VaticanNews tường trình rằng: Trong cuộc trò chuyện với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm cả Thượng hội đồng sắp tới, và nhắc lại rằng những nhận xét gần đây của ngài với giới trẻ Công Giáo Nga là một lời mời gọi họ đừng quên di sản văn hóa của mình.
Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tổ chức cuộc họp báo trên chuyến bay truyền thống của ngài vào thứ Hai với các nhà báo đi cùng ngài trên chuyến trở về Rome từ Mông Cổ. Ngài đã nhận các câu hỏi về một số chủ đề, bắt đầu bằng câu hỏi từ một nhà báo đến từ quốc gia chủ nhà của Chuyến tông du lần thứ 43 của ngài. Dưới đây là bản phiên âm và dịch thuật tiếng Anh của cuộc họp báo:
Jargalsaikhan Dambadarjaa (Tờ báo Defacto):
Xin cám ơn Đức Giáo Hoàng rất nhiều vì đã viếng thăm Mông Cổ. Câu hỏi của tôi là: mục tiêu chính của ngài trong chuyến thăm này là gì và ngài có hài lòng với kết quả đạt được không?
[Đức Giáo Hoàng Phanxicô]: Ý tưởng đến thăm Mông Cổ đến với tôi khi nghĩ về cộng đồng Công Giáo nhỏ bé. Tôi thực hiện những chuyến đi này để thăm các cộng đồng Công Giáo và cũng để đối thoại với lịch sử và văn hóa của dân tộc này cũng như với nền huyền nhiệm của một dân tộc.
Điều quan trọng là việc truyền giáo không được coi là việc cải đạo. Việc cải đạo luôn hạn chế. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói rằng đức tin không phát triển nhờ cải đạo mà bằng sự thu hút. Việc loan báo Tin Mừng đi vào cuộc đối thoại với văn hóa. Có việc Phúc Âm hóa văn hóa và hội nhập Tin Mừng, bởi vì các Kitô hữu cũng thể hiện các giá trị Kitô giáo của mình bằng nền văn hóa của chính dân tộc họ. Điều này trái ngược với định nghĩa thuộc địa hóa tôn giáo.
Đối với tôi, cuộc hành trình là để tìm hiểu người dân Mông Cổ, đối thoại với họ, tiếp nhận nền văn hóa của họ và đồng hành cùng Giáo hội trên hành trình của mình với sự tôn trọng đặc biệt đối với họ và nền văn hóa của họ. Tôi hài lòng với kết quả.
Ulambadrakh Markhaakhuu (ULS Suld Tv)
Ngày nay, xung đột giữa các nền văn minh chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại, như Đức Giáo Hoàng đã nói. Ulaanbaatar có thể tự coi mình là nền tảng cho cuộc đối thoại quốc tế giữa Châu Âu và Châu Á không?
Tôi nghĩ vậy. Bạn có một điều gì đó rất thú vị, cũng thích hợp cho cuộc đối thoại này - tôi cho phép mình gọi nó là 'điều huyền nhiệm với người hàng xóm thứ ba'. Bạn cho rằng Ulaanbaatar là thủ đô của một quốc gia xa biển nhất, và chúng tôi có thể nói rằng vùng đất của bạn nằm giữa hai cường quốc là Nga và Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao nền huyền nhiệm của bạn là cố gắng đối thoại ngay cả với 'những người hàng xóm thứ ba' của mình: không phải vì khinh thường hai người này, bởi vì bạn có quan hệ tốt với cả hai người họ, mà vì khao khát tính phổ quát, tỏ bầy giá trị của bạn với toàn thế giới, và cũng để nhận được từ người khác những giá trị của họ để bước vào đối thoại.
Điều lạ là, trong suốt lịch sử, việc đi tìm vùng đất khác thường bị nhầm lẫn với chủ nghĩa thực dân, hoặc với ý tưởng đi vào thống trị… luôn luôn như thế. Thay vào đó, với nền huyền nhiệm với người hàng xóm thứ ba, bạn có triết lý là ra ngoài tìm kiếm nhưng để đối thoại. Tôi rất thích kiểu nói này về người hàng xóm thứ ba. Đó là sự phong phú của bạn.
