn) và Linh mục Trần Công Nghị (giám đốc Vietcatholic) được vinh dự dự Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Nguyện đường riêng.
Các sách viết về Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II do Giáo xứ Paris xuất bản:
Nhân nghênh đón Đức Cha Mai Thanh Lương đến thăm Giáo xứ Paris, Đức Ông Mai Đức Vinh đã giới thiệu mục vụ văn hóa của Giáo xứ có liên hệ đến hai vị Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan-Phaolô II:
- năm 2000, Giáo xứ xuất bản cuốn Chân phước Giáo hoàng XXIII, nhắc lại việc Đức TGM Angelo Roncalli, Sứ thần Tòa thánh tại Pháp từ 1944-1953, đã bầy tỏ lòng ưu ái với Giáo xứ Việt Nam, thành lập năm 1947.
- 2011: xuất bản cuốn Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
Năm nay, Giáo xứ xuất bản thêm ba cuốn sách:
- Linh đạo Hôn phối theo Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
- Tuyển tập Thơ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và 61 ca nguyện.
- Triết học Nhân bản của Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II biến đổi cục diện thế giới.
Đức Cha Mai Thanh Lương cho biết ngài vui lòng bảo trợ buổi giới thiệu Tuyển Tập Thơ, dự định tố chức tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Orange vào đầu tháng 11 sắp tới. Ngài mời Ông Mai Đức Vinh cùng ngài chủ tọa sinh hoạt mục vụ văn hóa này.
Paris, ngày 30/04/2014