Chứng từ của các sách Tin Mừng

Tôi bắt đầu dòng điều tra này bằng cách yêu cầu Habermas mô tả các lần hiện ra sau Phục sinh trong các Tin Mừng Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan.

Ông mở đầu, "Có một số lần hiện ra khác nhau với rất nhiều người khác nhau trong các sách Tin Mừng và Công vụ-một số từng cá nhân, một số trong các nhóm, đôi khi trong nhà, đôi khi ngoài trời, cho những người có thiện cảm như Gioan và những người hoài nghi như Tôma".

Đôi khi họ chạm vào Chúa Giêsu hoặc ăn uống với Người, có những bản văn dạy rằng Người đã có mặt về phương diện thể lý. Việc hiện ra diễn tiến trong vài tuần. Và có những lý do chính đáng để tin tưởng các trình thuật này-thí dụ, chúng không có nhiều khuynh hướng thần thoại điển hình."



"Ông có thể liệt kê những lần hiện ra này cho tôi không?"

Từ ký ức, Habermas đã lần lượt mô tả chúng. Chúa Giêsu đã hiện ra

* với Maria Mađalêna, trong Gioan 20: 10-18;
* với các phụ nữ khác, trong Mátthêu 28: 8-10;
* với Cleopas và một môn đệ khác trên đường đi Emmaus, trong Luca 24: 13-32;
* với mười một môn đệ và những người khác, trong Luca 24: 33-49;
* với mười tông đồ và những người khác, khi Tôma vắng mặt, trong Gioan 20: 1923;
* với Tôma và các tông đồ khác, trong Gioan 20: 26-30;
* với bảy tông đồ, trong Gioan 21: 1-14;
* với các môn đệ, trong Mátthêu 28: 16-20.
* và Người đã ở với các tông đồ trên Núi Cây Dầu trước khi Thăng thiên, trong Luca 24: 50-52 và Công vụ 1: 4-9.

Habermas nói thêm, "Điều đặc biệt đáng lưu ý là C. H. Dodd, học giả của Đại học Cambridge, đã phân tích cẩn thận những lần hiện ra này và kết luận rằng một số trong chúng đặc biệt dựa trên tài liệu rất sớm, bao gồm cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các phụ nữ, trong Mátthêu 28: 8-10; Cuộc gặp gỡ của Người với mười một tông đồ, trong đó Người đã trao cho họ sứ mệnh lớn lao, trong Mátthêu 28: 16-20; và cuộc gặp gỡ của Người với các môn đệ, trong Gioan 20: 19-23, trong đó Người cho họ thấy tay và cạnh sườn."

Một lần nữa, đây là một số rất nhiều những lần người ta nhìn thấy Chúa Giêsu. Đây không phải chỉ là một sự quan sát thoáng qua một hình bóng mờ nhạt bởi một hoặc hai người. Có nhiều lần hiện ra với nhiều người, một số lần hiện ra được xác nhận trong hơn một Tin Mừng hoặc bởi kinh tin kính của thư 1Côrintô 15.

Tôi hỏi, "Có bất cứ sự chứng thực nào nữa không?".

"Ông hãy xem Công vụ," Habermas trả lời như thế, ý muốn nói đến Cuốn sách Tân Ước ghi lại sự ra mắt của Giáo Hội. Không những các lần hiện ra của Chúa Giêsu được đề cập thường xuyên, nhưng các chi tiết đã được cung cấp và chủ đề các môn đệ làm chứng cho các điều này đã được tìm thấy trong hầu hết mọi bối cảnh.

Habermas nói, Chìa khóa, "là một số trình thuật trong Công vụ 1-5, 10 và 13 cũng bao gồm một số tín điều, giống như tín điều trong 1 Côrintô 15, tường trình một số dữ kiện rất sớm liên quan đến Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu."

Nói thế, Habermas đã lấy một cuốn sách và đọc kết luận của học giả John Drane.

