3.4. Các thư của Thánh Tông đồ Phaolô

91. Các trước tác của Thánh Phaolô là trước tác cổ nhất của Tân Ước. Chúng đề cập đến sự thật mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Israel, và là sự thật, qua việc sai Con Thiên Chúa đến, đã được đem đến hoàn tất của nó, và được công bố vượt ra ngoài ranh giới của dân được chọn, đến nỗi không còn “Do Thái hay Hy Lạp "(Ga 3,28) nữa. Không giống như các Tin mừng, là các sách thẩy đều có sau các thư của ngài, Thánh Phaolô không xem xét quá khứ cho bằng củng cố cuộc sống hiện tại và tương lai trong Chúa Kitô của các cộng đồng Kitô giáo, do ngài hoặc người khác sáng lập, nhưng tất cả đều hợp nhất trong cùng một đáp ứng đức tin và tình yêu.



Các yếu tố lịch sử có thể được các thư của Thánh Phaolô khởi xuất rất hạn chế. Người ta cũng có thể thấy các tước hiệu được các tin mừng gia gán cho Chúa Giêsu trần thế (thầy, giáo sĩ [rabbi], tiên tri, con vua Đavít, Con người) không có mặt trong các trước tác của ngài; trong khi các tước hiệu trực tiếp chỉ đặc điểm của Đấng Phục sinh được sử dụng, như tước hiệu "Chúa" (Pl 2:11), và nhiều tước hiệu khác; Chúa Kitô (với khuynh hướng sử dụng thuật ngữ này như tên riêng của Chúa Giêsu, (xem Rm 5:6.8, v.v.); Con Thiên Chúa (Rm 1:4; Ga 4:4, v.v ...); hình ảnh Thiên Chúa (xem 2 Cr 4:4). Cái chết và sự phục sinh của Chúa, và các hiệu quả cứu độ của chúng, tập chú hầu như chuyên nhất vào quan tâm bản thân và mục vụ của Thánh Phaolô. Ngài sống "trong đức tin vào Con Thiên Chúa", Đấng yêu ngài "và hiến mạng” vì ngài (Gl 2:20). Đó là lý do tại sao ngài đã chiến đấu mãnh liệt chống lại tất cả những ai xuyên tạc "sự thật của Tin Mừng" này (Ga 2:5) và thậm chí chống đối cả Thánh Phêrô (xem Gl 2:11). Một cách nào đó, Thánh Phaolô bắt đầu công trình của ngài ở chỗ các Tin mừng kết thúc.

Chúng ta sẽ trình bầy chứng từ của Thánh Phaolô về Thiên Chúa và sự cứu rỗi trong bốn phần sau đây: a. Thánh Phaolô được hưởng sự mặc khải về chính ơn gọi của ngài và Truyền thống của Giáo hội; b. Thiên Chúa tự mặc khải mình trong Chúa Kitô bị đóng đinh và phục sinh; c. Ơn cứu rỗi được tiếp nhận và sống trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô; d. Sự viên mãn của ơn cứu rỗi hệ ở sự phục sinh của Chúa Kitô.

a. Thánh Phaolô được hưởng sự mặc khải về chính ơn gọi của ngài và Truyền thống của Giáo hội

