Chương Sáu: Ba Thời Đại Nghiên Cứu Kinh Thánh
Một nền thần học phủ nhận tính lịch sử của hầu như mọi điều trong các sách Tin Mừng mà đời sống, tình cảm và suy nghĩ của Kitô hữu đã gắn chặt với trong gần hai thiên niên kỷ — một nền thần học hoặc phủ nhận hoàn toàn phép lạ hoặc, kỳ lạ hơn nữa, sau khi làm ngơ chuyện lớn lao như lạc đà là sự Phục sinh, đã căng thẳng nghĩ tới những con muỗi nhĩ làm thức ăn cho đám đông—nếu được cung cấp cho người ít học chỉ có thể tạo ra một trong hai tác dụng. Nó sẽ biến anh ta thành một người Công Giáo Rôma hoặc một người vô thần. Những gì bạn cung cấp cho anh ta, anh ta sẽ không công nhận là Kitô giáo. Nếu anh ta giữ điều được anh ta gọi là Kitô giáo, anh ta sẽ rời bỏ một Giáo hội trong đó nó không còn được dạy nữa và tìm kiếm một Giáo hội nơi nó được dạy.
-C. S. Lewis, “Thần học hiện đại và Khoa Phê bình Kinh thánh”
C. S. Lewis đã đọc một bài thuyết trình mà từ đó, đoạn văn trên được lấy ra tại Westcott House, Cambridge, vào năm 1959, chỉ vài năm trước Công đồng Vatican II và việc ông làm mờ các lựa chọn rõ ràng giữa chủ nghĩa vô thần và Công Giáo. (1) Việc ông lên đặc điểm cho ngành học thuật Kinh thánh hiện đại cũng hơi phiến diện. Nhưng những câu hỏi chính mà ông nêu ra tiếp tục trình bầy một câu hỏi mục vụ ghê gớm cho các nhà lãnh đạo Giáo hội. Như chúng ta đã thấy Joseph Ratzinger đặt câu hỏi trong chương trước, ngay trong trường hợp tốt nhất, liệu những sự tái tạo không chắc chắn và mâu thuẫn của các học giả có thể được kết hợp với việc thực hành một đức tin mà một cách rõ ràng, dưới chính hình thức hiện thân của nó trong Kinh thánh, nhằm dành cho không phải các giáo sư, mà là những người bình thường hay không? Ngoài ra, Lewis tạo ra những nghi ngờ khá lớn về chính khả thể các học giả xác định được nguồn gốc, quyền tác giả và độc giả ban đầu một cách đáng tin cậy — vốn là những cơ sở chính cho cách tiếp cận học thuật hiện đại đối với Kinh thánh, ngay cả giữa những người Công Giáo Rôma, trong hậu bán thế kỷ XX. Và ông làm như vậy không phải vì đơn thuần bác bỏ các kết quả, mà vì kinh nghiệm bản thân - như một học giả văn học và bản thân là tác giả - về những điều phi lý đôi khi được các nhà phê bình đương thời dựng lên về nguồn gốc và ý nghĩa của các bản văn hiện đại.
Tất nhiên, các nhà phê bình hiện đại viết về các tác giả hiện đại có lợi thế rất lớn so với các học giả hiện đại nghiên cứu về Kinh thánh. Họ không phải cố gắng hình dung ra những bài viết hơn hai nghìn năm trước xuất hiện trong những nền văn hóa hoàn toàn xa lạ với nền văn hóa của họ. Họ chia sẻ bầu không khí chung của thời đại và văn hóa của chúng ta, và thông thường, nhận thức tức thời về nhiều sắc thái ngôn ngữ tinh tế trong tư cách người nói tiếng bản ngữ của chính các tác giả. Tuy nhiên, Lewis nói, những tái tạo của họ về nội dung các cuốn sách của ông hoặc của các đồng nghiệp và bạn bè của ông như J. R. R. Tolkien và Roger Lancelyn Green đã ra đời vẫn không chính xác, ngay cả về những vấn đề đơn giản nhất về sự thật và diễn giải. (Thí dụ, một số học giả cho rằng “chiếc nhẫn quyền lực” trong Lord of the Rings [Chúa tể Các Chiếc nhẫn] của Tolkien hẳn là biểu tượng của bom nguyên tử, một điều đơn giản là bất khả vì Tolkien bắt đầu viết câu chuyện đó trước khi phát minh ra bom nguyên tử.) Ai đã đọc các nghiên cứu phê bình lịch sử hiện đại về Tân Ước đôi khi cảm thấy có điều gì đó tương tự và quan trọng hơn đang xảy ra trong nỗ lực tái cấu trúc đâu là ý định của tác giả kinh thánh đã chết từ lâu và cộng đồng đã qua đi từ lâu mà ông ngỏ lời với phải như thế nào.
