Vụ 'John V. Doe vs Vatican' tại Oregon vừa bị toà phúc thẩm quận 9 cuả Mỹ bác bỏ. Đây là vụ kiện cuối cùng ở Hoa Kỳ liên quan đến Toà Thánh còn tồn đọng cho đến ngày nay.

Toà đã bác bỏ kháng cáo của nguyên đơn vào hôm thứ hai, kết thúc một vụ kiện kéo dài từ năm 2002. Trường hợp liên quan đến một linh mục ở Oregon bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vào năm 1965.

Luật sư Jeffrey S Lena, cố vấn cho Tòa Thánh, đã đệ trình toàn bộ tài liệu cuả Vatican liên quan đến trường hợp trong năm 2011, chứng minh rằng Tòa Thánh chỉ được thông báo về hành vi sai trái một năm sau khi việc lạm dụng được báo cáo, và vị linh mục đã bị hoàn tục chỉ vài tuần sau đó.

Luật sư Lena cho biết "việc bác bỏ đơn kiện - không phải là kết quả của bất kỳ việc hoà giải hoặc đền bù nào - nhưng là kết quả cuả việc bãi nại tự nguyện của các luật sư của nguyên đơn, trước thời hạn mà họ phải tranh biện chống lại những lý lẽ cuả Tòa Thánh," ông cho biết vụ kiện này "đáng lẽ không bao giờ nên được đề ra. "

Luật sư Jeffrey S Lena là luật sư cuả Tòa Thánh tại Hoa Kỳ mà chúng tôi đã có dịp đề cập tới trong bài Vinh Dự hay là Nghiệp Chướng đây? Nghề làm luật sư biện hộ cho Đức Giáo Hòang.

Chiến thắng sau cùng này là kết quả cuả một chiến thuật tài tình mà ông Lena đã 'đơn thân độc mã' thi hành trong nhiều năm qua. Chiến thuật hầu như làm kiệt quệ các đối thủ 'tham lam' trên nhiều phương diện: tài chánh, tăm tiếng và ảnh hưởng chính trị.

Các tổ hợp luật sư lớn ở Mỹ như hãng cuả LS Anderson, LS Bill McMurry, LS Kelly Clark là những hãng làm giàu nhờ vào các vụ kiện 'xâm hại tình dục' tại nhiều giáo phận bên Mỹ. Thường thì các giáo phận không muốn bị đưa ra toà và xin được hoà giải, có nghĩa là đền bù một số tiền rất lớn. Cho nên sau khi chiến thắng dễ dàng như thế, họ đều muốn 'thừa thắng xông lên' nhắm vào một mục tiêu lớn hơn và 'giàu có' hơn, đó là Đức Giáo Hoàng, vị đứng đầu cuả Hội Thánh.

Lena biết rằng ông không thể nhờ cậy vào sự 'Công Bình dư luận' ở các hãng truyền thông đang hăm hở bôi nhọ Giáo Hội, và cũng không thể nhờ vả vào nguồn tài lực cuả Giáo Hội, tuy dồi dào nhưng là để dùng cho các mục đích bác ái, cho nên ông đã xử dụng một chiến thuật khôn khéo là liên tiếp đặt ra những khiếu nại, hạn chế và chướng ngại về luật pháp đòi hỏi đối phương phải chi ra những món tiền khổng lồ, và khi đối thủ hầu như kiệt quệ thì bất ngờ tung ra một 'chưởng bất ngờ' và rất căn bản, ví dụ như sau (ở Kenturky):"quí vị có 'quyền' để kiện Đức Giáo Hoàng, một vị quốc trưởng cuả một quốc gia có chủ quyền không?"

"Vatican chỉ là một chủ quyền nhỏ," Lena nói, "nhưng không có nghĩa là quyền của nước đó có thể bị chà đạp trong vấn đề này."

Tại Kenturky, Lena viết "Nếu Đức Thánh Cha Benedict XVI bị ra lệnh phải làm nhân chứng ở một tòa án Mỹ, thì các Toà án nước ngoài có thể cảm thấy rằng họ có quyền ra lệnh tổng thống của Hoa Kỳ phải xuất hiện làm chứng cho các vụ án liên quan, ví dụ như các vụ liên hệ đến công việc cuả CIA."

