NĂM ĐỨC TIN 2013 – HÀNH HƯƠNG CHÂU ÂU – SANTAREM – LISBON.

Santarem là một thị trấn cách Fatima chừng 60km. Từ Fatima chúng tôi đi thăm Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể và Nhà Thờ Chính Tòa ở Santarem. Trở về Fatima than dự đêm rước kiệu Đức Mẹ. Sáng hôm sau đi Lisbon tham quan và ra sân bay trở về Việt Nam.

Xem hình ảnh

1. Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể ở Santarem

Sự tích

Vào khoảng giữa năm 1225 hay 1247, có một phụ nữ Công Giáo cư ngụ tại Santarem. Bà ta là người quá bất hạnh vì luôn yên trí rằng: người chồng không thương yêu mình và đã thất tín, nên bà ta dùng mọi mánh khoé để lôi kéo chồng, nhưng không thành công. Đau khổ quá, bà ta tìm đến với một mụ phù thủy như giải pháp cuối cùng. Mụ phù thủy hứa sẽ làm cho người chồng quay trở lại yêu thương bà với điều kiện bà mang cho mụ ta một tấm Bánh Thánh với ý đồ xúc phạm Mình Thánh Chúa.

Điều kiện quái gở này đã làm cho người phụ nữ rất lo sợ, vì đây là việc phạm sự thánh. Tuy nhiên, vì quá đau khổ, cuối cùng bà ta liều mình chấp nhận. Bà đi dự lễ và lên rước Mình Thánh Chúa tại Nhà thờ Thánh Stêphanô. Nhưng thay vì nuốt Mình Thánh, bà ta lấy Mình Thánh ra khỏi miệng và gói vào một chiếc khăn, rồi lập tức rời khỏi Nhà thờ để đem giao Mình Thánh Chúa cho mụ phù thủy.

Dọc đường, Mình Thánh Chúa bắt đầu rỉ máu. Tuy nhiên, bà ta không hề hay biết, cho đến khi những người qua đường nhìn bà ta chằm chằm, vì họ tưởng bà bị xuất huyết. Quá hoảng sợ, bà ta vội vã trở về nhà, bỏ khăn ra và đặt Mình Thánh Chúa vào một đáy rương. Suốt ngày hôm đó cho đến tối, bà chờ đợi chồng trong sự lo sợ. Đến khuya người chồng về nhà nhưng bà ta giấu không hề hé môi nói về chuyện đó, sau cùng cả hai vợ chồng đi ngủ. Cả đêm hôm đó, bà không sao ngủ được, tâm hồn bị dày vò vì tội phạm sự thánh và bà luôn nghĩ rằng, không biết Mình Thánh có còn chảy máu nữa hay không?

Tảng sáng, hai vợ chồng tỉnh giấc, những tia sáng chói loà từ chiếc rương phát ra. Không giấu nổi, bà đành thú tội với chồng về tội phạm sự thánh. Thế rồi cả hai đã quì thờ lạy Thánh Thể Chúa cho tới sáng. Sáng sớm, ánh sáng càng rực rỡ từ chiếc rương đã thu hút bao khách qua đường đến chật ních ngôi nhà của bà. Tất cả mọi người đã chứng kiến phép lạ cách tỏ tường. Thế rồi tin phép lạ Thánh Thể đã đến tai cha xứ. Ngài vội vã đến nơi xảy ra phép lạ và nghe bà trình lại tỉ mỉ sự việc. Sau đó, cha xứ long trọng rước Thánh Thể về Nhà thờ. Ngài đặt Thánh Thể vào trong hộp tráng sáp và để trong Nhà Tạm.

Rồi một phép lạ khác lại xảy ra sau đó. Lần kia, khi cha xứ mở cửa Nhà Tạm, hộp tráng sáp đựng Thánh Thể đã bị vỡ tung thành trăm mảnh. Thế vào đó, ngài đã phải làm một hộp pha lê đựng Mình Thánh Chúa. Hộp đó đã được lưu giữ cẩn thận ở ngôi thánh đường này cho đến ngày nay. Từ đó, ngôi Thánh đường được đổi tên là “Nhà thờ Phép Lạ Thánh Thể”.

Từ ngày phép lạ xảy ra, hằng năm, vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng 4, dân địa phương đã diễn lại sự kiện trên, và Phép Lạ Thánh Thể đã được long trọng cung nghinh từ ngôi nhà xảy ra phép lạ về Nhà thờ chính.

Từ năm 1684, căn nhà này đã trở thành nhà nguyện để cho khách thập phương kính viếng. Phép Lạ Thánh Thể Santarem chỉ rời thành phố một lần vào lúc quân đội Napolêon chiếm đóng Bồ Đào Nha vào năm 1810. Vì dân làng lo sợ quân Pháp xúc phạm đến Mình Thánh Chúa, nên Đức Giám Mục Lisbon đã chuyển Thánh Thể đi khỏi Santarem. Ngài đã đặt Thánh Thể để các tín hữu ở Lisbon tôn kính. Có người cho rằng ngài muốn lưu giữ Thánh Thể vĩnh viễn tại Thánh đường Pacao. Dân thành Santarem hay tin đã nổi giận và mở một cuộc biểu tình quá gây cấn. Thế rồi, Phép Lạ Thánh Thể lại được đem về Santarem cách bí mật trong ngày 2-12-1811 và ở lại đó cho đến ngày nay.

Bánh Thánh Thể có hình khác thường với những đường máu chảy từ trên xuống dưới và người ta đã thu được một số lượng máu ở hộp đựng Bánh Thánh.

Bác sĩ Hoagland ở New Jersey đã đến viếng Bánh Thánh Thể nhiều lần và nhận thấy có nhiều lúc máu có màu như máu tươi. Máu Thánh vẫn còn ở thể lỏng cho tới 750 năm sau khi Phép Lạ xảy ra vào đầu thế kỷ XIII.