Nhưng Lewis không dừng lại ở đó. Ông nói, đặt vấn đề về bố cục và niên đại sang một bên, cách nhiều học giả Kinh thánh đọc các bản văn như chúng ta hiện có làm nảy sinh một vấn đề khác: “Tôi không tin họ như những nhà phê bình”, (2), một trong những nhà văn Kitô giáo và nhà phê bình văn học tài năng nhất của thời đại chúng ta đã nói như vậy. Và không chỉ những người thực hành chán ngắt (những người nhất thiết phải chiếm phần lớn trong bất cứ ngành nghề nào) mới dám đưa ra nhận định chói tai. Ông chỉ thẳng vào Rudolf Bultmann, xét theo bất cứ khía cạnh nào, cũng là một trong những học giả Kinh thánh có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20, như người đặc biệt không tri nhận được chính hình tượng Chúa Giêsu và do đó, không đáng tin cậy về nhiều mặt khác. Bultmann nói rằng không có bức tranh rõ ràng nào về nhân cách của Chúa Giêsu xuất hiện từ các sách Tin Mừng; Lewis trả lời rằng một cách để ông biết một số “Tin Mừng” của Ngộ đạo là giả mạo là Chúa Giêsu - người kết hợp sự khôn khéo của nông dân với cả sự nghiêm khắc và sự dịu dàng tuyệt vời - “không nói như vậy”.
Ngay một trong những khẳng định chính của Bultmann – rằng việc rao giảng về Chúa tái lâm đi trước những khai triển sau này về Cuộc khổ nạn – cũng bị Lewis phá hủy một cách nghiêm túc trong một cuộc khảo sát ngắn gọn nhưng tài tình về tình tiết “Hãy lui ra đằng sau Ta” (Mt 16:21-23). Bultmann nghĩ rằng sự thay đổi đột ngột từ việc Chúa Giêsu khen ngợi Pherô vì đã nhìn nhận Người là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” sang việc Người mạnh mẽ bác bỏ suy nghĩ của Phêrô như một người tìm cách tránh cuộc đóng đinh của Đấng Kitô— (“Satan, hãy lui ra đằng sau Ta”) cho thấy sự bất nhất về mặt văn học phản ảnh sự xen kẽ sau này câu chuyện Khổ nạn vào những câu chuyện Tái lâm (Parousia) căn bản hơn. Lewis, một người đọc tinh mắt, cho rằng không thấy điều gì như vậy, mà đúng hơn là sự đặt cạnh nhau một cách khéo léo hai sự thật căn bản.
Lewis tổng kết niềm hoài nghi của ông về các cách tiếp cận Tân Ước tự cho mình là các phân tích văn học duy nhất có giá trị và đã thống trị các nghiên cứu học thuật trong nhiều thập niên: “Tôi đã học được trong các lĩnh vực nghiên cứu khác rằng 'kết quả bảo đảm của nền bác học hiện đại' có tính phù du xiết bao, nền bác học sẽ sớm hết hiện đại như thế nào.” (3) Và ông không hề đơn độc trong thuyết bất khả tri này. Ernst Käsemann, một sinh viên của Bultmann và là một học giả Kinh thánh Thệ Phản đáng gờm theo tư cách riêng của mình, đã đưa ra một bức tranh tương tự về sự nhất trí được cho là mang tính bác học: “Chắc chắn tôi không nên nói: 'Chúng ta có thể tự tin dấn thân vào [con đường này], cũng như chúng ta không cần sợ rằng chúng ta đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm và không có kết quả.’ Liệu chúng ta có thể quên trong một khoảnh khắc rằng chúng ta đang đối diện hàng ngày với vô số cuộc tấn công đáng ngờ và thậm chí khó hiểu vào các lĩnh vực chú giải, lịch sử và thần học và việc nghiên cứu của chúng ta đang dần dần thoái hóa thành một cuộc chiến tranh du kích hoàn cầu? (4) Tất nhiên, quan sát một vấn đề không nhất thiết là giải quyết nó, nhưng Käsemann đã gợi ý một cách đúng đắn rằng câu trả lời cho những câu hỏi như vậy sẽ không được tìm thấy theo đường lối bác học thuần túy. Một “Giáo hội” là điều cần thiết cho loại sứ điệp kerygma (=sơ truyền) mà Kinh thánh muốn truyền đạt, một Giáo hội vừa lắng nghe Lời Chúa, vừa mãi trung thành và tuyên xưng Lời đó không những trong phẩm trật mà còn giữa tất cả các tín hữu.
