RANGOON - Hoa Kỳ nói vụ xô xát với những người ủng hộ Aung San Suu Kyi là do đám côn đồ được chính quyền hậu thuẫ̉n thực hiện.

Bộ Ngoại giao cho biết các quan chức của tòa đại sứ Mỹ tại Rangoon đã đến xem hiện trường và tìm thấy bằng chứng là vụ xô xát đã được sắp đặt trước.

"Những gì còn rơi vãi trên đường cho thấy đã có cuộc xô xát lớn có thể gây thương tích trầm trọng cho nhiều người", phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Philip Reecher cho biết.

Các nhân chứng ước đoán có hơn 60 người bị thiệt mạng khi hai nhóm đụng độ nhau ở miền Bắc Miến Điện.

Trong khi đó đặc sứ LHQ Razali Ismail cho đài BBC biết ông sẽ đi Rangoon như dự trù và sẽ yêu cầu chính quyền quân nhân trả tự do cho Aung San Suu Kyi.

Ông Ismail nói hồi bà Suu Kyi còn bị quản thúc ông vẫn được gặp bà thì không lý gì bây giờ lại không được.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra bên ngoài các đại sứ quán của Miến Điện ở Úc, Nhật và Thái lan để phản đối việc giam giữ lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi.

Tin về việc giam giữ bà Suu Kyi đang được chú ý rất cao trong vùng.

Đài truyền hình Thái lan đã đưa tin mô tả một số chi tiết những sự việc diễn ra trong vòng cuối tuần qua ở miền Bắc Miến điện theo sau những vụ đụng độ giữa các ủng hộ viên của bà Suu Kyi và phe ủng hộ chính phủ quân nhân.

Nhưng ngay tại Miến điện thì người dân lại chẳng hề biết chuyện gì đang xảy ra cả. Dân chúng ở Rangoon cho biết là ở đây không khí lo sợ lại bao trùm khắp nơi.

"Chúng tôi chẳng biết gì hết, chẳng có thông tin gì cả. Chỉ có rất nhiều đồn đại. Mà trong bối cảnh bất an hiện nay, với những vụ bắt bớ như hiện nay thì mọi người ai cũng cảm thấy lo lắng, và sợ sệt”, một người dân cho biết.

Nhưng chính quyền quân nhân nói rằng họ đang giữ bà Suu Kyi để bảo vệ an toàn cho bà và rằng sức khỏe của bà vẫn tốt. Tuy vậy nhiều tin tức cho hay bà đã bị thương trong khi xảy ra các vụ đụng độ và nhiều ủng hộ viên của bà đã bị giết.

Sunai Pasuk là nhân viên của tổ chức nhân quyền Diễn đàn Á châu cho biết, đoàn xe chở bà Ang san Suu Kyi và các thành viên cao cấp của Liên minh dân tộc vì dân chủ Miến điện đã bị phục kích.

"Vì thế bà Suu Kyi đã bị chấn thương ở đầu, tuy nhiên mức độ bị thương đến đâu thì vẫn chưa có nhà quan sát độc lập nào chứng kiến được."

"Các thành viên khác cũng bị chính phủ quân nhân Miến bắt giam và từ hôm đó đến nay thì các trụ sở của liên minh đã bị đóng cửa vô thời hạn cùng với các trường phổ thông và đại học”.

Chưa có ai ngoài giới quân nhân Miến được gặp bà Suu Kyi mặc cho các giới chức của LHQ, Hồng thập tự và các nhà ngoại giao nước ngoài tha hồ tìm đủ mọi cách xin gặp

Lãnh tụ khắp các nơi trên thế giới và cả LHQ đã lên tiếng phản đối vụ giam giữ bà. Riêng khối ASEAN trong đó có Miến Điện là thành viên lại tỏ ra dè dặt hơn trong đánh giá của mình.

Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong họ vẫn thường xuyên liên lạc với những người bạn Miến Điện nhưng cũng chẳng biết rõ chuyện gì đã xảy ra tại đó trong những ngày qua.

"Thành ra một lần nữa chúng tôi sẽ xem xét việc này và tìm biện pháp giải quyết tình huống để tái tạo niềm tin. Nhưng ASEAN không thể can thiệp vào công việc nội bộ của một nước thành viên."

Cho đến nay thì chính phủ quân nhân Miến chưa hề công bố nơi họ đang giam giữ bà Suu Kyi cũng như bao giờ bà sẽ được trả tự do.

Trong khi đó thì các trường phổ thông lẫn đại học đều phi tiếp tục đóng cửa vì chính phủ xem đây là những địa điểm nguy hiểm chứa nhiều thành phần cấp tiến.

Các lãnh tụ cao cấp khác trong đảng dân chủ đối lập của bà Suu Kyi cũng đã bị giam. Mọi hy vọng vừa lóe lên năm ngoái sau khi chính phủ ngưng quản thúc bà Suu Kyi bây giờ xem ra đã tan thành mây khói.(bbc)