Sau khi được sự chuẩn nhận của Giáo quyền, Nhà Thờ Thánh Têphanô ở Santarem được đổi tên là “Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể”.

Trong thinh lặng, chúng tôi lần lượt từng người đi theo lối phía sau cung thánh, ngay phía sau Nhà Tạm có 5 bậc tam cấp để bước lên và hôn kính Thánh Thể được đặt trong một mặt nhật bằng vàng. Sau đó chúng tôi đi ra Nhà thờ quỳ gối thờ lạy Chúa Giêsu ngự trong Bánh Thánh Thể.

Giáo Hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô.Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục, thừa tác viên của Giáo Hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà Linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như Linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của Linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là Linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo Hội thiết tha khẩn cầu trước lúc Linh mục Truyền Phép: “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III); “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Thánh Thể mầu nhiệm đức tin. Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu. Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài. Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy. Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy".

Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến lạ lùng là lấy chính Thịt Máu của Ngài làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Chính Ngài là của ăn và của uống Chúa Giêsu ban hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói cái khát thể xác. Thế nên, Ngài xác quyết: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống”. Vậy Bánh Ngài ban chính là Thịt Máu Ngài. Cụm từ “Thịt Máu” ở đây không những bao gồm tất cả những gì nuôi sống linh hồn con người để đưa đến sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhập thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người và đã đổ máu ra trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn của uống là những cái thường tình nhất của cuộc sống chúng ta để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh hằng.

Vì lý do đó, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nghĩa là đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Rời Nhà Thờ Phép Lạ Thánh Thể, chúng tôi đi một đoạn ngắn đến thăm Nhà Thờ Chính Tòa.

Người ta vẫn thường ví von đến Santarem mà không tham quan ngôi Nhà thờ Chính tòa thì tương tự như đến Roma mà không gặp Đức Giáo Hoàng. Thật đáng tiếc, khi chúng tôi đến, Nhà thờ đang tu sữa nên chỉ đứng nhìn bề ngoài chụp vài tấm hình lưu niệm.

2. Nhà Thờ Chính Tòa Santarem

Santarem là một quận và là thủ phủ của tỉnh Rivatejo. Người ta coi Santarem như là thủ đô kiến trúc Gothic của Bồ Đào Nha với nhiều Nhà thờ, đài phun nước và Tu viện đều được xây dựng theo phong cách đó. Nhà thờ Santarem được xây cất vào thế kỷ XVII, theo phong cách cầu kỳ như một Nhà thờ của Dòng Tên trong thành phố. Nhà thờ này trở thành Nhà thờ của Chủng Viện sau khi các Cha Dòng Tên bị trục xuất khỏi Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ XVIII. Từ năm 1970 trở thành Nhà thờ Chính tòa của Santarem.

3. Lisbon.

Tạm biệt Fatima, chúng tôi đi Lisbon thăm Nhà thờ Chính tòa, thăm cảng Lisbon nơi Thánh Phanxicô Xaviê xuống tàu lên đường truyền giáo, thăm cảng Bêlem và ra sân bay Lisbon để trở về Việt Nam.

Lisbon là thành phố lớn nhất và là thủ đô của Bồ Đào Nha.

Lisbon là thành phố nằm trên những quả đồi ở miền Tây Bồ Đào Nha, trên bờ sông Tagus, nơi con sông mở rộng trước khi nhập vào Đại Tây Dương. Đây là thành phố hiếm gặp ở Tây Âu khi xung quanh bốn bề đều giáp biển vì thế Lisbon còn được gọi với cái tên “thành phố của nước." Thành phố biển này được triều đại Ulysses xây dựng vào năm 1.200 trước công nguyên.

Đến thế kỷ II, thành phố bị người La Mã chiếm. Năm 716 người Mauri kiểm soát thành phố. Năm 1147 thành phố được chiếm lại. Vua Bồ Đào Nha lúc đó là Alfonse Henriques chọn Lisboa làm thủ đô. Năm 1260, Lisbon trở thành thủ đô của Bồ Đào Nha và nổi tiếng với cái tên “Kỷ nguyên khám phá” vào thế kỷ XV, XVI khi hàng loạt các nhà hàng hải lừng danh của Lisbon đi chinh phục những bờ biển của các châu lục đem lại sự giàu có và thịnh vượng cho đất nước Bồ Đào Nha. Năm 1755, toàn bộ thành phố hầu như bị chôn vùi vì trận động đất lịch sử. Sau đó, trung tâm Lisbon được xây dựng lại theo kiểu bàn cờ với những ngôi nhà nhỏ xinh xắn. Lisbon nổi tiếng bị động đất, từ thế kỷ XIV trở đi có hàng chục trận động đất. Ngày 1-11-1755 trận động đất lớn nhất, với cường độ 9 độ Richter, làm khoảng từ 30.000 đến 40.000 người thiệt mạng trong khi dân số thành phố chỉ khoảng 200.000 người. Hơn 85% nhà cửa và cơ sở của thành phố bị hư hại. Cũng vì phần nào ảnh hưởng của trận động đất này mà Đế quốc Bồ Đào Nha đã không mở rộng và phát triển mạnh như các đế quốc Âu Châu khác.

Thủ đô Lisbon ngày nay là vùng thịnh vượng nhất Bồ Đào Nha vì nằm ở tận cùng phía Tây đại lục châu Âu, rất thuận lợi cho việc giao lưu thông thương với châu Mỹ Latinh và châu Phi qua Địa Trung Hải. Lisbon còn được biết đến với nhiều công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ theo kiểu truyền thống Bồ Đào Nha, La Mã, Arập, Gôtích tiêu biểu.