Công Giáo và Kinh thánh
Không giống như chủ nghĩa chính thống cực đoan và một số hình thức học thuật hiện đại mà Lewis chỉ trích, Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ cố gắng đọc Kinh thánh qua một quan điểm đơn giản và đơn nhất. Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, đã có những điểm nhấn khác nhau ở Antiôkia xưa (một cách tiếp cận theo nghĩa đen hơn) và Alexandria (phương pháp ẩn dụ). Giáo hội nói chung đã chứa đựng những phương thức giải thích Kinh thánh phức tạp và làm phong phú lẫn nhau, theo những cách khác nhau của chúng, phản ảnh nhiều chiều kích của chính Tân Ước. Một người hợp tình hợp lý ngày nay xem qua các bài bình luận Kinh thánh của các Giáo phụ cổ xưa (5) (Clêmentê thành Alexandria tin rằng ít nhất năm ý nghĩa—lịch sử, tín lý, tiên tri, triết học và huyền nhiệm—luôn hiện diện) hoặc một số người thực hành tốt hơn bốn ý nghĩa của Kinh thánh (nghĩa đen, luân lý, ẩn dụ, loại suy) khai triển vào thời Trung cổ (6) có thể tìm thấy nhiều điều lập dị hoặc không còn giá trị. Nhưng họ cũng có ấn tượng bởi ý thức thường xuyên của những nhà bình luận bị coi là ngây thơ này, những nhà bình luận “tiền phê phán” khi họ cho rằng bản văn đòi hỏi sự chú ý cẩn thận đến các thể thức đa dạng và ngôn từ văn học của nó.
Trong suốt thế kỷ 20, các học giả Kinh thánh cả Công Giáo lẫn Thệ phản đều đánh giá cao và, trong một số trường hợp, phục hồi và phát triển các phần của truyền thống đa dạng đó, vốn đã bị lãng quên trong việc tìm kiếm các “bản văn chứng minh” [proof texts] đơn giản cho tín lý Kitô giáo, ngay trong Giáo Hội Công Giáo. Tất nhiên, trong gần nửa đầu thế kỷ, các thẩm quyền Công Giáo đã phần lớn ngăn cản các học giả Giáo hội tham gia vào các phương thức phê bình lịch sử có ảnh hưởng lớn, được tiên phong chủ yếu ở nước Đức Thệ phản trong các thế kỷ 19 và 20. Và những hạn chế đó đã cản trở nhiều thế hệ người Công Giáo thực hiện loại công việc cần thiết để phát triển cách đọc Kinh thánh của người Công Giáo dưới ánh sáng nhận thức hiện đại. Trong một số trường hợp, Giáo hội đã bác bỏ một cách sai lầm các học giả, những người mà các thẩm quyền cho rằng đang đi theo những con đường nguy hiểm. Một số quả có đi theo như vậy; hầu hết không đi theo. Các thẩm quyền Công Giáo lo ngại rằng các hình thức nghiên cứu phê bình lịch sử khắc nghiệt hơn sẽ dẫn đến thuyết duy hiện đại, điều chắc chắn đã xảy ra ở các hệ phái Thệ phản chính dòng. Tuy nhiên, trớ trêu thay, một số phương pháp học thuật phổ biến nhất được cho là mang lại “kết quả chắc chắn của nền bác học hiện đại” lại tự rơi vào khủng hoảng đáng kể vào hậu bán thế kỷ XX.
