Bài giảng tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao ngày 13/4/2013
Trong Mùa Phục Sinh, Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng bằng một danh hiệu vừa đặc biệt vừa trang trọng: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia ”. Danh xưng “Nữ Vương Thiên Đàng” thoạt nghe có vẻ như gắn bó với chế độ quân chủ, trong đó vua chúa hoặc nữ hoàng cầm quyền, và như muốn tô đậm quyền uy của Đức Mẹ trên cả chín tầng trời. Nhưng thực ra đây là một danh xưng tuyệt vời bao trùm cả vận mệnh của Đức Mẹ từ khi bước vào tầm nhắm tuyển chọn của Thiên Chúa, để gắn bó trọn vẹn với Đức Giêsu, từ mầu nhiệm Nhập Thể cho đến hết mầu nhiệm Khổ Nạn - Phục Sinh. Tất cả nền tảng và tâm tình đã được giãi bày đầy đủ qua Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.
1. Nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể
Mầu nhiệm Nhập Thể là bước đầu tiên Đức Maria đi vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng cũng là bước quyết định qua đó Đức Maria sẵn sàng đón nhận và hợp tác trọn vẹn với hồng ân Thiên Chúa. Trên lý thuyết, trong buổi Truyền Tin, Đức Maria có toàn quyền tự do từ chối lời đề nghị của sứ thần Gabriel để không dính dáng gì đến việc mang thai và hạ sinh Đấng Cứu Thế; nhưng trên thực tế, Đức Maria đã thưa lời “xin vâng” với cả tự do và trách nhiệm đời mình, để từ đó Ngôi Lời có thể làm người ở cùng chúng ta; đồng thời cũng từ đó, Đức Maria là mẹ thật của Chúa Giêsu vì đã sinh ra Người và thực sự là Mẹ Thiên Chúa vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
Mối liên hệ gắn bó tình mẫu tử giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu tự nhiên và hiển nhiên đến thế nên khi đã hoàn tất công cuộc cứu đời, Chúa Giêsu lên trời trong vinh quang làm Vua các vua, thì Đức Mẹ khi kết thúc cuộc sống trần thế, cũng được đưa về trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang làm Nữ Vương Thiên Đàng, làm Nữ Hoàng Thiên Quốc. Các giáo phụ đông phương coi mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu như tiềm lực cứu rỗi toàn thể nhân loại, theo quan điểm tổng hợp: “Con Thiên Chúa làm người cho con người được làm con Thiên Chúa”.
Chỉ dựa trên nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể thôi, danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng dành cho Đức Maria cũng là thuận lý và thích hợp. Vì vậy khi vừa xướng lên “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia ”, Giáo Hội đã đưa ra ngay lý do là mầu nhiệm cưu mang sinh hạ “Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng, Alleluia ”.
2. Nền tảng mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh
Theo các giáo phụ tây phương, mầu nhiệm Nhập Thể dẫu cơ bản nhưng mới là bước đầu, làm điều kiện để Thiên Chúa thực hiện những bước xa hơn trong giấc mộng cứu rỗi nhân loại. Chỉ qua công cuộc Tử Nạn - Phục Sinh, khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại rồi, Người mới xuất hiện trọn vẹn là Đấng Cứu Thế, Đấng chết để đền bồi tội lỗi thay cho muôn người và sống lại để người người được bước vào cuộc sống mới trong tình thân ngàn đời với Thiên Chúa. Đức Maria cũng vậy, suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, luôn luôn hiện diện tích cực trong mọi biến cố, bằng vất vả cảm thông như ba ngày lạc mất và tìm lại Chúa Giêsu trong Đền Thánh, bằng cộng tác vun bồi như tại đám cưới Cana rượu ngon lai láng, và nhất là bằng hiệp thông trong chiều thứ sáu tuần thánh dưới chân Thánh Giá đứng thẳng đón nhận ngành lá tử đạo. Trong bước hành trình dương thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã gắn bó kiên cường thế nào, thì trong cuộc hành hình của Người khi thực hiện ơn cứu rỗi, Mẹ cũng gắn bó keo sơn như vậy: chết lặng cùng với con mình. Chính vì thế Giáo Hội đã không ngại gọi Mẹ là Đấng Hiệp công cứu đời.