“Bằng chứng sớm nhất chúng ta có về sự phục sinh gần như chắc chắn đã có từ ngay sau biến cố Phục sinh được cho là đã diễn ra. Đây là bằng chứng chứa trong các bài giảng tiên khởi trong Công vụ của các Tông đồ... Điều chắc chắn là trong một vài chương đầu tiên của Công vụ, tác giả đã bảo tồn tài liệu từ các nguồn rất sớm." (7)

Thật vậy, Công vụ tràn ngập các tài liệu tham khảo về các lần hiện ra của Chúa Giêsu. Tông đồ Phêrô đặc biệt kiên quyết về nó. Ngài nói trong Công vụ 2:32, " Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng." Trong Công vụ 3:15 ngài lặp lại, "Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng." Ngài xác nhận với Corneliô trong Công vụ 10:41 rằng ngài và những người khác "đã ăn và uống với Người sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết."

Không chịu thua kém, Thánh Phaolô nói trong một bài phát biểu được ghi lại trong Công vụ 13:31, "Trong nhiều ngày, Đức Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân."

Habermas khẳng định, "việc Phục sinh chắc chắn là công bố chính của Giáo Hội tiên khởi ngay từ đầu. Các Kitô hữu tiên khởi không những chỉ tán thành giáo lý của Chúa Giêsu; họ còn được thuyết phục rằng họ đã nhìn thấy Người sống động sau biến cố đóng đinh. Đó là những gì đã thay đổi cuộc sống của họ và khởi đầu Giáo hội. Chắc chắn, vì đây là niềm tin trung tâm của họ, họ sẽ làm cho điều này là sự thật một cách hoàn toàn chắc chắn."

Tất cả các bằng chứng của Tin Mừng và Công vụ - hết biến cố này đến biến cố khác, hết nhân chứng này đến nhân chứng khác, hết chi tiết này đến chi tiết khác, hết chứng thực này đến chứng thực khác chồng lên nhau – cực kỳ gây ấn tượng. Mặc dù đã cố gắng, tôi vẫn không thể nghĩ được bất cứ biến cố nào được chứng thực thấu đáo hơn trong lịch sử cổ thời.

Tuy nhiên, có một câu hỏi khác cần được nêu ra, câu hỏi này liên quan đến Tin Mừng mà hầu hết các học giả tin là trình thuật đầu tiên về Chúa Giêsu đã được viết ra.

Việc thiếu kết luận của Máccô

Khi mới bắt đầu điều tra việc Phục sinh, tôi đã bắt gặp một nhận xét rắc rối ở lề cuốn Kinh thánh của tôi: "các bản chép tay đáng tin cậy sớm nhất và các nhân chứng cổ xưa khác không có đoạn Máccô 16: 9-20." Nói cách khác, hầu hết các học giả tin rằng Tin Mừng Máccô kết thúc ở câu 16: 8, với những người phụ nữ khám phá ra ngôi mộ trống nhưng không nói tới các lần hiện ra của Chúa Giêsu với bất cứ ai. Điều đó dường như gây bối rối.

Tôi hỏi Habermas "Há ông không lấy làm phiền khi Tin Mừng sớm nhất thậm chí không tường trình bất cứ lần hiện ra nào sau Phục sinh?".

Ngược lại, dường như ông không bị làm phiền chút nào. Ông nói, "Tôi không có bất cứ vấn đề gì với nó. Chắc chắn, sẽ rất tốt nếu ngài có bao gồm một danh sách các lần hiện ra, nhưng đây là một số điều để ông nghĩ tới.

Ngay cả nếu Máccô kết thúc ở đó, điều mà không phải ai cũng tin, ông vẫn thấy ngài tường trình rằng ngôi mộ trống, và một chàng trai trẻ tuyên bố, ‘Người đã sống lại!' và nói với các phụ nữ rằng sẽ có những lần hiện ra. Vì vậy, trước tiên, ông có một công bố rằng việc Phục sinh đã xảy ra, và thứ hai, một tiên báo rằng các lần hiện ra sẽ theo sau.