Cristina Cabrejas (EFE)
Hôm qua, ngài đã gửi một thông điệp tới người dân Trung Quốc, yêu cầu người Công Giáo hãy là những công dân tốt sau khi chính quyền nước này không cho phép các giám mục đến Mông Cổ. Quan hệ với Trung Quốc hiện nay thế nào? Và có tin tức gì về chuyến đi của Đức Hồng Y Zuppi tới Bắc Kinh và sứ mệnh đến Ukraine không?
Sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi là sứ mệnh hòa bình mà tôi đã giao phó cho ngài. Và ngài đã lên kế hoạch đến thăm Moscow, Kiev, Hoa Kỳ và cả Bắc Kinh. Đức Hồng Y Zuppi là một người có lối đối thoại tuyệt vời và có tầm nhìn phổ quát. Nền tảng của ngài bao gồm kinh nghiệm làm việc ở Mozambique để tìm kiếm hòa bình, và đó là lý do tại sao tôi cử ngài đi.
Mối quan hệ với Trung Quốc rất đáng tôn trọng, rất tôn trọng. Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ người dân Trung Quốc. Các kênh tiếp xúc rất cởi mở – để bổ nhiệm các giám mục, có một ủy ban đã làm việc với chính phủ Trung Quốc và Vatican trong một thời gian dài. Rồi có rất nhiều, hay đúng hơn là có một số linh mục Công Giáo hoặc trí thức Công Giáo thường được mời đến các trường đại học Trung Quốc để giảng dạy.
Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiến lên trong khía cạnh tôn giáo để hiểu nhau hơn và để người dân Trung Quốc không nghĩ rằng Giáo hội không chấp nhận văn hóa và các giá trị của họ và rằng Giáo hội phụ thuộc vào một thế lực khác, một thế lực nước ngoài.
Con đường thân thiện này được Ủy ban do Đức Hồng Y Parolin chủ trì thực hiện tốt: họ đang làm rất tốt, ngay cả về phía Trung Quốc, các mối quan hệ đang tiến triển. Tôi rất tôn trọng người dân Trung Quốc.
Gerard O'Connell (Tạp chí America)
Thưa Đức Giáo Hoàng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh hiện nay rất tích cực, gần đây đã có một bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều người Công Giáo Việt Nam đang yêu cầu Đức Giáo Hoàng đến thăm họ, như Đức Giáo Hoàng đã làm với Mông Cổ. Có khả thể đến thăm Việt Nam bây giờ không? Có lời mời nào từ chính phủ không? Và Đức Giáo Hoàng đang lên kế hoạch cho những chuyến đi nào khác?
Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất tốt đẹp mà Giáo hội đã có được trong thời gian gần đây. Tôi có thể nói nó giống như sự đồng cảm lẫn nhau trong đối thoại. Hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến về phía trước; có vấn đề nhưng ở Việt Nam tôi thấy vấn đề sớm muộn gì cũng được khắc phục.
Cách đây không lâu, với Chủ tịch nước Việt Nam, chúng tôi đã nói chuyện thoải mái. Tôi rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam; công việc tốt đã diễn ra trong nhiều năm.
Tôi nhớ cách đây bốn năm, có một nhóm nghị sĩ Việt Nam đến thăm: họ đối thoại rất vui vẻ, rất tôn trọng. Khi một nền văn hóa cởi mở thì có khả năng đối thoại; nếu có sự khép kín hoặc nghi ngờ thì việc đối thoại sẽ rất khó khăn. Với Việt Nam, đối thoại là cởi mở, có những ưu điểm và nhược điểm, nhưng nó cởi mở và từ từ tiến về phía trước. Đã có một số vấn đề, nhưng chúng đã được giải quyết.
Trong hành trình Việt Nam, nếu tôi không đi thì chắc chắn Đức Gioan XXIV sẽ đi. Chắc chắn sẽ có [một chuyến đi], bởi đó là vùng đất đáng để phát triển và tôi rất có thiện cảm.
