“Một dị đoan hết sức tai hại”
Yamauchi vừa nhắc tới sử gia La Mã quan trọng nhất của thế kỷ thứ nhất, nên tôi muốn thảo luận việc Tacitus đã nói gì về Chúa Giêsu và Kitô giáo. Tôi hỏi, “Ông có thể nói rõ điều ông ta chứng thực?”
Yamauchi gật đầu, nói, “Tacitus ghi chép điều có lẽ là tham chiếu quan trọng nhất về Chúa Giêsu bên ngoài Tân Ước. Năm 115 CN, ông minh nhiên quả quyết rằng Nêrông bách hại các Kitô hữu như các con dê tế thần để chĩa sự hoài nghi khỏi ông về vụ đại hỏa hoạn đã phá hủy Rôma năm 64 CN”.
Yamauchi đứng dậy và bước tới giá sách, lục tìm một cuốn sách. “À đây rồi” ông nói thế, tay rút cuốn sách dầy và lần giở cho đến lúc tìm được đoạn văn thích đáng, và đọc cho tôi nghe:
“Nêrông gán tội và giáng những hành hạ thấm thía lên một lớp người bị ghét bỏ vì những chuyện ghê tởm của họ, được công chúng gọi là các Kitô hữu. Christus, mà từ ông này tên họ đã được đặt, từng chịu hình phạt cực độ dưới triều Tiberius do tay của một trong các tổng trấn của chúng ta, Phôngxiô Philatô, và là một dị đoan hết sức tai hại, bị kiểm soát một thời gian, nhưng một lần nữa đã xuất hiện không những ở Giuđêa, nguồn đầu tiên của cái ác, mà còn cả ở Rome nữa... Thành thử, một cuộc bắt giữ đã được thực hiện đối với tất cả những ai thú nhận tội lỗi: rồi, căn cứ vào thông tin của họ, một số đông vô kể đã bị kết án, không hẳn vì tội đốt kinh thành, cho bằng vì lòng thù ghét nhân loại” (7).
Tôi đã quen thuộc với đoạn văn trên và tôi thắc mắc Yamauchi sẽ phản ứng ra sao đối với nhận định của một học giả hàng đầu tên J.N.D. Anderson. Tôi nói, “Ông ta suy đoán rằng khi Tacitus nói ‘dị đoan hết sức tai hại’ này đã ‘bị kiểm soát một thời gian’, nhưng sau đó ‘đã tái xuất hiện’, ông ta đã, một cách vô thức, làm chứng cho niềm tin của các Kitô hữu tiên khởi rằng Chúa Giêsu đã bị đóng đinh nhưng sau đó đã trỗi dậy khỏi mồ. Ông có đồng ý với ông ta không?”
Yamauchi suy nghĩ một lúc. “Đó chắc chắn là lối giải thích của một số học giả” ông trả lời như thế, xem ra muốn tránh né lời yêu cầu cho ý kiến của tôi. Nhưng rồi, ông đưa ra điểm mấu chốt, “bất chấp đoạn văn trên có nghĩa chuyên biệt như thế hay không, nó vẫn cung cấp cho chúng ta một sự kiện rất đáng lưu ý, đó là, việc đóng đinh là một số phận gớm ghiếc một ai đó phải chịu, và sự kiện có cả một phong trào dựa trên con người chịu đóng đinh này cần được giải thích.
“Làm thế nào ông có thể giải thích được việc truyền bá một tôn giáo dựa trên việc thờ phượng một con người phải chịu một cái chết hết sức nhục nhã như thế? Dĩ nhiên, câu trả lời của Kitô giáo là Người đã sống lại. Những người khác đi đến các lý thuyết thay thế nếu họ không tin như vậy. Nhưng theo tôi, không quan điểm thay thế nào có tính thuyết phục cho lắm”.
Tôi yêu cầu ông định phẩm tầm quan trọng của các trước tác của Tacitus liên quan tới Chúa Giêsu.
Ông nói, “Đây là một chứng từ của một nhân chứng tận mắt không có thiện cảm đối với sự thành công và loan truyền của Kitô giáo, dựa trên một nhân vật lịch sử là Chúa Giêsu, Đấng đã bị đòng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô. Và điều có ý nghĩa là Tacitus tường trình rằng ‘đám đông vô kể’ đã mạnh mẽ duy trì niềm tin của họ đến nỗi thà chịu chết chứ không từ bỏ niềm tin ấy”.
