Như đã loan tin (https://vietcatholic.net/News/Html/289991.htm), ngày 17 tháng 5, 2024, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố các "Các Quy Định Để Tiến Hành Trong Việc Phân Định Về Các Điều Được Cho Là Hiện Tượng Siêu Nhiên". Hôm nay, chúng tôi cho phổ biến nguyên văn Tài liệu dài 15 trang này, chia thành hai phần, phần đầu là phần trình bầy của Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và phần sau là nội dung của chính Tài liệu:



Phần trình bầy
Lắng nghe Thánh Thần, Đấng hoạt động trong dân trung thành của Thiên Chúa

Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong lịch sử của chúng ta. Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn chảy từ trái tim của Chúa Kitô phục sinh, hoạt động trong Giáo hội với sự tự do thiêng liêng và ban cho chúng ta nhiều ân sủng quý giá giúp chúng ta trên đường sống và khuyến khích sự phát triển tâm linh của chúng ta trong sự trung thành với Tin Mừng. Tác động này của Chúa Thánh Thần cũng có thể chạm đến tâm hồn chúng ta qua một số hiện tượng siêu nhiên nhất định, chẳng hạn như những lần hiện ra hoặc thị kiến của Chúa Kitô hoặc Đức Trinh Nữ, và những hiện tượng khác.

Nhiều khi, những sự kiện này đã dẫn đến sự phong phú lớn lao về hoa trái thiêng liêng, sự tăng trưởng trong đức tin, lòng sùng kính, tình huynh đệ và sự phục vụ. Trong một số trường hợp, chúng đã tạo nên những đền thờ trên khắp thế giới, là tâm điểm lòng đạo đức bình dân của nhiều người ngày nay. Cuộc sống và vẻ đẹp mà Chúa gieo vào vượt xa sự hiểu biết và thủ tục của con người chúng ta! Vì lý do này, các Qui tắc Tiến hành Phân định các điều được cho là Hiện tượng Siêu nhiên mà chúng tôi trình bày ở đây không nhằm mục đích kiểm soát hoặc (thậm chí càng ít) kiềm chế Chúa Thánh thần. Thực thế, trong những trường hợp tốt nhất liên quan đến các biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, “Giám mục giáo phận được khuyến khích lượng định giá trị mục vụ của đề xuất thiêng liêng này, và thậm chí cổ vũ sự lan truyền của nó” (I, đoạn 17).

Thánh Gioan Thánh Giá nhìn nhận “sự thấp hèn, thiếu sót và không thích đáng của tất cả những thuật ngữ và từ ngữ được dùng ở đời này để nói về những điều thần thiêng.”[1] Quả thực, không ai có thể diễn tả hết những đường lối khó hiểu của Thiên Chúa: “Các thánh tiến sĩ, cho dù họ đã nói hay sẽ nói bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không bao giờ có thể đưa ra lời giải thích thấu đáo về những hình thái và so sánh này, vì ý nghĩa phong phú của Chúa Thánh Thần không thể diễn tả bằng lời.”[2] Vì “con đường đến với Thiên Chúa cũng giấu ẩn và bí mật đối với các giác quan của linh hồn cũng như bước chân của một người đi trên mặt nước không được các giác quan của thể xác tri nhận.”[3] Thật vậy, “vì Người là một nghệ nhân siêu nhiên, Người sẽ xây dựng một cách siêu nhiên trong mỗi linh hồn tòa dinh thự mà Người mong muốn.”[4]

Đồng thời, trong một số biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, có những vấn đề nghiêm trọng gây hại cho các tín hữu; trong những tình huống này, Giáo hội phải đáp ứng với sự quan tâm mục vụ tối đa. Đặc biệt, tôi đang nghĩ đến việc sử dụng hiện tượng đó để đạt được “lợi nhuận, quyền lực, danh tiếng, sự công nhận của xã hội hoặc lợi ích cá nhân khác” (II, Điều 15, 4°) - thậm chí có thể mở rộng đến việc thực hiện các hành vi vô đạo đức nghiêm trọng. (xem II, điều 15, 5°) hoặc việc sử dụng những hiện tượng này “như một phương tiện hoặc cái cớ để kiểm soát con người hoặc thực hiện các hành vi lạm dụng” (II, điều 16).