92. Liên kết ơn gọi đặc thù của mình với những gì đã được rao giảng và sống trong Giáo hội - một Giáo hội mà trước đây ngài đã khủng bố dữ dội (1 Cr 15:9; Gl 1:13; Pl 3:6) - Thánh Phaolô đặt mình vào thế tiếp nối với truyền thống như với đức tin chung của các Giáo Hội. Ý thức mình được thừa hưởng một cuộc thông đạt độc đáo và đích thân về sự thật của Tin Mừng (x. Gl 1:11-17; 1 Cr 15:8), Thánh Phaolô vẫn cảm thấy sự cần thiết phải liên kết nó với tất cả các cộng đồng Kitô giáo khác. Mối liên hệ của Thánh Phaolô với những người tin vào Chúa Kitô không chỉ là mối liên hệ của một người cha cho đi (1 Cr 4:15; Gl 4:19), mà còn là và trên hết là mối liên hệ của một người mắc nợ những người đi trước đã chìa bàn tay nắm lấy tay ngài (xem Gl 2:9). Giữa thời Chúa Giêsu và hoạt động tông đồ của Thánh Phaolô là khoảng hai mươi năm sinh hoạt của một Giáo hội đang phát triển ở Giêrusalem, Samaria, Đamát và Antiôkia của Syria. Chính trong thời kỳ này, đức tin vào Chúa Giêsu đã được củng cố một cách luôn sâu sắc hơn trong tinh thần và trong tâm hồn các Kitô hữu tiên khởi, với đặc điểm một bản sắc tin tưởng độc đáo được cấu trúc nhanh chóng và nhận được sự soi sáng liên tiếp. Thánh Phaolô chịu ơn đối với các phát triển tín lý do các Giáo hội đầu tiên mang đến. Do đó, sau khi mạnh mẽ nhấn mạnh rằng Ơn gọi đã được Chúa Kitô trực tiếp mặc khải cho ngài đã đủ để chứng thực Tin Mừng của ngài, không cần phải chờ đợi sự chấp thuận của các Tông đồ trước ngài (xem Gl 1:11-17). Ngài cảm thấy không kém cấp bách phải liên kết sự mặc khải mà ngài đã nhận được với di sản chung bằng cách gặp Thánh Phêrô (xem Gl 1:18) và trình bày lời rao giảng của mình, để không "vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích"(Gl 2:2). Cùng một cách như vậy, để nhấn mạnh ưu thế công việc Tông đồ của mình ("tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác" 1Cr 15:10), Thánh Phaolô vội vã tuyên bố: "Dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy"(1 Cr 15:11).

Đó là lý do tại sao ngài bác bỏ bất cứ hình thức ly khai địa phương nào, một điều sẽ dẫn đến việc tự tách rời khỏi các giáo hội khác và ngài hỏi người Côrintô: " Lời Thiên Chúa có phát xuất từ anh em không ? Hay lời ấy chỉ đến với một mình anh em mà thôi? "(1 Cr 14:36). Có rất nhiều sự chia rẽ trong Giáo hội này! : các nhóm nhỏ xíu cũng tự xưng có những cá tính giáo hội khác nhau một cách đầy bút chiến (xem 1 Cr 1-4); các cử hành "kiểu duy ưu tuyển” (elitiste) Bữa tiệc của Chúa (1 Cr 11:11-34); ghen đua vì các đặc sủng nổi bật nhất (xem 1 Cr 12-14). Một tình huống như vậy giải thích tầm rộng rãi của lời chào đầu tiên của Thánh Phaolô: "Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta”. (1 Cr 1:2). Nói cho chính xác, cộng đồng này, vốn bị đe dọa gặp rất nhiều nguy cơ tan rã, được Thánh Phaolô khuyên nhủ phải luôn ghi nhớ nhiều yếu tố hợp nhất: Chúa Kitô không thể chia cắt được (x. 1Cr 1:13); phép rửa trong một Chúa Thánh Thần duy nhất (x. 1Cr 12:13); Bí tích Thánh Thể (x. 1 Cr 10:14-17; 11:23-24); tình yêu (xem 1 Cr 8:1; 13:16,24).

b. Thiên Chúa tự mặc khải trong Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại

93. Cái chết trên thập giá của Con Thiên Chúa là tâm điểm của sự thật mặc khải, được Thánh Phaolô công bố (1Cr 2:1-2). Nó là "ngôn ngữ của thập giá" (1 Cr 1:18), chống lại sự cao ngạo của người Do Thái và người Hy Lạp (1 Cr 1:22-23). Đối với sự kiêu căng của người Hy Lạp, tự hào về "sự khôn ngoan" của họ, Thánh Phaolô phản chứng bằng "sự điên rồ" của thập giá (1 Cr 1:23). Thánh Phaolô cũng phản ứng đối với chủ nghĩa pháp lý của người Galát: không thể thêm gì cho Chúa Kitô, ngay cả Lề Luật mà Thiên Chúa đã ban hành như một yếu tố chuẩn bị và được Chúa Kitô đem đến hoàn thành và được vượt qua.