Tụng “như thể với một vị thần”
Tôi biết một người La Mã khác, tên là Pliny Hậu, cũng đã nhắc đến Kitô giáo trong các trước tác của mình. Tôi hỏi, “Ông ta cũng chứng thực một số vấn đề quan trọng, phải không?”
“Đúng vậy. Ông ta là cháu của Pliny Tiền, nhà bách khoa nổi tiếng, qua đời trong trận núi lửa phun năm 79 CN. Pliny Hậu trở thành thống đốc Bithynia ở đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đa số thư từ của ông với bạn ông là Hoàng đế Trajan, đã được lưu giữ cho tới ngày nay”.
Yamauchi rút bản sao chụp một trang của cuốn sách và nói, “trong cuốn 10 của các lá thư này, ông đặc biệt nhắc đến các Kitô hữu bị ông bắt giam”.
“Tôi hỏi họ xem họ có phải là các Kitô hữu hay không, và nếu họ nói có, tôi lặp lại câu hỏi lần thứ hai và lần thứ ba, với lời cảnh cáo một hình phạt đang chờ họ. Nếu họ cố chấp, tôi sẽ truyền lệnh đem họ đi hành quyết; vì, bất chấp bản chất lời thừa nhận của họ, tôi xác tín rằng sự ương ngạnh của họ và sự cố chấp trước sau như một của họ không thể nào không bị trừng phạt...
“Họ cũng tuyên bố rằng tổng số tội lỗi hay sai lầm của họ chỉ là thế này: họ thường xuyên gặp nhau trước hừng đông vào một ngày nhất định để tụng những câu thay phiên nhau giữa họ với nhau để tôn vinh Đấng Kitô như thể đối với một vị thần, và cũng liên kết với nhau bằng lời thề, không phải cho một mục đích tội phạm nào, mà để xa lánh ăn cắp, cướp bóc và ngoại tình...
Điều trên khiến tôi quyết định càng cần phải rút ra được sự thật bằng các tra tấn hai phụ nữ nô lệ, những người được họ gọi là nữ phó tế. Tôi không thấy gì ngoài một thứ tín phái thoái hóa được thi hành một cách dài dòng quá đáng” (8).
Tôi hỏi, “đoạn trích này quan trọng ra sao?”
“Rất quan trọng. Có lẽ nó được viết vào khoảng năm 111 CN, và nó chứng thực việc phát triển nhanh chóng của Kitô giáo, cả nơi thành thị cũng như các khu vực nông thôn, giữa mọi giai cấp, phụ nữ nô lệ cũng như công dân La Mã, vì ông cũng cho hay chuyển các Kitô hữu người La Mã tới Rôma để bị xét xử.
“Và nó nói đến việc thờ lạy Chúa Giêsu như một vị thần, người Kitô hữu duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao, và họ không dễ dàng bị chao đảo trong các niềm tin của họ được".
Ngày thế giới trở nên tối tăm
Đối với tôi, một trong các tham chiếu có vấn đề nhất trong Tân Ước là chỗ các tác giả Tin Mừng cho rằng trái đất đã trở nên tối tăm trong lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Há đây chẳng phải là một loại ẩn dụ để nhấn mạnh ý nghĩa của việc Đóng đinh, chứ không hẳn tường thuật một biến cố lịch sử hay sao? Dù sao, nếu tối tăm bao phủ cả trái đất, thì há lại không có một nguồn nào ngoài Kinh thánh nhắc đến hay sao?
Tuy nhiên, Tiến sĩ Gary Habermas đã viết về một sử gia tên Thallus là người, năm 52 CN, đã viết một lịch sử về thế giới đông Địa Trung Hải từ chiến tranh Troy. Mặc dù công trình của Thallus đã bị thất lạc, nó đã được trích dẫn bởi Julius Africanus vào khoảng năm 221 CN, và đoạn trích này có nhắc đến sự tối tăm mà các sách Tin Mừng đã viết về!” (9).
