Chuyến hành hương tìm về cội nguồn

Nói đến Lộ Đức, Fatima, hay các vị thừa sai người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là nhắc đến điều gì đó thật linh thiêng và gần gũi với người tín hữu Việt Nam nói chúng và người giáo dân giáo phận chúng tôi nói riêng. Những bài hát ca ngợi Mẹ Fatima đã đi vào tâm hồn người con đất Việt. Khi những bài thánh ca đó được cất lên gói ghém trọn vẹn một tâm tình thống thiết của những người con cầu khẩn phó thác Gia đình, giáo phận, Giáo Hội và Tổ quốc thân yêu cho Mẹ. Do vậy đã từ lâu chúng tôi ước ao được đến những nơi đây, không chỉ đơn thuần là hành hương, mà còn mang theo tâm tình của những người con tìm về cội nguồn của mình. Giấc mơ này đã trở thành hiện thực khi chúng tôi có một hành trình hơn năm ngàn cây số của chuyến hành hương kéo dài trọn vẹn một tuần lễ, với lộ trình bao gồm: Lộ Đức - Santigo Compostela – Fatima – Lisbone – Avila – Caleguega (quê hương của thánh Đaminh).

Có thể nói, Lộ Đức là nơi hành hương dành đặc biệt cho các bệnh nhân. Tại nơi đây, biết bao nhiêu bệnh nhân được phép lạ lành bệnh, nếu không thì cũng là được ơn bình an trong tâm hồn. Tại các vương cung thánh đường, và tại các nhà nguyện, các bảng tạ ơn Đức Mẹ không sao kể hết của những người được các ơn khác nhau. Đến nơi đây thì mới hiểu thấu câu: « Maria đầy ơn phúc » trong kinh Kính Mừng mà chúng ta có thói quen lần chuỗi.

Do là nơi tiếp đón các bệnh nhân, nên có rất nhiều các tình nguyện viên đến đây để giúp các bệnh nhân trong việc hành hương. Những người này, với tấm lòng thành kính, họ ý thức được các công việc mà họ đang phục vụ. Trang phục đặc biệt dành cho các tình nguyện viên như nhắc nhở họ dấn thân không tính toán trong việc phục những người đang cần được giúp đỡ. Thật cảm động khi thấy những tình nguyện viên cao niên phục vụ những bệnh nhân trẻ tuổi, hay là các bà mẹ trẻ đang trong thời kỳ chăm sóc con thơ, sau khi phục vụ bệnh nhân xong vẫn còn trang phục của tình nguyện viên lại đẩy xe của con mình cùng đi dạo với chồng và những người thân thuộc. Một điều mà ai cũng cảm nghiệm được nơi đây trên khuôn mặt của những người hành hương là sự bình an, niềm vui, và sự cởi mở dễ dàng làm quen với nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì tất cả đều cùng có chung một con đường hành hương: những lời ca tiếng hát cùng với các ý nguyện giúp họ ý thức được sự hiệp nhất trong một thân thể của Đức Kitô.

Khác với Lộ Đức, tại Fatima ít các bệnh nhân hơn. Những người hành hương nơi này như là đáp lại sứ điệp của Mẹ Fatima nhắn nhủ nhân loại qua ba trẻ em mục đồng: « Ăn năn sám hối, tôn sùng Mẫu Tâm và năng lần hạt Mân Côi ». Chính vì vậy, chỉ tại Fatima, người ta mới thấy những người hành hương làm việc hãm mình bằng cách xếp thành hàng lối ngay ngắn đi bằng đầu gối để đến viếng Đức Mẹ.

Giáo phận của chúng tôi được đón nhận Tin mừng qua các vị thừa sai nơi đây. Tại hải cảng ngay bên thủ đô Lisbone của Bồ Đào Nha, vẫn còn khu di tích của các vị thừa sai đã rời đây để đi truyền giáo bên Á Châu. Vì lòng nhiệt thành trong việc phục vụ Tim Mừng, họ đã chấp nhận xa quê hương người thân, chấp nhận phiêu lưu lênh đênh trên đại dương để rồi phải đối diện với đói khát, bệnh tật, bảo táp, chết chóc và bách hại để đem hạt giống Phúc Âm gieo vãi vào cánh đồng Á Châu. Tại nơi đây vẫn còn lưu dấu vết chân của một trong hai vị giám mục đầu tiên tại Việt Nam, đức cha Palau 1525. Thật cảm động, chúng tôi là thế hệ con cháu của các ngài trong đức tin được tìm về nơi đây như cội nguồn của mình. Gần năm trăm năm về trước tại nơi này các ngài đã ra đi trong sứ mệnh cao cả, và sau gần năm năm chúng tôi đã trở lại nơi các ngài đã xuất phát.