Còn những hành trình khác thì có Marseille; và sau đó là một chuyến đến một quốc gia nhỏ ở Châu Âu, và chúng tôi đang xem liệu mình có thể làm được hay không. Nhưng nói thật, với tôi việc đi du lịch bây giờ không hề dễ dàng như lúc ban đầu. Có những hạn chế trong việc đi bộ và điều đó hạn chế tôi. Nhưng chúng ta sẽ xem.
Fausto Gasparroni (ANSA)
Thưa Đức Giáo Hoàng, những nhận xét gần đây của Ngài với giới trẻ Công Giáo Nga về “nước Nga vĩ đại”, di sản của những nhân vật như Peter Đại đế và Catherine II đã làm nẩy sinh một số cuộc thảo luận. Chẳng hạn, những bình luận này đã gây khó chịu rất nhiều cho người Ukraine, cũng đã gây ra những hậu quả về mặt ngoại giao và ở một mức độ nào đó được coi gần như là sự tôn vinh chủ nghĩa đế quốc Nga và thậm chí là một kiểu tán thành các chính sách của Putin. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha: tại sao Đức Thánh Cha cảm thấy cần phải đưa ra những nhận xét này, nếu Đức Thánh Cha đã suy nghĩ về cơ hội đưa ra chúng, liệu Đức Thánh Cha có lặp lại chúng không? Và ngoài ra, chỉ để làm cho mọi thứ rõ ràng, Đức Thánh Cha có thể cho chúng con biết Đức Thánh Cha nghĩ gì về chủ nghĩa đế quốc và đặc biệt là chủ nghĩa đế quốc Nga?
Hãy nói về bối cảnh: đó là cuộc đối thoại với giới trẻ Nga. Và khi kết thúc cuộc đối thoại, tôi đưa ra cho họ một thông điệp, một thông điệp mà tôi luôn nhắc lại: hãy chịu trách nhiệm về di sản của mình. Điểm đầu tiên: tiếp nhận di sản của bạn. Tôi nói điều tương tự ở mọi nơi. Và với suy nghĩ này, tôi cố gắng tạo ra một cuộc đối thoại giữa ông bà và các cháu: rằng các cháu sẽ tiếp nối di sản của các ngài. Tôi nói điều này ở khắp mọi nơi, và đó là thông điệp.
Điểm thứ hai, để làm rõ ý tôi về di sản: Tôi đã đề cập đến ý tưởng về nước Nga vĩ đại, bởi vì di sản của Nga rất tốt; nó rất đẹp. Hãy nghĩ về lĩnh vực văn học, âm nhạc, quay trở lại với Dostoevsky, người hôm nay nói với chúng ta về chủ nghĩa nhân bản trưởng thành. (Nga) đã đảm nhận chủ nghĩa nhân bản này, phát triển trong nghệ thuật và văn học. Đây sẽ là khía cạnh thứ hai khi tôi nói về di sản, phải không?
Điểm thứ ba, có lẽ không phù hợp, nhưng nói về nước Nga vĩ đại không phải theo nghĩa địa lý mà theo nghĩa văn hóa, tôi nhớ lại những gì chúng tôi đã được dạy ở trường: Peter I, Catherine II. Và (điểm) thứ ba này xuất hiện, điều này có lẽ không hoàn toàn đúng. Tôi không biết. Hãy để các nhà sử học cho chúng ta biết. Nhưng đó là một ghi chú bổ sung xuất hiện trong đầu tôi vì tôi đã học nó ở trường.
Điều tôi nói với những người Nga trẻ tuổi là hãy chịu trách nhiệm về di sản của họ, tiếp nhận di sản của họ, nghĩa là đừng mua nó ở nơi khác. Hãy tiếp nhận di sản của bạn. Và nước Nga vĩ đại đã để lại di sản gì? Văn hóa Nga có vẻ đẹp và chiều sâu tuyệt vời và không nên bị hủy bỏ vì các vấn đề chính trị. Đã có những năm tháng đen tối ở nước Nga nhưng di sản của nó vẫn luôn nguyên vẹn.
