Ngày tôi chuẩn bị nghỉ hưu (năm 2011), người phụ trách trang Gia Đình báo Công Giáo Và Dân Tộc đề nghị tôi đến dự buổi thuyết trình Viết Về Cha tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP. HCM (TTMV) tại 6 bis Tôn Đức Thắng Quận 1, như một hoạt động bình thường chị giới thiệu cho một người sẽ không còn trách nhiệm với xã hội nữa, và sẽ là “tỉ phú thời gian” ở thì tương lai.

Buổi đầu tiên, tôi khám phá thí sinh đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh cấp 3 đến cựu công chức ngoài 60! Và bài viết nào cũng rất mộc mạc, chân tình kể về người Cha trong gia đình.

Tháng 03 năm 2012 vừa qua, tôi trở lại TTMV lần nữa để nghe thuyết trình Viết Về Mẹ, và ngày 14/ 4 thêm một buổi thuyết trình Viết Về Cha. Năm nay, tôi lắng nghe chăm chú hơn và quan sát kỹ hơn. Cũng như năm trước, những bài viết về Mẹ hay Cha cũng đều mộc mạc, đơn giản như bất cứ đứa con nào kể về cha mẹ mình. Hình ảnh người Cha hay Mẹ thật gần gũi đến độ khiến người nghe giật mình tự hỏi: “Sao giống ba, mẹ mình ở nhà quá… Như thế cũng đáng tự hào khi mình có một người cha, người mẹ như vậy!”

Vâng, người cha nào cũng tần tảo nuôi con ăn học, người mẹ nào cũng nhẹ nhàng chăm sóc con. Thế nhưng những việc làm, những hy sinh, những trăn trở cho cuộc sống vẹn toàn, miếng cơm manh áo cho con quá bình thường, thậm chí như được xem một “quy luật”, một “sự tất yếu” để những đứa con không nhận ra công lao và tình thương của Cha Mẹ. Đến những buổi thuyết trình, như một lần nhìn lại và cảm thấy ta, những đứa con, thật vô tâm và dường như đứng bên ngoài cuộc sống của hai đấng sinh thành. Rồi, sau buổi nghe thuyết trình, đứa con quay về và nhìn lại cha mẹ nhận ra ta đang có một báu vật, mà từ lâu ta đã mãi mê tìm kiếm những phù phiếm đâu đâu…

Những người tham gia thuyết trình kể về cha mẹ mình thật đơn sơ. Một người mẹ không biết chữ, một người cha luôn thất bại nhưng đã dạy cho con cái biết thế nào là lẽ sống trên đời, biết sống nhân ái và mang cho con một cuộc sống đầy đủ. Trong mắt người đời, người cha, người mẹ đó không ở một vị trí để mọi người cầu cạnh, chúc tụng, nhưng họ đã thành công khi mang lại cho xã hội những đứa con thành đạt, những công dân tốt, gương mẫu, những đứa con hiếu đạo. Nhìn một cách công bằng, những bậc cha mẹ tưởng thất bại, tưởng nghèo khó đó đã rất thành công và giàu có trong tâm hồn.

Phần lớn thí sinh đến từ buổi thuyết trình chẳng quan tâm lắm đến giải thưởng. Hỏi nhiều người giá trị các giải thưởng ai cũng ngơ ngác. Họ đến buổi thuyết trình như một cơ hội nói về cha mẹ của mình. Thế thôi!

Họ đến từ nhiều miền đất nước. Từ Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kontum, Cần Thơ, Cà Mau… Họ đi từ rất sớm với bao tốn kém… chỉ để một lần được chia sẻ về người cha, người mẹ của mình, được một lần nói lên niềm tự hào có cha, có mẹ yêu thương.

Cũng có người trách cha sao ham mê rượu, bia để gia đình như một bể khổ. Thế rồi từ cái rất bình thường, thậm chí rất tồi tệ đó, họ phát hiện nét đẹp của người cha: Vẫn toàn trách nhiệm với vợ con và sống vì điều đó nếu không có sự can thiệp của ma men. Những bài viết tố cáo tệ nạn rượu bia một cách nhẹ nhàng khiến những bậc làm cha hay sắp làm cha cũng một lần nhìn lại mà có sự lựa chọn cho cuộc sống gia đình.

Nhiều thí sinh ở xa thuê cả xe 20, 30 chỗ ngồi… Có thí sinh “mang” cả “tứ đại đồng đường” đến để nghe họ thuyết trình về người cha, người ông, người cụ… trong gia đình, một cách đầy tự hào. Với họ, sân khấu Vietnam’s Got Talent hay Vietnam Idol đều thua xa cái bục thuyết trình trong hội trường Trung Tâm Mục Vụ!

Cuộc thi không phân biệt tôn giáo, dân tộc nên có cả những người dân tộc Mường, Cơ-tu, Phật tử và cả đảng viên đảng Cộng sản! Cũng phải thôi, ai lại không có cha mẹ và muốn nói về cha mẹ mình?

Báo chí cảnh báo về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội bắt đầu từ những phân hóa trong gia đình. Có nhiều cách để xây dựng lại cội nguồn văn hóa Thờ Cha Kính Mẹ hay đạo làm con của truyền thống Việt Nam. Viết về cha mẹ hẳn không ngoài mục đích đó. Và thật tự hào khi là người Công Giáo, nhận ra nơi Trung Tâm Mục Vụ những người âm thầm như những con ong cần mẫn đang thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương, đạo đức trong gia đình mà bắt đầu bằng cái nhìn của những đứa con về Cha Mẹ mình với lòng biết ơn và yêu mến. Họ chẳng khác những con đom đóm đang mang chút ánh sáng cho đời.