Charles Collins của tạp chí CruxNow, ngày 12 tháng 10 năm 2024, tường trình việc Đức Tổng Giám Mục người Úc Anthony Fisher của Sydney cho biết một dự luật được đề xuất tại tiểu bang New South Wales “sẽ có tác động trực tiếp đến những người có đức tin, cũng như phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương”.
Dự luật Bình đẳng được dân biểu đợc lập Alex Greenwich đưa ra vào tháng 8 năm 2023 và sẽ chấm dứt các quy tắc hiện hành cho phép các trường học và tổ chức tôn giáo sử dụng đức tin của họ trong các chính sách tuyển dụng.
Dự luật được đề xuất này được các tổ chức ủng hộ người đồng tính và người chuyển giới ủng hộ mạnh mẽ.
“Đảng Lao động [đảng cầm quyền tại New South Wales] đã cam kết thực hiện các cải cách này trước khi lên nắm quyền nhưng tình trạng phân biệt đối xử với học sinh và nhân viên vẫn đang diễn ra trên khắp cả nước do những lỗ hổng trong luật pháp của chúng ta cho phép các trường học tôn giáo hoạt động theo các quy tắc riêng của họ”, Anna Brown, Tổng giám đốc điều hành của Equality Australia CEO, cho biết.
Tuy nhiên, ĐC Fisher – người hiện đang ở Rome để tham dự Thượng hội đồng về tính đồng nghị – cho biết trong khi Giáo hội thông cảm với mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn hoặc cấm phân biệt đối xử bất công đối với những người LGBT, thì “có một luồng phản đối tôn giáo tiềm ẩn đáng lo ngại trong dự luật”.
“Ví dụ, dự luật đề xuất xóa bỏ một số biện pháp bảo vệ hiện có đối với các tổ chức tôn giáo khỏi cuộc chiến pháp lý chống phân biệt đối xử, bao gồm trường học, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc người già, phúc lợi và dịch vụ mục vụ, trong khi không đưa ra bất cứ biện pháp bảo vệ nào cho những cá nhân có đức tin”, vị tổng giám mục cho biết vào đầu năm nay.
Sydney là thủ phủ của tiểu bang, với dân số khoảng 8.3 triệu người, trở thành tiểu bang đông dân nhất của Úc.
Viết từ Rome vào tuần này, Đc Fisher lưu ý rằng nếu dự luật được thông qua, thì “sẽ có một số thay đổi đáng kể đối với luật pháp của chúng ta, có tác động trực tiếp đến những người có đức tin, cũng như phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương”.
“Hơn 13,000 người đã trả lời cuộc điều tra của quốc hội NSW về dự luật. Trong số đó, hơn 85 phần trăm yêu cầu các đại biểu quốc hội của chúng ta bác bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, bản kiến nghị trực tuyến lớn nhất từng được trình lên Hội đồng Lập pháp cũng yêu cầu bỏ phiếu bác bỏ dự luật này", ngài viết.
"Thật không may, sau khi nghe thấy tiếng 'không' áp đảo từ các cử tri của mình nhiều hơn một lần, một cuộc điều tra toàn quốc và hơn một năm để có thể xem xét những tác động gây tổn hại của nó, chính phủ bác bỏ việc phản đối dự luật", vị giám mục nói thêm.
Ngài tuyên bố, "trong những trường hợp bình thường", một dự luật của các thành viên tư nhân tại quốc hội sẽ hết hạn từ nhiều tháng trước "nhưng, đáng chú ý là nó vẫn nằm trên bàn và bây giờ có vẻ như nó sẽ được tranh luận sớm nhất là vào tuần tới".
Trong những bình luận trước đó của ngài, ĐC Fisher lưu ý rằng New South Wales và Nam Úc là hai tiểu bang duy nhất ở Úc "mà việc phân biệt đối xử với một người trên cơ sở tín ngưỡng hoặc hoạt động tôn giáo của họ vẫn hoàn toàn hợp pháp".
"Khi đề xuất xóa bỏ các biện pháp bảo vệ tôn giáo duy nhất, dự luật sẽ chỉ mở rộng phạm vi phân biệt đối xử với những người có đức tin", vị tổng giám mục cho biết.
Ngài cũng cho biết mặc dù mại dâm từ lâu đã được coi là hợp pháp ở tiểu bang này, nhưng vẫn có một số hạn chế nhất định để "bảo vệ sự đàng hoàng nơi công cộng", nhưng dự luật được đề xuất sẽ cho phép một người tham gia vào hoạt động chào mời ngay cả bên ngoài nhà thờ hoặc trường học tôn giáo.
ĐC Fisher cũng lưu ý rằng dự luật cho phép "tự xác định giới tính" trên các tài liệu chính thức như giấy khai sinh.
"Điều này không chỉ khiến những không gian 'chỉ dành cho phụ nữ' gặp rủi ro mà còn khiến các cộng đồng tôn giáo gần như không thể duy trì các phong tục liên quan đến việc tách biệt giới tính trong khi cầu nguyện, chỉ kết hôn với những người khác giới, chỉ thụ phong cho nam giới hoặc dạy riêng con gái với con trai", vị tổng giám mục cho biết.
"Một chuyện là không đồng tình với các tôn giáo trên thế giới về những vấn đề như vậy, nhưng lại là chuyện khác khi bác bỏ quyền thực hành đức tin của họ bằng cách làm cho các tài liệu chính thức có nội dung lừa dối về giới tính sinh học hoặc giới tính khi sinh của mọi người", ngài cho biết.
Đc Fisher cho biết dự luật cũng đặt những nhóm dễ bị tổn thương vào tình thế nguy hiểm.
"Những đề xuất của dự luật xung quanh việc mang thai hộ có tính thương mại có nguy cơ khai thác phụ nữ, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo hơn; trong khi các đề xuất của nó xung quanh sự đồng ý y tế cho phép trẻ em trải qua các phương pháp điều trị y tế thay đổi cuộc sống mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, khiến trẻ em phải tiếp xúc với các biện pháp can thiệp mà sau này chúng có thể hối hận. Đúng lúc một số khu vực pháp lý ở nước ngoài và các chuyên gia địa phương đang khuyến cáo thận trọng về việc đối xử có sự khẳng định giới tính đối với trẻ vị thành niên và thậm chí là lệnh cấm hoàn toàn, thì tiểu bang này lại bật đèn xanh cho điều đó", ngài nói.
"Thực tế của dự luật này là, nhân danh sự bình đẳng cho một số ít người, nó đề xuất giảm quyền của rất nhiều người một cách có đức tin và gây nguy hiểm cho một số người dễ bị tổn thương nhất", ĐC Fisher nói.