Hành Hương Đức Mẹ TàPao, tháng 10 năm 2018

Trong Năm Phụng Vụ, tháng 10 là tháng Mân Côi. Lòng sùng kính của người tín hữu đối với Đức Maria suốt thời gian này mang một tâm tình đạo đức thảo hiếu là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và đến các Trung Tâm Thánh Mẫu cầu nguyện bên Mẹ.

Xem Hình

Từ chiều 12.10, tiết trời hanh nóng, từng đoàn người hành hương về bên Mẹ Tàpao. Quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã được chuẩn bị chu đáo tươm tất. Nhiều đoàn hành hương lên núi cầu nguyện bên thánh tượng Mẹ Tàpao.

Lúc 5 giờ chiều, Đức cha Tôma đến làm phép dãy nhà văn phòng Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao.

Cung nghinh Mẹ

Cha Tổng đại diện, cha Quản hạt Hàm tân, quý cha, quý tu sĩ và hàng chục ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Đoàn kiệu thánh tượng Đức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh cháy sáng sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái.Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Lần Chuỗi Mân Côi.

Các Nữ Tu Dòng MTG Phan Thiết phụ trách chương trình.Với những gợi ý suy niệm giúp cộng đoàn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi Năm Sự Vui. Mỗi ngắm đều đọc Tin Mừng, gợi ý suy niệm và cộng đoàn hòa chung lời kinh hạt dâng lên Mẹ mến yêu.

Chuỗi Mân Côi kết thúc bằng những bài ca điệu múa do các Nữ tu tiến dâng lên thánh tượng Mẹ.

Giờ lần chuỗi kết thúc bằng bài thánh ca cộng đồng “Nguồn cậy trông”. Cộng đoàn cùng quỳ gối tôn thờ Thánh Thể

Suy Tôn Thánh Thể

Cha Quản hạt Hàm tân chủ sự giờ chầu phép lành, cộng đoàn cung kính quỳ gối tôn thờ. Kết thúc giờ cầu nguyện, ngài ban phép lành Thánh Thể. Sau đó các đoàn hành hương tiếp tục chầu Thánh Thể suốt đêm cho đến sáng.

Đêm cầu nguyện “Kinh Mân Côi” kết thúc bằng phép lành Thánh Thể. Âm nhạc và lời kinh hạt hòa nhịp thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, lời ca điệu múa đi vào cõi tâm linh người nghe thấm vào tâm tư máu thịt. Lời ca tiếng hát ấy như những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước nhan Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, hoa bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa".

Thánh lễ.

Sáng ngày 13.10, khách hành hương tiếp tục đổ về Tàpao. Hàng mấy chục ngàn người hân hoan tiến lên lễ đài. Các ngã đường vào lễ đài đều kín người.

Hôm nay cũng là ngày hành hương Năm Thánh Tử Đạo Việt Nam của Linh mục đoàn Phan thiết nên các cha tề tựu đông đủ và tham dự ngày tĩnh tâm tháng 10.

6g30, nghi thức khấn Đức Mẹ. Mọi người dâng những ý nguyện như xin ơn bình an, xin ơn hoán cải, xin cho gia đình được đoàn tụ, xin cho con cháu thoát khỏi các tệ nạn xìke ma túy, xin cho các phụ nữ mang thai được sinh con, xin cho công việc làm ăn được thuận lợi và xin cho giáo hội được bình an hiệp nhất…và dâng lời tạ ơn.

7giờ, đoàn rước tiến lên lễ đài. Ca đoàn cùng cộng đoàn hòa vang bài ca nhập lễ. Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi hôm nay do Đức cha Tôma chủ tế và giảng lễ. Đoàn đồng tế có linh mục đoàn và quý cha ngoài giáo phận.

Mở đầu, Đức cha gởi lời chào mừng cộng đoàn phụng vụ và gợi ý cầu nguyện.

Hôm nay anh chị em tập họp nơi linh đài Đức Mẹ Tapao để cùng nhau chúc tụng tôn vinh Đức Maria dưới tước hiệu Mẹ Mân Côi, cách riêng suy gẫm và thực hiện sứ điệp Fatima là hy sinh hãm mình đền tội siêng năng lần chuỗi mân côi và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Những điều này Đức Maria đã dạy ba trẻ Lucia, Phanxicô và Gianxita vẫn còn giá trị cho chúng ta trong thời đại hôm nay. Xin Mẹ ban ơn bình an cho thế giới cho giáo hội và cho tổ quốc thân yêu.