Ông có thể đóng cuốn tiểu thuyết yêu thích của ông và nói, 'Tôi không thể tin rằng tác giả không nói với tôi tình tiết tiếp theo’. Nhưng bạn không thể đóng cuốn sách và nói, 'Nhà văn không tin vào tình tiết tiếp theo.' Máccô chắc chắn tin. Rõ ràng ngài tin rằng sự Phục sinh đã diễn ra. Ngài kết thúc với những người phụ nữ được cho biết Chúa Giêsu sẽ hiện ra ở Galilê, và sau đó những người khác xác nhận rằng ngài đã tin. "

Theo truyền thống Giáo Hội, Máccô là bạn đồng hành của nhân chứng tận mắt Phêrô. Tôi hỏi, "Há không kỳ lạ hay sao khi Máccô không đề cập chi rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Phêrô, nếu quả thực Người có hiện ra?"

Ông nói, "Máccô không đề cập đến bất cứ lần hiện ra nào, thì đâu có gì lạ khi Phêrô không được liệt kê. Tuy nhiên, ông nên lưu ý rằng Máccô không kể riêng Phêrô. Nhưng Máccô 16: 7 viết, ‘Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông’.

“Điều này nhất trí với 1Cr 15: 5, là câu xác nhận rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Phêrô, còn Lc 24:34, một tín điều khá sớm khác, nói, ‘Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn’, hoặc Phêrô.

“Vì vậy, những gì Máccô tiên đoán về Phêrô được tường trình là đã được ứng nghịm, trong hai tín điều khá sớm và rất đáng tin cậy của Giáo hội-cũng như của chính Phêrô trong Công vụ. "

Có bất cứ lối giải thích nào thay thế không?

Không còn hoài nghi gì nữa, số lượng chứng từ và chứng thực về các lần hiện ra sau Phục sinh của Chúa Giêsu là đáng kinh ngạc. Đặt chúng vào viễn cảnh, nếu bạn phải gọi mỗi người trong số các nhân chứng đến một tòa án của pháp luật để bị đối chất chỉ trong mười lăm phút mỗi người, và bạn đã đi suốt ngày đêm mà không nghỉ, nó sẽ đưa bạn từ bữa sáng thứ Hai cho đến bữa tối thứ Sáu để nghe tất cả các nhân chứng này. Sau khi nghe đủ 129 giờ liên tục các lời khai của nhân chứng tận mắt, ai có thể bỏ đi mà không bị thuyết phục?

Đã từng là một nhà báo về các vấn đề pháp lý, người đã tường trình rất nhiều các phiên xử, cả hình sự lẫn dân sự, tôi phải đồng ý với đánh giá của Ngài Edward Clarke, một thẩm phán Tòa án tối cao Anh từng tiến hành một phân tích pháp lý kỹ lưỡng về ngày lễ Phục sinh đầu tiên: "với tôi, bằng chứng có tính kết luận, và rất nhiều lần tại Tòa án tối cao, tôi đã bảo đảm có được bản án dựa vào bằng chứng không có tính thuyết phục gần như vậy. Là một luật sư, tôi không dè dặt chấp nhận các bằng chứng Tin Mừng như là bằng chứng của những con người trung thực đối với những sự thật mà họ có thể chứng minh." (8)

Tuy nhiên, liệu có thể có chăng bất cứ lối thay thế hợp lý nào có thể giải thích những cuộc gặp gỡ này với Chúa Giêsu phục sinh? Những trình thuật này có thể là huyền thoại trong bản chất không? Hoặc các nhân chứng có thể trải nghiệm ảo giác chăng? Tôi quyết định nêu ra những vấn đề đó với Habermas để có được câu trả lời của ông.