Đến Lisbon, chúng tôi thấy nổi bật nhất là những tòa nhà bằng đá vôi màu trắng, những ngõ hẻm quanh co đầy vẻ bí ẩn. Đặc biệt, Lisbon có những thánh đường được xây theo lối kiến trúc Gothic, những tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ bên dòng sông Tagus hiền hòa. Thành phố Lisbon mang vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ bởi những cung điện cổ kính, những tòa lâu đài tráng lệ nghiêng nghiêng soi bóng bên dòng sông Tagus suốt hàng ngàn năm lịch sử.

Cảng Lisbon, nơi Thánh Phanxicô Xaviê xuống tàu đi truyền giáo đến những miền đất Á Châu.

THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

Thánh nhân sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của vương quốc Navarre nhỏ bé miền bắc nước Tây Ban Nha ngày nay. Khi ngài 5 tuổi, nước Tây Ban Nha thôn tính và sát nhập Navarre khiến gia đình ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi ngài đến Paris học (1525-1536).

Tại Paris ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Phêrô Favre và sau đó với thánh Ignaxiô. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatiô thu phục. Năm 28 tuổi ngài cùng với nhóm bạn của thánh Ignatiô khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi, ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền đông bắc nước Ý năm 1537. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.

Tháng 4.1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Indonésia. Là vị giám tỉnh đầu tiên của tỉnh dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục thánh Ignatiô, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội thánh.

Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu.

Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản. Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.

Tới Goa ngày 6.5.1542, Phanxicô rong ruổi khắp nơi, nhiệt tình rao giảng cho người ta biết con người Nagiaret nghèo nàn kia chính là Thiên Chúa ở giữa loài người. Trong 7 năm (1542-1549), Ngài là nhà truyền giáo rửa tội đựơc nhiều nhất, tới 100.000 người, “có những buổi chiều nhức mỏi cả cánh tay” như thánh nhân viết. Từ Malaca, Ngài đến Nhật, xứ sở mặt trời. Ngài muốn gặp gỡ tìm hiểu trao đổi để Lời Chúa sáng ngời qua đối thoại. Ngài dự định đến tận kinh đô Nhật, vào các Đại học, gặp gỡ các nhà Sư để trao đổi. Phanxicô hoạt động nhiều nhất tại Kagoshima, Hirado, Bungo trên đảo Kyushu, lên Yamaguchi, từ đó đi hai tháng lên khinh đô Myako (tức Kyoto). Sau hai năm ở Nhật, Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi ngài trao lại cho cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người.

Phanxicô trở về Goa, trao công việc truyền giáo lại cho cha Torres và tu huynh Fernandez.

Ngày 14.4.1552 nhà truyền giáo lên tàu, tháng 8 năm đó ngài tới đảo Thượng Xuyên, cửa ngõ Trung Hoa. Ba tháng sau Phanxicô bị sốt nặng, lòng vẫn ngong ngóng đựơc nhà cầm quyền Quãng Đông cho phép vào đất liền. Thật bất ngờ, ngài qua đời vào 2-3 giờ sáng ngày 3.12.1552, mới 46 tuổi đời. Nói theo “thói thế gian”, đó là vỡ mộng, mọi việc còn dang dỡ…Nhưng đối với Thiên Chúa thì Phanxicô đã làm trọn ý Người và mọi sự đã hoàn thành, dù chưa đựơc phép bước vào nước Đại Minh thời đó với dân số dưới 200 triệu người.

Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.

Hành trình không mệt mỏi, Phanxicô Xaviê rong ruổi những nẻo đường Á Châu, một miền xa lạ và xôi xa. Nhưng mặc kệ. Sợ gì! Đối với thánh nhân:Tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người (Bt 78,2). Ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẳn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa, mỗi một hao mòn trong thân xác là “một vốn” bỏ ra để có “bốn lời” cho cuộc sống mai hậu. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa.

Chính vì thế mà Phanxicô Xaviê đã không mỏi mệt ra đi, dấn bước lên đường: từ Nhật đến Ấn Độ, từ Goa đến biên giới Trung Quốc. Mỗi chặng đường đi qua, lại là một lời “còn nữa” vang lên không ngừng. Tiếng gọi từ nhu cầu truyền giáo đã hớp lấy tâm hồn Phanxicô Xaviê. Thánh nhân đã sống do và cho tiếng gọi này đến hơi thở cuối cùng trên con đường sang Trung Quốc. Đúng là một con người đầy cao vọng nhưng là một cao vọng đích thực chỉ mình Thiên Chúa mới có thể đong đầy, mới làm no thỏa.

Thánh Phanxicô Xaviê được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Đi qua cảng Lisbon, xe chở chúng tôi đi qua khu vực được xây dựng lại cách đây khoảng hai thế kỷ rưỡi sau trận động đất và sóng thần tàn phá Lisbon vào năm 1755. Đây là khu vực nhộn nhịp nhất của thủ đô Bồ Đào Nha.

Praca da Figueira (Quảng trường Cây sung): không biết ngày xưa người ta có trồng nhiều cây sung ở đây không chứ ngày nay, giữa quảng trường là một bức tượng đồng vua Joao I cỡi ngựa đứng trên một cái bệ và hình ảnh đáng chú ý nhất là hàng trăm con chim bồ câu đậu trên bệ.Chung quanh quảng trường là các tiệm buôn, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê và những sạp bán thức ăn lộ thiên.

Quảng trường Rossio được xem mà một trong những quảng trường đẹp nhất ở Lisbon. Ở giữa là một bệ tháp hình trụ khá cao, trên đỉnh là tượng của Dom Pedro IV là vua của Bồ Đào Nha. Dưới chân đế của tượng là hình 4 phụ nữ tượng trưng cho Công lý, Khôn ngoan, Sức mạnh và Tiết độ, những đức tính được cho là của con người ông. Ở trước tượng là một một bể nước lớn có vòi phun và phía sau là Hí viện Quốc gia Maria II.

Quảng trường Praca dos Restauradores có nghĩa Quảng trường Phục quốc với một tháp bút dùng làm đài kỷ niệm Bồ Đào Nha giành lại độc lập từ nước láng giềng Tây Ban Nha vào năm 1640. Qua khỏi quảng trường này lên phía bắc là con đường hai bên rợp cây xanh của Đại lộ Tự do Avenida da Liberdade, con đường chính của thủ đô Lisbon.