Tôi hỏi, “Điều ấy có phải là một chứng thực độc lập cho điều các sách Tin Mừng viết hay không?”
Yamauchi giải thích, “Trong đoạn văn này, Julius Africanus viết, ‘Thallus, trong cuốn ba sách lịch sử của ông, bác bỏ bằng cách giải thích sự tối tăm này là do nhật thực, xem ra đối với tôi không hợp lý’.
“Nên Thallus rõ ràng nói rằng, đúng, có việc ra tối tăm vào lúc Đóng Đinh, nhưng ông suy đoán nó được nhật thực gây ra. Rồi Africanus lập luận rằng nó không phải có cuộc nhật thực nào vào lúc việc Đóng Đinh diễn ra”.
Yamauchi với tay qua bàn giấy lấy một tờ giấy. “Để tôi trích dẫn điều học giả Paul Maier nói về việc ra tối tăm này trong một ghi chú của cuốn Pontius Pilate viết năm 1968 của ông”, ông nói thế và đọc cho tôi nghe những lời sau đây:
“Hiển nhiên, hiện tượng này hiển hiện ở Rome, Athens, và các thành phố khác ở Địa Trung Hải. Theo Tertullianô... nó là một ‘biến cố vũ trụ’ hay ‘biến cố thế giới’. Phlegon, một tác giả Hy Lạp xuất thân từ Caria, từng viết một bảng niên đại ngay sau năm 137 CN, đã tường trình rằng vào năm thứ tư của Vận động Hội thứ 202 (tức năm 33CN), có một ‘vụ nhật thực lớn nhất’ và ‘trời trở thành đêm tối vào giờ thứ sáu trong ngày [nghĩa là giữa trưa] đến nỗi các vì sao xuất hiện trên bầu trời. Có một vụ động đất lớn ở Bithynia, và nhiều vật bị lật nhào ở Nixêa” (10).
Yamauchi kết luận, “Do đó, như Paul Maier nhấn mạnh, có sự chứng thực không phải của Kinh thánh về việc ra tối tăm vào lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Rõ ràng, một số người thấy cần phải ráng dành cho nó một giải thích tự nhiên bằng cách nói rằng đó là một vụ nhật thực”.
Một chân dung về Philatô
Việc Yamauchi nhắc đến Philatô làm tôi nhớ đến việc một số nhà phê bình đã nghi vấn tính chính xác của các sách Tin Mừng vì cung cách các sách này mô tả Philatô. Trong khi Tân Ước vẽ ông ta như chao đảo và sẵn lòng chiều theo áp lực của quần chúng Do Thái bằng cách xử tử Chúa Giêsu, các trình thuật lịch sử khác hình dung ông như người cố chấp và cứng rắn.
Tôi hỏi, “Liệu việc đó có tạo ra một mâu thuẫn giữa Kinh thánh và các sử gia thế tục hay không?”
Yamauchi nói, “Không, không hề. Nghiên cứu của Maier về Philatô cho thấy người bảo vệ và bảo trợ ông ta là Sejanus và Sejanus mất quyền hành vào năm 31 CN vì âm mưu chống lại hoàng đế”.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, “Điều ấy có chi ăn uống với chuyện ở đây?”
Yamauchi trả lời, “À, việc mất quyền này làm cho vị thế của Philatô rất yếu vào năm 33, là năm phần lớn được coi là năm Chúa Giêsu bị đóng đinh. Thành thử, điều chắc chắn dễ hiểu là Philatô không muốn làm phật lòng người Do Thái vào lúc ấy để gặp rắc rối thêm với hoàng đế. Điều này có nghĩa mô tả của Kinh Thánh chắc chắn là chính xác” (11).
Các trình thuật khác của Do Thái
Sau khi chủ yếu nói về việc người La Mã chứng thực Chúa Giêsu. Tôi muốn hướng sang phía khác và thảo luận bất cứ trình thuật Do Thái nào khác, ngoài trình thuật của Josephus, chứng thực điều gì đó về Chúa Giêsu. Tôi yêu cầu Yamauchi cung cấp các lời nói tới Chúa Giêsu trong Talmud, một công trình Do Thái quan trọng hoàn thành vào khoảng năm 500 CN có kết hợp cả Mishnah đã được thu thập khoảng năm 200 CN.
