Edward Pentin của National Catholic Register, ngày 23 tháng 4 năm 2024, cho biết: Bộ Giáo lý Đức tin đang hoàn tất những bước cuối cùng cho một tài liệu mới đặt ra các quy tắc rõ ràng về việc phân định các cuộc hiện ra và các sự kiện siêu nhiên khác như vậy.
Bộ trưởng của Bộ, Đức Hồng Y Victor Fernández, nói với Register ngày 23 tháng 4 rằng ngài và các nhân viên của ngài “đang trong quá trình hoàn tất một văn bản mới với những hướng dẫn và quy định rõ ràng để phân định các cuộc hiện ra và các hiện tượng khác”.
Đức Hồng Y, người đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng vào thứ Hai, đã không tiết lộ thêm bất cứ chi tiết nào về tài liệu cũng như chính xác khi nào nó sẽ được công bố.
Lần cuối cùng văn phòng giáo lý của Vatican ban hành một tài liệu chung về các cuộc hiện ra là vào năm 1978, trong những tháng cuối cùng của triều giáo hoàng của Đức Phaolô VI.
Trong “Những quy tắc liên quan đến cách thức tiến hành phân định các cuộc hiện ra hoặc mặc khải được cho là hiện ra”, Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ, đứng đầu là Đức Hồng Y người Croatia Franjo Šeper, đã phác thảo quy trình mà Giáo Hội Công Giáo tuân theo khi điều tra các cuộc hiện ra hoặc được cho là mặc khải.
Tài liệu nêu rõ rằng trách nhiệm của Giáo hội trước tiên là phán xét các sự kiện, sau đó cho phép công chúng sùng bái nếu việc xem xét thuận lợi, và cuối cùng đưa ra phán quyết về tính xác thực và tính chất siêu nhiên của biến cố.
Tài liệu nêu ra các tiêu chuẩn tích cực và tiêu cực để đánh giá tính xác thực của những hiện tượng như vậy, cũng như thời điểm và cách thức các cơ quan giáo hội có thẩm quyền nên can dự vào, bao gồm cả Tòa thánh. Nó nhấn mạnh rằng cần phải “cực kỳ thận trọng” khi điều tra các sự kiện.
Tài liệu gần đây nhất của Vatican về các cuộc hiện ra đã được ban hành vào năm 2001 bởi Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích lúc bấy giờ. Trong “Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ: Nguyên tắc và Hướng dẫn”, Bộ đã dựa vào Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và các tham chiếu của nó đến sự mặc khải tư.
Đoạn văn đó (số 67) nói rằng những mạc khải tư “không thuộc về… kho tàng đức tin,” và nói thêm rằng vai trò của chúng không phải là “cải thiện hay hoàn thiện Mặc khải cuối cùng của Chúa Kitô, nhưng là giúp sống nó trọn vẹn hơn trong một một giai đoạn lịch sử nhất định.”
Sách Giáo lý cho biết thêm:
“Được hướng dẫn bởi Huấn Quyền của Giáo Hội, cảm thức đức tin biết cách phân định và đón nhận trong những mạc khải này bất cứ điều gì tạo nên lời mời gọi đích thực của Chúa Kitô hoặc các thánh của Người đến với Giáo Hội”.
Thánh Giáo hoàng Piô X cũng đề cập đến các cuộc hiện ra trong thông điệp Pascendi Dominici Gregis năm 1907 của ngài, trong đó ngài tuyên bố rằng Giáo hội thực hiện hết sức thận trọng trong vấn đề này, chỉ cho phép những truyền thống như vậy được “ thuật lại” một cách thận trọng và tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng Giáo hội không đảm bảo sự thật của sự việc được thuật lại.
Trong một mục về “Những điều mặc khải riêng tư” được viết vào năm 1913, Bách khoa toàn thư Công Giáo tuyên bố rằng những sự mặc khải riêng tư liên tục xảy ra giữa những các Ki-tô hữu, và khi Giáo hội chấp thuận chúng, Giáo hội chỉ tuyên bố rằng không có gì trái với đức tin hay đạo đức, nhưng không áp đặt nghĩa vụ phải tin họ.
Tháng trước, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố một sắc lệnh “được giấu kín từ lâu” từ năm 1951, trong đó tuyên bố rằng cuộc hiện ra được cho là vào năm 1948 tại Philippines của Đức Trinh Nữ Maria ở Lipa – còn được gọi là Đức Mẹ Đấng Trung gian Mọi Ơn thánh– không phải là siêu nhiên.
Trong nhiều năm, cuộc hiện ra đã là nguồn gốc gây căng thẳng giữa những người tin đó là sự thật và phẩm trật Công Giáo ở Philippines.
Cuộc được cho là hiện ra, trong đó Đức Trinh Nữ Maria được tường trình là đã hiện ra với một tu sinh Carmelite đi chân đất 21 tuổi tên là Nữ tu Teresita Castillo ở thành phố Lipa trong 15 ngày bắt đầu từ ngày 12 tháng 9 năm 1948, đã được điều tra và được đưa về Rome, sau đó Vatican tuyên bố đó không phải là chuyện siêu nhiên.
Trong một tuyên bố đi kèm với việc công bố sắc lệnh, Đức Hồng Y Fernández lưu ý rằng Mẹ Mary Cecilia của Chúa Giêsu thuộc tu viện Carmelite đi chân đất ở Lipa, vào năm 1951, đã thú nhận “đã lừa dối các tín hữu về những lần được cho là hiện ra ở Lipa và do đó đã cầu xin sự tha thứ. ”
Bộ Giáo lý Đức tin công bố sắc lệnh năm 1951 sau khi một linh mục trừ quỷ dòng Đa Minh, Cha Winston Cabading, bị kiện ở Philippines vì “xúc phạm tình cảm tôn giáo” sau khi làm mất uy tín của cuộc hiện ra ở Lipa. Một thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện chống lại ngài với lý do không đủ bằng chứng.