Sau đó, bạn nói về chủ nghĩa đế quốc, và tôi không nghĩ đến chủ nghĩa đế quốc khi nói điều đó. Tôi đã nói về văn hóa, và việc truyền tải văn hóa không bao giờ có tính chất đế quốc, không bao giờ. Luôn luôn là đối thoại và tôi đang nói về điều đó.
Đúng là có những đế quốc muốn áp đặt hệ tư tưởng của mình. Tôi sẽ dừng ở đây: khi văn hóa bị chắt lọc và biến thành hệ tư tưởng thì đó là chất độc. Văn hóa được sử dụng nhưng được chắt lọc thành hệ tư tưởng. Chúng ta phải phân biệt văn hóa của một dân tộc với những hệ tư tưởng xuất hiện từ một số triết gia, chính trị gia của dân tộc đó. Và tôi nói điều này cho mọi người, cũng như cho Giáo hội.
Trong Giáo hội thường có những hệ tư tưởng tách Giáo hội ra khỏi sự sống bắt nguồn từ gốc rễ và đi lên. Họ tách Giáo hội ra khỏi ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần.
Một hệ tư tưởng không có khả năng nhập thân; nó chỉ là một ý tưởng. Nhưng khi hệ tư tưởng tập hợp sức mạnh và trở thành chính trị, nó thường trở thành chế độ độc tài, phải không? Nó trở thành một sự bất lực trong đối thoại, để tiến về phía trước với các nền văn hóa. Và chủ nghĩa đế quốc làm điều này. Chủ nghĩa đế quốc luôn củng cố bắt đầu từ một hệ tư tưởng.
Trong Giáo Hội chúng ta cũng phải phân biệt học thuyết với hệ tư tưởng: học thuyết đích thực không bao giờ mang tính ý thức hệ, không bao giờ. Nó bắt nguồn từ dân thánh trung thành của Thiên Chúa. Thay vào đó, hệ tư tưởng tách rời khỏi thực tế, tách rời khỏi con người... Tôi không biết mình đã trả lời câu hỏi của bạn chưa.
Robert Messner (DPA)
Chào buổi sáng. Một câu hỏi liên quan đến việc cập nhật Laudato si' của ngài: liệu nó có thể được hiểu như một sự thể hiện sự đồng cảm với các nhà hoạt động môi trường như “Thế hệ cuối cùng”, vốn tổ chức các cuộc biểu tình mang tính biểu tình cao độ? Có lẽ trong bản cập nhật này cũng có một thông điệp nào đó dành cho các nhà hoạt động trẻ xuống đường?
Nói chung, tôi không đề cập đến những kẻ cực đoan này. Nhưng giới trẻ đang lo ngại. Một nhà khoa học giỏi người Ý – chúng tôi đã có một cuộc họp tại Viện Hàn lâm (về Khoa học, chủ biên) – đã có một bài phát biểu hay và kết luận rằng: “Tôi không muốn cháu gái tôi, mới sinh ra ngày hôm qua, phải sống trong một thế giới xấu xí như vậy trong thời gian ba mươi năm nữa."
Người trẻ nghĩ về tương lai. Và theo nghĩa đó, tôi thích việc họ chiến đấu tốt. Nhưng khi có liên quan đến hệ tư tưởng, hoặc có áp lực chính trị hoặc bị lợi dụng vào mục đích này, thì nó sẽ thất bại.
Tông Huấn của tôi sẽ được công bố vào ngày lễ Thánh Phanxicô, ngày 4 tháng 10, và nó là một sự xem xét lại những gì đã xảy ra kể từ hội nghị COP ở Paris, có lẽ là hiệu quả nhất cho đến nay. Có một số tin tức về một số đề xuất của COP và về một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết và cần phải giải quyết chúng một cách cấp bách. Nó [tông huấn] không lớn như Laudato si’, nhưng là sự tiếp nối của Laudato si’ về những điều mới mẻ, và cũng là một phân tích về tình hình.