4. Nhà Thờ Chính Tòa Lisbon

Đây là Nhà thờ Chính tòa thượng phụ. Thánh đường này là Nhà thờ Đức Bà Cả ở Lisbone.

Nhà thờ cổ xưa nhất của thủ đô được xây dựng từ năm 1147. Suốt dòng lịch sử, ngôi Nhà thờ đã được thay đổi nhiều lần và vẫn vững vàng sau nhiều trận động đất. Ngày nay Nhà thờ là một tổng hợp nhiều phong cách kiến trúc khác nhau.

Lisbon có Tòa Giám mục từ thế kỷ IV. Sau thời kỳ thống trị của người Visigoth, thành phố bị người Moor chiếm đóng và nằm dưới quyền kiểm soát của người Ả Rập từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XII. Tuy nhiên người Kitô hữu được phép sống ở Lisbon và vùng phụ cận. Năm 1147, quân đội hỗn hợp của Bồ Đào Nha và quân Thập tự chinh Bắc âu (thời Thập tự chinh thứ hai) dưới quyền lãnh đạo của vua Afonso Henriques đã tái chiếm tại thủ đô. Một quân nhân thập tự chinh người Anh tên là Gilbert của Hastings đã được đặt làm Giám mục. Từ đó, ngôi Nhà thờ Chính tòa mới được xây trên vị trí của ngôi Đền thờ Hồi giáo của Lisbon.

Nhà thờ đầu tiên được hoàn tất giữa năm 1147 và những thập niên đầu của thế kỷ XIII theo phong cách Roman muộn thời. Vào thời điểm đó Thánh tích của Thánh Vincent Saragossa, vị thánh bổn mạng của Lisbon, được đem từ niềm nam Bồ Đào Nhà đến Nhà thờ Chính tòa.

Cuối của thế kỷ XIII, vua Dinis Bồ Đào Nha đã xây một Tu viện theo phong cách Gothic. Vị vua kế vị là Afonso IV đã chuyển đổi Nhà nguyện chính thành Đền thờ hoàng gia theo phong cách Gothic cho bản thân ông và hoàng gia.

Năm 1498, Nữ hoàng Eleanor of Viseu đã thiết lập “Huynh đoàn khẩn cầu Đức Mẹ Thương xót” ở Lisbon tại nhà nguyện của Nhà thờ. Huynh đoàn này phát triển thành Santa Casa da Misericordia de Lisboa, là một tổ chức Bác ái Công Giáo, sau đó đã lan nhanh đến các thành phố khác và đóng một vai trò rất quan trọng ở Bồ Đào Nha và thuộc địa của nước này.

Động đất luôn là một vấn đề đối với Lisbon và Nhà thờ Chính tòa. Suốt thế kỷ XIV và XVI, có vài cuộc động đất, nhưng cuộc động đất dữ dội nhất vào năm 1755, đã phá hủy nguyện đường chính mang phong cách Gothic với Đền thờ hoàng gia. Các Tu viện và nhiều Nhà nguyện bị động đất và lửa sau đó phá hủy. Một phần Nhà thờ được xây dựng lại vào thế kỷ XX, nó có một dáng vẻ như ngày nay sau khi được tân trang lại hầu như toàn bộ. Vào những năm vừa qua, sân trung tâm của Tu viện đã được khai quật và cho thấy dấu hiệu của thời kỳ La Mã, Ả Rập và Trung cổ.

Nhà thờ Chính tòa Lisbon mang hình chữ thập Latin với ba lối đi, một cánh ngang với một Nhà nguyện chính được bao quanh bởi mái vòm. Thánh đường được nối với một Tu viện ở phía Đông. Mặt chính của Nhà thờ trông giống như một pháo đài, với hai tháp ở hai bên lối vào và với lỗ châu mai trên các bức tường. Vẻ bên ngoài đe dọa này, cũng thường thấy trong các Nhà thờ Chính tòa khác ở Bồ Đào Nha vào thời điểm đó. Đây là một di tích từ thời tái chiếm lại Bồ Đào Nha. Khi Nhà thờ Chính tòa được sử dụng như một căn cứ để tấn công kẻ thù trong cuộc bao vây.

Từ thời kỳ xây dựng đầu tiên, Nhà thờ Chính tòa Lisbon giữ được mặt tiền phía Tây với một cửa sổ hoa hồng được xây dựng lại từ các mảnh vỡ trong thế kỷ XX. Các cổng có những chi tiết điêu khắc thú vị với những họa tiết theo phong cách Roman. Lòng giữa được bao phủ bởi cái mái vòm và các hành lang ở trên có hình vòm cung. Ánh sáng được thông qua các cửa sổ hoa hồng ở mặt tiền phía Tây và cánh ngang, các cửa sổ nhỏ của các lối đi hai bên của lòng giữa Nhà thờ trông giống như là những cửa sổ của tháp đèn lồng của cánh ngang. Tổng thể chung của Nhà thờ Chính tòa giống như Nhà thờ Chính tòa cổ xưa ở Coimbra cũng cùng thờ kỳ đó. Một trong các Nhà nguyện của mái vòm có một cổng sắt theo phong cách Roman trông rất thú vị.

Phần mộ của hiệp sĩ Lopo Fernandes Pacheco theo phong cách Gothic, là vị Lãnh chúa thứ 7 của Ferreira de Aves, nằm dưới mái vòm Nhà thờ Lisbon.