Ông trả lời, “Người Do Thái, xét chung, không nói nhiều chi tiết về những người lạc giáo. Có một số đoạn văn trong Talmud nói tới Chúa Giêsu, gọi Người là một Mêxia giả, chuyên thực hành ma thuật, bị kết án tử một cách đích đáng. Nó cũng lặp lại tin đồn cho rằng Chúa Giêsu sinh ra từ một tên lính La Mã và bà Maria, gợi ý cho rằng có những chuyện ngoại thường về việc Người sinh ra”.
Tôi nói, “Như thế, các tham chiếu Do Thái này quả có chứng thực vài điều về Chúa Giêsu, dù một cách tiêu cực”.
Ông nói, “Vâng, đúng thế. Giáo sư M. Wilcox viết như thế này trong một bài báo xuất hiện trong một công trình tham khảo bác học:
“Văn chương truyền thống Do Thái, dù chỉ sơ sài nhắc đến Chúa Giêsu (và dù sao, phải được sử dụng một cách thận trọng), đã hỗ trợ các sách Tin Mừng khi cho rằng Người là người chữa bệnh và làm phép lạ, mặc dù qui những việc này cho nghề phù thủy. Ngoài ra, nó đã duy trì ký ức cho rằng Người là một thầy dạy, và Người có các môn đệ (5 người) và ít nhất trong giai đoạn các rabbis đầu tiên, không phải hiền giả nào cũng dứt khoát cho rằng Người là ‘một kẻ lạc giáo’ hay một ‘kẻ lừa đảo’” (12).
Bằng chứng bên ngoài KinhThánh
Mặc dù chúng tôi đã tìm được một ít tham chiếu nói về Chúa Giêsu ngoài các sách Tin Mừng, tôi vẫn thắc mắc tại sao không có thêm nhiều tham chiếu hơn nữa. Trong khi tôi biết một ít tài liệu lịch sử từ thế kỷ thứ nhất vẫn còn tới ngày nay, tôi hỏi, “Xét chung, há chúng ta lại không nên mong chờ tìm được nhiều điều hơn nữa về Chúa Giêsu trong các trước tác cổ thời bên ngoài Kinh Thánh hay sao?”
Yamauchi nói, “khi người ta khởi đầu các phong trào tôn giáo, phải đợi nhiều thế hệ sau họ mới ghi lại những điều thuộc các phong trào này. Nhưng sự kiện là chúng ta có những tài liệu lịch sử tốt hơn về Chúa Giêsu so với người thiết lập bất cứ tôn giáo cổ thời nào khác”.
Điều ấy làm tôi ngạc nhiên, tôi nói, “đúng thế sao? Ông có thể nói rõ hơn không?”
“Thí dụ, Các Thánh vịnh (Gathas) của Zoroaster, vào khoảng năm 1000 TCN, được tin là chân thực, phần lớn các sách thánh của tôn giáo này, mãi tới thế kỷ thứ ba CN, mới được viết xuống. Phần lớn tiểu sử nổi tiếng của Parsi về Zoroaster chỉ được viết vào năm 1278 CN.
“Các sách thánh của Buddha, người sống vào thế kỷ thứ sáu TCN, phải đợi đến sau thời Kitô giáo mới được viết xuống và tiểu sử của Budha chỉ được viết xuống trong thế kỷ thứ nhất CN. Mặc dù chúng ta đã có các lời nói của Muhammad, người sống trong khoảng thời gian từ năm 570 tới năm 632, trong kinh Korăng, tiểu sử của ông mãi đến năm 767 mới được viết xuống, hơn một thế kỷ tròn sau khi ông qua đời.
“Như thế, tình trạng của Chúa Giêsu kể là độc đáo, và khá gây ấn tượng xét về phương diện chúng ta học hỏi được rất nhiều về Người bên ngoài Tân Ước”.
Tôi muốn tiếp nối chủ đề đó và tóm lược những gì chúng tôi đã lượm lặt được trước nay về Chúa Giêsu từ các nguồn không phải là Kinh Thánh. Tôi nói, “Chúng ta hãy giả dụ chúng ta không có bất cứ sách nào của Tân Ước và các trước tác Kitô giáo nào khác. Dù không có chúng, chúng ta có thể kết luận điều gì về Chúa Giêsu từ các nguồn cổ thời không phải Kitô giáo, như Josephus, Talmud, Tacitus, Pliny Hậu, và những trước tác khác?”