Kinh thánh luôn chiếm một vị trí phức tạp trong tư tưởng Công Giáo, và trong một số khía cạnh, việc nghiên cứu kinh thánh Công Giáo hiện đại khó xác định về mặt trí thức hơn là triết học và thần học Công Giáo. Các cuộc tranh luận trong các lĩnh vực vừa kể vẫn tiếp diễn, và một các đúng đắn, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người Công Giáo thực hành đạo. Nhưng khuôn khổ căn bản của nghiên cứu Kinh thánh hiện đại thường đặt “Chúa Giêsu lịch sử” chống lại “Chúa Kitô của đức tin”. Joseph Ratzinger đã lưu ý rằng “quy điển thần học”, nghĩa là, cách đọc bản văn trong truyền thống và Giáo hội, “thực sự chính là điều mà khoa chú giải hiện đại nhắm để vượt qua”. (7) Do đó, trong tổng thể năng động này, các nguyên tắc Công Giáo tinh túy gần như tự động bị nghi ngờ nơi các học giả. Tất nhiên, đây chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Vì Thiên Chúa hoạt động xuyên suốt lịch sử và bước vào thời gian trong Nhập thể, nên việc nghiên cứu lịch sử là một điều cần thiết của đức tin Công Giáo. Nhưng bất chấp các nỗ lực nhằm thanh lọc các phương pháp phê bình lịch sử khỏi những giả định thiên vị, phần lớn nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong phạm vi học thuật, nói một cách nhẹ nhàng, gây căng thẳng không nhỏ với Giáo hội—và với những tín hữu bình thường cố gắng đọc Kinh thánh.
Tân Ước đặc biệt gây khó khăn cho các học giả tìm cách hiểu nó theo thuật ngữ lịch sử thuần túy vì nó không bàn đến chất liệu chỉ có tính lịch sử đơn thuần. Thay vào đó, nó cho rằng đây là một tường thuật về một hiện tượng mầu nhiệm và độc đáo: rằng khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã thực sự bước vào lịch sử và trở thành con người. Ngoài ra, Giáo hội sơ khai - trên thực tế, mạng lưới các nhà thờ địa phương cấu thành nên cộng đồng Kitô giáo hải ngoại gần như được chấp nhận một cách phổ quát - đã quyết định rằng, mặc dù chúng có nhiều khác biệt với nhau, nhưng bốn bản tường thuật về cuộc đời của Đấng Kitô có địa vị có thẩm quyền: ba Tin mừng Nhất lãm ( Mátthêu, Máccô, Luca) và Gioan. Ngay cả ba sách Nhất lãm, được đặt tên như vậy (tiếng Hy Lạp: syn-optic—nghĩa là nhìn cùng với nhau) vì dường như chúng chứa đựng nhiều yếu tố giống nhau, nhưng lại khác nhau khá nhiều về chi tiết, cấu trúc và mục đích. Nhiều lý thuyết hiện đại khác nhau đã được đề xuất để giải thích cho cả những điểm tương đồng lẫn khác biệt. (8) Tất cả các lý thuyết này, ở mức độ này hay mức độ khác, đều thừa nhận rằng phải có một số nguồn hoặc nhiều nguồn chung, bằng văn bản hoặc bằng lời nói, thậm chí còn xa hơn cả Máccô, mà hầu hết các học giả đã chấp nhận là Tin Mừng sớm nhất (mặc dù một số ít đáng kể các chuyên gia được đào tạo bài bản ngang nhau thậm chí còn tranh cãi về phán đoán đó). Vì những niên đại đơn giản và ảnh hưởng lẫn nhau còn đang bị tranh chấp, không có hy vọng thực sự nào giải quyết dứt điểm các câu hỏi, phỏng đoán lịch sử về diễn trình dẫn đến việc soạn thảo các tác phẩm Tân ước, ấy là chưa nói đến những đánh giá thuần túy học thuật về độ đáng tin của chúng trong tư cách các tài liệu lịch sử, tự bản chất chúng, đều chỉ là suy đoán, tạm thời, rời rạc và gây tranh cãi, thậm chí bởi các học giả sử dụng cùng các phương pháp “khoa học” hiện đại.