Khả thể 1: Các lần hiện ra chỉ là huyền thoại

Nếu đúng là phúc âm của Máccô nguyên khởi kết thúc trước bất cứ lần hiện ra nào được tường trình, thì có thể lập luận rằng có sự phát triển có tính biến hóa trong các sách Tin mừng: Máccô không ghi chép bất cứ lần hiện ra nào, Mátthêu có một số, Luca có nhiều hơn, và Gioan có nhiều nhất.

Tôi hỏi, "Há điều đó không chứng minh rằng các lần hiện ra chỉ là những huyền thoại phát triển dần theo thời gian?".

Habermas bảo đảm với tôi "Vì rất nhiều lý do, không, nó không chứng minh. Trước nhất, không phải ai cũng tin rằng Máccô là Tin Mừng sớm nhất. Có những học giả, đành là thuộc về thiểu số, tin rằng Mátthêu được viết đầu tiên.

“Thứ hai, ngay cả khi tôi chấp nhận luận điểm của ông là đúng, nó chỉ chứng minh rằng những huyền thoại lớn lên theo thời gian- nó không thể bác bỏ được niềm tin ban đầu rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Một điều gì đó đã xảy ra khiến các tông đồ đã làm cho việc Phục sinh trở thành công bố trung tâm của Giáo Hội tiên khởi. Truyền thuyết không thể giải thích các trình thuật của nhân chứng tận mắt ban đầu. Nói cách khác, truyền thuyết chỉ có thể cho ông biết một câu chuyện trở nên lớn hơn ra sao; nó không thể cho ông biết nó bắt nguồn ra sao khi những người tham gia đều là nhân chứng tận mắt và tường trình các biến cố rất sớm.

“Thứ ba, ông quên rằng kinh tin kính ở 1Cr 15 có trước bất cứ Tin Mừng nào, và nó đưa ra những tuyên bố lớn về các lần hiện ra. Thực thế, tuyên bố liên quan đến số lượng lớn nhất- cho rằng Người đã được nhìn thấy sống động bởi năm trăm người một lúc- đã phát xuất từ nguồn sớm nhất này! Điều này tạo ra nhiều vấn đề cho thuyết phát triển huyền thoại. Các lý do tốt nhất để bác bỏ thuyết truyền thuyết phát xuất từ các trình thuật về tín điều đầu tiên trong 1Cr 15 và Công vụ, cả hai đều có trước các tài liệu Tin Mừng.

“Và thứ tư, còn ngôi mộ trống thì sao? Nếu việc Phục sinh chỉ là một huyền thoại, ngôi mộ sẽ có người nằm. Tuy nhiên, nó trống rỗng vào buổi sáng lễ Phục sinh. Điều đó đòi hỏi một giả thuyết bổ sung."

Khả thể 2: Các lần hiện ra là ảo giác

Có lẽ các nhân chứng đã chân thành khi tin rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu. Có lẽ họ đã ghi lại chính xác những gì đã diễn ra. Nhưng họ có thể đã nhìn thấy một ảo giác thuyết phục họ là họ đã gặp Chúa Giêsu mà thực sự họ không gặp?

Habermas mỉm cười với câu hỏi, ông hỏi, "Ông có biết Gary Collins không?

Câu hỏi đó khiến tôi ngỡ ngàng. Tôi trả lời, chắc chắn, tôi biết ông ta. Tôi nói, "tôi đã ở trong văn phòng của ông ấy gần đây để phỏng vấn ông ấy cho cùng cuốn sách này”.

Habermas hỏi, “Ông có tin rằng ông ấy đủ điều kiện là một nhà tâm lý học không?"

Tôi trả lời một cách thận trọng, vì tôi có thể nói ông ấy đã xác lập một điều gì đó cho tôi, "Có, một bằng tiến sĩ, một giáo sư trong hai mươi năm, tác giả của hàng chục cuốn sách về các vấn đề tâm lý, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý gia Toàn quốc, vâng, chắc chắn, tôi coi ông ấy đủ điều kiện."