Yamauchi mỉm cười, nói, “chúng ta vẫn có một số lượng đáng kể các bằng chứng lịch sử quan trọng; thật vậy, chúng có thể cung cấp một phác thảo về cuộc đời Chúa Giêsu”.
Rồi ông tiếp tục, nâng ngón tay lên để nhấn mạnh từng điểm, “Chúng ta có thể biết rằng trước nhất, Chúa Giêsu là một thầy dạy người Do Thái; thứ hai, nhiều người tin Người thực hiện việc chữa bệnh và trừ qủy; thứ ba, một số người tin Người là Đấng Mêxia; thứ tư, Người bị các nhà lãnh đạo Do Thái bác bỏ; thứ năm, Người bị đóng đinh dưới thời Phôngxiô Philatô triều Hoàng đế Tibêriô; thứ sáu, bất chấp cái chết ô nhục, các người theo Người, những kẻ tin rằng Người vẫn đang sống, đã lan ra khắp Palestine đến nỗi tới năm 64 CN đã có một số đông họ ở Rome; và thứ bẩy, mọi loại người từ thành thị tới thôn quê, đàn ông và đàn bà, nô lệ và người tự do, đều thờ phượng Người như Thiên Chúa”.
Đó quả là một lượng đầy ấn tượng các chứng thực độc lập. Và không những chỉ có các phác thảo về cuộc đời Chúa Giêsu được tái dựng ngoài Kinh Thánh, nhưng còn nhiều điều khác có thể lượm lặt về Người từ những tài liệu cổ xưa đến độ thực sự có trước chính các sách Tin Mừng.
Chứng thực các chi tiết sơ khai
Tông đồ Phaolô không bao giờ gặp Chúa Giêsu trước khi Người qua đời, nhưng ngài nói rằng ngài gặp Chúa Kitô phục sinh và sau này tham khảo với một số nhân chứng tận mắt để bảo đảm rằng ngài giảng dậy cùng một sứ điệp như họ. Vì ngài bắt đầu viết các thư Tân Ước của ngài nhiều năm trước khi các sách Tin Mừng được viết xuống, chúng chứa đựng các tường trình cực kỳ sớm sủa về Chúa Giêsu, sớm đến nỗi không người nào có thể nói một cách đáng tin rằng chúng đã bị bóp méo nghiêm trọng bởi việc phát triển dã sử.
Tôi nói với Yamauchi, “Luke Timothy Johnson, học giả xuất thân từ Đại Học Emory, cho rằng các thư Phaolô nói lên ‘việc chứng thực có giá trị từ bên ngoài’ cho tính ‘cổ thời và ở khắp nơi’ của các truyền thống về Chúa Giêsu” (13). Ông có đồng ý với ông ta không?”
Chúng tôi đã bàn luận khá lâu. Yamauchi đứng lên một lúc, duỗi chân duỗi tay trước khi ngồi lại vào ghế. Ông nói, “Không ai nghi vấn các trước tác Phaolô là sớm nhất trong Tân Ước và chúng đưa ra nhiều tham chiếu hết sức có ý nghĩa về cuộc đời Chúa Giêsu”.
Tôi yêu cầu, “Ông có thể nói rõ hơn không?”
Vâng, ngài nhắc tới sự kiện Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Đavít, Người là Đấng Mêxia, Người bị phản bội, bị mang ra xử, bị đóng đinh vì tội lỗi chúng ta, và được chôn cất, và Người đã trỗi dậy vào ngày thứ ba và hiện ra với nhiều người, trong đó có Giacôbê, em của Chúa Giêsu, người vốn không tin Người trước khi Người bị đóng đính.
“Điều cũng đáng lưu ý là Phaolô không nhắc đến những điều rất quan trọng trong các sách Tin Mừng, chẳng hạn, các dụ ngôn và các phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng ngài tập chú vào cái chết chuộc tội và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đối với Phaolô đó là những điều quan trọng nhất về Chúa Giêsu, và quả thực, chúng đã biến đổi Phaolô từ một kẻ bách hại các Kitô hữu thành nhà truyền giáo đạo Kitô hàng đầu của lịch sử, người bằng lòng chịu đủ mọi thứ gian khổ và thiếu thốn vì đức tin của mình.
