Chương Mười Ba: Bằng chứng những lần hiện ra
Chúa Giêsu có được nhìn thấy vẫn sống sau cái chết của Người trên thập giá không?
Năm 1963, thi thể của Addie Mae Collins mười bốn tuổi, một trong bốn cô gái người Mỹ gốc Phi bị sát hại bi thảm trong một vụ đánh bom nhà thờ khét tiếng của những kẻ phân biệt chủng tộc da trắng, đã được chôn cất ở Birmingham, Alabama. Trong nhiều năm, các thành viên trong gia đình tiếp tục trở lại ngôi mộ để cầu nguyện và dâng hoa. Năm 1998, họ đã đưa ra quyết định quật mồ người quá cố để chôn cất lại tại một nghĩa trang khác.
Tuy nhiên, khi công nhân được gửi đến để đào thi thể, họ trở về với một khám phá gây kinh hoàng: ngôi mộ trống rỗng.
Việc có thể hiểu được là các thành viên trong gia đình đã hết sức đau buồn. Bị cản trở vì duy trì hồ sơ kém cỏi, các viên chức nghĩa trang không làm sao hình dung được những gì đã xảy ra. Một số khả thể đã được nêu ra, mà khả thể chính là bia mộ của cô đã được dựng lên ở địa điểm sai. (1).
Thế nhưng, ở giữa việc xác định những gì đã xảy ra, một giải thích không bao giờ được đề xuất: không ai đề nghị rằng Addie Mae đã được hồi sinh để đi lại trái đất một lần nữa. Tại sao? Bởi vì bản thân ngôi mộ trống không chứng minh được sự phục sinh.
Cuộc trò chuyện của tôi với Tiến sĩ William Lane Craig đã gợi ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy ngôi mộ của Chúa Giêsu đã trống rỗng vào Chúa nhật sau khi Người bị đóng đinh. Trong khi tôi biết rằng điều này là quan trọng và là bằng chứng cần thiết cho sự phục sinh của Người, tôi cũng nhận thức được rằng một cơ thể mất đi tự nó không phải là bằng chứng kết luận được. Cần nhiều sự kiện hơn để xác định việc Chúa Giêsu thực sự đã trở về từ cõi chết.
Đó là những gì đã thúc đẩy chuyến đi bằng máy bay của tôi đến Virginia. Khi chuyến bay của tôi nhẹ nhàng lượn quanh trên những ngọn đồi rừng bên dưới, tôi đã làm một việc đọc vào phút chót cuốn sách của Michael Martin, Giáo sư đại học Boston, người đã tìm cách làm mất uy tín của Kitô giáo. Tôi mỉm cười với lời nói của ông ấy: "Có lẽ việc bảo vệ Phục sinh tinh vi nhất cho đế nay đã được Gary Habermas đưa ra." (2)
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Tôi sẽ hạ cánh với đủ thời gian để thuê một chiếc xe hơi, lái đến Lynchburg và thực hiện cuộc hẹn kéo dài hai tiếng đồng hồ với chính Habermas.
Cuộc phỏng vấn thứ mười hai: Gary Habermas, Ph.D, D.D.
Hai bức ảnh có chữ ký của những người chơi khúc côn cầu, mình mặc áo trận, treo trên các bức tường của văn phòng mộc mạc của Habermas. Một bức chụp Bobby Hull bất tử của Chicago Blackhawks; bức kia chụp Dave "The Hammer" Schultz, tiền đạo ầm ĩ, mạnh và dẻo dai của đội Philadelphia Flyers.
"Hull là cầu thủ khúc côn cầu yêu thích của tôi," Habermas giải thích. "Schultz là máy bay chiến đấu yêu thích của tôi." Ông cười toe toét, sau đó nói thêm,"có một sự khác biệt."
Habermas, để râu, nói thẳng, thô kệch-nhưng cũng là một người chiến đấu, một con chó pit bull học thuật trông giống một nhân viên an ninh hộp đêm hơn một trí thức tháp ngà. Được trang bị với các lập luận sắc như dao cạo và bằng chứng lịch sử để nâng đỡ chúng, ông không sợ phản ứng một cách mạnh mẽ.