Do sự tiến bộ trong nhận thức lịch sử, đã có những tiến triển thực sự trong việc hiểu Giáo hội sơ khai và cả bối cảnh Do Thái và Hy Lạp nơi các Kitô hữu sinh sống đầu tiên. Nhưng cũng đã có những sự tái tạo thiếu khôn ngoan và chắc chắn là quá tự tin về Chúa Giêsu “lịch sử” và vai trò—thường bị coi là bất chính—của Giáo hội sơ khai trong việc tạo ra các bản văn Tân Ước. Một dấu hiệu cho thấy những sự tái tạo này đã đi quá xa vì chúng tạo ra những lời tường thuật mâu thuẫn và thậm chí trái ngược nhau về việc Chúa Kitô “phải” là ai. Những nỗ lực sớm nhất nhằm tái tạo lại Chúa Giêsu “lịch sử” theo nghĩa hiện đại đã bắt đầu nơi những người theo thuyết Duy thần [deists] người Anh, Spinoza, các nhà triết học Lục địa và những nhân vật kỳ lạ của Mỹ như Thomas Paine và Thomas Jefferson. [Jefferson đã tạo ra cuốn “Kinh thánh” nổi tiếng của riêng mình bằng cách cắt bỏ những gì ông coi là mê tín dị đoan hoặc những điều không xứng đáng với Chúa Giêsu đích thực và—với sự kết hợp giữa tính cao ngạo và tính ngây thơ điển hình của nhiều người cùng thời với ông— ông nói rằng thật dễ dàng phân biệt những câu nói đích thực của Chúa Giêsu khỏi những câu nói giả mạo như phân biệt “những viên kim cương trong đống phân tro”.(9)] Tất cả đều rất giống nhau ở chỗ Chúa Giêsu mà nhóm đa dạng này khám phá ra đằng sau những gì họ cho là xuyên tạc sau này, thực sự là một vị thầy đạo đức giản dị—có sức lôi cuốn và thậm chí có thể quyến rũ— nhưng không phải là một nhân vật thần linh, mà chỉ quan tâm đến một xã hội nhân ái và một nền chính trị tự do hơn là mạc khải một Thiên Chúa đòi hỏi khắt khe. Tóm lại, là một con người như chính họ.
Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra để giải thích làm thế nào mà các câu chuyện “dị đoan” và phép lạ được thêm vào nhân vật được cho là hữu lý và đơn giản này là Chúa Giêsu, người đã sống sót cuộc bàn bạc này nhưng chỉ là một con người không tốt hơn bất cứ nhà đạo đức nào khác của Phong trào Ánh sáng. Và đó vẫn là một loại nhạc nền cho hầu hết các nỗ lực học thuật tiếp theo để phân tích lịch sử đằng sau các bản văn Tân Ước. Thí dụ, vào năm 1906, năm mà ông bị trục xuất khỏi Dòng Tên, George Tyrrell, một người Anh trở lại theo Công Giáo, mặc dù có khuynh hướng “duy hiện đại” của chính ông, đã phàn nàn về học giả vĩ đại Thệ phản hiện đại Adolf von Harnack (1851–1930) và ngụ ý rằng, nhiều người khác đã chia sẻ các giả định căn bản của ông cho rằng Kinh thánh phải hướng đến một quan điểm về thế giới và Thiên Chúa, vốn điển hình thuộc một số trào lưu đương thời: “Chúa Kitô mà Harnack nhìn thấy, khi nhìn lại mười chín thế kỷ đen tối của Công Giáo, chỉ là phản ảnh của một khuôn mặt Thệ phản cấp tiến, được nhìn thấy dưới đáy giếng sâu.” (10)
Việc đúc khuôn lại một người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất như một triết gia của thế kỷ mười tám hay một tín đồ Thệ phản cấp tiến ở thế kỷ mười chín quả là một chặng đường dài. Nhưng Chúa Giêsu của Thệ phản cấp tiến, một phần do những thôi thúc tương tự muốn khẳng định Người vì những lý do đương thời, sẽ sớm nhường chỗ cho Chúa Giêsu duy hiện sinh của Rudolf Bultmann, Chúa Giêsu phản văn hóa của những năm 1960, Chúa Giêsu duy nữ quyền, Chúa Giêsu duy giải phóng, và hơn thế nữa, không có kết thúc đối với những biến thể này trong tầm nhìn. Chúa Giêsu của thần học Kitô giáo cổ điển, người đã tồn tại qua nhiều mốt nhất thời và sự sụp đổ của toàn bộ nhiều nền văn minh, chắc chắn cũng không biến mất. Dĩ nhiên, một cách nào đó, có thể nói rằng Chúa Kitô chứa đựng mọi khát vọng hướng thiện của con người. Các yếu tố của cả các phiên bản duy hiện đại về Chúa Kitô cũng có thể được phát hiện trong hồ sơ cổ xưa. Nhưng những cách thức mà những sự tái tạo được cho là lịch sử này mâu thuẫn và cắt xén lẫn nhau—Thí dụ, về mặt luận lý, Chúa Kitô không thể vừa là một người theo chủ nghĩa tự do của thế kỷ 19 vừa là một Che Guevara của thế kỷ 20—đã có tác động tích lũy cho thấy những giải trình như vậy thực sự được “xây dựng” như thế nào. Và tiếp tục đặt nghi vấn đối với các giả định và hạn chế phương pháp luận, trong nhiều khía cạnh, của các cách tiếp cận phê bình-lịch sử mà chúng dựa vào.