Chính vì thế thật dễ dàng nhận ra những nét chung về phong cách sống đạo của cộng đồng dân Chúa nơi quê hương với nơi đây: nào là tập hợp nhau để lần chuỗi, ca hát thánh ca, hay là rước kiệu. Có mặt trong thánh lễ Chúa Giêsu lên trời, bầu khí lễ hội được lan tỏa đến từng người chẳng khác gì các dịp lễ lớn tại giáo phận quê hương chúng tôi: trên lễ đài tại quảng trường thật đông đảo các linh mục, về phía cộng đoàn các em thiếu nhi chiếm đa số trong đồng phục áo choàng trắng thật trang nghiêm và sốt sắng. Sau thánh lễ để chào đón các linh mục rời lễ đài để về lại phòng áo các em vừa hát vừa dùng dây thắt áo choàng để vẫy chào. Cả quảng trường chìm ngập trong màu trắng phất phới như trong một đại dương cùng với những làn sóng trắng nhấp nhô.

Rời Fatima, chúng tôi tiếp tục những chặng đường tiếp theo của chuyến hành hương. Địa điểm mà chúng tôi dừng chân cũng khá nổi tiếng: thành Avila. Nói đến Avila, chúng ta nghĩ ngay đến thánh nữ dòng carmel Têrêsa, một vị đã có công trong việc canh tân dòng, nhờ đó mà có được một luồng sinh khí mới cho dòng tu. Điều cảm nhận đầu tiên có được tại đây, đó là một thành trì kiên vững đứng sừng sững giữa miền núi đá khô cằn, như nhắc nhở người tín hữu hãy cũng cố đức tin của mình chắc chắn như thành trì đó.

Một địa điểm hành hương nữa làm chúng tôi cảm động đó là quê hương của cha thánh Đaminh. Không phải vì tòa lâu đài khổng lồ của gia đình thánh Đaminh làm chúng tôi sửng sốt, mà hơn thế nữa, chúng tôi được tìm về cội nguồn của mình, cũng như hiểu biết hơn về dòng anh em Thuyết giáo của cha thánh sáng lập. Thánh Đaminh xuất thân từ gia đình quý phái. Bố của ngài là sỹ quan. Tại tòa lâu đài này, trước đây có một trăm quân binh và gia đình của họ sống tại đây. Thế mà thánh Đaminh đã từ bỏ tất cả, để theo Chúa trong con đường khất tu. Ngài cũng có hai anh trai một là linh mục triều, một là linh mục dòng Xitô. Vị linh mục đan sĩ ấy, sau này thánh Đaminh lập dòng thì đã gia nhập dòng của em mình. Sau khi thánh Đaminh qua đời, vị linh mục anh Cả của ngài đã hiến tòa lâu đài này cho dòng anh em thuyết giáo. Tòa lâu đài được xây dựng kiên cố với ba chiều là tòa nhà nguy nga bao bọc một tháp cao ở trung tâm. Thời cực thịnh của dòng Đaminh với hơn một trăm đệ tử một năm đã phải xây thêm nhà với một cạnh còn lại trên phần đất của tòa lâu đài và thế là giúp khép kín tòa lâu đài với bốn phía đều là những tòa nhà đồ sộ.

Chúng tôi có được may mắn dâng thánh lễ bên cạnh giếng nước mà rất nhiều người được ơn. Tại nơi đây người mẹ của thánh Đaminh đã chiêm bao khi đang mang thai thánh nhân thấy một con chó ngậm bó đuốc cháy sáng.

Một điều làm cho chúng tôi thấy nơi đây thật gần gũi và linh thiêng, đó là các phòng dành cho khách hành hương trong tòa lâu đài đều mang tên một vị thánh của dòng. Cảm động biết chừng nào, phòng của tôi mang vị thánh giám mục dòng Đaminh người Tây Ban Nha tử đạo của giáo phận chúng tôi: thánh Melchor Barcia Sampedro Xuyên, còn phòng của một cha khác mang tên chính vị thánh tử đạo dòng Đaminh người gốc đia phận chúng tôi, cha thánh Vinhsơn Phan Hiếu Liêm. Những giám mục dòng Đaminh người Tây Ban Nha khác của địa phận chúng tôi cũng có tên ở các phòng khác như đức cha Valentin de Berrio choa Vinh, đức cha Jeronimo Hermosilla Liêm… Thật không thể tưởng tượng nổi từ xa xưa trên quê hương chúng tôi đã có những vị từ đây đến vun trồng hạt giống đức tin và đã chia sẽ niềm vui và những ưu tư trên quê hương đất Việt với cha ông chúng tôi.

Tại các địa điểm hành hương, chúng tôi dâng tất cả Giáo hội Mẹ Việt Nam, giáo phận, dòng tu, từng người trong đoàn, những người thân thuộc, những người đang cần được cầu nguyện cùng với những ưu tư và khát vọng của họ như lễ vật duy nhất nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria để dâng lên Thiên Chúa. Mỗi người ai cũng hài lòng về chuyến hành hương. Những ngày đầy ý nghĩa khép lại, chúng tôi trở về lòng vừa liên tưởng đến các môn đệ khi xưa xuống núi sau khi được sống trong khoảnh khắc chiêm ngưỡng dung nhan Chua hiển dung và vừa nhủ thầm mong sao cho dư âm của chuyến hành hương này còn vang vọng mãi trong đời sống thường nhật.