Antony Flew, một trong những nhà triết học vô thần hàng đầu trên thế giới, phát hiện ra điều đó khi ông vướng phải Habermas trong một cuộc tranh luận chuyên ngành về chủ đề "Chúa Giêsu có trỗi dậy từ cõi chết không?" Các kết quả nhất định có tính một chiều. Trong số năm nhà triết học độc lập từ các trường cao đẳng và đại học khác nhau, đóng vai trò phân xử nội dung của cuộc tranh luận, bốn người kết luận rằng Habermas đã giành chiến thắng. Một người cho cuộc thi là hòa. Không ai bỏ phiếu cho Flew. Một người phân xử nhận xét, "Tôi đã rất ngạc nhiên (sốc có thể là một chữ chính xác hơn) khi thấy cách tiếp cận của chính Flew yếu như thế nào.... Tôi đã bị bỏ lại với kết luận này: Vì trường hợp chống lại sự phục sinh không mạnh hơn so với trình bày của Antony Flew, tôi nghĩ đã đến lúc mình bắt đầu coi trọng sự phục sinh một cách nghiêm túc. " (3)
Một trong năm người chuyên nghiệp khác phân xử cuộc tranh luận của các tham dự viên (một lần nữa Habermas là người chiến thắng) cảm thấy buộc phải viết, "Tôi kết luận rằng lịch sử bằng chứng, mặc dù thiếu sót, đủ mạnh để dẫn dắt các tâm trí hữu lý kết luận rằng Chúa Kitô thực sự đã trỗi dậy từ cõi chết.... Habermas cuối cùng đã cung cấp 'bằng chứng có khả năng cao' cho tính lịch sử của sự phục sinh 'không có bằng chứng duy tự nhiên có giá trị nào chống lại nó. Do đó, theo ý kiến tôi, Habermas đã chiến thắng cuộc tranh luận."
Sau khi kiếm được bằng tiến sĩ từ Đại học bang Michigan, nơi ông viết luận án về Phục sinh, Habermas đã nhận bằng Tiến sĩ về Thần học từ Đại học Emmanuel ở Oxford, Anh. Ông là tác giả của bảy cuốn bàn về Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, bao gồm cả The Resurrection of Jesus: A Rational Enquiry [Sự phục sinh của Chúa Giêsu: Một cuộc điều tra hợp lý], The Resurrection of Jesus: An Apologetic[sự phục sinh của Chúa Giêsu: Một Hộ giáo]; The Historical Jesus [Chúa Giêsu lịch sử]; và Did Jesus Rise from the Dead? [Chúa Giêsu có trỗi dậy từ cõi chết không]; The Resurrection Debate [Cuộc tranh luận phục sinh], dựa trên cuộc tranh luận với Flew. Trong số những cuốn sách khác của ông có Dealing with Doubt (đối phó với sự nghi ngờ) và (với J. P. Moreland): Beyond Death: Exploring the Evidence for Immortality [Bên kia Sự chết: Khám phá bằng chứng của sự bất tử].
Ngoài ra, ông đã đồng biên tập cuốn In Defense of Miracles [Bảo vệ các Phép lạ] và đóng góp cho cuốn Jesus under Fire and Living Your Faith: Closing the Gap between Mind and Heart [Chúa Giêsu bị tấn công và sống đức tin của bạn: Thu hẹp khoảng cách giữa Trí và Tâm]. Một trăm bài báo của ông đã xuất hiện trong các ấn phẩm bình dân (như the Saturday Evening Post), các tạp chí học thuật (bao gồm Faith and Philosophy và Religious Studies), và các sách tham khảo (ví dụ: The Baker Dictionary of Theology). Ông cũng là cựu chủ tịch của Hội Triết học Thệ phản.
Tôi không muốn gợi ý, theo mô tả trước đây của tôi, rằng Habermas là người có tinh thần tranh đấu không cần thiết; ông thân thiện và hạ mình trong các cuộc trò chuyện thông thường. Tôi chỉ không muốn ở phía bên kia của trận khúc côn cầu bên nước đá-tức một cuộc tranh luận-với Ông. Bẩm sinh, ông có một radar giúp ông nhắm thẳng vào những điểm dễ bị tổn thương của đối phương. Ông cũng có một mặt dịu dàng, mà tôi sẽ khám phá, một cách bất ngờ, trước khi cuộc phỏng vấn của chúng tôi kết thúc.