Etienne Lorailllère (KTO TV)
Ngài mong muốn có một Giáo hội đồng nghị ở Mông Cổ và trên toàn thế giới. Phiên họp tháng Mười đã là thành quả công việc của dân Chúa. Làm thế nào những người đã được rửa tội từ khắp nơi trên thế giới có thể tham gia vào giai đoạn này? Làm thế nào có thể tránh được sự phân cực về ý thức hệ? Và liệu những người tham gia có thể nói và chia sẻ công khai những gì họ đang trải qua để có thể cùng bước đi với họ không? Hay toàn bộ diễn trình sẽ được giữ riêng tư?
Cô đã nói về cách tránh áp lực ý thức hệ. Không có chỗ cho hệ tư tưởng trong Thượng Hội đồng, vì đó là một tính năng động khác. Thượng Hội đồng là về cuộc đối thoại: giữa những người đã được rửa tội, giữa các thành viên của Giáo hội, về đời sống của Giáo hội, về đối thoại với thế giới, về những vấn đề ảnh hưởng đến nhân loại ngày nay.
Nhưng khi người ta nghĩ đến việc thực hiện một con đường ý thức hệ thì Thượng Hội đồng đã kết thúc. Không có chỗ cho ý thức hệ tại Thượng hội đồng, chỉ có chỗ cho đối thoại. Nói chuyện với nhau như anh chị em và thảo luận về giáo lý của Giáo hội. Tiến về phía trước.
Sau đó tôi muốn nhấn mạnh rằng tính đồng nghị không phải là phát minh của tôi: đó là Thánh Phaolô VI. Khi Công đồng Vatican II kết thúc, ngài nhận ra rằng ở phương Tây, Giáo hội đã mất đi chiều kích đồng nghị; Giáo hội Đông phương vẫn còn có nó. Vì lý do này, ngài đã thành lập Văn phòng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, trong sáu mươi năm qua đã tiến hành việc suy tư theo cách thức đồng nghị như một tiến trình liên tục, tiến về phía trước.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quyết định này của Thánh Phaolô VI, tôi đã ký và công bố một tài liệu về Thượng Hội đồng là gì và nó đã tiến triển như thế nào. Và bây giờ nó đã tiến về phía trước; nó đã trưởng thành hơn, và vì lý do này, tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu có một Thượng hội đồng về tính đồng nghị, vốn không phải là một xu hướng; đó là một thực tế cổ xưa; Giáo hội Đông phương luôn có điều đó.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể sống tính đồng nghị và sống nó với tư cách là những Kitô hữu, như tôi đã nói trước đây, mà không nhượng bộ các ý thức hệ.
Trong tiến trình hội nghị: có một điều mà chúng ta phải bảo vệ, đó là bầu không khí đồng nghị. Đây không phải là một chương trình truyền hình nơi bạn nói về mọi thứ. Không. Có một khoảnh khắc tôn giáo; có một khoảnh khắc trao đổi tôn giáo.
Trong phần giới thiệu của Thượng Hội đồng, mỗi người sẽ phát biểu từ ba đến bốn phút: ba (bài phát biểu, chủ biên) và sau đó sẽ có ba đến bốn phút im lặng để cầu nguyện. Sau đó là ba câu nữa và cầu nguyện. Không có tinh thần cầu nguyện này thì không có tính đồng nghị; nó trở thành chính trị và chủ nghĩa nghị viện. Thượng Hội đồng không phải là một quốc hội.
Về tính riêng tư của các cuộc thảo luận: có một bộ phận do Tiến sĩ Ruffini đứng đầu, người đang ở đây và sẽ đưa ra các thông cáo báo chí về tiến trình của Thượng hội đồng. Trong Thượng Hội đồng, điều cần thiết là bảo vệ tính tôn giáo và bảo vệ quyền tự do của những người phát biểu. Về vấn đề này sẽ có một ủy ban do Tiến sĩ Ruffini làm chủ tịch, sẽ cung cấp thông tin về tiến trình của Thượng Hội đồng.
