PHNOM PENH - Các bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN đang họp tại Phnom Penh vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền Miến Điện thả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phe đối lập.

Đây là hành độ khác với lệ thường của ASEAN là không can thiệp vào tình hình nội bộ của các nước thành viên. ASEAN vốn thường tránh không phê phán Miến Điện.

Đã từ lâu nay, sức ép lên chính quyền quân nhân Miến Điện đến chủ yếu từ các nước Phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ.

Ngày mai Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell đến dự Hội nghị Thượng đỉnh khối ASEAN ở Cambodia, nơi vấn đề chính trị của Miến Điện là một đề tài được quan tâm trong và bên ngoài ASEAN.

Trước ngày đến dự hội nghị, Hoa Kỳ qua lời ông Powell đã tỏ thái độ lên án gay gắt chính quyền quân nhân Miến Điện.

Trong một sự kiện khá bất thường là viết bài đăng trên báo Wall Street Journal vào tuần trước, chính vị bộ trưởng ngoại giao Mỹ gọi những người lãnh đạo ở Miến Điện là “bọn côn đồ”.

Mỹ nói phải cứng rắn với Rangoon

Bài báo của Ngoại trưởng Colin Powell nhìn vào Miến Điện từ ba hướng. Một là từ góc độ quốc tế khi ông Powell nhắc đến nỗ lực của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Razali Ismail thất bại trong việc thuyết phục chính quyền Miến Điện hòa giải với bà Aung San Suu Kyi đã thất bại.

Hai là hướng đi tới dân chủ và hòa bình bằng con đường bất bạo động của bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Dân chủ của bà và hướng thứ ba, theo ông Powell là những phản ứng và thái độ của chính quyền quân nhân Miến Điện.

Theo ông Colin Powell, các tướng lĩnh Miến tỏ ra coi thường mọi bên còn lại, bất chấp lý lẽ và đã gây ra vụ rối loạn gần đây đã lấy cớ cầm giữ bà Aung San Suu Kyi.

Sau phần đó, ông Colin Powell nói thẳng là đã đến lúc cần tăng áp lực lên chính quyền Miến Điện. Ông nói chính quyền của tổng thống Bush ủng hộ việc đưa ra luật vì tự do và dân chủ ở Miến Điện trong Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ.

Đó là những sáng kiến lập pháp của Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, và các dân biểu Henry Hyde và Tom Lantos.

Ngoại trưởng Mỹ tỏ ý hoàn toàn tán thưởng các luật đó nhưng cho rằng ngoài ra, phải có các biện pháp nữa.

Đánh vào kinh tế

Ông nói đã đến lúc phải phong toả tài sản của chính quyền quân nhân Miến Điện ở nước ngoài, cấm không cho chuyển tiền, gửi từ bên ngoài về nước, tăng việc ngăn các quan chức chính quyền Miến Điện ra nước ngoài.

Theo ông, thế giới cần hạn chế kinh doanh với Miến Điện dù cần phải để ý đến những điều ràng buộc vì các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Ông cho rằng với việc tấn công bà Aung San Suu Kyi và những người ủng hộ bà, các tướng lĩnh Miến Điện đã dứt khoát vứt bỏ cố gắng của thế giới bên ngoài muốn đưa họ trở lại với cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ kết thúc bài báo bằng lời lẽ mạnh mẽ rằng “phải làm cho những tên côn đồ đang lãnh đạo Miến Điện hiểu rằng khi chúng không chịu phục hồi dân chủ thì hành động đó chỉ đem lại ngày càng nhiều sức ép và áp lực chống lại chúng và những kẻ theo đuôi”. (bbc)