Nếu với sự hợp tác trong mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, được nhìn trong toàn bộ công ơn Thiên Chúa ban tặng, thì với việc thông phần khổ nạn cứu đời, Mẹ được đánh giá trong tất cả công sức đóng góp của mình. Vì thế, khi Chúa Giêsu như Kinh Tin Kính diễn tả “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”, Mẹ cũng được thông phần sự sống Phục Sinh vinh quang ấy, để trần thế được hân hoan xưng tụng Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng. Không lạ gì lời kinh xưng tụng sau khi đưa ra nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể, đã đề cập ngay đến mầu nhiệm Phục Sinh: “Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa, Alleluia ”.
3. Trong tình mẫu tử, Nữ Vương Thiên Đàng gần gũi con cái loài người
Nghe trình bày như thế về danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng dành cho Đức Maria trong Mùa Phục Sinh với nền tảng là mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, có thể có ai đó trong chúng ta thấy Đức Mẹ quá cao sang nên e ngại không dám đến gần Mẹ. Xin thưa ngay rằng: Nếu đứng trên cao người ta thấy bao quát thế nào, thì Đức Mẹ hôm nay trên đỉnh trời trong tư cách là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Mẹ còn thấy bao quát gấp bội với độ rộng phủ sóng trên mọi tâm hồn. Đừng ngại đến với Mẹ và cũng đừng ngại cầu nguyện với Mẹ. Mẹ ngự trời cao không phải để xa cách cuộc sống nhân gian, mà trái lại để gần gũi lòng người hơn cả bao giờ. Nhận thức mình có Mẹ trên trời là một niềm hạnh phúc lớn lao; nhận biết mình có Mẹ bên đời để được yêu thương nâng đỡ khi ngã quỵ, giúp đỡ khi trống vắng ơn thánh và bênh đỡ trước tòa Chúa còn là niềm hạnh phúc cụ thể hơn; và nhất là tin tưởng rằng Mẹ Thiên Quốc với tấm lòng nhân hậu, với uy quyền rộng rãi luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu những lời tâm sự, những tiếng khấn xin của đoàn con cái chừng như còn là niềm hạnh phúc đầy tràn hơn nữa. Vì thế Giáo Hội, vẫn trong tâm tình ca ngợi tung hô, đã tin tưởng dâng lên Nữ Vương Thiên Đàng, lời kêu xin trông cậy: “Xin cầu cùng Chúa cho chúng con, Alleluia ”.
Như vậy, là Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Mẹ đã đạt tới ơn cứu độ viên mãn, cận kề Chúa Kitô Phục Sinh, nên cũng đầy kinh nghiệm thương đau để chỉ bảo, đầy trọn hảo vinh quang để nâng đỡ và đầy hỗ trợ từ bi để chuyển cầu cho mọi nhu cầu trần thế. Nếu ngày xưa sống giữa trần thế, Mẹ đã có niềm vui thiên đàng, thì hôm nay giữa thiên đàng, Mẹ cũng sẵn sàng gieo vui vào lòng nhân thế. “Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria, hãy hỷ hoan khoái lạc, Alleluia ”.
Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao hàng tháng có cho phổ biến một tờ bướm với tên gọi “Bên Mẹ Tàpao”, nơi trang 3 là chứng từ về ơn lành Mẹ đã ban cho những mảnh đời cụ thể. Mời cộng đoàn hãy nhận lấy và đọc để thấy tấm lòng Mẹ thương yêu con cái thế nào, rồi tới phiên mình khi gặp những khó khăn trắc trở hay những nghịch cảnh ngang trái, cũng biết sống phó thác cậy trông náu nương bên Mẹ. Và từ trên cao, Mẹ yêu dấu từ thuở nào đã sẵn sàng lắng nghe và ban ơn như lòng con cái thế nhân khẩn nài. Để thể hiện lòng cậy trông gắn bó với Mẹ, giờ đây mời cộng đoàn thành tâm chung lời ca khen.
“Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc! Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang, Đã phục sinh như lời Người phán trước. Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng ”.
