RANGOON - Đặc sứ của tổng thư ký Liên hiệp quốc ông Ismail Razali phát biểu sau năm ngày viếng Rangoon cho biết Aung San Suu Kyi vẫn khỏe và vững tinh thần.

Các tướng lãnh Miến Điện chờ đến phút chót mới cho đặc sứ LHQ gặp bà Suu Kyi. Nếu không gặp được thì nổ lực trung gian hòa giải ông Razali khởi đầu cách đây ba năm đã xem như chấm dứt.

Không một ai ngoài các quân nhân được gặp bà Suu Kyi kể từ khi bà và những người ủng hộ bị tấn công cách đây 11 hôm.

Chính quyền đổ lỗi cho bà và Liên minh dân tộc vì dân chủ và ra lệnh đóng cửa nhiều văn phòng và bắt giam nhiều nhân vật lãnh đạo của đảng đối lập này.

Các nguồn tin ngoại giao nói vụ xô xát xảy ra ở miền Bắc Miến Điện do chính quyền đạo diễn và có đến khoảng 70 người bị thiệt mạng.

Sau khi gặp bà Suu Kyi trước khi rời Rangoon ông Razali cho các phóng viên biết ông không nhìn thấy dấu vết thương tích gì, "mặt không hề bị trầy xướt, tay không gãy".

Ông nói bà Suu Kyi có kể lại những gì đã xảy ra, nhưng ông không cho biết chi tiết.

Không có tin gì về số phận của phó chủ tịch đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ, U Tin Oo, người có tin đồn là đã bị thiệt mạng trong vụ xô xát. Chính quyền kịch liệt bác bỏ chuyện này.

Trung Quốc làm trung gian hòa giải?

Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã đưa ra những lời buộc tội như thông thường vào tuần trước và còn đe dọa tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế nữa. Tuy nhiên, còn chưa rõ là điều này có thể làm thay đổi tình hình không.

Những người hoài nghi thì cho rằng những năm các nước phương Tây đối thoại ngoại giao cứng rắn và trừng phạt kinh tế đã không có tác động thật sự gì đối với Ragoon.

Tuy nhiên, Trung Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Miến Điện và là nguồn lực hỗ trợ kinh tế chính có thể gây ảnh hưởng thật sự.

Liệu các nước có thể thuyết phục Trung Quốc làm trung gian giữa Miến Điện và phương Tây? Nhiều người lấy ví dụ về những can thiệp tích cực của Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn.

Trong cuộc khủng hoảng gần đây, Bắc Kinh đã đóng một vai trò hữu ích. Nhưng cũng phải kể đến việc Trung Quốc có rất nhiều lợi ích khi can thiệp do bắt nguồn từ những quan ngại về đe dọa hạt nhân trong khu vực.

Bắc Kinh cũng lo ngại rằng nếu Bắc Hàn sụp đổ, làn sóng người tị nạn sẽ tràn vào Trung Quốc và nước láng giềng Bắc Hàn lúc đó sẽ trở nên thân Mỹ hơn.

Tuy nhiên, Miến Điện cũng có một vài điều hấp dẫn Trung Quốc. Liên minh với Miến Điện có lợi cho Trung Quốc. Miến Điện vừa là vùng đệm chính trị, vừa là đối tác thương mại.

Bắc Kinh hoàn toàn ý thức về điều này. Miến Điện không phải là ưu tiên hàng đầu đối với các nước phương Tây tại thời điểm hiện nay.

Một cuộc xung đột ở Miến Điện khó có thể đe dọa an ninh của toàn khu vực. Mặt khác, chính quyền Trung Quốc sẽ không muốn ra dấu hiệu nào trước các nước láng giềng là Trung Quốc sẵn sàng can thiệp vào chính sự các nước này để đáp lại áp lực từ Washington. (bbc)