Habermas đưa cho tôi một mảnh (giấy) và nói với tôi, "Tôi đã hỏi Gary về khả thể những điều này là ảo giác, và đây là ý kiến chuyên nghiệp của ông ấy". Tôi nhìn vào tài liệu.

“Các ảo giác là các biến cố có tính cá nhân. Bởi chính bản chất của chúng, chỉ có một người có thể nhìn thấy một ảo giác nào đó tại một thời điểm. Chắc chắn chúng không phải là thứ có thể nhìn thấy bởi một nhóm người. Cũng không thể có chuyện một người, cách nào đó, có thể gây ra ảo giác nơi người khác. Vì một ảo giác chỉ hiện hữu trong ý nghĩa cá nhân, chủ quan này, điều hiển nhiên là những người khác không thể chứng kiến nó." (9)

Habermas nói, "Điều đó là một vấn nạn lớn đối với thuyết ảo giác, vì có những trình thuật lặp đi lặp lại về việc Chúa Giêsu hiện ra với nhiều người và những người này đã tường trình cùng những điều như nhau.

Ông nói tiếp, và có một số lập luận khác cho thấy tại sao ảo giác không thể giải thích bằng cách bác bỏ các lần hiện ra của Người, "Các môn đệ sợ hãi, nghi ngờ và tuyệt vọng sau biến cố Đóng đinh, trong khi những người có ảo giác thường có một tâm trí kỳ vọng hoặc dự phóng. Phêrô là người cứng đầu...; Giacôbê là người hoài nghi - chắc chắn không phải là các ứng viên cho ảo giác.

“Ngoài ra, các ảo giác tương đối khá hiếm. Chúng thường gây ra bởi ma túy hoặc thiếu thốn về cơ thể. Rất có thể, ông không biết bất cứ ai từng bị ảo giác không do một trong hai điều đó gây ra. Nhưng chúng ta có giả thiết tin rằng trong vòng nhiều tuần, người đủ mọi loại bối cảnh, đủ mọi loại tính khí, ở nhiều nơi khác nhau, tất cả đều có trải nghiệm ảo giác không? Giả thiết như thế là quá đáng, đúng không?

“Bên cạnh đó, nếu chúng ta xác minh các trình thuật Tin Mừng là đáng tin cậy, thì ông giải thích ra sao việc các môn đệ ăn với Chúa Giêsu và chạm vào Người? Làm thế nào Người đi cùng với hai trong số họ trên đường Emmau? Còn ngôi mộ trống nữa thì sao? Nếu mọi người chỉ nghĩ họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu, thì thi thể Người vẫn phải ở trong mộ của Người chứ."

Tôi nghĩ, được, nếu đó không phải là ảo giác, có lẽ nó là một điều gì tinh tế hơn.

Tôi hỏi, "Đây có thể là một thí dụ cho thấy sự suy nghĩ nhóm, trong đó người ta nói chuyện với nhau đến nhìn thấy một điều không hiện hữu chăng? Như Michael Martin từng nhận định, 'một người đầy lòng nhiệt thành tôn giáo có thể thấy những gì anh ấy hoặc cô ấy muốn nhìn thấy, không phải những gì thực sự có đó." (10)

Habermas cười. "Ồ, ông biết đấy, một trong những người vô thần mà tôi đã tranh luận, Antony Flew, nói với tôi rằng anh ta không thích nó khi những người vô thần khác sử dụng lập luận cuối cùng, bởi vì nó ủng hộ cả hai cách. Như Flew đã nói, 'Kitô hữu tin vì họ muốn, nhưng những người vô thần không tin vì họ không muốn!'