Một câu hỏi như thế có sức mạnh chính trị và Công Pháp Quốc Tế vô cùng lớn. Không một người Mỹ nào muốn thấy vị tổng thống cuả họ bị lôi ra tòa ở một xứ nhược tiểu chỉ vì một vụ đổ bể cuả CIA.

Các tổ hợp có mục đích làm tiền thì sẽ lùi bước sớm trước một nghiệp vụ tốn kém, trước khi bị phá sản.

Thí dụ sau khi nộp đơn bãi nại tại tòa án Kentucky, Bill McMurry đã buồn rầu thú nhận "Để chiến thắng Vatican thì cũng giống như bạn phải có đủ sức lực mà xoay chuyển hết tất cả các hành tinh và mặt trăng vào một hàng với nhau."

"Chúng tôi không muốn đập đầu vào bờ tường mãi nữa. Nó vượt ra khỏi bàn tay của tôi vì bây giờ chúng tôi không thể đáp ứng nổi những gánh nặng mà tòa án đã đặt trên nguyên đơn"

McMurry đã thắng 26 triệu dollars tại Giáo phận Louisville năm 2003. ông than phiền đã phải bỏ ra 600 ngàn để chỉ theo đuổi một mối dây ở Kenturky mà thôi.

Trở lại vụ kiện sau cùng ở Oregon, luật sư Kelly Clark đã đòi hỏi cung Đức Hồng Y William Levada, tổng giám mục cũ của Portland, Oregon, và bây giờ là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin tại Vatican.

Ttuy rằng ĐHY Levada đã trả lời xong các cuộc hỏi cung từ năm 2006 nhưng Clark cho biết ông còn có thêm khiếu nại.

Bất ngờ Lena tung ra một tá hạn chế về những gì có thể hỏi, với lý do là ĐHY Levada bây giờ là một quan chức của nước ngoài cho nên có quyền đặc miễn Ngọai Giao.

Cuối cùng, thì thẩm phán đã đồng ý với Lena mà hạn chế Clark chỉ được hỏi thêm những gì mà ĐHY Levada có trách nhiệm trong thời gian ở Portland mà thôi.

Lena cho biết vị thẩm phán đã làm đúng khi công nhận rằng các giáo phận là độc lập với Tòa Thánh.

"Đức Giáo Hàng không phải là một ông tướng năm sao đang điều binh khiển tướng, " Lena nói. "Các Giám mục cũng không phải là thuộc hạ hay là phụ tá của giáo hoàng. Quyền của một giám mục đến từ Chức Vụ của mình.. Giám Mục điều khiển giáo phận của mình và trách nhiệm những gì xảy ra."

Trước chiến thắng sau cùng vừa rồi, Lena cho biết đây không có nghĩa là những âm mưu kiện tụng Toà Thánh đã chấm dứt. Ông vẫn chuẩn bị để đối phó với những tố tụng mới, ông nói:

"Hiện nay không có trường hợp nào còn 'tồn đọng.' Nhưng luôn luôn vẫn có khả năng một trường hợp khác sẽ phát sinh ra. Khi đó, chúng tôi sẽ kiểm tra và bảo vệ theo từng trường hợp một."

Sau đây là bản dịch lời tuyên bố cuà LS Jeffrey S. Lena và những câu trả lời trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican:

BÁO CÁO CỦA JEFFREY S. LENA, TƯ VẤN CHO VATICAN VỀ 'JOHN V. DOE vs VATICAN'

Ngày 5 tháng 8 năm 2013, Toà phúc thẩm quận 9 Hoa Kỳ đã bác bỏ kháng cáo của Nguyên đơn trong vụ kiện liên bang 'John V. Doe vs Vatican' tại Oregon, do đó dứt khoát chấm dứt một vụ kiện ồn ào vì bị khuấy động bởi các phương tiện truyền thông từ năm 2002. Việc bác bỏ - không do kết quả của bất kỳ hoà giải hoặc đền bù nào của Tòa Thánh - đã được thực hiện theo sự yêu cầu tự nguyện của các luật sư riêng của Nguyên đơn, là những người phải đối mặt với một thời hạn chót để tranh biện về những lý lẽ mà Tòa Thánh đã đệ trình lên Toà Phúc Thẩm.