Giáo Hội Công Giáo phần lớn không tham gia vào những sự phát triển hiện đại này, một phần là do niềm tin đã ổn định, không phải hoàn toàn phi lý, cho rằng chúng sẽ chứng tỏ là ra ngoài điểm chính, nhưng cũng phần lớn là do sự lo sợ rằng tất cả những trào lưu “duy hiện đại” này có thể sẽ dẫn đến pong trào Thệ phản và tệ hơn, trong một số trường hợp không nhỏ trong thế kỷ 20, chúng quả đã dẫn tới như thế.
Các phát triển của Công Giáo thế kỷ 20 trong Thần học Kinh thánh
Nói chung, trong thế kỷ 20, việc nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo đã trải qua ba giai đoạn lớn:
1. Vào đầu thế kỷ này, Giáo hội rất cảnh giác đối với những phát triển bác học hiện đại, phần lớn là lĩnh vực chuyên biệt của Thệ phản Đức, khi chúng không thực sự nhằm mục đích làm mất thanh thế niềm tin Kitô giáo hoặc làm mất uy tín Kinh thánh như lịch sử có thật. Không có học giả Công Giáo nào có cùng mức độ tinh vi như những nhân vật Thệ phản nổi tiếng của thế kỷ 19 như Baur, Wellhausen, Strauss, Schleiermacher, Feuerbach – và Schweitzer và Bultmann trong thế kỷ 20. Việc nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo vẫn nằm trong các phạm trù giải thích truyền thống vốn hữu ích và trung thành với giáo huấn của Giáo hội nhưng không tham gia nhiều vào các khám phá khảo cổ học hiện đại, mổ xẻ lịch sử các văn bản, các phương pháp giải thích mới và các phát triển khác.
2. Bắt đầu với Sắc lệnh Providentissimus Deus [Thiên Chúa Rất mực quan phòng] (1893) của Đức Lêô XIII, và trong một loạt thay đổi chậm chạp mà đỉnh cao là Sắc lệnh Divino Afflante Spiritu [nhờ ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần] (1943) của Đức Piô XII và Sắc lệnh Dei Verbum [Lời Thiên Chúa] (1965) của Công đồng Vatican II, phẩm trật Giáo hội dần dần chấp nhận rằng phương pháp phê bình lịch sử, như một số cách tiếp cận khác nhau đối với việc đọc Kinh thánh đã được gọi, có thể được sử dụng để giúp làm sáng tỏ bản văn và lịch sử của nó mà không nhất thiết nêu một vấn đề nào đối với giáo huấn và truyền thống Công Giáo. Khi những phương pháp này được cho phép, người Công Giáo bắt đầu sử dụng chúng với sự nhạy bén học giả ngang bằng với những người khác trong học thuật, mặc dù không có nhà chú giải Công Giáo nào xuất hiện, có thể được coi là nhân vật đẳng cấp thế giới ngang với những người Thệ phản trước đó.