Vua Dinis Bồ Đào Nha đã ra lệnh xây dựng một Tu viện theo phong cách Gothic vào cuối thế kỷ XIII. Tu viện này đã bị thiệt hại vì trận động đất năm 1755. Gần lối cửa chính vào của Nhà thờ, một thương gia giàu có tên Bartolomeu Joanes đã xây một Nhà nguyện phần một cho chính ông vào đầu thế kỷ XIV. Muộn hơn một chút, vua Afonso IV của Bồ Đào Nha đã thay thế phần vòm cung sau cung thánh theo phong cách Roman bằng một Nhà nguyện chính theo phong cách Gothic được bao quanh bởi các mái vòm với các Nhà nguyện đầy ánh sáng. Đức vua và hoàng gia được chôn cất ở Nhà nguyện chính, nhưng phần mộ của họ đã bị phá hủy trong trận động đất 1755. Mái vòm còn sót lại và đây là một công trình quan trọng trong lịch sử kiến trúc Gothic Bồ Đào Nha. Nó có một lối đi vòng chung quanh- không nối với nhà nguyện chính - với một số các nhà nguyện đầy ánh sáng. Tầng thứ hai của mái vòm cung được bao phủ bởi các vòm có sọc nổi và có một lô các cửa sổ làm cho bên trong Nhà thờ tràn đầy ánh sáng.

Mái vòm chứa ba phần mộ ở ngoài mang nét Gothic nổi bật vào giữa thế kỷ XIV. Một ngôi mộ thuộc về Lopo Fernandes Pacheco, vị Lãnh chúa thứ 7 của Ferreira de Aves, ông là một nhà quý tộc phục vụ vua Afonso IV. Tượng của ông với gương mặt bất động, tay cầm thanh kiếm và được bảo vệ bởi một con chó. Tượng vợ ông là bà Maria de Vilalobos, xuất hiện trên ngôi mộ của bà đang đọc sách Phụng vụ giờ kinh. Ngôi mộ thứ ba người ta thấy được đôi giày của một vị công chúa không được nhận dạng. Tất cả các ngôi mộ được trang trí với các huy hiệu.

Mỗi một cửa sổ hình ovan trên cổng mái vòm đôi có những họa tiết kiểu kiểu cửa sổ bằng kính ghép màu.

Vào cuối thế kỷ XV, người ta tin rằng những tấm ván cửa hình thánh Vinh sơn Panels, do họa sĩ Nuno Gonçalves vẽ được đặt trong Nhà nguyện Thánh Vincent dưới mái vòm. Những tấm ván này bây giờ đang ở Bảo tàng viện Quốc gia nghệ thuật cổ ở Lisbon.

Trong thế kỷ XVII, một phòng thánh đẹp được xây dựng theo phong cách Baroque và sau năm 1755, nhà nguyện chính được xây dựng lại theo phong cách tân cổ điển và Rococo (bao gồm phần mộ của vua Afonso IV và gia đình). Machado de Castro, nhà điêu khắc nổi tiếng nhất của Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ 18, là tác giả của hang đá huy hoàng trong Nhà nguyện của Bartomoleu Joanes theo phong cách Gothic. Vào đầu thế kỷ XX, nhiều trang trí tân cổ điển ở bên ngoài cũng như bên trong nhà thờ Chính tòa đã bị gỡ bỏ đem lại cho nhà thờ Chính tòa dáng vẻ “thời trung cổ” hơn.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm Nhà thờ Santa Maria và Tu viện Giêrônimô. Tu viện được xây dựng bằng loại đá vôi vàng óng của địa phương trong 50 năm (từ năm 1502-1552). Tu viện được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1983. Tu viện được chia làm hai phần chính là Nhà thờ Santa Maria và Tu viện Mosteiro dos Jeronimos.

5. Nhà thờ Santa Maria

Cổng chính phía Nam vào nhà thờ là một cửa đôi rộng 12m, cao 32m lên đến tầng 2. Bao xung quanh phía trước cửa là các hàng cột, tháp nhọn và nhiều tượng điêu khắc trong các hốc tường có phủ màn treo. Giữa cửa đôi của tầng 1 và tầng 2 là bức tượng Thủy thủ Henry, người khởi xướng việc thám hiểm thế giới của Bồ Đào Nha vào thế kỷ XV. Cổng phía Tây xây theo lối Phục Hưng năm 1517 với nhiều cột chống và được mở rộng bằng một tiền sảnh vào thế kỷ XIX.

Các mặt xiên của cạnh cửa ở mỗi bên trang trí đầy các bức tượng, trong đó có bức tượng vua Manuel I và ái phi Maria của vùng Aragon ở tư thế quỳ trong một hốc tường có phủ bức trướng lộng lẫy. Các tay đỡ ở mỗi cột có các hình thiên thần nhỏ, hoa lá... Trong nhà thờ lưu giữ hàng loạt các lăng mộ hoàng gia, mỗi lăng mộ có 2 bức tượng voi canh giữ và ngôi mộ đá của nhà thám hiểm Vasco da Gama (1468-1523) và nhà thơ lớn Luis de Camoes của “Kỷ nguyên khám phá” ở Bồ Đào Nha.

Mái vòm của nhà thờ Santa Maria theo phong cách Manueline.

Cửa hai bên phía nam là công trình của Diogo và João de Castilho Boitaca có vô số viền cổng với nóc được xén theo hình vòm cung và những hốc được đục sâu vào tường để đặt các bức tượng. Ở bên trên cửa có một mái vòm trong đó có Thập giá của các Hiệp sĩ Chúa Kitô. Khoảng tường được trang trí bức tượng của Nhà hàng hải Henry và ô trán của cánh cửa được trang trí bằng các phù điêu liên quan đến cuộc đời của Thánh Jérôme.

Cánh cửa phía tây là công trình của Nicolas Chanterene, cho phép đi đến nội vi của Tu viện. Nó được trang trí có nhiều bức tượng rất đẹp ở đây, đặc biệt là tượng vua Manuel I và Hoàng hậu thứ hai của ông là bà Mary of Aragon. Phía trên cổng là cảnh Truyền Tin, Giáng Sinh và các đạo sĩ thờ lạy Chúa Hài đồng. Ngày nay cánh cửa này được che bởi một cổng khác được xây dựng vào thế kỷ XIX.