“Phaolô cũng chứng thực một số khía cạnh quan trọng về cá tính của Chúa Giêsu, đức khiêm nhường, đức vâng lời, tình yêu của Người đối với những kẻ có tội, và v.v... Ngài kêu gọi các tín hữu có tâm tình của Chúa Kitô trong chương hai thư gửi Philípphê. Đây là một đoạn văn nổi tiếng trong đó Phaolô có lẽ đã trích dẫn một thánh ca Kitô giáo tiên khởi về việc Chúa Kitô đổ hết mình ra: Người vốn dĩ ngang hàng với Thiên Chúa, thế mà đã mang lấy hình dạng con người, một nô lệ, và chịu hình phạt tột độ là bị đóng đinh. Như thế, các thư của Phaolô là một chứng tá quan trọng cho thiên tính của Chúa Kitô, ngài gọi Chúa Giêsu là ‘Con Thiên Chúa’ và ‘hình ảnh Thiên Chúa’”
Tôi chen vào, “sự kiện Phaolô, người vốn xuất thân từ hậu cảnh độc thần Do Thái, thờ lạy Chúa Giêsu như Thiên Chúa là điều cực kỳ có ý nghĩa, đúng không?”
Ông nói, “Đúng và nó bác bỏ lý thuyết phổ biến cho rằng thiên tính của Chúa Kitô được du nhập sau này vào Kitô giáo từ các niềm tin ngoại giáo. Không hề như thế. Ngay Phaolô vào lúc sớm sủa nhất đã thờ lạy Chúa Giêsu như Thiên Chúa.
“Tôi phải nói rằng tất cả các chứng thực của Phaolô này hết sức quan trọng. Và chúng ta còn có các thư tiên khởi khác của các nhân chứng tận mắt như Giacôbê, Phêrô. Chẳng hạn, Giacôbê đã nhắc lại bài giảng trên núi của Chúa Giêsu”.
Thực sự trỗi dậy từ cõi chết
Chúng ta cũng có nhiều bộ trước tác của “các giáo phụ tông đồ” tức các nhà văn Kitô giáo sớm nhất ngay sau thời Tân Ước. Họ viết Thư Clêmentê thành Rôma, Các Thư Inhaxiô, Thư Polycarp, Thư Barnaba, và nhiều trước tác khác. Tại nhiều chỗ, các trước tác này chứng thực các sự kiện căn bản về Chúa Giêsu, nhất là giáo huấn của Người, việc người sống lại, và bản tính Thiên Chúa của Người.
Tôi hỏi, “Ông coi trước tác nào trong số này có ý nghĩa nhất?”
Yamauchi ngẫm nghĩ câu hỏi. Dù ông không nêu tên một trước tác ông cho là quan trọng nhất, nhưng ông trưng dẫn 7 thư của Inhaxiô như thuộc nhóm trước tác quan trọng nhất của các giáo phụ tông đồ. Inhaxiô, Giám Mục thành Antôkia, thuộc Syria, chịu tử vì đạo dưới thời Trajan trước năm 117 CN.
Yamauchi nói, “Điều có ý nghĩa nơi Inhaxiô là ngài nhấn mạnh cả thiên tính lẫn nhân tính của Chúa Giêsu chống lại lạc giáo ảo thân thuyết (docetic), là lạc giáo bác bỏ việc Chúa Giêsu thực sự là con người. Ngài cũng nhấn mạnh các nền tảng lịch sử của Kitô giáo. Trong một bức thư viết trên đường bị xử tử, ngài nói rằng Chúa Giêsu thực sự bị bách hại dưới thời Philatô, thực sự bị đóng đinh, thực sự trỗi dậy từ cõi chết, và những kẻ tin vào Người thẩy đều được sống lại” (14).