3. Vào những thập niên cuối của thế kỷ 20, các học giả Kinh thánh Công Giáo—những người đã háo hức chấp nhận các phương pháp luận hiện đại khi các thẩm quyền Giáo hội muộn màng cho phép họ—bắt đầu nhận ra nhiều giới hạn của chính những phương pháp đó. Các câu hỏi cũng đặt ra về mối quan hệ giữa kết quả học giả trong học thuật với niềm tin và thực hành trong Giáo hội. Mọi người đều nhất trí rằng nền học giả học thuật có vai trò, tiêu chuẩn và phương pháp riêng của nó, những điều cần phải tuân theo để trung thành với con đường đi tìm chân lý của nó. Nhưng Kinh thánh trình bày một sự khác biệt rõ ràng so với các bản văn khác. Các học giả có thể đọc Homer hoặc Dante hoặc Shakespeare với nỗ lực tái tạo chính xác ý nghĩa của chúng mà không cần quan tâm đến tầm quan trọng của chúng đối với cuộc sống đương thời. Kinh thánh, ít nhất là như người Công Giáo (và nhiều Kitô hữu khác) tin tưởng, có liên quan không những đối với thời điểm nó được viết ra hoặc thời điểm hiện tại nó được đọc, mà còn đối với mọi thời đại và địa điểm. Và hơn nữa, đối với các tín đồ, Kinh thánh, theo lời của Thánh Giêrôm, là “Lời của Thiên Chúa trong lời nói của con người”, một trường hợp rắc rối về quyền tác giả kép. Việc đọc Kinh thánh theo học thuật phải phục vụ—như nó phải có trong quan điểm Kitô giáo—việc đọc trong Giáo hội vẫn đã (và vẫn còn) là một vấn đề mà nhiều người hiện nay đã nhận ra, nhưng vẫn chưa thể đưa ra một giải pháp hoàn toàn thỏa đáng. (11)
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng đây không chỉ là những thay đổi trí thức. Chúng phản ảnh một loạt sự phát triển thần học—nhất thiết phải như vậy bởi vì một trong những nguyên tắc căn bản của mọi nghiên cứu kinh thánh Công Giáo là việc viết, đọc và nghiên cứu chính thức về Kinh thánh diễn ra trong bối cảnh Thiên Chúa tự mặc khải cho loài người. Không có đức tin vào sự mặc khải đó, Kinh thánh vẫn là một cuốn sách đóng kín. Theo quan điểm này, sự mặc khải không đồng nhất với Kinh thánh, và dù sao, Kinh thánh không đơn thuần là một cuốn sổ tay cho người sử dụng với tất cả các câu trả lời có sẵn. Trong số các khía cạnh khác của sự mặc khải, có những biến cố thực sự đã diễn ra trong lịch sử của dân Israel, cuộc đời của Chúa Kitô, tác động của Người đối với các tông đồ và các môn đệ khác, và sự hiểu biết liên tục về sự mặc khải trong đời sống của dân Thiên Chúa trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. (Đôi khi trong truyền thống, chính tự nhiên - nghĩa là sáng thế - được nói đến như một cuốn mặc khải thứ hai). Các bản văn viết của Sách Thánh là những nét chính của toàn bộ thực tại này, có tính qui phạm cho cuộc sống Kitô hữu, vì chúng làm chứng cho, và, ngược lại, được giải thích bằng toàn bộ của sự thật mặc khải về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người.
Chính vì ý nghĩa phức tạp này, Giáo Hội Công Giáo rất thận trọng trong cách tiếp cận và sử dụng Kinh thánh. Chính một trong những kết quả đáng tiếc của các cuộc tranh luận Cải cách là Giáo hội có xu hướng không khuyến khích việc đọc Kinh thánh vào chính thời điểm việc in ấn khiến sách trở nên phổ biến rộng rãi hơn, bởi vì, người ta cho rằng, nó có thể dẫn đến việc “giải thích riêng tư”, không trung thành với nguyên tắc truyền thống hoặc phiến diện trong các điểm nhấn mạnh của nó. Trong các định chế Công Giáo, các đoạn trích từ Kinh thánh, cùng với một số trích dẫn từ truyền thống, từ lâu đã được sử dụng trong sách giáo khoa làm văn bản chứng minh cho các tín điều chuyên biệt. Điều này có nghĩa là bản thân Kinh thánh phần lớn được coi là tư liệu đã được giải thích, không phải là nguồn đổi mới, và có khi mới thật, của sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Lịch sử Kinh thánh đã được nghiên cứu một cách đại cương, và tất nhiên các sách Tin Mừng và các bản văn Tân ước khác đều quen thuộc với các bài đọc trong Thánh lễ. Nhưng cùng với sự công nhận ngày càng gia tăng về thần học trong thế kỷ 20 rằng Giáo hội là dân của Thiên Chúa đang lữ hành xuyên qua thời gian, ước muốn gặp gỡ Kinh thánh một cách bản thân hơn bắt đầu làm tan biến những dè dặt cũ. Sau đó, nó thậm chí còn bắt đầu định hình lại việc đánh giá các nghiên cứu kinh thánh hiện đại.