'John V. Doe' là trường hợp thứ ba của loại kiện tụng như thế đối với Tòa Thánh, đã tan rã khi phải đối mặt với những thách thức pháp lý và thực tế. Vụ kiện 'O'Bryan vs Vatican', nộp tại tòa án liên bang Kentucky vào năm 2004, đã được luật sư của nguyên đơn (Bill McMurry) rút đơn trong năm 2010 khi phải đối mặt với kiến nghị bác đơn chính thức cuả Tòa Thánh. 'John Doe 16 vs Vatican' - một trường hợp nộp tại tòa án liên bang Wisconsin năm 2010, được thổi phồng bới các phương tiện truyền thông không khác nào như một trò hề trong gánh xiếc - đã được thu hồi (bởi LS Anderson) giống như trường hợp trên.

Cũng như hai vụ trước (O'Bryan và John Doe 16), trường hợp John V. Doe đã dựa vào những sai lầm về thực tế và những nguỵ biện lừa dối công chúng trong nhiều năm. Nhưng đã kết thúc 'không kèn không trống', là một vụ kiện mà đáng lẽ không bao giờ nên được đưa ra.


Phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican

1. Xin ông mô tả cách nôm na những gì đã xảy ra trong trường hợp này.

Trường hợp này dựa trên một vài ý tưởng đơn giản nhưng sai lầm về Giáo Hội Công Giáo. Điều sai lầm đầu tiên, tất cả các linh mục được kiểm soát bởi Tòa Thánh và thứ hai, Tòa Thánh nhận được thông tin về các hoạt động của tất cả các linh mục và đưa ra những quyết định cụ thể, trực tiếp hoặc "bởi và thông qua" các giáo phận và các dòng tu, về họ. Lý thuyết cơ bản của nguyên đơn là nếu có một sự kiểm soát như thế thì nó sẽ chứng minh rằng Tòa Thánh có trách nhiệm về những lạm dụng tình dục của các linh mục.

Nhược điểm cuả lý thuyết trên cũng khá đơn giản: đây không phải là cách Giáo Hội Công Giáo hoạt động. Trên thực tế, các linh mục thuộc thẩm quyền của cấp trên tại địa phương của họ, là những người đưa ra quyết định về sự xứng đáng của họ để phục vụ trong bất kỳ trách nhiệm cụ thể nào. Các linh mục không phải là "nhân viên" của Tòa Thánh vì lý do họ có tình trạng là giáo sĩ, và Tòa Thánh cũng không nhận và lưu giữ thông tin về tất cả các linh mục trên thế giới hoặc về tất cả các trường hợp lạm dụng tình dục liên quan đến các linh mục trên toàn thế giới.

Cũng nên để ý đến một khía cạnh quan trọng khác của vụ án. Các luật sư nguyên đơn đã cố gắng cho thấy rằng tòa án liên bang Hoa Kỳ có thể có thẩm quyền xét xử Tòa Thánh vì Tòa Thánh tham gia vào "hoạt động thương mại". Vì trên thực tế có những đóng góp cho quỹ của ĐGH (Pence of Peter), quĩ này được thực hiện mỗi năm bởi các tín hữu và các linh mục "kêu gọi" sự đóng góp này. Theo lý thuyết này, Giáo Hội được coi như là một công ty lớn với Đức Giáo Hoàng là một Giám đốc điều hành. Ý tưởng này đã bị mạnh mẽ bác bỏ bởi tòa án này, và tất cả các tòa án khác đã từng xem xét vấn đề này.