Đặt tất cả lại với nhau, Josephus, các sử gia và viên chức La Mã, các trước tác Do Thái, các thư của Phaolô và các giáo phụ tông đồ, bạn sẽ có được bằng chứng đầy tính thuyết phục chứng thực mọi điều chủ yếu tìm thấy nơi các cuốn tiểu sử về Chúa Giêsu. Dù cho bạn có liệng đi mọi bản Tin Mừng cuối cùng, bạn vẫn có một bức tranh cực kỳ thuyết phục về Chúa Giêsu, thật vậy, đây là một bức chân dung của Con độc nhất của Thiên Chúa.
Tôi đứng lên và cảm ơn Yamauchi đã chia sẻ thì giờ và tài chuyên môn. Tôi nói, “Tôi biết còn rất nhiều điều nữa chúng ta có thể nói về, vì trọn những cuốn sách đã được viết về chủ đề này. Nhưng trước khi chấm dứt, tôi muốn hỏi ông câu hỏi cuối cùng. Một câu hỏi có tính bản thân, nếu điều đó được phép”.
Giáo sư đứng lên và nói, “vâng, ông cứ tự nhiên”.
Tôi thoáng nhìn chung quanh văn phòng khiêm tốn của ông, chứa đầy các sách và bản chép tay, dĩa hát và tập san, dĩa máy vi tính và giấy tờ, tất cả đều là sản phẩm một đời nghiên cứu bác học về thế giới của thời rất xa xưa.
Tôi nói, “Ông dành cả 40 năm nghiên cứu lịch sử và khảo cổ thời xưa, đâu là kết quả đối với đời sống thiêng liêng của ông? Các nghiên cứu của ông làm gia tăng hay làm yếu đi đức tin của ông vào Chúa Giêsu Kitô?”
Ông nhìn xuống sàn nhà một lúc, rồi ngước mắt lên nhìn thẳng vào mắt tôi. Ông nói bằng một giọng cương quyết nhưng thành thực, “Không hoài nghi chi nữa, các nghiên cứu của tôi đã củng cố và làm giầu đời sống thiêng liêng của tôi rất nhiều. Chúng mang lại cho tôi cái hiểu tốt hơn về văn hóa và bối cảnh lịch sử của các biến cố.
“Điều ấy không có nghĩa tôi không nhận thấy còn một số vấn đề chưa được giải quyết; ở đời này, chúng ta sẽ không có sự hiểu biết trọn vẹn. Nhưng những vấn đề này không hề làm hại đức tin của tôi vào sự đáng tin của các sách Tin Mừng và các sách khác của Tân Ước.
“Tôi nghĩ các lối giải thích thay thế, cố gắng giải thích việc truyền bá Kitô giáo ra khắp thế giới bằng các lý do xã hội và tâm lý rất yếu”. Ông lắc đầu nói thêm, “Rất yếu. Đối với tôi, bằng chứng lịch sử đã tăng cường cam kết của tôi với Chúa Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta và chết cho chúng ta và đã sống lại từ cõi chết. Đơn giản chỉ có thế.”
Sự thật giải phóng chúng ta
Khi từ tòa nhà của Yamauchi đi ra gặp rừng sinh viên đang ngược xuôi tìm lớp học kế tiếp, tôi nghĩ mình hài lòng xiết bao khi đến thành phố nhỏ xíu Oxford, Ohio. Tôi đến tìm lời chứng thực về Chúa Giêsu, nhưng ra về với cả một nguồn dự trữ tài liệu hết sức phong phú khẳng nhận mọi khía cạnh chính về đời sống, các phép lạ, thiên tính và chiến thắng sự chết của Người.
Tôi biết rằng cuộc trò chuyện vắn vỏi của chúng tôi mới chỉ đụng sơ sơ ở bề mặt. Dưới cánh tay tôi là cuốn The Verdict of History [Lời tuyên án của Lịch sử] mà tôi đã đọc để chuẩn bị cuộc phỏng vấn. Trong đó, sử gia Gary Habermas cung cấp chi tiết của 39 nguồn tài liệu xưa về đời sống của Chúa Giêsu, từ đó, ông liệt kê hơn một trăm sự kiện đã được tường trình liên quan đến đời sống, giáo huấn, chịu đóng đinh và sống lại của Chúa Giêsu (15).