Khi xem xét những sự kiện như vậy, người ta không nên bỏ qua, chẳng hạn, khả năng xảy ra những sai lầm về tín lý, việc đơn giản hóa quá mức sứ điệp Tin Mừng, hoặc sự lan rộng của não trạng bè phái. Cuối cùng, có khả năng các tín hữu bị đánh lừa bởi một biến cố được cho là do sáng kiến thần linh nhưng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của ai đó, ham muốn sự mới lạ, xu hướng bịa đặt những điều sai trái (mythomania), hoặc khuynh hướng nói dối.

Vì vậy, trong việc phân định trong lĩnh vực này, Giáo hội cần có những thủ tục rõ ràng. Những qui tắc liên quan đến cách thức tiến hành phân định các cuộc được cho là hiện ra hoặc mặc khải, được sử dụng cho đến nay, đã được Thánh Giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn vào năm 1978, hơn bốn thập niên trước. Chúng được giữ bí mật cho đến khi được công bố chính thức vào năm 2011, ba mươi ba năm sau.

Bản sửa đổi gần đây

Tuy nhiên, sau khi các Qui tắc năm 1978 được đưa vào thực hành, rõ ràng là các quyết định mất một thời gian quá dài, đôi khi kéo dài đến vài thập niên. Bằng cách này, sự phân định cần thiết của giáo hội thường đến quá muộn.

Việc sửa đổi các Qui tắc năm 1978 bắt đầu vào năm 2019 và bao gồm nhiều cuộc tham vấn khác nhau được hình dung bởi Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ (Congresso [phiên họp chuyên viên], Consulta [phiên họp tham vấn], Feria IV[phiên thường lệ?] và Plenaria [phiên họp toàn thể]). Trong 5 năm tiếp theo, một số đề xuất sửa đổi đã được đưa ra nhưng tất cả đều được coi là không thỏa đáng.

Tại Congresso của Bộ vào ngày 16 tháng 11 năm 2023, có sự thừa nhận rằng cần phải sửa đổi toàn diện và triệt để bản dự thảo hiện tại. Với việc này, Bộ đã chuẩn bị một dự thảo mới và được xem xét lại hoàn toàn nhằm làm rõ vai trò của Giám mục Giáo phận và của Bộ.

Dự thảo mới đã được xem xét tại Consulta Ristretta [Tham vấn hạn chế]vào ngày 4 tháng 3 năm 2024. Nhìn chung, các chuyên gia có quan điểm thuận lợi đối với bản văn, mặc dù họ đã đưa ra một số đề xuất cải tiến, sau đó đã được đưa vào tài liệu.

Sau đó, bản văn này đã được nghiên cứu trong Feria IV của Bộ ngày 17 tháng 4 năm 2024, trong đó các Đức Hồng Y và các Thành viên Giám mục đã chấp thuận nó. Cuối cùng, vào ngày 4 tháng 5 năm 2024, các Qui tắc mới đã được trình lên Đức Thánh Cha, người đã phê chuẩn và ra lệnh công bố chúng. Ngài xác lập rằng những Qui tắc này sẽ có hiệu lực vào ngày 19 tháng 5 năm 2024, Lễ Trọng Hiện Xuống.

Lý do của các qui tắc mới

Trong lời nói đầu của Ấn bản năm 2011 của Qui tắc năm 1978, Bộ trưởng lúc bấy giờ, Đức Hồng Y William Levada, đã làm rõ rằng Bộ Giáo lý Đức tin có thẩm quyền kiểm tra các trường hợp được cho là “các cuộc hiện ra, thị kiến và thông điệp được cho là có nguồn gốc siêu nhiên”. Thật vậy, các Qui tắc năm 1978 cũng đã quy định rằng “tùy thuộc vào Bộ Thánh việc phán đoán và phê chuẩn cách tiến hành của Đấng Bản quyền” hoặc “bắt đầu một cuộc khảo sát mới” (IV, 2).