“Thực sự, có một số lý do tại sao các môn đệ không thể nói chuyện với nhau để cùng nhau đi vào điều này. Như tâm điểm đức tin của họ, nên nó là một điều rất hệ trọng; họ sẵn sàng đi đến cái chết để bảo vệ nó. Há không có một ai đó trong số họ, vào một ngày nào sau đó, suy nghĩ lại việc suy nghĩ nhóm và rút lui hay chỉ lặng lẽ biến mất hay sao? Còn Giacôbê, người vốn không tin vào Chúa Giêsu, và Phaolô, người vốn là một kẻ bắt bớ Kitô hữu- Làm thế nào họ đã được nói chuyện để nhìn thấy một điều gì đó? Hơn nữa, còn về ngôi mộ trống thì sao?

“Và trên hết, quan điểm này không tính đến sự ngôn từ thẳng thắn của tầm nhìn trong Kinh Tin kính ở 1Cr 15 và những đoạn văn khác. Các nhân chứng tận mắt ít nhất đã tin rằng họ đã thấy Chúa Giêsu còn sống, trong khi việc suy nghĩ nhóm không giải thích được khía cạnh này tốt lắm."

Habermas dừng lại đủ lâu để rút một cuốn sách và hỗ trợ lập luận của ông bằng một trích dẫn từ nhà thần học và nhà sử học nổi tiếng Carl Braaten: "Ngay cả các nhà sử học hoài nghi hơn cũng đồng ý rằng đối với Kitô giáo nguyên thủy... việc phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết là một sự kiện có thật trong lịch sử, là chính nền tảng của đức tin, chứ không phải là một ý tưởng huyền thoại phát sinh từ trí tưởng tượng sáng tạo của các tín hữu". (11)

Habermas kết luận "Đôi khi, người ta chỉ vơ quàng vơ xiên bất cứ điều gì nhằm cố gắng giải thích các lần hiện ra. Nhưng không có gì phù hợp với tất cả các bằng chứng một cách tốt hơn so với lời giải thích rằng Chúa Giêsu vẫn đang sống."

"Không có nghi ngờ hợp lý"

Chúa Giêsu đã bị giết trên thập giá - Alexander Metherell đã làm điều đó rõ ràng một cách đồ họa. Ngôi mộ của Người trống rỗng vào buổi sáng lễ Phục sinh - Lane Craig không nghi ngờ gì về điều đó. Các môn đệ Người và những người khác đã thấy Người, chạm vào Người, và ăn với Người sau Phục sinh - Habermas đã xây dựng lý lẽ đó với bằng chứng phong phú. Như nhà thần học Anh nổi tiếng, Michael Green, từng nói: "Các lần hiện ra của Chúa Giêsu được chứng thực tốt đẹp như bất cứ điều gì trong thời cổ xưa... không thể có nghi ngờ hợp lý nào là chúng đã diễn ra, và lý do chính tại sao các Kitô hữu trở nên chắc chắn về sự phục sinh trong những ngày đầu tiên chỉ là điều này. Họ có thể nói một cách hoàn toàn chắc chắn, 'Chúng tôi đã thấy Chúa.' Họ biết đó là Người”. (12)

Và tất cả điều trên thậm chí chưa sử dụng hết các chứng cớ. Tôi đã đặt chỗ máy bay cho một chuyến đi đến phía bên kia của đất nước để phỏng vấn thêm một chuyên gia về loại chứng cớ cuối cùng chứng minh rằng sự phục sinh là một sự kiện có thật của lịch sử.

Tuy nhiên, trước khi tôi rời văn phòng của Habermas, tôi có thêm một câu hỏi. Thành thật mà nói, tôi ngần ngại hỏi câu hỏi này, vì nó hơi quá dễ đoán và tôi nghĩ rằng tôi sẽ nhận được một câu trả lời hơi quá nhanh.