Antonio PELAYO (Vida Nueva)
Thưa Đức Giáo Hoàng, ngài vừa nói về Thượng hội đồng và tất cả chúng tôi đều đồng ý với ngài rằng Thượng hội đồng này đã tạo ra nhiều sự tò mò và quan tâm. Thật không may, nó cũng gây ra nhiều chỉ trích từ các thực tại Công Giáo. Tôi đề cập (bây giờ) đến một cuốn sách có lời mở đầu của Đức Hồng Y Burke, người nói rằng Thượng Hội đồng là một chiếc hộp pandora mà từ đó mọi tai họa cho Giáo hội sẽ xuất hiện. Ngài nghĩ gì về lập trường này? Ngài có nghĩ rằng nó sẽ bị thực tại khắc phục hay (quan điểm này) có thể ảnh hưởng đến Thượng Hội đồng?
Tôi không biết liệu tôi đã nói điều này trước đây chưa. Cách đây vài tháng, tôi đã gọi cho một nữ tu Cát Minh. “Các nữ tu thế nào rồi, Mẹ Bề Trên?” Bà ấy là một nữ tu Cát Minh không phải người Ý. Và mẹ bề trên đã trả lời tôi. Và cuối cùng bà ấy nói với tôi: “Thưa Đức Giáo Hoàng, chúng con lo sợ về Thượng Hội đồng này”. “chuyện gì bây giờ đang xảy ra vậy?” Tôi nói đùa: “Mẹ có muốn gửi một chị em đến Thượng Hội đồng không?” “Không, chúng con sợ Đức Thánh Cha sẽ thay đổi tín lý.” Và đây là những gì bà ấy nói, bà ấy có ý tưởng này…
Nhưng nếu bạn đi đến tận gốc rễ của những ý tưởng này, bạn sẽ tìm thấy những hệ tư tưởng. Luôn luôn, khi người ta muốn tách ra khỏi con đường hiệp thông trong Giáo hội, điều luôn kéo nó ra xa nhau chính là ý thức hệ. Và họ buộc tội Giáo hội về điều này điều nọ, nhưng họ không bao giờ buộc tội điều gì là đúng: (nó được tạo nên từ) những kẻ tội lỗi. Họ không bao giờ nói đến tội lỗi… Họ bảo vệ một “tín lý”, một tín lý giống như nước cất không có mùi vị và không phải là tín lý Công Giáo đích thực, tức là trong Kinh Tin Kính. Và điều đó thường gây tai tiếng. Thật tai tiếng biết bao khi cho rằng Thiên Chúa đã nhập thể làm người, Thiên Chúa đã trở thành Người, Đức Mẹ vẫn giữ trinh tiết? Điều này gây tai tiếng.
Cindy Wooden (CNS)
Xin chào Đức Giáo Hoàng, con muốn tiếp tục câu hỏi của người đồng nghiệp người Pháp của con về Thượng Hội đồng và thông tin. Rất nhiều giáo dân đã dành rất nhiều thời gian, cầu nguyện, tham gia vào việc nói và lắng nghe. Họ muốn biết điều gì đang diễn ra trong Thượng Hội đồng. Và ngài đã nói về kinh nghiệm của ngài về Thượng Hội đồng về tôn giáo, trong đó một số người đã nói, “đừng đặt điều này…”, “Bạn không thể nói điều này…” Chúng con, những nhà báo, thậm chí không được tiếp cận Phiên Họp và các phiên họp chung. Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng những gì chúng ta được cho như “cháo” [tiếng Ý: pappa] là sự thật? Há không có khả thể cởi mở hơn một chút với các nhà báo hay sao?
Nhưng [nó] rất cởi mở, con thân yêu; nó rất cởi mở! Có một ủy ban do [Paolo] Ruffini [Bộ trưởng Bộ Truyền thông Vatican, chủ biên] chủ trì sẽ đưa tin tức hàng ngày, nhưng cởi mở hơn, tôi không biết, cởi mở hơn, tôi không biết...