Tôi tìm thấy Habermas trong văn phòng đầy ý nghĩa của ông tại Đại học Liberty, nơi ông hiện đang là giáo sư nổi tiếng và chủ tịch của Phân khoa Triết học và Thần học và Giám đốc của Chương trình thạc sĩ về hộ giáo. Với các tủ hồ sơ mầu đen, bàn giấy kim loại với mặt bàn bằng gỗ giả, thảm mòn sơ cả chỉ, và những chiếc ghế gấp dành cho khách, chắc chắn không phải là nơi trưng bày. Giống như người sở hữu, nó không có chi là khoe khoang cả.
"Người chết không làm điều đó"
Habermas, ngồi sau bàn làm việc, xắn tay áo sơ mi màu xanh lên, khi tôi bật máy ghi âm và bắt đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi.
Tôi bắt đầu với sự thẳng thừng của công tố viên "Há không đúng sao việc hoàn toàn không có nhân chứng nào mục kích việc phục sinh của Chúa Giêsu?"
"Đúng như thế-không có trình thuật nào mô tả việc Phục sinh," Habermas trả lời như thế, trong một sự thừa nhận có thể làm ngạc nhiên những ai chỉ có kiến thức qua loa về chủ đề này.
"Khi tôi còn trẻ, tôi đã đọc một cuốn sách của C. S. Lewis, người từng viết rằng Tân Ước không nói gì về sự phục sinh. Tôi đã viết một chữ 'không!’ thực sự lớn' ở bên lề. Sau đó, tôi nhận ra điều ông ấy muốn nói: không ai ngồi bên trong ngôi mộ và nhìn thấy thi hài bắt đầu rung, đứng lên, tháo vải lanh ra, gấp nó lại, lăn viên đá ra một bên, gây ấn tượng mạnh mẽ cho những lính canh và bỏ đi”.
Đối với tôi, điều đó dường như rất có thể đặt ra một số vấn đề. Tôi hỏi, “Há điều này không làm tổn thương các nỗ lực của ông để xác định rằng việc phục sinh là một Sự kiện lịch sử hay sao?".
Habermas đẩy lùi chiếc ghế của mình để thoải mái hơn. "Không, điều này không làm tổn thương lý lẽ của chúng tôi một tí teo nào cả, bởi vì trọn khoa học là về các nguyên nhân và hiệu quả. Chúng ta không thấy khủng long; Chúng ta nghiên cứu hóa thạch.Chúng ta có thể không biết bệnh bắt nguồn ra sao, nhưng chúng ta nghiên cứu triệu chứng. Có thể không ai chứng kiến một tội ác, nhưng cảnh sát ghép nối các bằng chứng sau sự kiện với nhau”.
Ông nói tiếp, “Vì vậy, đây là cách tôi nhìn vào bằng chứng chứng minh việc Phục sinh: Đầu tiên, Chúa Giêsu có chết trên thập giá không? Và thứ hai, Người có hiện ra sau đó với người ta không? Nếu ông có thể thiết lập hai điều đó, ông đã tạo được lý lẽ của ông, vì những người chết thường không làm điều đó."
Các nhà sử học đồng ý việc có rất nhiều bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh, và Tiến sĩ Alexander Metherell đã chứng minh trong một chương trước đó rằng Chúa Giêsu không thể sống sót các khắc nghiệt của việc xử tử đó. Điều còn lại là phần thứ hai của vấn đề: Chúa Giêsu có thực sự hiện ra sau đó không?
Tôi hỏi, "Có bằng chứng nào cho thấy người ta nhìn thấy Người không?".
Mở cuốn Kinh thánh trước mặt ông ra, ông nói, "Tôi sẽ bắt đầu với bằng chứng cho thấy hầu như tất cả các học giả có óc phê phán đều thừa nhận, không ai hoài nghi Thánh Phaolô đã viết thư 1 Côrintô và chúng ta thấy ngài khẳng định ở hai nơi rằng ngài đích thân gặp Chúa Kitô Phục sinh. Ngài nói trong 1Cr 9: 1, 'Há tôi không phải là một Tông đồ hay sao? Há tôi đã không nhìn thấy Chúa Giêsu Chúa của chúng ta hay sao?' Và ngài nói trong 1Cr 15: 8, 'Cuối cùng Người cũng hiện ra với tôi.' "
Tôi nhận ra rằng trích dẫn cuối cùng được gán cho Kinh tin kính của Giáo hội tiên khởi mà Craig Blomberg và tôi đã thảo luận. Như William Lane Craig chỉ ra, phần đầu tiên của Kinh tin kính này (các câu 3-4) đề cập đến việc xử tử, chôn cất và phục sinh của Chúa Giêsu.