Trong Mùa Phục Sinh, Đức Maria được Giáo Hội xưng tụng bằng một danh hiệu vừa đặc biệt vừa trang trọng: “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia ”. Danh xưng “Nữ Vương Thiên Đàng” thoạt nghe có vẻ như gắn bó với chế độ quân chủ, trong đó vua chúa hoặc nữ hoàng cầm quyền, và như muốn tô đậm quyền uy của Đức Mẹ trên cả chín tầng trời. Nhưng thực ra đây là một danh xưng tuyệt vời bao trùm cả vận mệnh của Đức Mẹ từ khi bước vào tầm nhắm tuyển chọn của Thiên Chúa, để gắn bó trọn vẹn với Đức Giêsu, từ mầu nhiệm Nhập Thể cho đến hết mầu nhiệm Khổ Nạn - Phục Sinh. Tất cả nền tảng và tâm tình đã được giãi bày đầy đủ qua Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”.
1. Nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể
Mầu nhiệm Nhập Thể là bước đầu tiên Đức Maria đi vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, nhưng cũng là bước quyết định qua đó Đức Maria sẵn sàng đón nhận và hợp tác trọn vẹn với hồng ân Thiên Chúa. Trên lý thuyết, trong buổi Truyền Tin, Đức Maria có toàn quyền tự do từ chối lời đề nghị của sứ thần Gabriel để không dính dáng gì đến việc mang thai và hạ sinh Đấng Cứu Thế; nhưng trên thực tế, Đức Maria đã thưa lời “xin vâng” với cả tự do và trách nhiệm đời mình, để từ đó Ngôi Lời có thể làm người ở cùng chúng ta; đồng thời cũng từ đó, Đức Maria là mẹ thật của Chúa Giêsu vì đã sinh ra Người và thực sự là Mẹ Thiên Chúa vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
Mối liên hệ gắn bó tình mẫu tử giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu tự nhiên và hiển nhiên đến thế nên khi đã hoàn tất công cuộc cứu đời, Chúa Giêsu lên trời trong vinh quang làm Vua các vua, thì Đức Mẹ khi kết thúc cuộc sống trần thế, cũng được đưa về trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang làm Nữ Vương Thiên Đàng, làm Nữ Hoàng Thiên Quốc. Các giáo phụ đông phương coi mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu như tiềm lực cứu rỗi toàn thể nhân loại, theo quan điểm tổng hợp: “Con Thiên Chúa làm người cho con người được làm con Thiên Chúa”.
Chỉ dựa trên nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể thôi, danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng dành cho Đức Maria cũng là thuận lý và thích hợp. Vì vậy khi vừa xướng lên “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia ”, Giáo Hội đã đưa ra ngay lý do là mầu nhiệm cưu mang sinh hạ “Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng, Alleluia ”.
2. Nền tảng mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh
Theo các giáo phụ tây phương, mầu nhiệm Nhập Thể dẫu cơ bản nhưng mới là bước đầu, làm điều kiện để Thiên Chúa thực hiện những bước xa hơn trong giấc mộng cứu rỗi nhân loại. Chỉ qua công cuộc Tử Nạn - Phục Sinh, khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại rồi, Người mới xuất hiện trọn vẹn là Đấng Cứu Thế, Đấng chết để đền bồi tội lỗi thay cho muôn người và sống lại để người người được bước vào cuộc sống mới trong tình thân ngàn đời với Thiên Chúa. Đức Maria cũng vậy, suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, luôn luôn hiện diện tích cực trong mọi biến cố, bằng vất vả cảm thông như ba ngày lạc mất và tìm lại Chúa Giêsu trong Đền Thánh, bằng cộng tác vun bồi như tại đám cưới Cana rượu ngon lai láng, và nhất là bằng hiệp thông trong chiều thứ sáu tuần thánh dưới chân Thánh Giá đứng thẳng đón nhận ngành lá tử đạo. Trong bước hành trình dương thế của Chúa Giêsu, Mẹ đã gắn bó kiên cường thế nào, thì trong cuộc hành hình của Người khi thực hiện ơn cứu rỗi, Mẹ cũng gắn bó keo sơn như vậy: chết lặng cùng với con mình. Chính vì thế Giáo Hội đã không ngại gọi Mẹ là Đấng Hiệp công cứu đời.