Dịp tĩnh tâm linh mục nên Đức cha cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục luôn có lòng nhiệt thành tông đồ và hăng say mục vụ làm cho dân Chúa được sống dồi dào do ân sủng và các thừa tác viên chức thánh mang đến.

Đức cha Giảng lễ, suy niệm chủ đề: “Kinh Mân Côi – Kinh Nguyện Của Gia Đình”.

Tháng Mười đã trở thành thời điểm trào tràn ơn thiêng cho các tín hữu. Khắp nơi nơi, từ nhà thờ đến từng gia đình, các tín hữu hiệp dâng lời tán tụng tôn vinh Mẹ và nhờ lời Mẹ khẩn cầu, họ được vững bước trên con đường đến với Chúa. Tháng Mười được gọi là tháng Mân côi. Mân Côi có nghĩa là hoa hồng. Kinh Mân côi là tràng kinh hoa hồng được đan dệt bằng kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, liên kết với các suy niệm dựa trên những biến cố chính của các Mầu nhiệm Giáng sinh, Tử nạn và Phục sinh mà Chúa Giêsu đã thực hiện để cứu rỗi loài người. Kinh Mân Côi không chỉ là lời kinh của các tín hữu siêng năng tôn kính và mộ mến Mẹ Maria, nhưng còn là tràng hoa thiêng thánh của những tâm hồn được no đầy ơn phúc, giờ đây muốn tiến về cùng Thiên Chúa và đi trên chính con đường Chúa Kitô khai mở mà Mẹ Maria đã đi qua. Chính trong khung cảnh của kinh nguyện nơi giáo đường và nơi gia đình, mỗi tín hữu chúng ta được mời gọi suy niệm và cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi để ngắm nhìn chân dung tuyệt hảo của Chúa Kitô và của Mẹ Maria chí thánh.

Cầu nguyện bằng kinh Mân côi là cùng với Mẹ Maria dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin cho những nhu cầu thiêng liêng và thiết thực của cuộc sống hằng ngày. Đức Mẹ là người cổ võ việc lần hạt Mân Côi. Tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị Bernadetta. Trong những lần hiện ra tại Fatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Kinh Mân côi là kinh nguyện mà các tín hữu Việt Nam rất yêu mến. Tràng chuỗi Mân Côi đeo trên cổ, trên cánh tay, cất trong túi áo. Nơi nhà thờ hay tại gia đình, khi rảnh rỗi hay lúc đi đường, lần chuỗi một mình hay đọc chung với hai ba người, các tín hữu âm thầm lần hạt Mân Côi. Tràng hạt giúp họ bước đi vững chắc hơn, nhất là giúp họ không bỏ phí thời gian vô ích, và luôn cầu nguyện với Chúa. Các tín hữu Việt Nam dành riêng cả tháng Mười cho việc suy niệm các mầu nhiệm và lần hạt Mân Côi cùng với việc hành hương đến các trung tâm sùng kính Mẹ Maria như La Vang, Bình Triệu, Bến Tre, Bãi Dâu, Tàpao.

Khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta đi tìm và gặp gỡ Mẹ Maria là gương mẫu sống đức tin, niềm hy vọng và đức ái. Nơi mầu nhiệm Mùa Vui, chúng ta nhận diện rất rõ về Mẹ Maria khiêm nhường và yêu người, Mẹ Maria vui sống cảnh nghèo trong vâng lời và luôn đi tìm thánh ý Chúa. Nơi mầu nhiệm sự Sáng, Mẹ Maria ngắm nhìn Con Thiên Chúa thánh thiện tinh tuyền đang cúi mình xin Gioan làm phép Rửa, Mẹ Maria đang hiểu rõ những ưu tư hay bối rối của đôi tân hôn Cana. Mẹ Maria đang dang rộng vòng tay đón nhận ân sủng Thánh Thần khi chiêm ngưỡng Chúa biến hình trên nơi cao, Mẹ Maria sốt sắng tham dự bí tích Thánh Thể và rước lấy Thánh Thể. Nơi mầu nhiệm mùa Thương, Mẹ Maria đau khổ khi thấy Con mồ hôi đẫm máu, khi Con bị đánh đòn và bị sỉ vã không ngơi. Mẹ Maria đang cùng Con vác thập giá tội lỗi và hình phạt trên con đường hẹp tiến về đỉnh cao núi Sọ, bị đóng đinh tay chân và lưỡi đòng đâm xuyên cạnh sườn. Mẹ Maria vui mừng vì Con đã phục sinh từ cõi chết để mọi người được sống lại về phần linh hồn, được hướng tâm về cõi trời vinh phúc, được trào tràn ơn sủng Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà được vinh thăng và ân thưởng trên cõi trời như Mẹ được vinh thăng và ân thưởng sau cuộc lữ hành đức tin nơi trần thế. Cuộc đời của Mẹ Maria là một cuộc lữ hành đức tin. Mẹ đi đến với Chúa trong tin yêu và phó thác. Mẹ đến với tha nhân trong việc phục vụ.

Đọc kinh Mân Côi là suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế. Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng hòa quyện vào nhau để làm nên cuộc đời Con Thiên Chúa làm người. Tất cả những biến cố ấy đều đem lại giá trị cứu độ, đều là gương mẫu cho mỗi người chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em. Các mầu nhiệm ấy cũng phác họa cuộc sống con người với những lo toan bận rộn và buồn vui của kiếp người. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong các mầu nhiệm Mân Côi là học nơi Người những nhân đức cần thiết cho cuộc sống kitô hữu: khiêm nhu, thương người, khó nghèo, vâng phục; can đảm sống xứng đáng là con của Chúa, luôn vững tin vào Chúa và cầu xin ơn biến đổi trong Thánh Thần; ăn năn thống hối, hy sinh hãm mình, trung thành vác thập giá mỗi ngày và chết đi để được tái sinh; biết yêu mến những sự trên trời, tràn đầy ơn Thánh Thần, ơn chết lành và được ân thưởng trên trời. Nhờ các nhân đức ấy mà chúng ta được sức mạnh thiêng liêng bước đi giữa biển đời đầy sóng gió gian truân.

Khi nhắc đến tháng Mười theo truyền thống là tháng Mân Côi, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dạy chúng ta: “Suy niệm hằng ngày về các mầu nhiệm của Chúa Kitô trong sự hiệp thông với Mẹ Maria, sẽ củng cố chúng ta trong đức tin, niềm hy vọng và đức mến”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, vào Chúa Nhật 5.10.2016, đã chủ sự thánh lễ trọng thể để khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại thường thứ 3 với chủ đề “Những thách đố về việc mục vụ gia đình trong bối cảnh loan báo Tin Mừng”. ĐTC tha thiết mời gọi: “Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy trợ giúp những công việc của Thượng HĐGM cùng với lời cầu nguyện, khẩn khoản nài xin Đức Mẹ, sự chuyển cầu từ mẫu của Đức Nữ Trinh Maria. Giờ phút này, chúng ta hiệp thông cách thiêng liêng cùng với nhiều người dâng lên Đức Mẹ Mân Côi kinh cầu truyền thống của thánh địa Pompei, đó là lời kinh cầu xin ban ơn bình an cho tất cả gia đình và toàn thế giới”.

Ngày 29 tháng 9 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các tín hữu trên thế giới cùng đọc kinh Mân Côi hằng ngày trong suốt tháng 10 nầy. Ngài cũng mong rằng cộng đoàn tham gia hiệp thông, sám hối, cùng thỉnh cầu Đức Maria và Tổng lãnh thiên thần Micae bảo vệ Giáo hội khỏi quỷ dữ là kẻ luôn muốn tìm cách chia rẽ chúng ta khỏi Thiên Chúa và khỏi anh chị em mình.