Thật vậy, thật đáng ngạc nhiên khi Thánh Phaolô, để đáp lại sự bảo đảm mà người Côrintô đã làm chứng, không dùng đến lý lẽ phục sinh, một điều tương ứng hoàn toàn với tai tiếng liên quan đến thập giá. Mặc dù phục sinh có một tầm quan trọng độc đáo trong Tin Mừng của ngài (việc rao giảng và đức tin sẽ vô ích nếu không có sự phục sinh: 1 Cr 15:14), trái với đầu óc hiếu thắng của người Côrintô, Thánh Phaolô muốn nhắc nhở rằng không ai đến được Phục sinh, mà không đi qua đồi Gôngôtha. Ở đây, cần lưu ý rằng, khi đề cập đến Đấng chịu đóng đinh, ngài sử dụng phân từ hoàn hảo (participle parfait: estauromenos: 1 Cr 1:23; 2:2; Gl 3:1), như thế có ý nói, cho đến ngày hôm nay, Chúa Kitô, mặc dù được tôn vinh, vẫn tiếp tục là người chịu đóng đinh. Do đó, hiển nhiên Thiên Chúa tự biểu lộ chính Người bằng tai tiếng thập giá của Chúa Kitô, tự mặc khải như vị Thiên Chúa của ơn thánh, cho thấy sự ưa thích của Người đối với kẻ yếu, kẻ tội lỗi, những người bị cách xa. Người hiện diện và hành động ở nơi người ta không thể tưởng tượng được: trong Chúa Giêsu thành Nadarét, bị kết án tử hình trên thập giá.

Nhưng "sự chết không có quyền lực đối với Người" (Rm 6: 9). Ở đây chúng ta phải lưu ý một lần nữa rằng Thánh Phaolô không bao giờ trình bày phục sinh mà không nói tới thập giá. Có một sự đồng nhất tuyệt đối giữa Đấng chịu đóng đinh và Đấng sống lại, điều đó có nghĩa là không có sự gián đoạn liên tục nào giữa Đấng "tự hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” và là Đấng Người “đã siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:8-9.11) đó là “Chúa”. Nếu người ta chỉ nhìn vào Đấng chịu đóng đinh, thì không có sự khác biệt nào giữa Chúa Giêsu và hai kẻ bất lương cùng bị kết án với Người, cũng không có bất cứ khác biệt nào giữa Người và anh hùng Spartacus cũng bị đóng đinh. Mặt khác, nếu người ta chỉ xem xét sự phục sinh, họ sẽ gặp một tôn giáo trừu tượng, tha hóa (aliénante), quên đi con đường (thánh giá) mà trước tiên họ phải bước đi trước khi đạt đến vinh quang. Dù sao, chính một mình cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết, đã làm cho Thánh Phaolô hiểu cách thức nhờ đó Đấng chịu đóng đinh đã trở thành Đấng đem lại sự sống. Điều này sở dĩ đã trở thành khả hữu, một mặt vì kinh nghiệm bản thân của Thánh Tông đồ (x. Gl 1:15-16; 1 Cr 9:1; 15:8) và mặt khác vì sự trung gian của Giáo hội (x. 1Cr: 11:23; 15:3: "Tôi đã truyền điều này cho anh em, điều mà chính tôi đã nhận được").

c. Ơn cứu rỗi được tiếp nhận và sống trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô

94. Sự hòa hợp đặc biệt của các cộng đồng Kitô giáo và sự hiệp nhất của họ vượt ra ngoài sự đa dạng đã khiến Thánh Phaolô sử dụng siêu ẩn dụ "thân thể" để đào sâu các mầu nhiệm của Giáo hội Chúa Kitô. Ngài đề cập đến một chủ đề mà, trong Tân Ước, chỉ có Thánh Phaolô mới bàn đến (xem 1 Cr 12:12-27; Rm 12:4-5). Chủ đề này đã được khai triển đáng kể trong thư gửi tín hữu Côlôxê (xem Cl 1:18.22.24; 2:9-19) và trong thư gửi tín hữu Êphêsô (xem Eph 2:15-16: 4:4.12-16; 5: 28-33), một thư mà đối với nhiều người phát xuất từ "trường phái Phaolô” sau này.

Nói về các Kitô hữu như "Nhiệm thể Chúa Kitô", Thánh Phaolô vượt xa sự so sánh đơn giản: các chi thể của Chúa Kitô, cùng với Người, tạo thành một thực tại duy nhất; Giáo hội là một thân thể "trong Người". Giáo Hội không phải là kết quả của việc các cá nhân cộng lại, cũng không phải là việc các hợp tác của họ cộng lại, vì Giáo Hội có trước sự tích hợp từng mỗi chi thể lập thành Giáo Hội. Đó là lý do tại sao, Giáo hội không phải là một điều gì đó trung lập (hen - số "một" trung tính) - mà là một thực tại có bản vị (heis - số "một" nam tính): "Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một (heis) trong Chúa Giêsu Kitô” ( Gl 3:28).