Trong quá khứ, Tòa Thánh dường như chấp nhận việc các Giám mục sẽ đưa ra những lời tuyên bố như “Les fidèles sont fondés à la croire indubitable et sosuree” [các tín hữu được xây dựng để tin nó không thể hoài nghi và chắc chắn]: Sắc lệnh của Giám mục Grenoble, ngày 19 tháng 9 năm 1851) và “người ta không thể nghi ngờ tính thực tại của những giọt nước mắt” (Sắc lệnh của các Giám mục Sicily, ngày 12 tháng 12 năm 1953). Tuy nhiên, những cách diễn đạt này mâu thuẫn với niềm xác tín của chính Giáo hội rằng các tín hữu không cần phải chấp nhận tính chân chính của những biến cố này. Vì vậy, vài tháng sau vụ thứ hai, Văn phòng Thánh giải thích rằng họ “chưa đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến Madonna delle Lacrime” [Đức Bà khóc] ([Syracuse, Sicily] ngày 2 tháng 10 năm 1954). Gần đây hơn, khi đề cập đến Fatima, Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ đã giải thích rằng sự chấp thuận của giáo hội đối với một mặc khải riêng nhấn mạnh rằng “sứ điệp không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin hay luân lý” (26 tháng 6 năm 2000).

Bất chấp lập trường rõ ràng này, các thủ tục thực tế được Bộ tuân theo, ngay cả trong thời gian gần đây, vẫn nghiêng về việc Giám mục đưa ra tuyên bố rằng sự kiện này là “siêu nhiên” hoặc “không phải siêu nhiên” - đến mức một số Giám mục nhất quyết muốn có khả năng đưa ra tuyên bố tích cực về loại này. Thậm chí gần đây, một số Giám mục đã muốn đưa ra những tuyên bố như “Tôi xác nhận sự thật tuyệt đối của các biến cố” và “các tín hữu chắc chắn phải coi là sự thật…”. Những cách diễn đạt này thực tế đã định hướng để các tín hữu nghĩ rằng họ phải tin vào những hiện tượng này, những hiện tượng đôi khi được đánh giá cao hơn cả Tin Mừng.

Khi giải quyết những trường hợp như vậy, và đặc biệt là khi chuẩn bị một tuyên bố chính thức, một số Giám mục đã tìm kiếm sự cho phép cần thiết từ Bộ trước. Sau đó, khi được cấp phép, các Giám mục được yêu cầu không đề cập đến Bộ trong tuyên bố của mình. Chẳng hạn, đây là trường hợp trong những trường hợp hiếm hoi được kết thúc trong những thập niên gần đây, trong đó Bộ bao gồm các điều khoản như “Sans impliquer notre Congrégation,” Thư gửi Giám mục Gap [Pháp], ngày 3 tháng 8 năm 2007) hoặc “Bộ sẽ không tham gia vào một tuyên bố như vậy” (Congresso ngày 11 tháng 5 năm 2001, liên quan đến yêu cầu của Giám mục Gikongoro [Rwanda]). Trong những tình huống này, Đức Giám Mục thậm chí không đề cập đến việc Bộ đã chấp thuận. Trong khi đó, các Giám mục khác, mà Giáo phận cũng bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng này, cũng đang tìm kiếm ý kiến có thẩm quyền từ Bộ để đạt được sự rõ ràng hơn.

Cách tiến hành này, vốn đã gây ra sự nhầm lẫn đáng kể, cho thấy các Qui tắc năm 1978 không còn phù hợp để hướng dẫn hành động của các Giám mục và của Bộ. Điều này ngày nay càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn vì các hiện tượng hiếm khi tồn tại trong phạm vi ranh giới của một thành phố hoặc Giáo phận. Mối quan tâm này đã được ghi nhận trong Phiên họp toàn thể năm 1974 của Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, nơi các thành viên thừa nhận rằng một biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên thường “chắc chắn vượt quá giới hạn của một Giáo phận và thậm chí của một Quốc gia và [...] vụ việc tự động đạt đến mức độ có thể biện minh cho sự can thiệp của Cơ quan có thẩm quyền tối cao của Giáo hội.” Trong khi đó, các Qui tắc năm 1978 thừa nhận rằng hiện đã trở nên “khó khăn hơn, nếu không muốn nói là gần như không thể thực hiện được việc đạt được với tốc độ cần thiết các phán quyết mà trước đây đã kết thúc cuộc điều tra về những vấn đề như vậy (constat de supernaturalitate, non constat de supernaturalitate)” [đồng ý về tính siêu nhiên, không đồng ý về tính siêu nhiên] (Ghi chú Sơ bộ).