Kinh Mân côi là kinh nguyện của mỗi gia đình kitô hữu. Cách đây hơn 70 năm, chưa có đèn đường chiếu sáng, mỗi nhà chỉ có ngọn đèn dầu, việc sử dụng đồng hồ chưa phổ biến, nhưng có một nét đẹp tôn giáo rất ấn tượng là mỗi tối, gần như cùng một thời khắc như nhau, từ đầu thôn đến cuối ấp, đâu đâu cũng vang lên kinh Mân côi là kinh tối của các gia đình trong xóm đạo ở làng quê. Ngày ấy các thiếu nhi và thiếu niên rất thuộc kinh và xướng kinh gia đình mỗi tối. Có lẽ nhờ vậy mà đức tin, lòng trông cậy và đức mến của chúng ta rất vững vàng kiên định. Ngày nay, may ra giờ kinh tối còn được giữ nơi các gia đình ở vùng nông thôn; nhưng ở các vùng thành thị, việc đọc kinh tối hình như bị xao lãng phần nào.

Đọc kinh Mân Côi nơi gia đình có ý nghĩa và giá trị riêng biệt, thứ nhất là vì gia đình là nơi chúng ta có thể bộc lộ chính mình một cách trung thực hơn mà không sợ xấu hỗ với những người lân cận; là nơi mà chúng ta học sống đức tin nhờ có cha mẹ là những người luôn dành cho con cái ánh mắt khích lệ và trong sáng. Gia đình cũng là nơi hằng ngày ta được sống yêu thương, không rơi vào cô đơn, được học biết chia sẻ và được phát triển toàn vẹn. Thứ hai vì gia đình là nơi ta được hấp thụ đời sống xã hội và là nơi rèn tập sống với tha nhân với biết bao khác biệt; là nơi các giá trị được thông truyền. Gia đình phải khích lệ các thành viên của mình biết sống hiệp thông, để gia đình trở thành nơi diễn tả tình yêu, nhất là thể hiện sự trìu mến của người cha người mẹ đối với con cái mình và của anh chị em đối với nhau.

Thi sĩ Hương Nam đã diễn tả kinh Mân Côi là kinh nguyện của các gia đình làng quê nông thôn nương rẫy ruộng đồng qua bài thơ “Mân Côi – Chuỗi Ngọc – Kinh Vàng”. Một bài thơ thật ý vị và thơ mộng mà tôi muốn mời anh chị em cùng lắng nghe và xem có giống cuộc sống của chúng ta ở một thời đã qua không?

Có một thời, cha lần chuỗi Mân Côi

Mỗi mầu nhiệm, một đường cày quanh ruộng

Nắng rát lưng trần, chưa ăn, chưa uống

Chục kính mừng ngập ngượng chẳng nên câu!

Mẹ lần chuỗi trên giải mạ, gò cao

Một lối cấy sít sao mười kinh chẵn

Bụng cồn cào lo ra, chia trí lắm

Mấy củ khoai, chửa dám, đợi qua trưa

Lần chuỗi chung, khi trời đổ cơn mưa

Căn chòi lá chỉ vừa đôi ẩn trú

Cùng nguyện xin cho mưa thôi, đừng lũ

Còn kịp về với đám nhỏ chờ cơm

Ôi! Một thời son, chuỗi ngọc, kinh vàng

Khắp nơi nơi rộn ràng cung yêu mến

Nhà nhà bình an trong cơn nguy biến

Người người thương nhau thánh thiện cùng nhau

Chuỗi Mân Côi vẫn ân sủng nhiệm mầu

Từ ngàn xưa đến ngàn sau đẹp mãi

Xin Thánh Linh chiếu soi lòng nhân loại

Biết kêu cầu Danh Thánh Mẹ Mân Côi

Amen

Cuối thánh lễ, Đức cha làm phép nước và ảnh tượng. Khách hành hương ra về mang theo quyết tâm lần hạt Mân Côi, mang theo ơn lành của Mẹ Tàpao.

Hẹn nhau tháng 11 cùng về bên Mẹ dự lễ bế mạc Năm Thánh Tử Đạo Việt Nam của giáo phận. Dịp này, Đức Giám Mục và linh mục đoàn Giáo phận Bà rịa cùng về tham dự. Đồng thời mỗi người dâng những tâm tình yêu mến từ trái tim của người con hiếu thảo lên Mẹ Tàpao cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An