Nếu với sự hợp tác trong mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, được nhìn trong toàn bộ công ơn Thiên Chúa ban tặng, thì với việc thông phần khổ nạn cứu đời, Mẹ được đánh giá trong tất cả công sức đóng góp của mình. Vì thế, khi Chúa Giêsu như Kinh Tin Kính diễn tả “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”, Mẹ cũng được thông phần sự sống Phục Sinh vinh quang ấy, để trần thế được hân hoan xưng tụng Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng. Không lạ gì lời kinh xưng tụng sau khi đưa ra nền tảng mầu nhiệm Nhập Thể, đã đề cập ngay đến mầu nhiệm Phục Sinh: “Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa, Alleluia ”.
3. Trong tình mẫu tử, Nữ Vương Thiên Đàng gần gũi con cái loài người
Nghe trình bày như thế về danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng dành cho Đức Maria trong Mùa Phục Sinh với nền tảng là mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, có thể có ai đó trong chúng ta thấy Đức Mẹ quá cao sang nên e ngại không dám đến gần Mẹ. Xin thưa ngay rằng: Nếu đứng trên cao người ta thấy bao quát thế nào, thì Đức Mẹ hôm nay trên đỉnh trời trong tư cách là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Mẹ còn thấy bao quát gấp bội với độ rộng phủ sóng trên mọi tâm hồn. Đừng ngại đến với Mẹ và cũng đừng ngại cầu nguyện với Mẹ. Mẹ ngự trời cao không phải để xa cách cuộc sống nhân gian, mà trái lại để gần gũi lòng người hơn cả bao giờ. Nhận thức mình có Mẹ trên trời là một niềm hạnh phúc lớn lao; nhận biết mình có Mẹ bên đời để được yêu thương nâng đỡ khi ngã quỵ, giúp đỡ khi trống vắng ơn thánh và bênh đỡ trước tòa Chúa còn là niềm hạnh phúc cụ thể hơn; và nhất là tin tưởng rằng Mẹ Thiên Quốc với tấm lòng nhân hậu, với uy quyền rộng rãi luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu những lời tâm sự, những tiếng khấn xin của đoàn con cái chừng như còn là niềm hạnh phúc đầy tràn hơn nữa. Vì thế Giáo Hội, vẫn trong tâm tình ca ngợi tung hô, đã tin tưởng dâng lên Nữ Vương Thiên Đàng, lời kêu xin trông cậy: “Xin cầu cùng Chúa cho chúng con, Alleluia ”.
Như vậy, là Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Mẹ đã đạt tới ơn cứu độ viên mãn, cận kề Chúa Kitô Phục Sinh, nên cũng đầy kinh nghiệm thương đau để chỉ bảo, đầy trọn hảo vinh quang để nâng đỡ và đầy hỗ trợ từ bi để chuyển cầu cho mọi nhu cầu trần thế. Nếu ngày xưa sống giữa trần thế, Mẹ đã có niềm vui thiên đàng, thì hôm nay giữa thiên đàng, Mẹ cũng sẵn sàng gieo vui vào lòng nhân thế. “Lạy Thánh Nữ đồng trinh Maria, hãy hỷ hoan khoái lạc, Alleluia ”.
Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao hàng tháng có cho phổ biến một tờ bướm với tên gọi “Bên Mẹ Tàpao”, nơi trang 3 là chứng từ về ơn lành Mẹ đã ban cho những mảnh đời cụ thể. Mời cộng đoàn hãy nhận lấy và đọc để thấy tấm lòng Mẹ thương yêu con cái thế nào, rồi tới phiên mình khi gặp những khó khăn trắc trở hay những nghịch cảnh ngang trái, cũng biết sống phó thác cậy trông náu nương bên Mẹ. Và từ trên cao, Mẹ yêu dấu từ thuở nào đã sẵn sàng lắng nghe và ban ơn như lòng con cái thế nhân khẩn nài. Để thể hiện lòng cậy trông gắn bó với Mẹ, giờ đây mời cộng đoàn thành tâm chung lời ca khen.
“Mừng vui lên, lạy Nữ Hoàng Thiên Quốc! Vì Thánh Tử Bà được phúc cưu mang, Đã phục sinh như lời Người phán trước. Cầu Chúa cho đoàn con, lạy Nữ Hoàng ”.