Phần cuối cùng của Kinh tin kính (câu 5-8) nói đến các lần Người hiện ra sau Phục sinh: "[Chúa Kitô] hiện ra với Phêrô, và sau đó với nhóm Mười hai. Sau đó, Người hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc, hầu hết trong số họ vẫn đang sống, mặc dù một số đã an giấc. Sau đó, Người hiện ra với Giacôbê, sau đó với tất cả các tông đồ."Trong câu tiếp theo, Thánh Phaolô nói thêm,"và cuối cùng Người cũng hiện ra với tôi, như với một người được sinh ra bất thường. "
Trên bề mặt, đây là lời chứng có ảnh hưởng một cách khó tin rằng Chúa Giêsu đã hiện ra sống động sau cái chết của Người. Đây là tên của các cá nhân và nhóm người chuyên biệt đã nhìn thấy Người, được viết tại thời điểm người ta vẫn còn có thể kiểm tra những người này nếu họ muốn có sự xác nhận. Vì tôi biết rằng kinh tin kính sẽ là mấu chốt trong việc thiết lập sự phục sinh, tôi quyết định đặt nó dưới sự xem xét kỹ lưỡng hơn: Tại sao các nhà sử học lại được thuyết phục đây là một kinh tin kính? Nó đáng tin cậy ra sao? Nó đã có từ lúc nào?
Tôi hỏi Habermas "Ông có phiền không nếu tôi đối chất ông về kinh tin kính này? ".
Ông giơ tay ra như muốn mời tôi nói. Ông nói một cách lịch sự "Làm ơn, ông cứ việc đối chất".
"Hãy thuyết phục tôi đó là một kinh tin kính"
Thoạt đầu tôi muốn xác định lý do tại sao Habermas, Craig, Blomberg, và những người khác được thuyết phục rằng đoạn văn này là một kinh tin kính của Giáo Hội tiên khởi chứ không phải chỉ là những lời của Thánh Phaolô, người đã viết bức thư cho Giáo Hội Corintô nơi chứa đựng kinh này.
Thách thức của tôi với Habermas rất đơn giản và trực tiếp: "Ông hãy thuyết phục tôi đó là một kinh tin kính."
"Vâng, tôi có thể nói với ông một số lý do vững chắc. Thứ nhất, Thánh Phaolô giới thiệu nó bằng các hạn từ đã nhận được và chuyển tiếp, đó là những thuật ngữ giáo sĩ quen dùng cho thấy ngài chuyển giao một truyền thống thánh.
Nhìn xuống bàn tay trong khi lần lượt nắm lấy một ngón tay để nhấn mạnh từng điểm ông đưa ra, Habermas nói, “Thứ hai, lối song đối của bản văn và nội dung đúng điệu cho thấy đó là một kinh tin kính. Thứ ba, bản văn gốc sử dụng Cephas thay cho Phêrô, đó là tên tiếng Aram của ngài. Trên thực tế, chính tiếng Aram có thể chỉ ra một nguồn gốc rất sớm. Thứ tư, Kinh tin kính sử dụng một số cụm từ nguyên thủy khác mà Thánh Phaolô sẽ không sử dụng thông thường, như 'Nhóm Mười hai’, ‘Ngày thứ ba Người trỗi dậy,' và những cụm từ khác. Thứ năm, việc sử dụng một số cụm từ tương tự như lối thuật truyện tiếng Aram và Do Thái Mishna."
Khi dùng hết các ngón tay, ông ngước mắt nhìn tôi, hỏi, "Tôi có nên tiếp tục không?"
Tôi trả lời, "Vâng, vâng. Ông đang nói rằng những sự kiện này thuyết phục ông, trong tư cách một Kitô hữu Thệ phảnbảo thủ, rằng đây là một kinh tin kính."
Habermas có vẻ hơi bị xúc phạm bởi nhận xét rõ ràng là gai góc đó. Ông nhấn mạnh một cách bất bình, "không phải chỉ có các Kitô hữu bảo thủ mới tin chắc như thế. Đây là một đánh giá được chia sẻ rộng rãi bởi một loạt các học giả từ khắp phổ thần học. Học giả nổi tiếng Joachim Jeremias nhắc đến kinh tin kính này như 'truyền thống sớm nhất hơn cả' và Ulrich Wilckens nói rằng nó chắc chắn đã có từ giai đoạn sớm hơn cả trong lịch sử Kitô giáo nguyên thủy.'"