Câu hỏi liên quan đến tầm quan trọng của sự phục sinh. Tôi hình dung nếu tôi hỏi Habermas về điều đó, ông sẽ đưa ra câu trả lời tiêu chuẩn rằng nó là trung tâm của tín lý Kitô giáo, chiếc trục mà quanh đó đức tin Kitô giáo xoay vần. Và quả đúng như thế, ông đưa ra một câu trả lời có sẵn như thế. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là ông không chỉ nói có thế. Học giả của những chi tiết cần thiết này, nhà tranh luận vạm vỡ và bắn thẳng này, Người bảo vệ đức tin sẵn sàng chiến đấu này, cho phép tôi nhìn vào Linh hồn của ông khi ông đưa ra câu trả lời phát xuất từ thung lũng sâu nhất của sự tuyệt vọng ông từng đi qua.

Sự phục sinh của Debbie Habermas

Habermas xoa bộ râu màu xám của ông. Nhịp điệu nhanh như lửa và giọng nói của nhà tranh luận nơi ông đã biến mất. Không còn trích dẫn các học giả nữa, không còn trích dẫn Kinh thánh, không còn xây dựng một lý lẽ nữa. Tôi đã hỏi về tầm quan trọng của sự phục sinh và Habermas quyết định chấp nhận rủi ro bằng cách trở lại năm 1995, khi vợ ông, Debbie, từ từ chết vì ung thư dạ dày. Bất ngờ trước cảnh dịu dàng của khoảnh khắc, tôi chỉ còn biết lắng nghe.

Nhìn sang một bên không hẳn vì điều gì, ông bắt đầu, "Tôi đang ngồi trên hiên nhà của chúng tôi". Ông thở dài, rồi nói tiếp "Vợ tôi sắp chết ở trên lầu. Nàng ở nhà suốt, ngoại trừ một vài tuần lễ. Đó là một thời gian khủng khiếp. Đó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra."

Ông quay lại và nhìn thẳng vào tôi." Nhưng ông có biết điều gì tuyệt vời không? Các sinh viên của tôi gọi tôi - không phải chỉ có một mà là một vài người trong số họ - và nói, 'Vào một thời điểm như thế này, há thầy không vui về biến cố Phục sinh hay sao?' Tỉnh táo như những hoàn cảnh đó, tôi đã phải mỉm cười vì hai lý do. Đầu tiên, sinh viên của tôi đang cố gắng cổ vũ tôi bằng chính lời dạy dỗ của tôi. Và thứ hai, nó có hiệu quả.

"Đang ngồi ở đó, tôi hình dung ra Ông Gióp, người đã trải qua tất cả những chuyện khủng khiếp và hỏi nhiều câu hỏi về Thiên Chúa, nhưng sau đó Thiên Chúa đã đổi bên và hỏi ông một vài câu hỏi.

“Tôi biết nếu Thiên Chúa đến với tôi, tôi chỉ hỏi một câu: 'Lạy Chúa, tại sao Debbie lại liệt giường?' Và tôi nghĩ Thiên Chúa sẽ trả lời bằng cách hỏi nhẹ nhàng, 'Này Gary, có phải Ta đã Làm Con Ta trỗi dậy từ cõi chết?'

Tôi muốn nói, 'Thôi đi, lạy Chúa, con đã viết bảy cuốn sách về đề tài đó! Tất nhiên, Người được trỗi dậy từ cõi chết. Nhưng con muốn biết về Debbie!'

"Tôi nghĩ Người sẽ tiếp tục trở lại cùng một câu hỏi như vậy ‘Có phải Ta đã làm cho Con Ta trỗi dậy từ cõi chết không?' 'Có phải Ta đã làm cho Con Ta trỗi dậy từ cõi chết không?' Cho đến khi tôi hiểu được trọng điểm của Người: Sự phục sinh nói rằng nếu Chúa Giêsu đã được trỗi dậy hai ngàn năm trước, thì sẽ có một câu trả lời cho Cái chết của Debbie năm 1995. Và ông có biết gì không? Nó có hiệu quả đối với tôi ngay khi tôi còn ngồi ở hiên nhà, và nó vẫn còn hiệu quả ngày hôm nay.