Bên trong gian chính Nhà thờ gây bất ngờ với sự tinh tế và kỹ thuật trang trí điêu luyện của mái vòm. Việc trang trí những hàng cột và mái vòm theo phong cách Manueline do João de Castilho thực hiện. Tại lối vào Nhà thờ, có ngôi mộ của Vasco da Gama và Camoens. Còn những cánh ngang thì theo phong cách Baroque do Jérôme de Rouen thực hiện trong đó có rất nhiều phần mộ của hoàng gia. Chỗ của ca đoàn được xây dựng lại vào thời kỳ cổ điển, người ta khám phá ra một Nhà tạm bằng bạc vào thế kỷ XVII, là một sản phẩm kim hoàn Bồ Đào Nha của João de Sousa (1674-1678), do vua Alfonso VI dâng tặng để nói lên lòng cảm ơn đối với cuộc chiến thắng của ông trong trận chiến ở Montes Claros khi đương dầu với Vương quốc Tây Ban Nha ngày 17 tháng 6 năm 1665, và cũng có nhiều ngôi mộ hoàng gia khác.

Chúng tôi dâng lễ tạ ơn kết thúc chuyến hành hương tốt đẹp và xin ơn bình an cho chuyến bay về quê hương. Cha Quang trưởng đoàn, chủ tế và giảng lễ. Hôm nay kỷ niệm 34 năm hôn phối của Anh Chị Bình Giang. Anh Bình là bạn học thời tiểu chủng viện với Cha Quang. Thánh lễ sốt sắng cảm động và dạt dào tâm tình tri ân.

6. Tu Viện Thánh Giêrônimô

Tu viện Giêrônimô là một công trình kiến trúc theo phong cách Manueline. Đây là một dinh thự trưng bày rất phong phú những điều khám phá của người Bồ Đào Nha trên toàn thế giới. Tu viện nằm ở Phía Tây thủ đô Lisbon Bồ Đào Nha trong khu vực Belem nằm ở cửa sông Tagus.

Một thời gian ngắn sau khi Vasco de Gama trở về từ chuyến du hành đầu tiên của mình tới Ấn Độ, vào năm 1502, trên vị trí của một Đan viện do nhà Hàng hải Henry thành lập, vua Manuel I ra lệnh xây dựng một Tu viện dành riêng cho các tu sĩ thuộc Dòng thánh Jérôme đến cuối thế kỷ XVI mới hoàn thành. Lợi nhuận của việc thương mại gia vị và sự giàu có nhờ các cuộc hành trình khám phá của người Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI đã tài trợ phần lớn công trình xây dựng này.

Tu viện là một công trình kiến trúc thành công nhất theo phong cách Manueline. Thừa hưởng làn sóng giàu có ở Lisbon, các kiến trúc sư lao mình vào một công trình xây dựng quy mô lớn. Diogo Boitaca là vị kiến trúc sư đầu tiên của công trình từ năm 1502, ông đã chấp nhận phong cách Gothic. Nhưng từ năm 1517, những kiến trúc sư kế nhiệm ông đã thay đổi phong cách kiến trúc này và thêm vào các thiết bị trang trí mang phong cách Manueline. Điều này phản ánh những ảnh hưởng phong cách kiến trúc khác nhau nơi Tu viện. João de Castilho, người gốc Tây Ban Nha đã đưa ra kiểu trang trí quay sang phong cách kiến trúc thời Phục hưng đầu tiên ở Tây Ban Nha; Nicolau Chanterene làm nổi bật những chủ đề của thời Phục hưng và cuối cùng Diogo de Rouen Torralva và Jérôme mang lại một nét thuộc trường phái cổ điển.

Tu viện thoát khỏi trận động đất năm 1755 tàn phá Lisbon, nhưng sau này đã bị quân đội Napoleon đến từ Pháp xâm chiếm Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ XIX gây thiệt hại. Năm 1834, với việc trục xuất Dòng thánh Jérôme ra khỏi Bồ Đào Nha, Nhà thờ Đức Maria của các thầy Dòng thánh Jérôme đã trở thành Nhà thờ của Giáo xứ Đức Maria Belem.

Giữa thế kỷ XIX, những tòa nhà được thêm vào về phía tây của tháp chuông đã ảnh hưởng đôi chút đến sự hài hòa kiến trúc tổng thể vẫn được tôn trọng cho đến giờ. Người ta đã thiết lập ở đây những bảo tàng viện hải quân và khảo cổ.

Tu viện gồm hai tầng, được chia làm nhiều cánh. Mỗi cánh của Tu viện có 6 gian với mái vòm trang trí hình gân lá và các cột hình chữ nhật khắc hình những cuộn dây thừng xoắn, các con quái vật biển, san hô... Các gian trong có những trụ ốp tường lớn, mỗi góc của các gian được nối với nhau bằng các khung cửa tò vò. Các bức tường phía trong và ngoài tu viện đều được trang trí đẹp mắt. Trong tu viện có nhiều ngôi mộ của các nhà thơ, nhà viết kịch, nhà sử học và cả các vị lãnh đạo của Bồ Đào Nha thế kỷ XVIII, XIX. Tu viện dẫn đến một nhà ăn trước đây với mái vòm hình mạng, các bức tường ốp đá lát vẽ cảnh trong Kinh Thánh.

Năm 1907, tu viện được xếp vào hàng di tích lịch sử và được Unesco ghi vào Di sản Thế giới năm 1983. Ngày 13 tháng 12 năm 2007, những vị lãnh đạo quốc gia và của Liên minh châu Âu đã hội họp ở đây để ký một Hiệp ước mới về hiến pháp Âu châu được gọi là Hiệp ước Lisbon.