Rất ít trường hợp đạt được một xác định rõ ràng cho kỳ vọng nhận được lời tuyên bố về bản chất siêu nhiên của biến cố.Thực vậy, kể từ năm 1950, không quá sáu trường hợp đã được giải quyết chính thức, mặc dù những hiện tượng như vậy thường gia tăng mà không có sự hướng dẫn rõ ràng và với sự tham gia của người dân từ nhiều Giáo phận. Vì vậy, người ta có thể cho rằng nhiều trường hợp khác đã được xử lý theo cách khác hoặc hoàn toàn không được xử lý.

Để ngăn chặn bất cứ sự chậm trễ nào nữa trong việc giải quyết một trường hợp chuyên biệt liên quan đến một biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên, Bộ gần đây đã đề xuất với Đức Thánh Cha ý tưởng kết thúc quá trình phân định không phải bằng một tuyên bố “phi siêu nhiên hóa” mà bằng một “Nihil obstat”, điều này sẽ cho phép Đức Giám Mục thu được lợi ích mục vụ từ hiện tượng tâm linh này. Ý tưởng kết thúc bằng tuyên bố “Nihil obstat” đã đạt được sau khi đánh giá những thành quả thiêng liêng và mục vụ khác nhau của sự kiện và không tìm thấy yếu tố tiêu cực đáng kể nào trong đó. Đức Thánh Cha coi đề xuất này là một “giải pháp đúng đắn”.

Các khía cạnh mới

Dựa vào yếu tố như đã đề cập ở trên, với những Qui tắc mới, chúng tôi đang đề xuất một thủ tục khác với quá khứ nhưng cũng phong phú hơn vì nó bao gồm sáu kết luận thận trọng có thể có, có thể hướng dẫn công việc mục vụ xung quanh các biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên (xem I, các đoạn 17- 22). Sáu quyết định có thể có này cho phép Bộ và các Giám mục xử lý một cách thích hợp các vấn đề nảy sinh liên quan đến các trường hợp khác nhau mà họ gặp phải.

Như một quy luật, những kết luận tiềm năng này không bao gồm khả năng tuyên bố rằng hiện tượng đang được phân định có nguồn gốc siêu nhiên - nghĩa là khẳng định một cách chắc chắn về mặt đạo đức rằng nó bắt nguồn từ một quyết định trực tiếp do Thiên Chúa muốn. Thay vào đó, như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã giải thích, việc ban Nihil obstat chỉ đơn giản có nghĩa là các tín hữu “được phép gắn bó với [hiện tượng] này một cách thận trọng”. Vì Nihil obstat không tuyên bố các sự kiện được đề cập là siêu nhiên, nên càng trở nên rõ ràng hơn – như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng đã nói – việc hiện tượng này chỉ là “một sự giúp đỡ được đưa ra, nhưng việc sử dụng nó không bắt buộc.”[5 ] Đồng thời, đáp ứng này đương nhiên để ngỏ khả năng này là, khi theo dõi việc sùng kính phát triển ra sao, một đáp ứng khác trong tương lai có thể cần phải có.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng việc đạt tới một tuyên bố khẳng định tính “siêu nhiên” của một biến cố, về bản chất, không chỉ cần một khoảng thời gian thích hợp để tiến hành phân tích mà còn có thể dẫn đến khả thể việc phán đoán “siêu nhiên ngày nay có thể trở thành việc phán đoán “không phải siêu nhiên” vào những năm sau—và chính điều này đã từng xảy ra. Một ví dụ đáng nhắc lại là trường hợp liên quan đến những cuộc hiện ra được cho là từ những năm 1950. Năm 1956, Đức Giám Mục đưa ra phán quyết cuối cùng “không phải siêu nhiên”, và năm sau, Tòa thánh đã phê chuẩn quyết định của Đức Giám Mục. Sau đó, người ta lại tìm kiếm việc chấp thuận lòng tôn kính đó. Năm 1974, Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố những cuộc được cho là hiện ra “constat de non supernaturalitate”. Nhưng sau đó, vào năm 1996, Giám mục địa phương đã tích cực công nhận lòng sùng kính này, và vào năm 2002, một Giám mục khác ở cùng địa điểm đã công nhận “nguồn gốc siêu nhiên” của các cuộc hiện ra, dẫn đến việc truyền bá lòng sùng kính này sang các quốc gia khác. Cuối cùng, vào năm 2020, theo yêu cầu của Bộ, một tân Giám mục đã nhắc lại “phán quyết tiêu cực” trước đó của Bộ, yêu cầu chấm dứt mọi tiết lộ công khai liên quan đến các cuộc được cho là hiện ra và mặc khải. Vì vậy, phải mất khoảng bảy mươi năm đau đớn để đưa toàn bộ vấn đề đi đến hồi kết luận.