Mặc dù nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này vài năm, nhưng tông huấn hậu thượng hội đồng Verbum Domini [Lời Chúa] (2010) trình bày một viễn cảnh tổng thể, được cung cấp bởi hàng thập niên kinh nghiệm, qua đó đánh giá cách thức các yếu tố khác nhau cuối cùng đã kết hợp với nhau trong một Cách tiếp cận của Công Giáo đối với Kinh thánh. Như Đức Bênêđictô XVI viết ở đó, mượn lời Hans Urs von Balthasar, cách tiếp cận như vậy phải có tính “đa âm” [polyphonic], bởi vì chúng ta có thể thấy trong chính Kinh Thánh nhiều ý nghĩa của Lời đã được thông truyền cho chúng ta (xem VD 7).
1. Logos [Lời] đã có ở đó ngay từ đầu như chúng ta đọc trong dòng đầu tiên của Tin Mừng Gioan.
2. Ngôi Lời đã nhập thể làm người và ở giữa chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô.
3. Cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), như được gọi trong truyền thống, thông truyền những ước muốn yêu thương của Thiên Chúa trong tạo thế.
4. Lịch sử cứu rỗi, bao gồm câu chuyện của Israel, tiếng nói của các tiên tri, và Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô.
5. Lời qua đó Đức Kitô đã truyền cho các tông đồ hãy đi rao giảng cho muôn dân.
6. Truyền thống sống động của Giáo Hội bắt nguồn từ mệnh lệnh đó.
7. Và, “cuối cùng”, Cựu Ước và Tân Ước.
Đức Bênêđíctô nói thêm rằng, do đó, mặc dù Giáo hội tôn kính Kinh thánh, nhưng Đạo Công Giáo không phải - như người ta thường nói - là “tôn giáo của sách” mà là tôn giáo của Lời Chúa trong từng và mọi ý nghĩa. Và người Công Giáo phải được giúp đỡ để hiểu những ý nghĩa đa dạng và loại suy này mà không làm mất đi ý thức về sự thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa, vốn bao trùm tất cả.
Như phần tóm tắt ngắn gọn này cho thấy, việc học hỏi Kinh Thánh là một phần của việc tiếp nhận Lời Chúa sâu rộng hơn. Sự tiếp nhận đó có yếu tố trí thức nhưng cũng phải được người Kitô hữu nhìn nhận như một cuộc gặp gỡ giữa Đấng Tạo Dựng và các tạo vật có lý trí. Thật vậy, như chính một số học giả hiện đại đã hiểu, các nghiên cứu thuần túy hình thức sẽ mắc nhiều sai lầm nếu chúng không tự coi mình như dựa trên mối quan hệ đó một cách nền tảng. Ngay cả những phân tích phê bình-lịch sử mang tính thăm dò nhất, vốn phải được thực hiện theo cách riêng của chúng trong giai đoạn đầu, sẽ không đạt được sự hiểu biết đúng đắn trừ khi, sau đó, bằng cách nào đó, chúng được tích hợp vào một tổng hợp lớn hơn có tính đến những gì người viết và biên tập viên của các bản văn thánh tin rằng họ đang làm: tức nói về Thiên Chúa. Đối với Verbum Domini, rủi ro rất cao: “Dưới ánh sáng mặc khải của Lời Chúa, bí ẩn về thân phận con người được làm sáng tỏ một cách dứt khoát” (VD 6).
Vì tầm quan trọng của việc nghiên cứu Kinh thánh hiện đại đối với nhiệm vụ này, sẽ rất hữu ích nếu lướt qua lịch sử của nó một cách ngắn gọn ở đây, bởi vì lịch sử giúp làm sáng tỏ cả những xung đột và thành công sau này trong việc nghiên cứu Kinh thánh Công Giáo trong thế kỷ XX.
Còn tiếp