“Đó là một thời gian hết sức xúc cảm đối với tôi, nhưng tôi không thể tránh được sự kiện này là sự phục sinh là câu trả lời cho nỗi đau khổ của nàng. Tôi vẫn còn lo lắng; tôi vẫn tự hỏi tôi phải làm gì để một mình nuôi nấng bốn đứa con. Nhưng không có lúc nào sự thật đó không an ủi tôi.

Mất vợ là trải nghiệm đau đớn nhất mà tôi từng phải đối diện, nhưng nếu sự phục sinh có thể giúp tôi vượt qua điều đó, nó có thể giúp tôi vượt qua bất cứ điều gì. Nó đã tốt cho năm 30 CN. nó cũng tốt cho năm 1995, nó tốt cho năm 1998, và nó tốt quá thế nữa."

Habermas nhìn tôi chăm chăm, lặng lẽ nói, "Đây không phải là một bài giảng. Tôi tin điều đó bằng trọn trái tim tôi. Nếu có sự Phục sinh, có một thiên đàng. Nếu Chúa Giêsu đã trỗi dậy, thì Debbie cũng sẽ trỗi dậy. Và cả tôi cũng sẽ trỗi dậy một ngày nào đó. Lúc đó, tôi sẽ gặp cả hai."

Các tài liệu đọc thêm

Ankerberg, John and John Weldon. Ready with an Answer [Sẵn sàng với một câu trả lời]. Eugene, Ore: Harvest House, 1997.

Geivett, R. Douglas and Gary R. Habermas, biên tập. In Defense of Miracles [Bảo vệ các Phép lạ]. Downers Grove, Ill.: Intervarsity Press, 1997.

Habermas, Gary and Antony Flew. Did Jesus Rise from the Dead? The Resurrection Debate [Có phải Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết? Cuộc tranh luận phục sinh]. San Francisco: Harper & Row, 1987.

Habermas, Gary and J. P. Moreland. Beyond Death: Exploring the Evidence for Immortality [Bên kia cái chết: Khám phá Bằng chứng cho sự bất tử]. Westchester, Ill.: Crossway, 1998.

Morison, Frank. Who Moved the Stone? [Ai đã di chuyển tảng đá?] Grand Rapids: Zondervan, 1987.

Proctor, William. The Resurrection Report [Tường trình Phục sinh]. Nashville: Broadman & Holman, 1998.

Ghi chú

1. "Bomb Victim's Body Not in Grave," [Thi thể nạn nhân bị bom không ở trong mộ] Chicago Tribune (January 14, 1998).

2. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 87.

3. Gary Habermas and Antony Flew, Did Jesus Rise from the Dead? The Resurrection Debate [Có phải Chúa Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết? Cuộc tranh luận phục sinh] (San Francisco: Harper & Row, 1987), xiv.

4. Đã dẫn, xv.

5. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 90.

6. Craig, The Son Rises [Chúa Con trỗi dậy], 125

7. John Drane, Introducing the New Testament [Dẫn nhập vào Tân Ước] (San Francisco: Harper and Row, 1986), 99.

8. Michael Green, Christ is risen: So what? [Chúa Kitô đã sống lại: vậy thì sao](Kent, England: Sovereign World, 1995), 34.

9. Cũng được trích dẫn trong Gary Habermas and J.P. Morelend, Immortality: The Other Side of Death [Bất tử: phía bên kia sự chết] (Nasville: Nelson, 1992), 60.

10. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 75.

11. Carl Braaten, History and Hermeneutics [Lịch sử và Khoa Giải thích], 2 cuốn của New Directions in Theology Today [Các Hướng đii của Thần học Ngày nay] biên tập William Hordern (Philadelphia: Westminster Press, 1966), 78, trích dẫn trong Habermas and Flew, Did Jesus Rise from the Dead? 24.

12. Michael Green, The Empty Cross of Jesus [Thập giá Trống của Chúa Giêsu] Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1984), 97, trích dẫn trong Ankerberg and Weldon, Knowing the Truth about the Resurrection [Biết sự thật về Phục sinh], 22.