Điều trên nêu ra câu hỏi kinh tin kính này nguyên thủy ra sao. Tôi hỏi, "Ông có thể định niên biểu cho nó, trở lại bao xa?".
"Chúng ta biết rằng Thánh Phaolô đã viết thư 1 Côrintô trong khoảng thời gian từ năm 55 đến năm 57 CN. Trong 1Cr 15: 1-4, ngài chỉ ra rằng ngài đã truyền lại Kinh tin kính này cho Giáo Hội tại Côrintô, điều đó có nghĩa là nó phải có trước chuyến thăm của ngài ở đó vào năm 51 CN. Vì vậy, tín điều này đã được sử dụng trong vòng hai mươi năm sau biến cố Phục sinh, nghĩa là khá sớm.
“Tuy nhiên, tôi đồng ý với các học giả khác nhau từng đặt niên biểu cho nó trở lại sớm hơn nữa, trong vòng hai đến tám năm sau biến cố Phục sinh, hoặc từ khoảng năm 32 đến năm 38 CN, khi Thánh Phaolô nhận được nó tại Đamát hoặc tại Giêrusalem. Như thế, đây là tài liệu vô cùng nguyên thủy, chứng từ chưa bị thêm thắt chứng minh sự kiện này: Chúa Giêsu đã hiện ra sống động với những người hoài nghi như Phaolô và Giacôbê, cũng như Phêrô và các môn đệ khác."
Tôi phản đối, “Nhưng, đó không thực sự là một trình thuật trực tiếp. Thánh Phaolô cung cấp danh sách thứ cấp hoặc tam cấp. Há điều này không giảm thiểu giá trị của nó như bằng chứng hay sao?"
Không phải thế đối với Habermas. "Hãy nhớ, bản thân Thánh Phaolô khẳng định rằng Chúa Giêsu cũng hiện ra với ngài, vì vậy điều này cung cấp chứng từ trực tiếp. Và Thánh Phaolô đã không lấy danh sách này từ những người lạ trên đường phố. Quan điểm hàng đầu là ngài đã nhận được nó trực tiếp từ các nhân chứng Phêrô và Giacôbê, và ngài đã rất công phu trong việc xác nhận tính chính xác của nó”.
Đó là một tuyên bố mạnh mẽ. Tôi hỏi, “Làm thế nào ông biết điều đó?".
"Tôi sẽ đồng tình với các học giả tin rằng Thánh Phaolô đã nhận được tài liệu này ba năm sau khi ngài trở lại, khi ngài thực hiện chuyến đi Giêrusalem và gặp hai thánh Phêrô và Giacôbê. Thánh Phaolô mô tả chuyến đi đó trong thư Galát 1:18-19, trong đó ngài sử dụng một chữ Hy Lạp rất đáng lưu ý Historeo [điều tra]."
Tôi không quen thuộc với ý nghĩa của chữ này. "Tại sao chữ này quan trọng?”
"Bởi vì chữ này chỉ rõ rằng ngài không chỉ tình cờ nói chuyện vu vơ khi ngài gặp họ. Mà đây là một cuộc điều tra tìm hiểu. Thánh Phaolô đã đóng vai trò của một khảo sát viên, một người cẩn thận điều tra vụ việc. Nên, sự kiện Thánh Phaolô xác nhận vấn đề với hai nhân chứng mục kích, những người được đề cập chuyên biệt trong kinh tin kính-Phêrô và Giacôbê-đem lại sức nặng thêm này. Một trong số rất ít học giả Tân Ước Do Thái, Pinchas Lapide, nói rằng các bằng chứng nâng đỡ Kinh tin kính mạnh đến mức nó 'có thể được coi là một tuyên bố của nhân chứng tận mắt. "
Trước khi tôi có thể nói chen vào, Habermas đã nói thêm, "Và sau đó, trong 1Cr 15:11, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các tông đồ khác cũng đồng ý thuyết giảng cùng một Tin Mừng, cùng một thông điệp này về Phục sinh. Việc này có nghĩa là điều nhân chứng tận mắt Phaolô nói cũng y hệt như những gì các nhân chứng tận mắt Phêrô và Giacôbê nói."
Tôi sẽ thừa nhận nó: tất cả điều này nghe có vẻ khá thuyết phục. Tuy nhiên, tôi có một số dè dặt về kinh tin kính, và tôi không muốn các khẳng định tự tin của Habermas ngăn cản tôi thăm dò hơn nữa.