Do đó, đoạn này dạy rằng "Tất cả chúng ta [...] đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12:13). Tất cả diễn ra như thể Thánh Phaolô, khi công bố sử dụng ẩn dụ này, đã nhấn mạnh nguồn gốc ban đầu của sự hợp nhất này: "Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người"(1 Cr 12:4-6). Ở đây, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các khác biệt, được hài hòa trong bối cảnh hợp nhất của Giáo hội, cũng phản ảnh sự hợp nhất nguyên ủy của Thiên Chúa mà từ đó chúng bắt nguồn. Lời chúc lành cuối cùng ở 2 Cr 13:13 cũng làm ngài hiểu: " Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần”. Những lời chúc lành này của Thánh Phaolô không bắt đầu với Thiên Chúa Cha, nhưng với Chúa Giêsu Kitô, vì một mình Người dẫn chúng ta vào mầu nhiệm Ba Ngôi (Rm 8: 39). Cuối cùng, chúng ta hãy lưu ý tới sứ mệnh của Chúa Thánh Thần: tạo ra sự hiệp thông, theo nghĩa Người có vai trò thực hiện công trình cứu rỗi qua các thế kỷ: "để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Ápraham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (Gl 3:14). Do đó, tất cả đã chịu "phép rửa" bởi cùng một Thần Khí (1 Cr 12:13) và tạo thành một cộng đồng huynh đệ, đa dạng, nhưng nhất trí. Hồng phúc hợp nhất vô giá này, một hồng phúc, cuối cùng, đã chiếm ưu thế so với sự chia rẽ cũ giữa "Người Do Thái và người Hy Lạp" (Rm 10:12; 1 Cr 1:24; 12:13; Gl 3:28), buộc ta phải "sống một cuộc sống mới "(Rm 6:4),"cuộc sống của Thần Khí" (Rm 7:6), để nếu "ai ở trong Chúa Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi"(2 Cr 5:17).

d. Sự viên mãn của ơn cứu rỗi hệ ở sự phục sinh của Chúa Kitô



95. Sự kết hợp với Chúa Kitô, mang ra sống với các Kitô hữu khác trong Nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo hội, không giới hạn vào cuộc sống trần gian. Trái lại, Thánh Phaolô nói: " Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người" (1 Cr 15:19). Trong chương dài nhất trong tất cả các thư của ngài (1 Cr 15: 1-5), ngài tìm cách đặt cơ sở và giải thích sự phục sinh của các Kitô hữu, một sự phục sinh vốn phát xuất từ sự phục sinh của Chúa Kitô. Ngài mạnh mẽ quả quyết rằng: "Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu... mọi người nhờ liên đới với Chúa Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15:20.22). Đức tin vào sự phục sinh với Chúa Kitô, trong sự hiệp thông vĩnh cửu với Người và với Chúa Cha, tạo nên nền tảng và chân trời của lời rao giảng của Thánh Phaolô. Đức tin này ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống trần gian hiện tại, khiến nó có thể chịu đựng những khó khăn và nỗi đau buồn, vì biết rằng nỗi đau "trong Chúa" nỗi đau mà người ta chấp nhận "không vô ích" (1Cr 15:58). Trong lá thư cổ xưa nhất của mình, Thánh Tông đồ giải thích cho người Texalônica: "Những người đã an giấc trong Chúa Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Chúa Giêsu" (1 Tx 4:14); "hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng” (1 Tx 4:13).

Thánh Phaolô không đưa ra mô tả nào về cuộc sống này, nhưng chỉ đơn giản quả quyết: “Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 4:17, xem 2 Cr 5:8). Ngài nhận ra trong đức tin và hy vọng này một sức mạnh to lớn có sức khuyến khích và an ủi, và, ở cuối đoạn văn, ngài nói với các Kitô hữu của Texalônica: "Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau" (1 Th 4:18). Trở lại với viễn cảnh cái chết của chính mình, Thánh Phaolô nói: "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Chúa Kitô, điều này tốt hơn bội phần” (Pl 1:23). Do đó, sự viên mãn của ơn cứu rỗi có thể được hiểu như sự kiện được ở với Chúa Kitô, Đấng vốn ở với Chúa Cha, nghĩa là, sống hiệp thông trong cuộc sống hoàn hảo và dứt khoát với Người, và, trong Người với mọi chi thể của nhiệm thể Người (x. 1 Cr 15:28; xem Ga 17:3.24).

Kỳ tới: Sách Khải Huyền