Tu viện có nhiều tác phẩm điêu khắc rất ấn tượng. Mỗi bên có khoảng 55 mét vuông gồm hai tầng. Tầng phía dưới do Diogo Boitaca thiết kế có những vòm rộng được đục sâu vào tường với những khung đá dựa trên những cột nhỏ mảnh mai lấy cảm hứng từ những nét Gothic cuối thời và Phục hưng. Tầng trên do João de Castilho thiết kế mang một phong cách ít rườm rà hơn. Năm 1985 trong hành lang của Tu viện, người ta thấy ngôi mộ của Fernando Pessoa.

Phòng họp của các thầy tại Tu viện ngày nay có phần mộ của các văn sĩ Alexandre Herculano. Phòng thánh và nhà cơm của các thầy có những mái vòm gân và những gân cung phụ rất đẹp.

Tu viện của dòng ẩn sĩ Hieronynites được xây trên cùng tu viện mà hoàng tử Henry the Navigator thiết lập vào năm 1450. Cũng chính nơi đây mà Vasco da Gama cùng đoàn thủy thủ của ông cầu nguyện đêm trước khi lên đường vào năm 1947 để sang Ấn Độ. Đây là công trình xây cất được coi như vĩ đại nhất ở thành phố Lisbon và là kiến trúc kiểu Manueline thành công nhất, được cơ quan Unesco liệt vào hàng di sản thế giới vào năm 1983 cùng với Tháp Belem.

Rời Tu viện, chúng tôi đi qua Trung tâm Văn hóa Belém. Nơi đây rộng 140.000m2. Trung tâm gồm một sân khấu lớn dành cho các buổi biểu diễn opera, ballet, nhạc giao hưởng, các hội trường bảo mật cao dành cho các buổi hội họp quan trọng và một khu triển lãm đạt tiêu chuẩn quốc tế rộng 7.000m2 trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh và thiết kế. Sau đó chúng tôi đi tham quan tháp cảng Belem.

7. Tháp Cảng Belem

Tháp cảng Belém được coi là biểu tượng của thành phố Lisbon. Tháp này được vua Manuel I của Bồ Đào Nha xây dựng trên bờ sông Tagus thuộc phạm vi Giáo xứ Santa Maria de Belém giữa 1515 và 1521 để kiểm soát việc ra vào cảng Lisbon. Năm 1983, tháp Belém được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới cùng với Tu viện Giêrônimô.

Tháp cảng Belém gợi lên hình ảnh Phi Châu giữa lòng thủ đô Lisbon. Trên các sân thượng, ban công và vọng gác theo phong cách Mooro được Arruda xây dựng vào thế kỷ XVI để làm chỗ ở cho các vị chỉ huy cảng và người ta có thể nhìn thấy các đoàn thương thuyền ra đi đến bờ biển Guinea.

Ngày xưa, Belém là điểm bắt đầu cho mỗi chuyến đi vạn dặm và là hình ảnh cuối cùng của quê hương mà các thủy thủ có thể nhìn thấy khi ra khơi. Cả công trình trông giống như một con thuyền buồm nhỏ đậu bên bờ sông Tagus canh giữ cho bến cảng Lisbon.

Trong trận chiến ở Tagus ngày 11 tháng 7 năm 1831, hạm đội của Pháp đã xuất hiện trước tháp cảng Belem. Ngọn tháp này được xây dựng để phục vụ như là cửa ngõ ra vào của thành phố Lisbon, đồng thời cũng là một phần hệ thống phòng thủ bảo vệ cửa sông Tagus và Tu viện Jeronimo, chúng tạo nên vị trí chiến lược xâm nhập vào thành phố. Vua Gioan II của Bồ Đào Nha (1455-1495) đã khởi công xây dựng hệ thống phòng thủ này. Ông đã cho xây dựng những pháo đài ở Cascais và São Sebastião da Caparica. Trước đó một chiến hạm tên là Nau Grande bảo vệ bờ của cảng Belém, sau này người ta thay thế bằng tháp cảng Belém vào 5 năm cuối cùng của triều đại Vua Manuel I Bồ Đào Nha.

Từ 1515 – 1521, Francisco de Arruda một kiến trúc sư quân đội đã xây dựng tháp cảng này. Ông là người đã thiết kế một số pháo đài ở Morocco thuộc quyền sở hữu của người Bồ Đào Nha. Cho nên ảnh hưởng của nghệ thuật Mooro thật rõ nét trong các đồ trang trí tinh tế nơi cửa sổ, ban công uốn cong và các vòm có khía gân của tháp canh. Có lẽ Diogo de Boitaca, vị kiến trúc sư đầu tiên của Tu viện Jeronimos đã tham gia vào việc trang trí công trình này. Lan can bắn đá với lỗ châu mai được trang trí cách phong phú bằng các tác phẩm điêu khắc điển hình theo phong cách Manueline (là phong cách kiến trúc Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI-XVII dưới thời vua Manuel I, người ta còn gọi là phong cách Gothic Bồ Đào Nha).

Năm 1580, quân đội Tây Ban Nha đã xâm chiếm Lisbon để chiếm ngai vàng Bồ Đào Nha. Trong các thế kỷ sau, tòa tháp được dùng như một nhà tù, mà các phòng giam dưới đất thường xuyên bị ngập nước. Một vài sử gia cho rằng tòa tháp được chủ yếu sử dụng như một tiền đồn.

Trong những năm 1840, dưới sự hối thúc của văn sĩ Almeida Garrett, Tháp cảng Belém được vua Ferdinand II Bồ Đào Nha phục hồi lại. Cũng vào thời kỳ này, một số yếu tố trang trí tân Manueline đã được thêm vào tòa nhà.

Năm 1910 tòa nhà được công nhận là di tích quốc gia.

Về mặt kiến trúc, Tháp cảng Belém được chia thành hai phần: pháo đài theo hình lục giác không đều nhau, và tòa tháp bốn tầng nằm ở phía bắc của pháo đài. Toàn bộ tòa nhà nói lên hình ảnh mũi tàu của chiếc thuyền buồm.