Mầu nhiệm năm trăm người
Kinh tin kính trong 1Cr 15 là nơi duy nhất trong văn học cổ thời nơi người ta tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với năm trăm người cùng một lúc. Các Tin mừng không chứng thực điều này. Không nhà sử học thế tục nào đề cập đến nó. Và với tôi, điều đó tăng thêm dấu hiệu cảnh báo.
Tôi hỏi Habermas, "Nếu điều này thực sự xảy ra, tại sao không ai khác nói về nó? Ông dám nghĩ rằng các tông đồ sẽ trích dẫn điều này như bằng chứng bất cứ nơi nào họ tới. Như nhà vô thần Michael Martin nói, 'Người ta phải kết luận rằng hoàn toàn không có xác suất nào là biến cố này thực sự xảy ra' và do đó, điều này 'gián tiếp làm người ta hoài nghi Thánh Phaolô như một nguồn đáng tin cậy. '" (5)
Nhận xét đó làm phiền Habermas. "Thưa, hoàn toàn chỉ là ngu đần khi cho rằng điều này gây hoài nghi đối với Thánh Phaolô," ông trả lời như thế, giọng nghe có vẻ vừa ngạc nhiên vừa khó chịu khi ai đó dám đưa ra một nhận định như thế.
"Ý tôi là, hãy tha cho tôi đi! Đầu tiên, mặc dù nó chỉ được tường trình trong một nguồn, nhưng nó hiện ra sớm nhất và được chứng thực tốt hơn cả! Điều đó đáng kể chứ.
Thứ hai, Thánh Phaolô rõ ràng có một sự gần gũi với những người này. Ngài nói, 'Hầu hết những người này vẫn còn sống, mặc dù một số người đã an giấc.' Thánh Phaolô hoặc biết một số người này hoặc được một ai đó biết họ nói cho hay họ vẫn đang quanh quẩn đâu đó và sẵn sàng được phỏng vấn.
“Bây giờ, hãy dừng lại và nghĩ về nó: ông sẽ không bao giờ bao gồm cụm từ này trừ khi ông hoàn toàn tự tin rằng những người này sẽ xác nhận rằng những người này thực sự đã thấy Chúa Giêsu còn sống. Ý tôi là, Thánh Phaolô hầu như đã mời người ta tự kiểm tra nó cho chính họ! Ngài sẽ không nói điều này nếu ngài không biết họ sẽ ủng hộ ngài.
“Thứ ba, khi ông chỉ có một nguồn, ông có thể hỏi, 'Tại sao không có nhiều hơn thế?' Nhưng ông không thể nói, 'Nguồn này vô giá trị trên cơ cở không có ai khác đã tiếp nhận nó.' Ông không thể hạ cấp một nguồn này theo cách đó. Vì vậy, điều này không gây bất cứ nghi ngờ cho Thánh Phaolô - tin tôi đi, Martin rất thích làm điều đó, nhưng ông ta không thể làm điều đó một cách hợp pháp.
“Đây là một thí dụ về việc một số nhà phê bình muốn nó cả hai cách ra sao. Nói chung, họ chê bai các trình thuật phục sinh của Tin Mừng nghiêng về Thánh Phaolô, vì ngài được coi là thẩm quyền chính. Nhưng về vấn đề này, họ nghi ngờ Thánh Phaolô vì trước hết họ không tin tưởng nhiều ở các bản văn! Điều này nói gì về phương pháp của họ?"
Tôi vẫn gặp khó khăn trong việc hình dung sự hiện ra này của Chúa Giêsu với một đám đông lớn như vậy. Tôi hỏi, "Cuộc gặp gỡ này với năm trăm người đã xẩy ra ở đâu?".
Habermas suy đoán, "thì ở vùng nông thôn Galilê. Nếu Chúa Giêsu có thể nuôi ăn năm nghìn người, Người có thể giảng cho năm trăm người. Và Mátthêu nói rằng Chúa Giêsu đã hiện ra trên một sườn đồi; có lẽ hơn mười một môn đệ đã ở đó."
Hình dung cảnh đó trong tâm trí tôi, tôi vẫn không thể không tự hỏi tại sao không có ai khác tường trình về sự kiện này. "Há lại không có xác suất nào là nhà sử học Josephus đã đề cập đến một điều có tầm cỡ lớn lao như thế này hay sao?"