Một điểm đặc trưng đáng chú ý khác của trường hợp này là các thẩm phán đã có cơ hội để kiểm tra chặt chẽ mọi sự kiện. Thông thường trong những trường hợp này, vấn đề được quyết định hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật mà thôi. Nhưng trong trường hợp này, tất cả các bên và các nhân chứng đã trao đổi tài liệu và cung cấp tất cả những tài liệu đó cho thẩm phán. Điều này cho phép thẩm phán xem xét rất chặt chẽ các sự kiện thực tế liên quan đến các linh mục và bất kỳ sự kết nối nào với Tòa Thánh. Những tài liệu cho thấy, rất rõ ràng, là Tòa Thánh đã không có bất kỳ kiến ​​thức nào về xu hướng của các linh mục cho đến sau khi tình trạng lạm dụng xảy ra, khi mà Toà Thánh được một đấng bề trên nộp lên một kiến nghị yêu cầu 'hoàn tục' một vị linh mục. Và khi bản kiến ​​nghị đến, nó đã được chấp thuận bởi Tòa Thánh không chậm trễ.

Vì vậy, ngay sau khi vị thẩm phán thông hiểu những sự kiện - sự kiện thực tế chứ không phải là những cáo buộc trong đơn khiếu nại của nguyên đơn - ông bác bỏ vụ kiện.

2. Đã có nhiều trường hợp tương tự. Những gì đã xảy ra với chúng, và có trường hợp nào vẫn còn tồn đọng không?

Như tôi đã nêu ra trong bản Tuyên bố, có hai trường hợp khác có ý nghĩa đặc biệt - trường hợp O'Bryan ở Kentucky và John Doe 16 ("Murphy") ở Wisconsin. Những trường hợp đó cũng có những lý thuyết tương tự và cũng gặp phải một số phận tương tự: họ bắt đầu với những khiếu nại rất mạnh mẽ cho rằng dường như có nhiều sự kiện cho thấy có sự tham gia của Tòa Thánh trong các vấn đề Giáo Hội địa phương, đặc biệt liên quan đến tác phong của các linh mục. Nhưng khi các trường hợp được phân tích và kiểm tra cẩn thận bởi một thẩm phán, luận điểu đó rõ ràng trở nên không bền vững. Ngoài ra đã có nhiều trường hợp khác đã không trở thành vụ kiện bởi vì luật sư của nguyên đơn đã bỏ rơi vụ việc rất sớm.

Hiện nay không có trường hợp nào còn "tồn đọng" cả. Nhưng luôn luôn vẫn có khả năng một trường hợp khác sẽ phát sinh ra. Khi đó, chúng tôi sẽ kiểm tra và bảo vệ theo từng trường hợp một.

3. Tòa Thánh đã thực hiện các bước cụ thể nào để chống lại các trường hợp lạm dụng tình dục?

Trong nhiều năm qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, và bây giờ là Đức Phanxicô, đã không những cung cấp vai trò lãnh đạo đạo đức bằng cách thừa nhận vấn đề lạm dụng là có xảy ra, nhưng đồng thời cũng đặt kỳ vọng rằng các Hội đồng giám mục thế giới phải tạo ra những khuôn mẫu vững chắc để tìm ra và phòng ngừa lạm dụng. Và điều này, rõ ràng, là tương lai. Chúng ta đã chứng kiến nhiều thiệt hại lớn lao trên thể xác và linh hồn. Thiệt hại là hết sức to lớn. Ở một số vùng, giáo dân đã bỏ đi vì vấn đề này. Dù vậy vẫn có nhiều chỗ cho hy vọng và đổi mới. Trong những giáo phận có các chương trình tích cực về nhận thức và phòng chống lạm dụng - có nghĩa là không chỉ bằng những lời nói đẹp và hay của vị Giám mục, nhưng còn có sự cống hiến về thời gian, nguồn lực, và cam kết của giáo dân và linh mục - thì những thay đổi thực sự đã có thể được thực hiện một cách nhanh chóng. Bài học đơn giản là một khi các vấn đề được công khai thừa nhận và đối mặt, nó có thể được giải quyết tích cực. Hy vọng và mong đợi của tôi là Giáo Hội Công Giáo sẽ đề cao quan điểm cho rằng việc nhận thức và dự phòng sự lạm dụng là một công việc mục vụ có ưu tiên cao nhất, và Giáo Hội sẽ trở thành một mô hình phòng chống lạm dụng cho tất cả các tổ chức khác trong xã hội, không bao giờ còn là một nguồn cuả các vụ bê bối nữa.