Pháo đài có một mái vòm, hầm dùng đặt súng đại bác, với lỗ hở trong những bức tường dày 3,5 m để sử dụng cho 17 súng đại bác nòng cỡ lớn. Mái trần hở của trung tâm hầm đặt súng đại bác giúp dễ dàng phát tán khói gây ra do việc sử dụng súng đại bác. Tầng trệt của pháo đài có thể được dùng như là một vị trí cho các vũ khí có nòng súng nhỏ hơn. Tháp cảng Belém là pháo đài Bồ Đào Nha đầu tiên với hai tầng để bắn, nói lên bước phát triển mới trong kiến trúc quân sự. Các góc của tầng trệt cũng như chiều cao của tháp cảng được trang bị với các tháp canh có mái vòm cong gợi nhớ đến nghệ thuật Mooro. Phần nền của các tháp canh có hình ảnh những động vật hoang dã, trong đó một con tê giác được coi như là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của loài động vật này trong nền nghệ thuật của Tây Âu. Con Tê giác này có lẽ là một trong những con mà vua Manuel đã gửi tặng Đức Giáo Hoàng vào năm 1515. Một bức tượng Đức Mẹ và Con trẻ Belem đối diện với tháp cảng.

Lối vào tháp cảng là một cổng vòm được trang trí với nhiều họa tiết theo phong cách Manueline, bao gồm cả mô hình thiên cầu. Toàn bộ tháp cảng được trang trí bằng dây thừng xoắn khắc vào đá làm nên một nút thắt ở mặt tiền phía bắc tòa nhà. Tháp cảng nổi bật với tượng Thánh Vinh sơn và Thiên thần Micae. Tòa tháp có nhiều cửa sổ cong. Ban công có mái che theo phong cách kiến trúc thời Phục Hưng dọc chiều dài mặt tiền phía nam tầng thứ nhất của tòa tháp, đem lại phong cách kiến trúc Venetian cho tòa nhà. Nhiều đồng écu trang trí cho bức tường ngăn cách giữa hai lỗ châu mai theo phong cách kiến trúc tân Manueline.

Tháp cảng cao 35 mét, có ba tầng và sân thượng cho ta một tầm nhìn khung cảnh xung quanh. Thuốc súng được bảo quản ở tầng hầm, việc lên các tầng trên sẽ phải đi qua một cầu thang xoắn ốc. Những căn phòng cho vị chỉ huy ở tầng thứ nhất. Trong tất cả các tầng, thú vị nhất vẫn là nhà nguyện ở tầng 4, không hề thua kém bất cứ Nhà thờ lớn nào trên thế giới, với lối kiến trúc trang trọng. Ánh sáng mờ ảo trong Nhà thờ làm ta có cảm giác đi lạc vào thế kỷ của những nhà hàng hải ngày xưa.

Tháp Belem được người ta ví von như Tháp Eiffel của Paris và Big Ben của London.

Từ Tháp Belem đi về hướng chiếc cầu 25th of April Bridge là Monument to the Discoveries tượng đài thám hiểm được xây vào năm 1960 để tưởng niệm 500 ngày nhà hàng hải nổi tiếng Henry the Navigator qua đời. Hoàng tử Henry (1394-1460) là con thứ ba của vua John I và là người chịu trách nhiệm mở mang ngành thám hiểm của Âu châu và buôn bán với các đại lục khác.

Tượng đài hình chiếc tàu xi măng đúc cao 52m trong tư thế ra khơi với tượng hoàng tử Henry đứng ở mũi tàu, sau lưng ông nhiều bức tượng của các danh nhân Bồ Đào Nha cùng thời.

Cũng gần Tháp Belem và đi ngược với Tượng đài Thám hiểm, có bảo tàng viện chiến tranh Museu do Combatente, tượng đài kỷ niệm 100 năm ngành hàng không của Bồ (1909-2009) và đài tưởng niệm những binh sĩ Bồ Đào Nha đã hy sinh ở hải ngoại để bảo vệ đất nước (Monument to the Overseas Combattants) với tên của những người tử trận.

Bồ Đào Nha để lại nhiều ấn tượng tuyệt đẹp trong tâm hồn chúng tôi. Đất nước có Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Fatima. Bồ Đào Nha đã có một thời vang bóng với nhà thám hiểm đầu tiên đi thuyền đến Ấn Độ vào đầu thế kỷ XVI, phát hiện nước Brazil ở Nam Mỹ, thiết lập thuộc địa đầu tiên của người Âu Châu và sau đó mở rộng các thuộc địa ở Châu Á và Châu Phi. Cùng với các thừa sai người Pháp, người Tây Ban Nha, các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha cũng đã sớm tới Việt Nam truyền giáo từ thế kỷ thứ XVI. Thời đó, Bồ Đào Nha là một trong những nước tiên phong mở rộng giao thương về hàng hải và nhà thám hiểm Vasco da Gama là người đầu tiên chỉ huy một đội thương thuyền đi từ Âu Châu đến Ấn Độ vào năm 1498. Các vị thừa sai Bồ Đào Nha cũng đã đóng góp vào việc hình thành chữ quốc ngữ ngày nay như linh mục Francesco Pina (1585-1625).

Rời cảng Belem, chúng tôi ra sân bay quốc tế Lisbon đáp chuyến bay lúc 17g45 đi Dubai. Sau 7g30 phút bay chúng tôi đến sân bay Dubai, quá cảnh 3giờ rồi tiếp tục 7giờ bay nữa mới về đến Tân Sơn Nhất.

Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima. Một chuyến hành hương trong Năm Đức Tin thật nhiều ý nghĩa và đem lại nhiều ơn ích. Mỗi người trong đoàn luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện và hẹn gặp nhau mỗi khi có dịp. Hành hương cũng là dịp gặp gỡ, nối kết tình thân trong tình yêu hiệp thông của những người con cái Chúa.