"Không, tôi không nghĩ điều đó nhất thiết là sự thật. Josephus viết sáu mươi năm sau. Những câu chuyện địa phương lưu hành bao lâu trước khi chúng bắt đầu mất đi?" Habermas hỏi như thế. "Như thế, Josephus một là không biết về nó, điều này khả hữu, hai là ông ta quyết định không đề cập đến nó, điều này có ý nghĩa bởi vì chúng ta biết Josephus không phải là môn đệ của Chúa Giêsu. Ông không thể mong đợi Josephus bắt đầu xây dựng lý lẽ bênh vực Người."
Khi tôi không trả lời, Habermas nói tiếp, "Ông xem, tôi rất muốn có năm nguồn cho điều này. Nhưng tôi không có. Tuy nhiên, tôi có một nguồn tuyệt vời - một kinh tin kính tốt đến mức nhà sử học người Đức Hans von Campenhausen nói, ‘trình thuật này đáp ứng tất cả các đòi hỏi về độ tin cậy lịch sử có thể có từ một bản văn như vậy.' Ngoài ra, ông không cần dựa vào việc nhắc đến năm trăm người để xây dựng lý lẽ cho việc sống lại. Thông thường thậm chí tôi không sử dụng nó."
Câu trả lời của Habermas mang theo một số luận lý. Tuy nhiên, có một khía cạnh của kinh tin kính đè nặng lên tôi: nó nói rằng Chúa Giêsu đã hiện ra đầu tiên với Thánh Phêrô, trong khi Thánh Gioan nói rằng Người hiện ra đầu tiên với Maria Mađalêna.
Thực thế, kinh tin kính này không đề cập đến bất cứ phụ nữ nào, cho dù họ được nhắc đến một cách nổi bật trong các trình thuật Tin Mừng.
Tôi hỏi, "Há những mâu thuẫn này không làm làm tổn thương uy tín của nó sao?".
Ông trả lời, "à, không. Trước hết, hãy nhìn kỹ vào kinh tin kính: Nó không nói Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với Phêrô. Nó chỉ đặt tên của Phêrô lên đầu danh sách. Và vì phụ nữ không được coi có năng quyền làm nhân chứng trong nền văn hóa Do Thái thế kỷ thứ nhất, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không được đề cập ở đây. Trong sự sắp xếp sự việc trong thế kỷ thứ nhất, chứng từ của họ sẽ không mang theo bất cứ sắc nặng nào. Vì vậy, việc đặt Phêrô đầu tiên có thể cho thấy ưu tiên hợp luận lý hơn là ưu tiên thời gian".
Ông kết luận “Lại nữa, độ khả tín của kinh tin kính vẫn còn nguyên vẹn. Ông đã nêu ra một số câu hỏi, nhưng há ông lại không thừa nhận rằng chúng không làm suy yếu bằng chứng đầy thuyết phục rằng kinh tin kính có từ sớm, nó không bị ô nhiễm bởi huyền thoại, nó không hàm hồ nhưng chuyên biệt, và cuối cùng nó bắt nguồn từ các trình thuật của các nhân chứng tận mắt hay sao?"
Nói chung, tôi buộc phải đồng ý rằng ông đúng. Một cách rõ ràng và đầy thuyết phục, sức nặng của các bằng chứng hỗ trợ kinh tin kính như bằng chứng mạnh mẽ cho sự hiện ra sau phục sinh của Chúa Giêsu.
Mạnh mẽ đến mức William Lane Craig, chuyên gia phục sinh tôi đã phỏng vấn trong chương trước, nói rằng Wolfhart Parmenberg, có lẽ là nhà thần học có hệ thống vĩ đại nhất hiện còn sống trong thế giới, "đã làm rung chuyển nền thần học hoài nghi hiện đại của Đức, bằng việc xây dựng toàn bộ thần học của mình một cách chính xác dựa trên bằng chứng lịch sử của việc phục sinh của Chúa Giêsu như được cung cấp trong danh sách các lần hiện ra của Thánh Phaolô”. (6)
Sau khi đã tự thỏa mãn với độ đáng tin cậy thiết yếu của kinh tin kính ở 1Cr 15, đã đến lúc bắt đầu nhìn vào bốn sách Tin mừng, vốn thuật lại những lần hiện ra khác nhau của Chúa Giêsu phục sinh một cách chi tiết hơn.
Còn 1 kỳ