Ngày nay, chúng ta đã đi đến xác tín rằng cần phải luôn tránh những tình huống phức tạp như vậy, vốn gây nhầm lẫn cho các tín hữu. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đảm bảo sự tham gia nhanh chóng và rõ ràng hơn của Bộ này và bằng cách ngăn chặn ấn tượng cho rằng quá trình phân định sẽ hướng tới một tuyên bố về “tính siêu nhiên” (mang theo những kỳ vọng, lo lắng và thậm chí cả áp lực cao). Thay vào đó, như một qui tắc, những tuyên bố về “tính siêu nhiên” như vậy được thay thế hoặc bằng một Nihil obstat, cho phép thực hiện công việc mục vụ tích cực, hoặc bằng một quyết định khác phù hợp với tình huống chuyên biệt.

Các thủ tục được nêu trong các Qui tắc mới, đưa ra sáu quyết định thận trọng cuối cùng có thể thực hiện được, giúp có thể đạt được quyết định trong một khoảng thời gian hợp lý hơn, giúp Giám mục quản lý một tình huống liên quan đến các biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên trước khi những chuyện xẩy ra như thế — mà không có sự phân định cần thiết của Giáo hội. nhận thức sâu sắc – nhận được những chiều kích rất có vấn đề.

Tuy nhiên, vẫn luôn có khả thể Đức Thánh Cha có thể can thiệp một cách đặc biệt bằng cách cho phép một thủ tục bao gồm khả năng tuyên bố tính chất siêu nhiên của các biến cố. Tuy nhiên, đây là một ngoại lệ hiếm khi được thực hiện trong những thế kỷ gần đây.

Đồng thời, như được quy định trong các Qui tắc mới, vẫn có khả thể tuyên bố một biến cố là “không phải siêu nhiên”, nhưng chỉ khi có những dấu hiệu khách quan cho thấy rõ sự thao túng trên cơ sở hiện tượng. Chẳng hạn, điều này có thể xảy ra khi một người được cho là thị nhân thừa nhận đã nói dối hoặc khi có bằng chứng cho thấy máu trên tượng chịu nạn là máu của chính người được cho là thị nhân.

Nhận biết hành động của Chúa Thánh Thần

Hầu hết các đền thờ, mà ngày nay là nơi ưu tiên dành cho lòng đạo bình dân của dân Chúa, chưa bao giờ có được lời tuyên bố chính thức về bản chất siêu nhiên của các biến cố dẫn đến lòng sùng kính được bày tỏ ở đó. Đúng hơn, cảm thức đức tin đã cảm nhận được hoạt động của Chúa Thánh Thần ở đó, và không có vấn đề lớn nào nảy sinh đòi hỏi sự can thiệp của các mục tử của Giáo hội.

Thông thường, sự hiện diện của Giám mục và các linh mục vào những thời điểm nhất định - chẳng hạn như trong các chuyến hành hương hoặc cử hành một số Thánh lễ nhất định - đã ngầm thừa nhận rằng không có sự phản đối nghiêm trọng nào và kinh nghiệm thiêng liêng đã có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của các tín hữu.

