TUNISIA - Hàng ngàn người liều mình tìm đường rời Châu Phi sang Châu Âu

Các đội cứu hộ Tunisia tiếp tục tìm kiếm chừng 200 người nhập cư bất hợp pháp mà người ta e là đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở họ đang trên đường tới Italy bị lật ở ngoài khơi Tunisia.

Lực lượng tuần duyên Tunisia đã cứu được 41 người và vớt được 20 xác nạn nhân, nhưng biển động đã gây trở ngại cho công tác cứu hộ.

Những người sống sót nói rằng chiếc thuyền có chở 250 người, người ta tin rằng họ đều từ vùng tiểu sa mạc Sahara của Châu Phi và bắc Phi.

Ít nhất, đây cũng là chiếc thuyền thứ hai chìm ở vùng này trong tuần. Đã có chừng 70 người chết đuối khi thuyền chìm ở ngoài khơi một hòn đảo nhỏ của Italy là đảo Lampedusa vào hôm Thứ Hai.

Báo chí Italy đã mô tả dòng chảy giữa Châu Phi và vùng Sicily của Italia như một mồ chôn dưới nước khổng lồ.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ đắm tàu hôm Thứ Sáu.

Lý do có thể là vì tàu quá đông người, hoặc vì tàu quá tồi tàn, mà cũng có thể do thời tiết xấu, hoặc do sự kết hợp của cả ba lý do này.

Một chiếc tàu đánh cá đã kéo còi báo động vào lúc bình minh hôm Thứ Sáu khi thủy thủ đoàn phát hiện thấy chiếc tàu đang chìm.

Lực lượng tuần tra và hải quân quốc gia của Tunisia đã có phản ứng cùng với bốn chiếc tàu dân sự đang có mặt gần đó và hai chiếc tàu của các dàn khoan dầu khí trong khu vực.

Các quan chức chưa cho biết chiếc tàu xuất phát từ đâu, nhưng những người thoát nạn nói họ xuống tàu từ Libya. Theo phóng viên Frances Kennedy của đài BBC từ Rome cho biết, Libya đang trở thành một điểm xuất phát ưa chuộng của các băng nhóm buôn lậu dân nhập cư tàn nhẫn.

Tuần này, Italy đã cáo buộcLibya là cơ sở để các tàu bè đem người nhập cư bất hợp pháp vượt biển Địa Trung Hải.

Đường bờ biển dài của Italy khiến cho nước này trở thành một bãi đáp quen thuộc cho những ai muốn vào Châu Âu một cách bất hợp pháp. Người ta cho rằng chỉ riêng trong tháng này đã có tới chừng 3.000 người đổ vào Italy.

Tuần trước, đã có hơn 1.000 dân nhập cư tới đảo Lampedusa, là điểm gần với Châu Phi hơn là lãnh thổ Italy trong lục địa.

Phóng viên đài BBC nói rằng trung tâm tiếp nhận của đảo này thì chật ních người và dân bản địa nay đang biểu tình phản đối vì lo ngại rằng nạn nhập cư sẽ khiến cho du khách không muốn tới đảo nữa.

Khủng hoảng của chính phủ

Bi kịch thứ hai trên biển xảy ra trong lúc Italy mới thông qua các biện pháp mới cứng rắn để đuổi tàu chở dân nhập cư phải trở về.

Làn sóng gia tăng số lượng thuyền bè, mà đa phần là không đảm bảo tiêu chuẩn đi biển và chở quá đầy người, đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong nội bộ chính phủ liên minh của Italy.

Liên Đoàn Miền Bắc đang đòi hỏi phải có một chính sách cứng rắn hơn, nhưng những đề nghị dùng vũ lực để gửi trả các thuyền bè chở người nhập cư lậu đã bị các đảng phái chính trị cầm quyền bác bỏ thẳng thừng.(bbc)