Hơn nữa, 24 nguồn tài liệu được Habermas trích dẫn, trong đó có 7 nguồn tài liệu thế tục và một số tín điểu cổ xưa nhất của Giáo Hội, nhất là những tín điều liên quan đến bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Habermas viết, “Những tín điều này cho thấy Giáo Hội không chỉ giảng dậy thiên tính Chúa Giêsu một thế hệ sau đó, vì điều này vẫn thường được nhắc lại trong nền thần học ngày nay, vì tín lý này dứt khoát hiện diện trong Giáo Hội tiên khởi nhất”. Ông kết luận: “Giải thích tốt nhất cho các niềm tin đó là chúng đã mô tả thích đáng chính giáo huấn của Chúa Giêsu”. (16).
Đó là một chứng thực tuyệt vời cho những quả quyết quan trọng nhất của một cá nhân có ảnh hưởng từng sống xưa nay.
Tôi khóa giây kéo áo vừa đi ra xe. Thoáng nhìn lại một lần nữa, tôi thấy mặt trời Tháng Mười chiếu sáng hàng chữ khắc trên đá tôi đã lưu ý khi mới bước vào khuôn viên trường đại học hoàn toàn thế tục này: “Các con sẽ thấy sự thật và sự thật sẽ làm các con tự do”.
Các nguồn tài liệu khác về chủ đề này
Bruce, F.F. Jesus and Christian Origins Outside the New Testament[Chúa Giêsu và các Nguồn Kitô giáo ngoài Tân Ước], Grand Rapids: Eerdmans, 1974.
Habermas, Gary, The Historical Jesus[Chúa Giêsu Lịch sử]. Joplin, Mo.: College Press, 1996.
McDowell, Josh, and Bill Wilson. He Walked among Us[Người bước đi giữa chúng ta]. Nashville: Nelson, 1994.
Ghi Chú
(1) Webster’s Encyclopedic Unabridged Dictionary of the Enghlish Language (New Yrok: Gramercy, 1989), 328
(2) Maurice Possley, “Mob Hit Man Aleman Gets One Hundred to Three Hundred Years” [Aleman, tên giết mướn, nhận một trăm tới ba trăm năm], Chicago Tribune (November 26, 1997)
(3) Charles Templeton, Act of God [Hành vi Thiên Chúa](New York: Banatm, 1979), 152
(4) Josephus, The Antiquities [Thời xưa] 20.200. Xem thêm Edwin Yamauchi, “Josephus and the Scriptures” [Josephus và các Sách Thánh], Fides et Historia 13 (1980) 42-63.
(5) Josephus, The Antiquities 18.63-64.
(6) Michael Martin, The Case Against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo] (Philadelphia: Temple Univ. Press, 1991) 49.
(7) Tacitus, Annals[Biên niên sử] 15.44.
(8) Pliny the Younger, Letters[Các bức thư] 10.96.
(9) Gary Habermas, The Historicus Jesus [Chúa Giêsu Lịch sử], (Joplin, Mo.: College Press, 1996) 196-97.
(10) Paul L. Maier, Pontius Pilate (Wheaton, Ill.: Tyndale House, 1968), 366, trích dẫn một mảnh từ Phlegon, Olympiades he Chronika [biên niên sử thế vận hội] 13, chủ biên Otto Keller, Rerum Naturalium Scriptores Graeci Minores [các tác giả nhỏ Hy lạp về các sự việc tự nhiên], 1 (Leipzig Teurber, 1877), 101. Bản dịch của Maier.
(11) Xem P. Maier, “Sejanus, Pilate, and the Date of the Crucifixion” [Sejanus, Pilate, và Ngày Đóng Đinh] Church History 37 (1968) 1-11.
(12) M. Wilson, “Jesus in the Light of his Jewish Environment” [Chúa Giêsu dưới ánh sáng Môi trường Do Thái], Aufstieg und Niedergang der romischen Welt 2, no.25.1 (1982), 133.
(13) Luke Timmothy Johnson, The Real Jesus [Chúa Giêsu đích thực] (San Francisco: Harper San Francisco, 1996), 120.
(14) Ignatius, Trallians, 9.
(15) Xem Gary Habermas, The Verdict of History [Lời tuyên án của Lịch sử](Nashville: Nelson, 1988).
(16) Ibid. 169.