Thật tốt khi ủy ban này sẽ rất tôn trọng các bài phát biểu của mọi người và sẽ cố gắng không nói huyên thuyên [tiếng Ý: chiacchiericcio], nhưng nói những điều chính xác về tiến trình thượng hội đồng, mang tính xây dựng cho Giáo hội. Nếu bạn muốn, nếu ai đó muốn tin tức là “Người này đã đả kích người kia vì lý do này hay lý do kia,” thì đó là tin đồn chính trị.
Ủy ban không có một nhiệm vụ dễ dàng khi nói: “Hôm nay sự suy tư đã đi theo hướng này, nó đã diễn ra như thế này,” và truyền tải tinh thần giáo hội chứ không phải tinh thần chính trị. Nghị viện khác với Thượng hội đồng. Đừng quên rằng nhân vật chính của Thượng Hội đồng là Chúa Thánh Thần. Và làm thế nào điều này có thể được truyền đi? Đây là lý do tại sao sự tiến bộ của Giáo hội phải được chuyển tải.
Vincenzo Romeo (RAI TG 2)
Chào buổi sáng, thưa Đức Giáo Hoàng. Ngài là Giáo hoàng của các vùng ngoại vi, và các vùng ngoại vi, đặc biệt là ở Ý, đang phải chịu đau khổ rất nhiều. Chúng ta đã chứng kiến một số giai đoạn đáng lo ngại về bạo lực, suy thoái... Chẳng hạn, gần Naples, một linh mục giáo xứ, Don [Maurizio] Patriciello [mục tử giáo xứ ở Caivano, chủ biên] thậm chí còn mời bạn đến [đến đó], rồi đến Palermo [ở Sicilia]. Có thể làm gì được? Ngài đã đến thăm “các biệt thự khốn khổ” ở Buenos Aires, vì vậy ngài có kinh nghiệm về việc này. Thủ tướng của chúng con cũng đã đến thăm một trong những vùng ngoại vi này. Có rất nhiều cuộc thảo luận. Có thể làm gì, Giáo hội và các tổ chức của Nhà nước có thể làm gì để vượt qua sự suy thoái này và biến các vùng ngoại vi thực sự là một phần của một quốc gia?
Bạn nói về những vùng ngoại vi, giống như các khu ổ chuột: bạn phải tiến lên, bạn phải đến đó và làm việc ở đó, như đã được thực hiện ở Buenos Aires bởi các linh mục làm việc ở đó – một nhóm linh mục có một Giám Mục Phụ Tá đứng đầu – và bạn làm việc ở đó. Chúng ta phải cởi mở với điều này, các chính phủ phải cởi mở, tất cả các chính phủ trên thế giới, nhưng có những vùng ngoại vi thật bi thảm.
Tôi quay lại với một vùng ngoại vi đầy tai tiếng mà người ta cố gắng che đậy: vùng ngoại vi của người Rohingya. Người Rohingya đau khổ. Họ không phải là Kitô hữu; họ là người Hồi giáo, nhưng họ đau khổ vì đã bị biến cải thành ngoại vi; họ đã bị đuổi ra ngoài. Chúng ta phải nhìn thấy các loại ngoại vi khác nhau và cũng học biết rằng ngoại vi là nơi thực tại con người hiển nhiên hơn và ít pha chế vi hơn – cũng có những khoảnh khắc tồi tệ, tôi không muốn lý tưởng hóa – nhưng nó được tri nhận tốt hơn.
Một triết gia từng nói một điều khiến tôi rất có ấn tượng: “Thực tại được hiểu rõ nhất từ những vùng ngoại vi”. Chúng ta phải nói chuyện với những vùng ngoại vi, và các chính phủ phải thực hiện công bằng xã hội thực sự, công bằng xã hội thực sự, với những vùng ngoại vi xã hội khác nhau và cả với những vùng ngoại vi ý thức hệ, để khiến họ nói chuyện, bởi vì nhiều khi chính những vùng ngoại vi ý thức hệ tế nhị nào đó đã kích động những ngoại vi xã hội.. Thế giới ngoại vi không hề dễ dàng. Cảm ơn.
Đây là một bản dịch và phiên âm để làm việc. Các chữ và cách diễn đạt trong ngoặc đơn được cung cấp để làm rõ.