Tuy nhiên, một Nihil obstat cho phép các mục tử của Giáo hội hành động một cách tự tin và kịp thời, đứng giữa dân Chúa để đón nhận những ân sủng của Chúa Thánh Thần có thể xuất hiện “giữa” những biến cố này. Cụm từ “giữa”—được sử dụng trong Qui tắc mới—làm sáng tỏ rằng ngay cả khi chính biến cố không được tuyên bố là có nguồn gốc siêu nhiên, thì vẫn có sự thừa nhận các dấu hiệu về hành động siêu nhiên của Chúa Thánh Thần ở giữa những gì đang xảy ra.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bên cạnh việc nhìn nhận các dấu hiệu hoạt động của Chúa Thánh Thần này, cũng cần có một số sự làm sáng tỏ hoặc thanh lọc nhất định. Có thể xảy ra việc hành động của Chúa Thánh Thần trong một tình huống cụ thể - có thể được đánh giá đúng đắn - có thể xuất hiện trộn lẫn với những yếu tố thuần túy của con người (chẳng hạn như ham muốn cá nhân, ký ức và đôi khi là những suy nghĩ ám ảnh), hoặc với “một số lầm lỗi thuộc trật tự tự nhiên, không phải do ý định xấu mà do nhận thức chủ quan về hiện tượng” (II, điều 15, 2°). Rốt cuộc, “một trải nghiệm được cho là một thị kiến đơn giản không thể buộc người ta chấp nhận nó chính xác trong mọi chi tiết hoặc bác bỏ nó hoàn toàn như một ảo ảnh hoặc lừa đảo của con người hoặc ma quỷ.”[6]

Việc can dự và đồng hành của Bộ

Điều quan trọng là phải hiểu rằng các Qui tắc mới làm rõ một điểm quan trọng về thẩm quyền của Bộ này. Một mặt, chúng khẳng định rằng việc phân định trong lĩnh vực này vẫn là nhiệm vụ của Giám mục giáo phận. Mặt khác, thừa nhận rằng, hơn bao giờ hết, những hiện tượng này liên quan đến nhiều người từ nhiều Giáo phận khác nhau và nhanh chóng lan rộng khắp các khu vực và thậm chí cả các quốc gia khác nhau, các Qui tắc mới quy định rằng Bộ phải luôn được tham khảo ý kiến và đưa ra phê chuẩn cuối cùng về những gì Giám mục quyết định trước khi ngài công bố việc xác định một biến cố được cho là có nguồn gốc siêu nhiên. Trong khi trước đây Bộ đã can thiệp nhưng Đức Giám Mục được yêu cầu không đề cập đến thì ngày nay, Bộ đã công khai thể hiện sự tham gia của mình và đồng hành cùng Đức Giám Mục trong việc đi đến quyết định cuối cùng. Bây giờ, khi Đức Giám Mục công bố quyết định của mình, nó sẽ được tuyên bố là “đồng ý với Bộ Giáo lý Đức tin”.

Đồng thời, như đã được hình dung trong các Qui tắc năm 1978 (IV, 1 b), các Qui tắc mới cũng chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, Bộ có thể can thiệp bằng tự sắc (II, Điều 26). Sau khi một xác định đã rõ ràng, Qui tắc mới quy định rằng “trong mọi trường hợp, Bộ có quyền can thiệp lại tùy theo diễn biến của hiện tượng được đề cập” (II, Điều 22, § 3) và yêu cầu Đức Giám Mục tiếp tục “canh chừng hiện tượng” (II, Điều 24) vì lợi ích của các tín hữu.

Thiên Chúa luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại và không ngừng ban ân sủng cho chúng ta qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, canh tân đức tin của chúng ta hàng ngày vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ thế giới. Trách nhiệm của các mục tử trong Giáo hội là giữ cho các tín hữu của mình luôn chú ý đến sự hiện diện yêu thương này của Ba Ngôi Chí Thánh ở giữa chúng ta, cũng như nhiệm vụ của các ngài là bảo vệ các tín hữu khỏi mọi sự lừa dối. Những Qui tắc mới này chỉ là một cách mà Bộ Giáo lý Đức tin đặt mình vào việc phục vụ các mục tử của Giáo hội trong việc ngoan ngoãn lắng nghe Chúa Thánh Thần hoạt động trong Dân trung thành của Thiên Chúa.

Hồng Y Víctor Manuel Fernández
Bộ trưởng

Kỳ tới: Nguyên văn Tài liệu